Yasukuni và nước Nhật

Yasukuni và nước Nhật

2472589337_1d425905e8_m.jpg
ĐềnYasukuni (靖国神社) là ngôi đền thuộc đạo Shinto (một tôn giáo chính tại Nhật) tại Tokyo, thờ những chiến binh và những người đã chiến đấu vì Thiên Hoàng của Nhật Bản. Tính đến tháng 10/2004, ngôi đền ghi tên của 2,466,532 người Nhật và một số người từ các thuộc địa của của Nhật, đã tử trận trong các cuộc chiến. Từ năm 1978, ngôi đền còn cho thêm danh sách 1,068 người bị liệt vào dạng tội phạm chiến tranh của Nhật, trong đó có 14 thuộc tội phạm chiến tranh loại A. Chính điều này cùng những chuyến thăm liên tục của các Thủ tướng Nhật, gồm cả Thủ tướng đương chức Koizumi đến Yasukuni đã và đang dấy lên sóng gió trong quan hệ ngoại giao giữa Nhật và những nước đã bị Nhật xâm chiếm trong Đại chiến thế giới thứ 2. Vậy Yasukuni có ý nghĩa tín ngưỡng và chính trị thế nào với người dân và các chính trị gia của Nhật?

Lịch sử

Đền Yasukuni được xây dựng từ tháng 6/1869 do Thiên hoàng Meiji yêu cầu, để thờ những nạn nhân trong cuộc chiến Boshin tại Nhật. Cùng thời gian này, hàng chục ngôi đền tương tự cũng đã được xây dựng khắp nơi trong nước Nhật. Ngôi đền đầu tiên mang tên Tokyo Shokonsha (東京招魂社), sau đó được đổi tên thành Yasukuni Jinja (tạm dịch: Đền thanh bình của đất nước) vào năm 1879, và sau đó đã trở thành ngôi đền quốc gia thờ những người chết trong các cuộc chiến của nước Nhật. Ngôi đền này đã được xây dựng theo mô hình đạo Shinto, được cho rằng nơi đây là nơi trú ngụ của những linh hồn người Nhật và những chiến binh nước ngoài (Hàn Quốc và Đài Loan), và những dân chúng đã chết trong những đợt xung đột của Nhật, tính đến tận khi Chiến tranh thế giới 2 kết thúc. Tuy nhiên, trong cuộc chiến Boshin và cuộc chiến Tây Nam, những người chết vì tướng quân Tokugawa (đặc biệt từ tỉnh Aizu) và từ tỉnh Satsuma, không được thờ trong đền, vì họ bị coi là kẻ thù của Thiên hoàng Nhật. Chính điều này đã khiến những người dân thuộc hai địa phương trên cực lực phản đối. Mặc dù tên của những người chết vẫn được hàng năm đưa thêm vào trong đền, nhưng những người chết sau Hiệp định Hòa bình San Francisco năm 1951 không được đưa vào đền nữa, kể cả những quân nhân phục vụ trong lực lượng Tự phòng vệ của Nhật chết khi đang làm nhiệm vụ. Nhiều gia đình Nhật không mặn mà với việc cho tên danh sách người thân của họ vào trong đền, và yêu cầu các giáo sĩ của Yasukuni bỏ tên. Tuy nhiên những giáo sĩ đã từ chối và cho rằng: "Khi những linh hồn đã được đưa vào trong đền, những linh hồn sẽ cư ngụ trong đó và không thể tách rời ra được nữa".

Sau khi Nhật bị đánh bại ở Đại chiến thế giới 2, chính quyền chiếm đóng Nhật lúc đó do Mỹ nắm quyền, đã yêu cầu (1) Yasukuni phải trở thành bộ phận thuộc chính phủ, nhưng không được liên quan đến tôn giáo, hoặc (2) vẫn là nơi thờ phượng, nhưng phải được độc lập từ chính phủ. Phía Nhật đã chọn phương án 2 này. Kể từ đó mọi đóng góp cho Yasukuni đều do phía các cá nhân đảm nhiệm.

