Kinh tế Nhật Bản đã “bão hòa” với tăng trưởng

-nbca-

dreamin' of ..
Các nhà kinh tế đã bỏ qua một nguyên nhân khiến Nhật Bản ngừng tăng trưởng: khi mà Cuộc Chiến tranh lạnh chấm dứt, lần đầu tiên kể từ những năm 1850, người Nhật không còn phải sợ hãi gì nữa.

Cuối cùng thì điều đó cũng đã xảy ra: Nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản. Chưa đầy 20 năm sau khi Đặng Tiểu Bình nói với người dân nước mình rằng “làm giàu là vinh quang”, và ba thập kỷ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu rụt rè mở cửa với thế giới, Trung Quốc đã vượt qua đối thủ của mình ở phía bên kia Biển Nhật Bản. Giờ đây Trung Quốc chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và trừ phi có điều gì đó phi thường xảy ra, thì họ sẽ “chắc chân” ở vị trí này cho đến khi trở thành “Số 1”, có thể là ngay trong năm 2030.

Và thế là hôm nay đánh dấu sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới, nhưng đây có lẽ cũng chẳng phải là một điều ngạc nhiên. Bởi lẽ kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng phi mã trong suốt ba thập niên qua, còn nền kinh tế Nhật Bản thì ì ạch kể từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước. Nhưng tôi vẫn còn nhớ khoảng thời gian mà bộ mặt của thế giới thay đổi hẳn, nhìn từ Tokyo. Sự thống trị thế giới khi đó luôn nằm trong tầm tay người Nhật. Hãng Sony với những chiếc máy nghe nhạc Walkman và máy thu hình Betamax VCRs, Honda tung ra dòng ô tô City cải tiến.

Robot hứa hẹn sẽ làm công việc rửa bát và lắp giường, công nhân sẽ biến mất khỏi các nhà máy bởi ngay cả một công nhân Nhật Bản cũng không thể cạnh tranh với một con robot. Toyota và các đối thủ nội địa của họ sản xuất ra những chiếc xe hơi không bao giờ bị hỏng, và các nhà sản xuất xe hơi khác trên thế giới chỉ biết theo sau “hít khói”. Brother giới thiệu chiếc máy xử lý văn bản xách tay đầu tiên với bộ nhớ khoảng 300 từ - còn ở phía bên kia biển Thái Bình Dương, người Mỹ vẫn đang run rẩy với làn sóng nhập cư của người Châu Á. Cuốn sách “Nhật Bản là số 1: Những bài học cho nước Mỹ” của tác giả Ezra F Vogel trở thành một cuốn sách best-seller.

Các kiến trúc sư tân tiến nhất của phương Tây đổ xô tới sân bay Narita để thiết kế các nhà hàng và khu mua sắm, để trang hoàng cho vùng đất đắt đỏ nhất thế giới. Các tính toán cho thấy căn hộ một phòng ở Shinjuku, Tokyo, còn đắt hơn cả ở bang Virginia, Mỹ. Nhưng sau đó người ta mới nhận ra rằng các kiến trúc sư đó chỉ là một triệu chứng của vấn đề: bất động sản của Nhật đã bị định giá cao một cách điên rồ, và khi bong bóng vỡ xì hơi thì nền kinh tế rơi xuống dốc. Tiếp sau đó là nhiều năm trì trệ. Nhưng ai đó có thể nói rằng, những điều đó cũng chưa hẳn đã tồi tệ.

so%20tang%20truong.jpg

Người Nhật đã đủ hiểu thế nào là tăng trưởng để "sợ" nó (Ảnh minh hoạ: philsbackupsite.wordpress.com)

Các nhà quan sát thường thích “doạ” chúng ta bằng câu: Hãy tưởng tượng xem thế giới sẽ ra sao – môi trường sẽ bị huỷ hoại như thế nào - nếu như người Trung Quốc và người Ấn Độ cũng giàu như người Mỹ. Chúng ta chẳng cần phải tưởng tượng. Chỉ cần nhìn vào Nhật Bản.

Bất kỳ vị khách nào lần đầu tiên đặt chân tới Tokyo đều có thể nhanh chóng nhận ra rằng nét khác biệt lớn nhất của Nhật Bản so với phương Tây chính là sự đông đúc. Đặc điểm này cũng chẳng thuộc về riêng nước Nhật: gần như toàn bộ Châu Á đều như vậy, từ Hàn Quốc cho tới đèo Khyber nối giữa Pakistan và Afghanistan. Gạo trồng nhiều hơn lúa mỳ.

