“Bệnh dịch” tự sát bằng chất tẩy rửa ở Nhật

“Bệnh dịch” tự sát bằng chất tẩy rửa ở Nhật

Giới chức Nhật hiện đang phải đau đầu đối phó với một trào lưu tự sát mới ở những người tuyệt vọng. Đó là nạn tự sát bằng chất tẩy rửa, không những gây hại cho chính người muốn tự sát mà còn cho cả những người xung quanh, những người đến cứu họ.


“Bệnh dịch” tự sát đang trở nên nghiêm trọng trong vòng một năm qua. Những người có ý định tự sát đã giới thiệu thiệu cho nhau cách thức mới: đó là trộn các chất tẩy rửa có thể mua ở bất cứ cửa hàng nào với những chất hóa học để tạo ra khí sunfua hidro độc hại. Chất này không những giết chết người chủ ý mà đôi khi cả những người xung quanh và những ai đến cứu.



Cơ quan quản lý thảm họa và hỏa hoạn của Nhật cho biết trong vòng vài tháng qua, có tổng cộng 145 trường hợp tự sát, khiến 136 người chết và 188 người khác bị thương. Ông Kato, giám đốc Trung tâm ngăn chặn nạn tự sát, cho biết năm ngoái đã có nhiều người gọi điện thoại đến Trung tâm nói về phương pháp tạo khí độc này.



“Đây là cách tự sát hoàn toàn mới, và có vẻ như mọi người đã học cách tạo khí độc qua mạng”, ông Kato nhận định. “Điều đáng sợ về kiểu tự sát này là khói khí độc có thể dễ dàng giết chết cả những người đi ngang qua và những ai đến cứu”.



Bằng chứng là đầu tháng này ở miền bắc Nhật Bản khoảng 350 người đã phải đi lánh nạn ở một sân trường khi một thanh niên 24 tuổi pha chế chất độc trong nhà mình để tự sát. Người thanh niên đó chết và mẹ của anh ta, vì cố gắng giúp con trai, cũng đã hít phải khí độc và bị bất tỉnh.



Tháng trước, khách sạn Peninsula Tokyo cũng phải sơ tán toàn bộ khách khứa ở một vài tầng khi một trong những vị khách của họ định tự sát bằng cách tạo khí sunfua hidro trong phòng mình.



Lính cứu hỏa đến cứu người đàn ông này đã phát hiện thấy một số chai nước tẩy rửa cùng hóa chất. Tất cả đều có thể mua ở bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào. Người đàn ông cũng để lại một mẩu giấy trên ghế trong phòng cảnh báo về khí độc.


Cuộc chiến cứu công dân của chính phủ Nhật



Nhật là một trong những nước có tỷ lệ người tự sát cao nhất thế giới. Số các vụ tự sát đã đạt đến 30.000 vào năm 1998, và không giảm trong suốt 9 năm tiếp theo. Chính phủ Nhật đã đưa vấn đề tự sát trở thành vấn đề quan tâm cấp quốc gia.



Theo một cuộc điều tra của Văn phòng chính phủ Nhật gần đây, 1 trong 5 người trưởng thành ở Nhật đã nghĩ đến chuyện tự sát. Năm ngoái, lần đầu tiên chính phủ đã cho xuất bản “giấy trắng” về các biện pháp ngăn chặn tự sát và đặt mục tiêu sẽ cắt giảm số vụ tự sát tới 20% trong vòng 10 năm tới. Chính phủ cũng chi khoảng 220 triệu USD cho những chương trình ngăn chặn nạn tự sát, nhằm giúp đỡ những ai bị tuyệt vọng và những ai có vấn đề về tâm lý.



Ngoài ra Hiệp hội các cửa hàng bán thuốc Nhật Bản còn yêu cầu 190 thành viên của mình tự nguyện ngưng bán các chất thẩy rửa và hóa chất có thể dùng để tự sát. Cơ quan cảnh sát Nhật đã liệt các trang web dạy cách trộn các hóa chất là nguồn “thông tin gây hại”, và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải xóa chúng đi hoặc xóa các phần có chứa thông tin như vậy.



Được biết rất nhiều người đã lấy thông tin hướng dẫn cách chết bằng khí độc qua internet. Hơn 50 trang web có chứa các hướng dẫn cách tạo loại khí độc này.



Tuy nhiên, theo giáo sư tâm lý Mafumi Usui tại trường đại học Niigata Seiryo: “Xóa các trang web hoặc thông tin trên internet không phải là giải pháp lâu dài. Chính phủ có thể cấm từ “tự sát” trên internet, nhưng mọi người sẽ tìm ra cách dùng từ đó, có thể là bằng một từ thay thế khác, cũng có nghĩa là tự sát”.