Danh sách số người đang được thờ trong Yasukuni:

- Chiến tranh Boshin (nội chiến, 1867-1868): 7,751
- Chiến tranh Tây Nam (nội chiến, 1887): 6,951
- Cuộc chiến thám hiểm Đài Loan (những người dân gốc Đài Loan giết những người đánh cá Ryukyus, xung đột về lãnh hải với nhà Thanh, Trung Quốc): 1,130.
- Cuộc chiến Trung-Nhật đầu tiên (chiến tranh với nhà Thanh về vấn đề Triều Tiên, 1894-1895): 13,619.
- Cuộc chiến Nhật-Nga (xung đột về vấn đề Triều Tiên và Mãn Châu, 1904-1905): 88,429.
- Chiến tranh thế giới thứ 1(Xung đột với Đức về vấn đề Quan đông, Trung Quốc, 1914-1918): 4,850.
- Xung đột với Trung Quốc năm 1928: 185.
- Cuộc chiến xâm chiếm Mãn Châu, Trung Quốc (1931): 17,176.
- Chiến tranh Trung-Nhật lần 2 (xâm chiếm Trung Quốc từ 1937-1941): 191,243.
- Chiến tranh thế giới lần 2 (xâm chiếm các nước châu Á và xung đột với quân Đồng Minh): 2,133,885.

Ảnh hưởng chính trị từ Yasukuni


Ngôi đền Yasukuni qui định là thờ tất cả những người chiến đấu vì Thiên Hoàng Nhật, mà không hẳn chỉ là những người chết trong trận chiến. Cho đến nay, có khoảng 1000 cựu chiến binh đã bị xử là tội phạm chiến tranh trong Đại chiến thế giới 2 cũng được đưa vào trong Yasukuni. Ngôi đền này qui định rằng những người chết khi đang thi hành nhiệm vụ (kể cả chết do ốm đau, bệnh tật), do chính phủ Nhật thừa nhận. Chính phủ Nhật vì thế đã để danh sách những tội phạm chiến tranh loại A, B, C của Nhật được chết vì những lý do “phù hợp”, để gia đình họ có thể được hưởng tiền trợ cấp. Những điều này đã được quyết định vào những năm cuối thập kỷ 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Từ ngày 17/10/1978, 14 người thuộc tội phạm chiến tranh loại A (do Tòa Án Quân sự Quốc tế về Viễn Đông quyết định), gồm HidekiTojojjo (cựu thủ tướng Nhật thời đó), cũng được thờ "lặng lẽ" trong đền.

Danh sách những người này gồm:

- Những người bị treo cổ: Hideki Tojo, Itagaki Seishiro, Heitaro Kimura, Kenji Doihara, Iwane Matsui, Akira Muto, Koki Hirota. - Tù chung thân: Yoshijiro Umezu, Kuniaki Koiso, Kiichiro Hiranuma, Toshio Shiratori
- Tù 20 năm: Shigenori Togo
- Chết trước vì ốm đau bệnh tật trước khi tòa ra phán quyết: Osami Nagano, Yosuke Matsuoka.

Những thông tin về những tội phạm chiến tranh này được đưa vào trong đền, chính thức được loan báo vào ngày 19/4/1979. Sóng gió bắt đầu nổ ra từ năm 1985 cho đến ngày nay. Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Đài Loan, và những quốc gia khác đã bị Nhật xâm chiếm, cùng với một số người Nhật đã phản đối việc thờ phụng trên, đặc biệt là những chuyến đến Yasukuni của những chính trị gia Nhật Bản.

Nặng nề hơn nữa, là đền Yasukuni đã mở một viện bảo tàng về lịch sử Nhật Bản, tên là Yushukan (遊就館). Nơi đây trưng bày những điều mà bị nhiều nơi trong và ngoài Nhật phản đối. Chẳng hạn như có một phim video tài liệu cho rằng sự xâm chiếm của Nhật đến những nước Đông Á trong Đại chiến thế giới 2 là sự “bảo vệ khu vực này khỏi sự xâm chiếm của những thế lực phương Tây”. Phim video này không đề cập đến những sự kiện như vụ thảm sát Nam Kinh (Trung Quốc), và cho rằng Nhật cũng là một “nạn nhân của áp lực ngoại quốc, đặc biệt là áp lực phương Tây”.

Một tờ rơi phát cho khách đến thăm tại Yasukuni có ghi: “Chiến tranh là một thảm họa, nhưng đây là điều cần thiết để bảo vệ sự độc lập của Nhật và những nước châu Á láng giếng”. Ngoài ra, tờ rơi này còn cho rằng tòa án chiến tranh của quân Đồng Minh là: “đáng xấu hổ”, và những tội phạm chiến tranh Nhật đã bị: “đối xử tàn tệ và không công bằng”. Trang web bằng tiếng Anh của Yasukuni còn bảo vệ sự chiếm đóng của Nhật trong Chiến tranh thế giới lần 2 với các nước châu Á, cho rằng: “chiến tranh là điều đáng tiếc, nhưng là điều cần thiết để bảo vệ hòa bình và độc lập của Nhật và châu Á”.

