Di dân lập quốc

Di dân lập quốc

Thế kỷ XXI đang chứng kiến cuộc cải cách mở cửa lần thứ hai của nước Nhật – lần này họ mở cửa để đón nhận hàng chục triệu dân nhập cư từ nước ngoài. Đây là một lựa chọn có tính tất yếu lịch sử
Ngày 20-6 vừa qua, hơn 80 nghị sĩ quốc hội thuộc Đảng Tự do Dân chủ (LDP, đảng cầm quyền) Nhật trình lên chính phủ đề án mở rộng diện nhận dân nhập cư từ nước ngoài, kiến nghị trước năm 2050 thực hiện tăng số người nước ngoài (NNN) định cư tại Nhật lên tới mức 10 triệu. Thủ tướng Fukuda rất tán thành bản kiến nghị này và nói sẽ tích cực đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi Nhật thành một “quốc gia của dân nhập cư”.

Nguy cơ mới

Siêu cường kinh tế số hai thế giới này đang đứng trước nguy cơ dân số giảm dần, xã hội ngày càng già hóa và thiếu lực lượng lao động.

Khi đại chiến II chấm dứt, Nhật có 80 triệu người, năm 2004 lên tới đỉnh cao 128 triệu, từ năm sau đã bắt đầu giảm. Theo tính toán, tới năm 2050 dân số sẽ chỉ còn dưới 90 triệu và năm 2100 còn 64 triệu người. Đó là do tỉ lệ sinh đẻ giảm mạnh trong nửa thế kỷ qua, thời gian 1950-1955 bằng 1,43%; 1990-1995 còn 0,31%, dù Nhà nước đã ra sức khuyến khích sinh đẻ, nhưng ngày càng có nhiều người lập gia đình muộn và thích sống độc thân. Tỉ lệ trẻ em thấp hiện tại sẽ là sự thiếu hụt lao động trong tương lai.
Một nguy cơ lớn khác là từ nửa cuối thập niên 1980, nước Nhật chuyển sang tình trạng xã hội già hóa. “Sách Trắng xã hội cao tuổi” cho biết: Đến ngày 1-10-2007, Nhật có 27,46 triệu người già trên 65 tuổi, chiếm 21,5% số dân cả nước. Năm 2050, tỉ lệ người già sẽ lên tới 40,5%. Nếu năm 1960 bình quân 11 người đi làm nuôi 1 người nghỉ hưu thì chỉ tiêu này năm 2005 là 3,3 người; đến năm 2050 chỉ còn 1,3 người.
Để giải quyết nạn số người ở độ tuổi lao động giảm dần, người Nhật phải lựa chọn giữa hai con đường: Một là, tăng hiệu suất lao động, tăng giờ làm và kéo dài tuổi nghỉ hưu của người lao động; hai là, nhập lao động nước ngoài.
Hiện nay số giờ lao động trung bình của người Nhật là 2.100 giờ/năm; so với người Đức 1.690 giờ và người Pháp là 1.650 giờ. Song họ không thể cứ mãi mãi làm việc cật lực như vậy. Quy luật chung là đời sống càng cao, người ta càng muốn nghỉ ngơi nhiều hơn. Kéo dài tuổi hưu trí cũng chỉ thêm được tối đa 5 năm và không thích hợp cho lao động nặng nhọc. Việc chế tạo người máy có giá thành quá cao và nhiều công việc không thể làm thay người. Rõ ràng, con đường thứ nhất là không hợp lý hợp tình.

Xã hội già hóa thiếu sức sống “không chỉ tác động tới nền kinh tế, công nghiệp hay xã hội, mà còn ảnh hưởng tới sự tồn tại của Nhật Bản với tư cách một quốc gia” – báo cáo năm 2006 của Hội đồng Chính sách sụt giảm tỉ lệ sinh của Nhật. Ngoài ra, chính sách an sinh xã hội sẽ khủng hoảng trầm trọng vì thiếu người chăm sóc hàng chục triệu cụ già.