Usui, một nhà nghiên cứu về nạn tự sát ở Nhật, cho biết giới trẻ có vẻ như hay dùng phương pháp khí độc bởi muốn “một cách chết dễ dàng và ít đau đớn”. Tuy nhiên, Usui gọi đó là một quan niệm sai lầm. “Có thể là dễ trộn các hóa chất, nhưng bạn không hề chết một cách dễ dàng. Không có cách chết nào dễ dàng cả”, ông nói.



Theo Usui, nhiều người tự sát không đơn thuần là tìm kiếm đến cái chết mà tìm kiếm giải thoát cho vấn đề của họ. “Có thể đó là bị ức hiếp, cô đơn, và có thể đơn giản là không tìm thấy mục đích trong cuộc sống”, Usui nói. “Điều đó không có nghĩa là họ muốn chết nhưng họ chọn cái chết, bởi họ không tìm được giải pháp cho vấn đề của mình”.



Sống là một giải pháp



Trong khi các nhà chức trách đau đầu tìm cách làm giảm tỷ lệ tự sát trong nước và cố gắng xóa sạch các thông tin hướng dẫn cách chết, thì có một người đàn ông đang cố gắng ngăn những người tự sát bằng cách khác. Đó là đưa ra những bí quyết sống.



“Khi bạn vào Google và đánh từ tự sát, nó sẽ cho ra tất cả những trang web và phòng chat chỉ cho bạn cách tự sát”, Ryuichi Okita chỉ tịch công ty Posi-media ở Tokyo cho biết. Công ty này chuyên giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có cả nạn tự sát. “Nhưng không ai chỉ cho bạn cách phải giải quyết các vấn đề cuộc sống như thế nào, để có thể cho bạn lựa chọn sống.”



Khi là ông chủ 31 tuổi của một công ty thiết kế, Okita cũng từng bị tuyệt vọng. “Tôi không muốn chết nhưng chắc chắn tôi muốn biến mất. Tôi muốn biến mất khỏi mọi thứ. Nhưng rất may tôi đã xoay xở được, tìm ra được giải pháp và biện pháp thay thế cái chết, như trở về quê nhà. Nếu bạn có thể tìm ra được một giải pháp, hoặc một biện pháp thay thế, bạn sẽ nhận ra cái chết không phải là cách giải thoát duy nhất”.



Dựa trên quan điểm trên, Okita đã tạo một trang web vào tháng 3/2007 có tên gọi Ikiteku (kỹ năng sống), chỉ cho mọi người biết kỹ năng tồn tại của những người từng có ý định tự tử. Trang web xây dựng các tài khoản cá nhân được chia làm 8 mảng như “ức hiếp”, “bạo lực”, “nợ nần”, và “ốm đau”. Trong những mảng này là những câu chuyện của những người đã trải qua khó khăn và cách giải quyết của họ.



Trang web cho đến nay đã có hơn 200 “tâm sự”. Ngoài ra, nó còn có những kỹ năng sống được chia làm 7 lĩnh vực như thay đổi hoàn cảnh, công việc, hoặc nơi ở và những biện pháp bảo vệ về mặt luật pháp đối với những ai đang nợ nần.



Okita biết rằng phương pháp của mình không phải là “thần dược” cho “bệnh dịch” tự tử. Okita biết, nó có thể có ích cho người này, nhưng đối với người khác lại không. “Hi vọng mọi người có thể chọn được giải pháp họ muốn, bằng cách chỉ ra càng nhiều ví dụ càng tốt,” Okita cho nói. Anh cũng thổ lộ mục tiêu của mình là cắt giảm số lượng các vụ tự sát xuống 25% trong vòng 18 tháng.



Hiện trang web của anh có hơn 100.000 người vào đọc mỗi ngày. Mặc dù Okita thấy con số này là “rất đáng khích lệ” nhưng anh cảm thấy công việc của mình vẫn chưa thể kết thúc.



“Nhiều người không biết là có cách lựa chọn khác ngoài cái chết. Nếu trang web của tôi có thể làm họ phải nghĩ ngợi một chút, thì cũng có thể làm hoãn lại hành động của họ trong một ngày. Bạn không biết một ngày đó có thể làm mọi chuyện khác đến mức nào đâu. Bởi người ta có thể có cái nhìn khác về cuộc sống vào sáng hôm sau khi thức dậy, có thể thay đổi từ muốn được chết sang muốn được sống”.

(Dân trí)
 

Đính kèm

  • nm_depression_080521_mn.jpg
    nm_depression_080521_mn.jpg
    29.8 KB · Lượt xem: 233

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top