Sau khi bị sự phản ứng mạnh từ những phương tiện đại chúng, Nhật Hoàng Hirohito đã không đến Yasukuni nữa, và Nhật Hoàng sau đó là Akihito cũng vậy. Tuy nhiên, tòa án hoàng cung vẫn gửi những sứ giả của họ đến đền. Những chính trị gia thuộc cánh tả vẫn thúc giục Nhật Hoàng tiếp tục đến Yasukuni.

Yasukuni chịu chi phối của hai yếu tố chính. Thứ nhất là thuyết của đạo Shinto Nhật cho rằng đây là nơi thờ những người chết vì Nhật Hoàng và coi họ là những linh hồn anh hùng. Thứ hai là ảnh hưởng của nhiều tổ chức ủng hộ sự tồn tại của Yasukuni, trong đó phải kể đến Izokukai ((遺族会- dịch theo chữ Hán: Di tộc Hội), là tổ chức lớn nhất đại diện cho những gia đình có người chết trong Đại chiến thế giới 2. Đối với những chính trị gia cánh tả, Yasukuni là nơi họ vẫn đến, nhưng họ không có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quyết định của các giáo sĩ tại Yasukuni. Izokukai trước đây có tên là Izoku Kosei Renmei (遺族厚生連盟- Liên minh phúc lợi cho những gia đình có người bị chết trong chiến tranh), được thành lập từ năm 1947, nhưng đổi tên thành Izokukai từ năm 1953. Chủ tịch của Liên minh này thường xuyên là những thành viên nằm trong chính phủ của đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền tại Nhật (LDP). Hiệp hội này được coi là mối quan hệ mật thiết nhưng không chính thức giữa Yasukuni và LDP. Năm 1962, Okinori Kaya, một chính trị gia LDP, người đã từng bị tòa án tại Tokyo truy tố là một tội phạm chiến tranh loại A đã được chỉ định là chủ tịch Liên minh. Tổ chức này được coi là có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ nhất đến Yasukuni.

Sóng gió trong nước Nhật

Yasukuni là nơi gây nhiều tranh cãi cả trong và ngoài Nhật, nhất là với những nước châu Á. Nhiều Thủ tướng Nhật đã đến thăm ngôi đền này từ năm 1979, gồm Masayoshi Ohira (1979), Zenko Suzuki (1980, 1981, 1982), Yasuhiro Nakasone (1983, 1985), Kiichi Miyazawa (1992-chuyến thăm này đã được giữ kín cho đến tận năm 1996, vị Thủ tướng này cũng đã từng đến thăm đền này năm 1980 trước khi trở thành Thủ tướng), Ryutaro Hashimoto (1996), Junichiro Koizumi (năm lần từ 2001-2005 mỗi năm một lần). Những chuyến đến thăm của các Thủ tướng Nhật thường bị các nước láng giềng chỉ trích liên tục từ nằm 1985 cho đến nay.

Yasukuni đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi cả trong nước Nhật về vai trò tôn giáo chính đáng của chính phủ Nhật với ngôi đền này. Nhiều chính trị gia của đảng cầm quyền LDP yêu cầu những chuyến đi thăm của họ phải được hiến pháp Nhật công nhận, vì sự tự do tôn giáo tại Nhật, và những chính trị gia được quyền đến bày tỏ sự tôn kính với những người đã ngã xuống trong chiến tranh. Tuy nhiên, ý tưởng để xây một đài tưởng niệm, không liên quan đến tôn giáo, là nơi để tưởng nhớ những người đã chết trong chiến tranh, mà không cần phải đến Yasukuni nữa đã không được chấp thuận. Chính phủ Nhật hàng năm vẫn tổ chức Lễ tưởng niệm chiến thanh tại tòa nhà Budokan gần Yasukuni, để sau đó những người tham gia lại có thể đến thăm Yasukuni được. Ngôi chùa này phản đối mạnh việc xây dựng những nhà tưởng niệm không liên quan gì đến tôn giáo, cho rằng: “Yasukuni phải là nơi duy nhất tưởng niệm những chiến binh Nhật”. Thủ tướng đương chức Koizumi thì cho rằng những chuyến thăm của mình là sự khẳng định không có những cuộc chiến gì liên quan đến Nhật nữa, và nên hiểu là sự tưởng nhớ hơn là đến để suy nghĩ về việc trả thù.

