Ba tháng hơn ba mươi vụ đình công

Ba tháng hơn ba mươi vụ đình công

14 Tháng 4 2007 - Cập nhật 11h13 GMT
Báo chí Việt Nam loan tin trong ba tháng đầu năm nay cả nước xảy ra 35 vụ đình công.
Đồng Nai và Bình Dương là hai tỉnh dẫn đầu cả nước về số vụ đình công.

Đình công tại hai tỉnh này xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài. Phía Việt Nam nói đến nguyên nhân của đình công là do chủ trả lương thấp, nợ lương, chậm trả lương, chủ đặt định mức làm việc cao. Hoặc tăng ca quá nhiều.
Vụ mới nhất là 700 công nhân ở công ty Quinmax, vốn của Đài Loan, tại Huế, đình công. Đứng đầu yêu sách của công nhân là họ nhận tiền lương quá thấp.
Viện theo quy định của nhà nước liên quan đến mức lương thấp nhất dành cho công ty liên doanh nước ngoài, chủ Đài Loan trả công nhân dây chuyền trung bình 760,000 đồng một tháng.
Công nhân càng trở nên bất bình khi phía Đài Loan quyết định chỉ tăng lương cho chủ dây chuyền và chủ ca.
Những than phiền khác của công nhân tại Quinmax là họ không được hưởng bảo hiểm y tế, hay bị phạt tiền vô tội vạ.
Đi vệ sinh, trao đổi công việc trong giờ làm, hay thậm chí ‘ngáp’ cũng bị phạt tiền. Và do bị trừ nhiều như vậy nhiều người đã mất hết tháng lương thứ 13.
Trói người
Báo Việt Nam loan tin hai nữ công nhân người Việt tại công ty Canon, 100% vốn của Nhật, tại khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội, đã bị chính người trưởng dây chuyền, không ai khác hơn là người Việt, trói chân vào bàn làm việc.
Hai công nhân này xin nghỉ việc vì lý do riêng, và nhờ bạn đứng hộ máy. Khi ra cổng họ bị bảo vệ giữ lại. Sau đó màn trói chân xảy ra. Nhờ các công nhân khác xô đến ứng cứu, họ được đưa lên văn phòng công ty giải quyết.
"Công đoàn và chính quyền chưa có thái độ thông cảm với người lao động đình công, vị sợ chủ nước ngoài phật ý bỏ đi"
Nhà phân tích từ Hà Nội
Một ngày sau công ty Canon đã xin lỗi nạn nhân và bồi thường cho mỗi cô 500.000 đồng. Trưởng dây chuyền người Việt đang bị Canon cho tạm nghỉ việc.
Công đoàn ở đâu
Qua các cuộc đình công tại các công ty có vốn nước ngoài, lại một lần nữa người ta thấy phản ứng của công đoàn tại cơ sở, hay ở cấp cao hơn, là quá yếu.
Do nhiều lý do, các công ty có vốn nước ngoài không có tổ chức công đoàn. Đình công của công nhân mang tính tự phát. Đại diện công đoàn của tỉnh, nơi có xí nghiệp đầu tư nước ngoài, thường hiện diện tại các cuộc tranh chấp, hay hòa giải về sau, nhưng không tỏ rõ lập trường ủng hộ bên nào.
Các chuyên gia nước ngoài nói đến hội chứng 'cần đầu tư nước ngoài bằng mọi giá' tại các tỉnh, thành ở Việt Nam. Vì cần quá cho nên không dám tỏ thái độ kiên quyết sợ chủ nước ngoài phật ý. Phía chính quyền có rất ít người xuất hiện ủng hộ công khai công nhân đình công.
Một nhà phân tích từ Hà Nội nói: "Công đoàn Việt Nam, hay cao hơn là chính phủ trong nước, đang bị kẹt giữa hai thái cực."
"Ủng hộ những người công nhân khốn khó ư? Không dễ vì chính quyền sợ nó sẽ dẫn đến một phong trào chính trị đe dọa đến vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng."
Cho nên trong nhiều trường hợp đại diện công đoàn lo về khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ thường đóng vai ‘nghị gật’, nhà phân tích nói.
"Chống lại công nhân đình công vì nó gây ảnh hưởng xấu cho môi trường đầu tư tại Việt Nam ư? Hành động này cũng khó thực hiện vì có thể làm cho công nhân xa lánh công đoàn và mất đi sự ủng hộ từ cơ sở."
Nhà phân tích này kết luận “Quý vị sẽ thấy tiếng nói chung của công đoàn Việt Nam đưa ra là kêu gọi hai phía, công nhân, và ông chủ, hòa giải. Các từ như ‘bảo vệ quyền lợi của người lao động’ hay ‘hậu thuẫn công nhân’ chưa xảy ra vào thời điểm này tại Việt Nam, đơn giản vì lợi ích của công đoàn song trùng với lợi ích của Đảng cầm quyền.”

Theo BBC
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top