Con đường duy nhất
Kết quả nghiên cứu nhiều năm của người Nhật cho thấy: Để đối phó với nguy cơ nói trên, Nhật Bản chỉ còn con đường duy nhất là tiếp nhận hàng chục triệu NNN tới định cư vĩnh viễn tại Nhật, biến nước này trở thành một “quốc gia quốc tế” được thế giới công nhận. Người Nhật gọi đó là chính sách “Di dân lập quốc”.
Muốn vậy phải mở cửa hơn nữa, nới rộng các điều lệ nhập cư. Điều này không dễ đối với nước Nhật, quốc gia chỉ có một dân tộc và nằm giữa biển, vốn không có nhiều dịp tiếp xúc với NNN và thực sự không ưa sự tiếp xúc đó. Một điều tra vào tháng 7-2007 cho thấy chỉ có 10% dân bản địa muốn tiếp xúc với NNN sống cùng địa phương. Tại vùng phụ cận Tokyo, nơi có nhiều người Brazil, Peru và Trung Quốc sống ở đây trung bình 7-8 năm, 76% người Nhật nói họ muốn càng ít tiếp xúc với NNN càng tốt.
Do thiếu lao động, từ thập niên 1980 Nhật buộc phải tiếp nhận lao động nước ngoài, chủ yếu là lao động có kỹ thuật. Năm 2005, ở Nhật có khoảng gần 2 triệu NNN không có quốc tịch Nhật nhưng có thị thực nhập cảnh (visa) từ 3 tháng trở lên, chiếm 1,6% số dân nước này. Tỉ lệ dân nhập cư như vậy là rất thấp so với 4% ở Anh (số liệu năm 2003); 5,5% ở Pháp (1999); 9,7% ở Đức (2002); 12,1% ở Mỹ (2001, kể cả bất hợp pháp) và 21,8% ở Úc (2001). Các doanh nghiệp lớn ở Nhật sớm nhận thức được nhu cầu nhận lao động nước ngoài. Báo cáo năm 2000 của Bộ Kinh tế và Xã hội Nhật nhận xét: Để có thể duy trì số lượng người trong độ tuổi lao động như mức năm 1995 (87,2 triệu), trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2050, Nhật cần có 33,5 triệu người nhập cư.
Tiếp nhận NNN không đơn thuần chỉ để bổ sung nguồn nhân công đang hao hụt mà còn để bù đắp sự giảm dân số và duy trì mức tiêu dùng trong nước. Nhật sẽ xóa bỏ giới hạn giữa lao động phổ thông với lao động kỹ thuật. Trước đây Nhật chỉ nhận lao động có kỹ thuật. Từ nay nước này sẽ xây dựng chính sách mới về tiếp nhận NNN, lập quy chế mới về đào tạo họ. Nhật sẽ dạy nghề cho người nhập cư nhằm đồng thời giải quyết nạn thiếu nhân công và nạn thiếu học sinh của các trường học. Sẽ mở các trung tâm văn hóa Nhật và trung tâm dạy tiếng Nhật trên khắp thế giới. Sẽ đơn giản hóa thủ tục xin học ở Nhật; hoan nghênh NNN biết tiếng Nhật tới Nhật sống lâu dài. Ngày 1-5-2008, Nhật tuyên bố bắt đầu “Chính sách 300.000 lưu học sinh nước ngoài.
NNN định cư vĩnh viễn tại Nhật khi sinh con thì đứa trẻ lập tức được cấp quốc tịch Nhật cho tới khi đủ 22 tuổi thì cho phép có hai quốc tịch; rút ngắn niên hạn tham gia chế độ dưỡng lão đối với NNN để khi về già họ có thể kịp thời nhận được lương hưu.
Giáo dục dân

Nước Nhật thiếu kinh nghiệm tiếp nhận người nhập cư, đa số dân lại có thói quen tránh tiếp xúc với NNN. Bởi vậy, cần phải giáo dục cho dân chúng Nhật nhận thức được việc tiếp nhận NNN là để giải cứu nguy cơ của chính nước mình; cần xây dựng một xã hội sống chung nhiều dân tộc, cần biết tôn trọng các dân tộc khác, sống hoàn toàn bình đẳng với họ, tôn trọng văn hóa của các cộng đồng thiểu số.

Gần đây, nhiều cơ quan truyền thông Nhật đã nhận thức được việc chuyển nước mình thành “quốc gia của dân nhập cư” là một tất yếu lịch sử và bắt đầu tuyên truyền cho “Phong trào giáo dục xây dựng quốc gia của dân nhập cư” do chính phủ phát động. Báo đài đang ra sức nêu cao nhận thức NNN “là vũ khí cuối cùng cứu vãn tình trạng thị trường tiêu dùng sút kém hiện nay”, dân nhập cư là nguồn cung cấp lao động cấp cao cho Nhật.

Nhiều báo đài cũng nhấn mạnh việc hạn chế nhập cư sẽ làm cho ngành y tế và chăm sóc người già ở Nhật bị phá sản vì không có người làm việc này. Báo Asahi Shimbun ngày 29-6 vừa rồi đăng nhiều kỳ đề tài “Đã tới lúc phải lựa chọn con đường mở cửa đất nước”. Bài đầu tiên là “Chuẩn bị tâm lý để đi tới một xã hội của người nhập cư”. Gần đây nhiều nghị sĩ đã chuyển sang ủng hộ chính sách “Quốc gia nhập cư”.

(NLĐ)
 

Đính kèm

  • 22-chot.jpg
    22-chot.jpg
    12 KB · Lượt xem: 218

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top