Trong lần đầu tiên đến thăm Nhật trước khi rời nhiệm sở vào tháng 2/2003, cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã công khai chỉ trích những chính trị gia của Nhật đến thăm ngôi đền này, và đề xuất ý kiến rằng 14 tội phạm chiến tranh hạng A cần thiết phải được rút khỏi ngôi đền. Ông nói: “Nếu đề xuất này được chấp nhận, thì tôi sẽ không bao giờ phản đối những chuyến thăm đến Yasukuni của Koizumi và những lãnh đạo khác của Nhật”. Ông Kim còn cho biết Koizumi đã hứa trong một buổi gặp tại Thượng Hải năm 2001 rằng sẽ suy nghĩ về việc xây dựng một nơi tưởng niệm riêng thay thế Yasukuni, và ai cũng có thể đến thờ cúng tại đây.

Trung Quốc là nơi lớn tiếng chỉ trích nhất những chuyến thăm đến Yasukuni của những chính trị gia Nhật. Trong những năm gần đây, quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên nặng nề hơn bao giờ hết khi Koizumi cùng nhiều chính trị gia của LDP vẫn liên tục đến thăm Yasukuni. Tuy nhiên một số người thì cho rằng trong con mắt của Bắc Kinh, Yasukuni trở thành một tiêu điểm để thắt chặt quan hệ chính trị trong nội bộ của Trung Quốc, hơn là việc lo lắng đến một ngày nào đó nền quân sự của Nhật lại trỗi dậy.

Tranh cãi trong nước Nhật

Những chuyến thăm của các chính trị gia Nhật đến ngôi đền gây tranh cãi không chỉ với những nước láng giềng đã từng bị Nhật xâm chiếm, mà còn cả trong nội bộ nước Nhật, nơi mà người dân nhìn nhận vấn đề này với nhiều quan điểm khác nhau. Một phái thì cho rằng những chuyến thăm đến ngôi đền này của Thủ tướng hay Nhật hoàng, là vấn đề nội bộ của nước Nhật, mà Trung Quốc và Hàn Quốc không có quyền can thiệp vào. Một phía khác thì cho rằng đây là sự hiểu lầm về tôn giáo. Đạo Shinto tại Nhật không hề có quan niệm về kiếp luân hồi, thiên đường hay địa ngục như nhiều tôn giáo khác. Đạo này cho rằng khi một người bị giết, linh hồn của họ sẽ tìm cách trả thù, do vậy cần phải có nơi thờ và an ủi những linh hồn này. Một số thì cho rằng, từ khi Yasukuni trở thành một địa chỉ quan trọnng của Shinto, là một biểu tượng của Nhật từ lâu trước khi Chiến tranh thế giới lần 2 xảy ra, và cần được tôn trọng. Họ cho rằng Yasukuni không chỉ là nơi thờ phượng những linh hồn đã chết trong chiến tranh, mà nơi đây còn có một bảo tàng ngay bên cạnh, có thể diễn tả hoặc ca ngợi những hoạt động của những người đã khuất khi họ còn sống. Khách đến thăm Yasukuni có thể mua những đồ tặng phẩm trong thời chiến, thậm chí những lá cờ dùng trong hồi chiến tranh, ở ngay cạnh của hàng lưu niệm sát với đền Yasukuni.

Một trong những tranh cãi khác là những chuyến đi thăm đến Yasukuni của Thủ tướng Nhật có vi hiến hay không. Trong hiến pháp Nhật, giữa tôn giáo và chính phủ được tách bạch rõ ràng. Có nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các Thủ tướng Nhật khi họ đến thăm đền rằng “đến với tư cách cá nhân hay với tư cách là Thủ tướng Nhật?”. Thêm nữa, khi các Thủ tướng Nhật ký tên vào quyển sổ tại đền, thì họ ký với tên riêng, hay ký chữ shushō (Thủ tướng). Những điều này luôn được giới thông tin quan sát rất kỹ càng. Mặc dù cho đến nay, mọi Thủ tướng Nhật khi đến thăm đền đều tuyên bố đây là những chuyến viếng thăm với tư cách cá nhân, nhưng khi ký tên vào quyển sổ tại đền, một vài người thì để trống, hoặc ký tên riêng, một số người thì ký với chức danh Thủ tướng. Riêng Koizumi thì gần đây tuyên bố trắng ra rằng ông đến thăm với tư cách là một Thủ tướng Nhật. Một số người Nhật thì cho rằng những chuyến thăm đến đền của quan chức chính phủ, cần phải được công nhận một cách chính thức, chứ không phải là cá nhân. Một số thì cho rằng tư cách chính phủ hoặc cá nhân trong điều này đều là vô nghĩa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết ý kiến của người Nhật và phía các công tố viên tại Nhật đều cho rằng, không có sự vi hiến của các quan chức chính phủ khi đến thăm Yasukuni.

