Nhiệm vụ khó khăn của tân nội các Nhật Bản

Nhiệm vụ khó khăn của tân nội các Nhật Bản

Trong một nỗ lực muốn truyền sức sống mới cho chính phủ sau cuộc cải tổ nội các, ngày 2/8, Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda cam kết chống giá cả tăng cao và tăng cường hợp tác với các nước châu Á.


Thủ tướng Fukuda đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của nội các mới sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức tại Hoàng cung. Trong một tuyên bố, ông Fukuda cam kết sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ những người bị tác động nghiêm trọng bởi giá nhiên liệu tăng bất thường, đồng thời quản lý kinh tế một cách linh hoạt bằng cách giám sát chặt chẽ giá hàng hóa. Ông cũng cam kết thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản vốn bị đình trệ trong một nỗ lực cuối cùng nhằm giành lại sự ủng hộ của dân chúng.



Các nhật báo tại Nhật Bản ngày 2/8 đã kêu gọi Thủ tướng Fukuda tiến hành cải cách và giải quyết giá cả tăng cao. Tờ Yomiuri cho biết nền kinh tế Nhật Bản đang "trên bờ suy thoái" do giá dầu mỏ và lương thực tăng cao. Chính phủ Nhật Bản phải tiến hành cải cách mạnh mẽ và ngay lập tức hệ thống tài chính nhà nước và an sinh xã hội. Tờ Asahi cho rằng nếu ông Fukuda "chần chừ" trong việc tiến hành cải cách quỹ lương hưu và giảm nợ nhà nước, thì "ông sẽ không bao giờ được cử tri tín nhiệm nữa".



Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Fukuda đã giảm kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9 năm ngoái do bị dân chúng chỉ trích là thiếu quyết tâm chống lạm phát, nhất là từ những người già hiện chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong dân số Nhật Bản. Theo kết quả thăm dò dư luận trong tháng 7 do hãng tin Kyodo công bố ngày 1 và 2/8, tỉ lệ ủng hộ chính phủ Nhật Bản chỉ tăng nhẹ từ 26,8% lên 31,5% sau cuộc cải tổ nội các.



Trong thành phần của tân Nội các Nhật Bản, người ta thấy các nhân vật chủ trương cải tổ mạnh mẽ đã được giao đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu về kinh tế như việc ông Kaoru Yosano được bổ nhiệm làm Bộ trưởng đặc trách Chính sách Kinh tế và Ngân sách, một chức vụ rất quan trọng mà ông từng nắm giữ dưới thời cựu Thủ tướng Koizumi. Ông Toshiro Nikai một lần nữa được giữ chức Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, còn cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Koizumi là ông Sadakazu Tanigaki thì đảm nhận chức Bộ trưởng Giao thông, Quy hoạch lãnh thổ và Du lịch. Điều này cho thấy ông Fukuda muốn thúc đẩy những cải tổ cơ cấu cần thiết nhằm giảm bớt khoản nợ nhà nước khổng lồ và nhằm vực dậy nền kinh tế.



Nhiệm vụ gay go nhất của mà tân nội các của ông Fukuda phải giải quyết món nợ nhà nước hiện bằng 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2007. Món nợ khổng lồ này là kết quả của những chính sách chấn hưng kinh tế mà các chính phủ liên tiếp ở Nhật đã thi hành nhằm đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong thập niên 1990. Nó cũng xuất phát từ việc trong nhiều năm qua, Tokyo đã dành những khoản kinh phí rất lớn chi cho các dự án cơ sở hạ tầng. Để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tân Bộ trưởng đặc trách Chính sách Kinh tế và Ngân sách Yosano chủ trương tăng thuế tiêu thụ của Nhật Bản - hiện ở mức thấp nhất trong số các nước công nghiệp hóa - lên 5%. Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng trong bối cảnh kinh tế trì trệ như hiện nay, biện pháp tăng thuế có thể sẽ không được giới đầu tư hoan nghênh.



Như vậy có thể nói, việc cải tổ nội các ngày 1/8 là ván bài cuối cùng để ông Fukuda bảo vệ chiếc ghế thủ tướng. Nhưng nếu chính phủ của ông không đạt được kết quả cụ thể trong những tháng tới, phe đối lập - hiện đang kiểm soát Thượng viện Nhật Bản - sẽ lại càng gia tăng áp lực để buộc ông giải tán quốc hội và bầu cử trước thời hạn.
(dantri)
 

Đính kèm

  • japan050808_1.jpg
    japan050808_1.jpg
    10.1 KB · Lượt xem: 244

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top