Lạm phát cả năm có thể lên tới 15%

Lạm phát cả năm có thể lên tới 15%

Giới chuyên gia nhận định, với đà hiện nay, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm vượt con số 12,63% của năm 2007 sẽ không xa vời. Họ cũng cho rằng, kiểm soát và giám sát tiền tệ là điểm quan trọng nhất để giữ lạm phát. Lạm phát cao nhất trong vòng 13 năm
Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ phó Thương mại, Dịch vụ và Giá cả, thuộc Tổng cục thống kê, cho hay, việc giá cả tăng với tốc độ như hiện nay không nằm ngoài dự đoán của những nhà chuyên môn. Từ chối đưa ra dự báo về tỷ lệ lạm phát cả năm, song theo ông Thắng, CPI năm nay có thể sẽ nhỉnh hơn năm 2007. Trong năm trước, con số này là 12,63%.
Vị chuyên gia về thống kê này nhận định, CPI tháng 4 sẽ chỉ thấp hơn tháng 3 chút ít, vì những hiệu ứng của việc tăng giá xăng dầu cuối tháng 2 vừa qua đến nay vẫn chưa thể hiện hết.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm tăng 9,19%, là quý có mức tăng cao nhất tính từ năm 1995 trở lại đây, và đã vượt xa chỉ tiêu của cả năm. Theo kế hoạch tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2008, Việt Nam đặt mục tiêu tăng GDP 8,5-9% và giữ CPI thấp hơn mức này.
Tác động của lạm phát đang hiện rõ trong đời sống của từng người dân. Ảnh: Hoàng Hà.
TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng, với mức tăng giá tiêu dùng trên 9% trong 3 tháng, CPI cả năm có thể chạm mức 15%. "Tình hình đến nay không còn lạc quan như kỳ vọng lúc trước nữa", ông Phong nói. Theo ông, độ trễ của các chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát quá dài.
Hiện Việt Nam cùng lúc đối mặt với 4 dạng lạm phát, gồm lạm phát tiền tệ do cung tiền trong lưu thông lớn; lạm phát cầu kéo do cung hàng hóa giảm sút; lạm phát chi phí đẩy do các sản phẩm đầu vào như xăng dầu, sắt thép, thiết bị tăng giá; và lạm phát ngoại nhập, do giá các sản phầm trên thị trường thế giới tăng. Ngoài ra, còn có yếu tố tâm lý "té nước theo mưa" nâng giá trong bối cảnh lạm phát.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, lạm phát tiền tệ cần được coi là nhân tố trọng tâm trong việc kiểm soát tăng giá tiêu dùng. Theo ông, các biện pháp nới lỏng tín dụng vừa được các ngân hàng thống nhất có thể sẽ góp phần đẩy lạm phát lên tiếp.
"Nới lỏng tín dụng lúc này có vẻ như thiếu nhận định thực về tình hình lạm phát", ông Phong nói. Mới đây các thành viên trong Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã đạt được thỏa thuận đưa lãi suất trần huy động tiền đồng và đôla lần lượt xuống 11% và 6%.
Trao đổi với báo giới bên lề cuộc tọa đàm về lạm phát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hôm qua, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng, cần tăng giám sát hệ thống tài chính.
"Giám sát tài chính năm vừa qua không tốt, để xảy ra những sai lệch về tài sản của một số ngân hàng và dẫn đến tình huống khó lường về tính thanh khoản của các nhà băng. Đây là một điều rất nguy hiểm cho hệ thống kinh tế", ông Thành nói.
Về trước mắt, theo chuyên gia này, vẫn cần kết hợp nhiều công cụ một lúc, dù các biện pháp có thể có những hiệu ứng không mong muốn. Đồng thời, cần có những chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp.
Mặt khác, theo ông Thành, chính trong những lúc "bối rối" vì nền kinh tế đối mặt với nhiều vấn đề, càng cần làm tốt các biện pháp ổn định kinh tế dài hạn. Theo đó, cần xây dựng tốt các nền tảng cho phát triển kinh tế như thị trường tài chính, nhân lực và hoàn thiện luật.

(theo VnExpress)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top