Viện bảo tàng của Yasukuni cũng là nơi gây nhiều tranh cãi. Cả hai nơi, ngôi đền và viện bảo tàng này đều không cho rằng hành động của Nhật trong Đại chiến thế giới 2 là sự xâm lược, mà cho rằng đó là “sự phòng vệ và là một nỗ lực anh hùng để diệt trừ Đế quốc Âu châu”. Tuy nhiên, các Thủ tướng Nhật đều cho rằng, không thể là lý do chính đáng khi tôn thờ sự bại trận của Nhật Bản, và phần lớn họ đều cố ý không đến thăm viện bảo tàng này, để cho rằng việc đến Yasukuni với lý do tín ngưỡng hơn là chính trị. Có nhiều để xuất rằng nên chọn một địa điểm khác để thờ phụng những người đã khất trong chiến tranh, và sẽ không gây tranh cãi về chính trị như hiện nay nữa. Ý kiến này đặc biệt được Hàn Quốc và Trung Quốc nhiệt liệt ủng hộ. Tuy nhiên theo luật pháp Nhật Bản, chính phủ không có quyền bắt buộc đền Yasukuni phải làm như vậy. Mặt khác, Yasukuni cho rằng, một khi những linh hồn đã cư ngụ trong đền, những linh hồn này không thể tách ngôi đền để đi nơi khác được.

Một đề xuất khác cho rằng, nên qui định những thời điểm tổ chức Lễ tưởng niệm chiến tranh, để Thủ tướng có thể đến với tư cách là đại diện của quốc gia đến với mục đích tưởng nhớ. Tuy nhiên, nhưng gia đình có người thân chết trong chiến tranh không hề bày tỏ sự hào hứng với ý kiến này. Hiện tại Chính phủ Nhật hàng năm đều tổ chức Lễ tưởng nhớ đến những người lính đã ngã xuống trong Chiến tranh thế giới 2 tại Budokan. Nơi này nằm ngay sát cạnh Yasukuni, thường sau khi tham gia lễ tưởng niệm, các gia đình thường có thể đi thẳng từ Budokan đến Yasukuni. Họ cho rằng, nếu như địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm bị dịch rời ra xa hơn, thì những chuyến đến thăm Yasukuni của những gia đình này sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình có người thân bị giết trong chiến tranh cho rằng, những linh hồn của những người thân đang bị những sự tranh cãi này làm phiền. Họ mong muốn được đến thăm ngôi đền mà không bị gây phiền và không bị giới truyền tin xăm xoi.

Trong Yasukuni, mọi linh hồn đều được gọi là “eirei” hay “linh hồn anh hùng”. Một số ý kiến cho rằng không nên tách bạch những linh hồn này ra, cho rằng ai có tội hoặc không. Theo đạo Shinto cho rằng, nếu làm như vậy sẽ khuấy động một số những linh hồn trở thành ác quỷ hoặc tội đồ tại ngôi đền.

Một số sự kiện gần đây

Địa chỉ website của ngôi đền Yasukuni vẫn đang bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS-distributed denial of service) bởi phía Trung Quốc, từ tháng 9/2004. Hiện nay, những người sử dụng Internet vẫn rất khó có thể truy nhập vào website của Yasukuni.

Tháng 5/2005, một loạt những đợt biểu tình chống Nhật nổ ra tại Trung Quốc vì lý do cho ra đời cuốn sách phổ thông về Nhật bản gây tranh cãi, mà Nhật định đưa vào một số trường học. Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi đã cắt ngắn thời gian thăm Nhật và trở về Trung Quốc sớm hơn dự định, bỏ cả cuộc gặp dự kiến với Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi. Điều này được cho là phản ứng của bà Ngô trước việc Koizumi tuyên bố một ngày trước khi bà đến Nhật rằng, nước ngoài không thể can thiệp vào công việc nội bộ của Nhật, kể cả vấn đề Yasukuni. Bà Ngô dự định đến Nhật nhằm giảm sự căng thẳng giữa hai nước trong sự kiện cuốn sách gây tranh cãi, và dự định yêu cầu Koizumi ngừng những chuyến thăm đến Yasukuni.