Vào giữa thế kỷ 19, Nhật Bản tính toán rằng cách duy nhất để không đi theo vết xe đổ của Ấn Độ và Trung Quốc để rồi bị các nước Đế quốc nuốt chửng là công nghiệp hoá thật nhanh chóng. Và thế là nỗi sợ hãi đã tiếp thêm sức mạnh cho công cuộc công nghiệp hoá của người Nhật: hy vọng duy nhất để duy trì sự độc lập là phải chiến thắng phương Tây trên chính sân chơi công nghiệp hóa của họ…

Nhờ sự đoàn kết dân tộc, truyền thống tôn trọng kỷ cương và một thế hệ các nhà cải cách nhìn xa trông rộng, chỉ trong vòng nửa thế kỷ kể từ lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc tàu thuỷ hơi nước của người Mỹ nhả khói cập bến vào bờ biển nước mình, người Nhật đã gần như thắng Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật bằng những vũ khí hiện đại sản xuất trong nước.

Và sự bùng nổ năng lượng tiếp theo của Nhật cũng lấy động lực từ nỗi sợ hãi. Một lần tôi từng nói với một nhà quy hoạch thành công nhất của Tokyo rằng: “Các anh sống trong những ngôi nhà gỗ truyền thống, ngồi ăn trên sàn nhà, ngủ trên chiếu tatami: Nếu như đó là kiểu sống các anh ưa thích, thì tại sao các anh lại bao bọc thành phố bằng bê-tông?” Ông giải thích với tôi rằng gần như toàn bộ các thành phố của Nhật đều bị phá hủy bởi những trận ném bom trong Thế chiến thứ hai: thành phố được xây dựng bằng gỗ nên cháy rất dữ dội. Ông nói: “Chúng tôi phải đảm bảo rằng điều đó không bao giờ lặp lại nữa”.

40 năm tăng trưởng như vũ bão sau chiến tranh đã đưa nền kinh tế Nhật Bản lên ngang hàng với các kẻ thù trong thời chiến của họ - nhưng họ đã tàn phá môi trường theo một cách mới; sự tàn phá mà chúng ta đang thấy nhan nhản ở các thành phố trên khắp Châu Á ngày nay. Những thành phố rộng lớn biến mất mãi mãi. Mật độ dân số dày đặc đồng nghĩa với việc vùng nông thôn cũng luôn đông đúc, và với quá trình công nghiệp hóa, các ngôi làng và cánh đồng biến thành những khu nhà cao tầng với nhà máy, cao ốc và cửa hàng ăn nhanh chỉ trong nháy mắt.

Có nhiều nguyên nhân khiến Nhật Bản ngừng tăng trưởng. Một số nguyên nhân rõ ràng nhất là do dân số già, tỷ lệ sinh ngày càng suy giảm và việc không chấp nhận hàng triệu người dân nhập cư. Nhưng một lý do mà các nhà kinh tế học thường bỏ sót chính là: Khi Cuộc Chiến tranh lạnh kết thúc, nước Nhật nhìn thấy điều đó, và lần đầu tiên kể từ những năm 1850, người Nhật không còn phải sợ hãi gì nữa.

Người Nhật chưa bao giờ bị tiêu dùng “cám dỗ”. Họ đã rất vui mừng khi tự kéo mình ra khỏi thời kỳ chiến tranh đen tối cùng cực sau năm 1945, nhưng việc theo đuổi hạnh phúc theo phong cách Mỹ chưa từng có nhiều ý nghĩa với người Nhật. Nhà cửa của họ vẫn vô cùng đơn giản xuềnh xoàng. Người Nhật biết rằng các thành phố của họ càng phát triển thì thời gian đi trên tàu điện ngầm tới công sở sẽ ngày càng dài hơn, bầu không khí sẽ ngày càng tệ đi, và các vấn đề về chất lượng nước, mưa axit, chất thải sẽ ngày càng nhiều thêm: Quy luật lợi ích giảm dần đang gây đau đầu cho tất cả các xã hội đông đúc và công nghiệp hóa nhanh chóng ở Châu Á đã đến với nước Nhật trong nhiều thập kỉ. Và bởi vì Nhật Bản vẫn là một xã hội rất quân bình, nên mọi người đều chia sẻ khó khăn.

Thế thì chúng ta nên quan niệm rằng trên thực tế, 20 năm trì trệ của Nhật Bản không phải là một thất bại buồn thảm giống như các cây bút kinh tế vẫn mô tả, mà là một sự lựa chọn phần nào có chủ ý của người Nhật – một sự công nhận các giới hạn tăng trưởng. Và chúng ta hãy cùng hy vọng rằng, cũng giống như nước Nhật công nghiệp hóa từng là một nguồn cảm hứng cho phần còn lại của Châu Á 100 năm trước, một nước Nhật đang phi công nghiệp hóa chính họ cũng có thể sẽ lại làm như vậy ngày hôm nay. Bởi vì đó là một trong những hy vọng ít ỏi mà chúng ta có được.

Minh Châu dịch từ The Independent

(Theo vnr500.vietnamnet.vn)
 
Top