Cách ứng phó khôn khéo của người Nhật khi đồng yên lên giá

-nbca-

dreamin' of ..
Theo thông lệ, đồng nội tệ lên giá sẽ tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu và có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với những nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên, tờ “Wall Street Journal” số ra mới đây cho rằng trường hợp của Nhật Bản lại không phải như vậy.

Theo “Wall Street Journal”, chính các công ty của Nhật Bản bán sản phẩm trên thị trường nội địa và các chính trị gia - chứ không phải là các nhà xuất khẩu – mới bị tác động lớn nhất bởi việc đồng yên tăng giá.

dong-Yen_001.jpg

Người Nhật biết cách biến "hại" thành "lợi" khi đồng yên lên giá (Ảnh minh họa: Internet)

Hiện nay, các công ty Nhật Bản có nguồn thu chính từ việc bán hàng cho nước ngoài lại ngày càng ít dựa vào xuất khẩu. Để đối phó với áp lực cạnh tranh và xu hướng tăng giá lâu dài của đồng yên, nhiều công ty Nhật Bản đã chuyển công đoạn sản xuất ra nước ngoài. Từ năm 1999 đến 2007, các nhà sản xuất của Nhật Bản đã tăng tỷ lệ sản phẩm sản xuất ở nước ngoài từ 11,4% lên 19,1%. Các lĩnh vực xuất khẩu cạnh tranh nhất của Nhật Bản luôn dẫn đầu trong việc sản xuất ở nước ngoài: 39,2% phương tiện giao thông (gồm cả ô tô) và 28,1% thiết bị thông tin, liên lạc của Nhật Bản được sản xuất ở nước ngoài.

Vì vậy, ngày nay Nhật Bản phụ thuộc vào thu nhập từ các khoản đầu tư ở nước ngoài nhiều hơn việc buôn bán với nước ngoài. Quá trình chuyển sản xuất ra nước ngoài của các ngành công nghiệp ô tô và điện tử của Nhật Bản đạt đỉnh điểm trong thời gian từ năm 2005 đến 2007. Đồng yên yếu đi có thể là một lý do làm xu hướng này dừng lại. Tuy nhiên, đồng yên rất mạnh hiện nay lại đang khuyến khích các nhà xuất khẩu Nhật Bản thúc đẩy chiến lược này và chẳng có lý do gì ngăn cản họ xem xét việc đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở sản xuất ở nước ngoài.

Mặc dù đồng yên lên giá gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề việc làm ở trong nước, nhưng tờ “Wall Street Journal” cho rằng hậu quả không lớn như người ta tưởng. Kết quả thăm dò các công ty gần đây của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản cho thấy nếu tỷ giá đồng yên so với đồng USD duy trì ở mức hiện nay sẽ có đến 61% nhà sản xuất tiếp tục đầu tư thêm cho các cơ sở ở nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 39% nói rằng họ có thể thay thế các cơ sở sản xuất hiện có bằng các cơ sở ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa là đa số các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dùng nguồn vốn dôi dư chứ không chịu đóng cửa các cơ sở sản xuất ở trong nước.

Đồng thời, một số doanh nghiệp còn có lợi khi đồng yên mạnh hơn. Nhiều nhà xuất khẩu Nhật Bản đã sử dụng đồng yên trong các giao dịch của mình. Số liệu hải quan của Nhật Bản cho thấy có 48,6% hàng xuất khẩu và 71,1% hàng nhập khẩu của Nhật Bản tính giá bằng USD. Ngược lại, có 41% hàng xuất khẩu và 23,6% hàng nhập khẩu được tính bằng đồng yên. Điều đó có nghĩa là người Nhật đang nhận tiền trả cho hàng xuất khẩu bằng đồng yên mạnh, trong khi chi trả cho hàng nhập khẩu bằng đồng USD yếu.

Phát hiện lớn nhất từ cuộc thăm dò của METI là có nhiều nhà sản xuất Nhật Bản hơn (41%) cho rằng sự cạnh tranh từ các nhà nhập khẩu trên thị trường trong nước tăng lên, chứ không phải việc mất thị phần xuất khẩu, là mối nguy hiểm lớn nhất của việc đồng yên mạnh lên. Trong khi đó chỉ có 33% các công ty nói rằng tỷ giá đồng yên so với đồng USD hiện nay làm các đối tác thương mại quay lưng lại đối với hàng hóa của Nhật Bản. Điều này cho thấy những khó khăn của một nền kinh tế lớn dựa vào tiêu dùng và muốn hạn chế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của nước ngoài như Nhật Bản. Những người tiêu dùng Nhật Bản thông thái sẽ nghi ngờ các hàng hóa và dịch vụ nội địa hiện nay có đáng để mua khi đồng yên mạnh hơn làm cho hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Tờ “Wall Street Journal” cho rằng thay vì tập trung vào việc tranh luận về đồng yên ở nước ngoài, đã đến lúc cần phải xem xét lại một cách toàn diện các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa của Nhật Bản. Đây là một thách thức đối với cả doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản.

(Theo tamnhin.net)
 
Top