Tháng 6/2005, một quan chức cấp cao của đảng cầm quyền LDP đề xuất đưa danh sách 14 tội phạm chiến tranh loại A của Nhật ra khỏi một địa điểm khác. Tuy nhiên, các giáo sĩ của Yasukuni đã từ chối đề xuất trên, cho rằng theo Hiến pháp Nhật, Yasukuni tự quyết định được, và chính phủ không có quyền được can thiệp.

Cũng trong tháng 6 này, một nhóm những người thổ dân Đài Loan, do nhà chính trị gia Kao Chin Su-Mei dẫn dầu dự định đến thăm Yasukuni với sự giúp đỡ của Hiệp hội Catholic Nhật Bản về Tư pháp và Hòa Bình (Japan Catholic Council for Justice and Peace). Đây là những người đại diện cho 9 bộ lạc tại Đài Loan, và có tổ tiên đang được thờ tại Yasukuni và họ muốn đến ngôi đền để cầu cúng. Tuy nhiên yêu cầu này của họ đã bị từ chối và đã bị những người biểu tình Nhật và cảnh sát ngăn không cho vào Yasukuni. Một nhóm khoảng 100 người Nhật đã bao vây xe buýt của những người Đài Loan này không cho vào đền và cảnh sát đã phải can thiệp để tránh xung đột giữa hai nhóm. Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, nhóm Đài Loan đã phải từ bỏ ý định vào Yasukuni. Su-Mei và nhóm người của bà sau đó đã nhận được những lời đe dọa giết, khiến cho họ phải yêu cầu chính phủ Đài Loan yêu cầu nhà chức trách Nhật đảm bảo sự an toàn cho họ trong thời gian ở Nhật.

Ngày 27/6/2005, thị trưởng Tokyo là Shintaro Ishihara tuyên bố với tờ Kyodo News “Nếu như Thủ tướng Nhật không đến thăm Yasukuni trong năm nay, tôi nghĩ Nhật sẽ bị thối nát từ bên trong và sẽ sụp đổ”.

Ngày 12/10/2005, đền Yasukuni trả lại Đài tưởng niệm chiến thắng Bukgwan cho phía Hàn Quốc. Đài tưởng niệm này được xây năm 1707 để kỷ niệm chiến thắng của Triều Tiên trước quân đội Nhật trong Cuộc chiến 7 năm. Tượng đài này bị đưa về Nhật sau cuộc chiến Nhật-Nga năm 1905 tại Triều Tiên. Hàn Quốc đã đưa trả tượng đài này cho CHDCND Triều Tiên vào đầu năm 2006.

Ngày 17/10/2005, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi thăm đền Yasukuni lần thứ 5 từ khi nhậm chức. Mặc dù Koizumi cho rằng, chuyến thăm của ông là hoàn toàn với tư cách cá nhân, Bắc Kinh đã phản kháng bằng cách hủy bỏ chuyến thăm dự kiến đến Trung Quốc của Bộ Trưởng Ngoại giao Nhật Nobukata Machimura.

Vào 28/10/2005, đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đồng ý thành lập một nhóm xúc tiến xây dựng một cơ sở tưởng niệm quốc gia của Nhật, nhằm sẽ chỉ thờ cúng những người lính “bình thường”. Nơi này sẽ có thể thay thế Yasukuni vốn được coi là nơi trú ngụ của những người tử trận trong chiến tranh của Nhật. Nhóm này đã gặp mặt nhau vào 9/11/2005.

Ngày 15/11/2005, Bộ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh đã khuấy lên tranh cãi trong cuộc gặp mặt thượng đỉnh APEC tại Pusan, Hàn Quốc bằng một câu hỏi “những người châu Âu sẽ nghĩ thế nào nếu những lãnh đạo của Đức đến những nơi tưởng niệm Hitler và chủ nghĩa Phát xít?”.

Gần đây nhất là ngày 16/5/2006, Henry Hyde, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã gửi một lá thư đến cho Koizumi bày tỏ “Nhật sẽ có lợi ích gì từ các chuyến thăm liên tục của Thủ tướng Nhật đến ngôi đền Yasukuni, đang là một trong những tâm điểm gây sóng gió trong quan hệ giữa các nước Đông Á”.

Nguyễn Đăng
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top