“Dư chấn” trong quan hệ Mỹ-Nhật Bản

“Dư chấn” trong quan hệ Mỹ-Nhật Bản

Trong những ngày gần đây, quan hệ đồng minh Nhật Bản và Mỹ trở nên khó khăn hơn khi hai bên còn nhiều khác biệt chưa thể giải quyết.

Thứ nhất là vụ căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở Okinawa. Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama ngay sau khi nhậm chức đã tuyên bố sẽ xem xét di chuyển căn cứ này, có thể ra khỏi Okinawa.

Thứ hai, Nhật Bản ngừng tham gia chiến dịch tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương phục vụ cho cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan.

Thứ ba, Nhật Bản đang điều tra vụ các chính phủ tiền nhiệm đã bí mật ký kết các thỏa thuận cho phép Mỹ đưa vũ khí hạt nhân tới đảo quốc này.

Trong khi quan hệ Mỹ-Nhật trúc trắc thì quan hệ giữa Mỹ với nước láng giềng khu vực của Nhật Bản là Trung Quốc cũng nảy sinh căng thẳng mới sau khi Trung Quốc lên án Mỹ bán hơn 200 tên lửa trị giá gần 1 tỷ USD cho lãnh thổ Đài Loan và sau đó Bắc Kinh đã tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa đánh chặn.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang có phần ấm lên. Người ta nhắc lại, trong lễ nhậm chức, Thủ tướng Hatoyama từng cam kết đưa quan hệ với Trung Quốc sang trang mới. Báo chí Nhật Bản và Pháp cho biết Thủ tướng Nhật Bản nhiều khả năng sẽ viếng thăm Nam Kinh vào tháng 6, nhân dịp ông tham dự Hội chợ Expo tại Thượng Hải. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ thăm Hiroshima. Tuy nhiên cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không xác nhận nguồn tin này.

Những thông tin về một mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nhật Bản và Trung Quốc được đưa ra trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới châu Á-Thái Bình Dương (đã hoãn) hẳn sẽ khiến Washington lo ngại. Chính điều này đã khiến Bộ Ngoại giao Nhật Bản lên tiếng trấn an.

Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada phát biểu với Reuters rằng “Trung Quốc có nền kinh tế đặc biệt quan trọng đối với cả Nhật Bản và Mỹ nhưng có một hệ thống chính trị khác vì vậy Nhật Bản và Trung Quốc về cơ bản không thể là đồng minh”. Ông Okada đưa ra phát biểu này sau cuộc đàm phán tại Hawaii với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Giải thích về những khó khăn trong quan hệ với Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Clinton cho rằng đó là tác động của sự kiện chấn động: đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản rời chính trường sau 50 năm cầm quyền. Quan hệ Nhật Bản và Mỹ tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi “dư chấn”.

Báo chí Mỹ cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đang tìm cách giữ cân bằng giữa hai lực lượng ủng hộ và phản đối quan hệ đồng minh với Mỹ. Nội các của ông sẽ quyết định vấn đề căn cứ Futema vào tháng 5. Có thể tỷ lệ ủng hộ của dân chúng vào lúc đó đối với chính phủ sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc định hình cho một chính sách đối ngoại rõ ràng hơn.

Một số chuyên gia châu Á cho rằng Mỹ hiểu rõ rằng bất kỳ các sức ép nào với Nhật Bản vào lúc này sẽ đặc biệt nguy hiểm có thể dẫn đến kết quả trái với mong muốn. Patrick Cronin, Giám đốc kỳ cựu Chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nói: “Chúng ta cần phải linh hoạt lúc này, vì chính phủ mới tại Nhật Bản đơn giản chưa đứng vững”.

(SGGP)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top