Chuyện buôn dưa Tết xa nhà

Chuyện buôn dưa Tết xa nhà

Lần đầu tiên, tôi cảm nhận nỗi nhớ nhà cồn cào vào ngày tết, nhất là khi đón giao thừa xa người thân hơn 10.000 cây số, nơi Tết chỉ là làn khói mong manh lẫn vào tuyết trắng của Châu Âu băng giá.

Qua những trang báo điện tử VN, không khí Tết đã đến gần lắm rồi. Trên banner của tờ báo nào cũng đã có hoa mai, hoa đào, bánh chưng, pháo tết… một cái Tết hiện hữu đã có thể chạm tận tay, gần mà sao thấy xa quá.

Giờ này mọi năm ở nhà chắc tôi đang đi sắm Tết với mẹ, một ngày ra chợ tới mấy lần, mua thì ít chứ để tận hưởng cái không khí đi chợ Tết là chính. Cứ chỗ nào có khoảng trống là chợ hoa lại mọc lê, quất, đào, mai nở rộ...

Còn ở Berlin này, tôi cũng vừa thây thấp thoáng một cành mai vàng treo đầy phong bao lì xì ở siêu thị Asia Mekong trong khu Alexander Platz gần trung tâm Berlin chuyên bán đồ châu Á của cặp vợ chồng nói giọng Sài Gòn đặc sệt. Họ rất ngạc nhiên khi nhìn thây tờ tiền polymer 100.000 đồng trong ví của tôi chỉ vì đã lâu lắm rồi họ không về VN và Tết chỉ còn là một dấu ấn mờ mờ trong tâm trí.

Hai người bạn của tôi ở Berlin cũng thế. Tuệ đã 11 năm chưa về VN, còn Thu Anh cũng đã 8 năm xa Hà Nội. Họ đang lên kế hoạch trở về vào năm nay để tổ chức đám cưới. Chúng tôi cũng đã hẹn nhau sẽ tổ chức tiệc tất niên vào 29 Tết, chắc sẽ không phải trải qua một đêm giao thừa cô đơn nơi xứ người.

Vào những dịp lễ Tết của châu Âu và những ngày tết cổ truyền ở VN thế này những người bạn thuộc giới trí thức VN ở Berlin vẫn thường tụ tập vui vẻ, tuy cuộc sống không giàu có gì nhưng lại mang lại cảm giác hạnh phúc như được trở về nhà. Ở Berlin cũng có rất nhiều người Việt sinh sống. Bạn có tin không khi ngày đầu đến đây tôi đã mừng đến phát khóc như một đứa trẻ khi gặp một gia đình người Việt bán đồ ăn châu Á và bắt gặp một My Hanoi trên phố Munz gần nơi tôi sinh sống.

Thấy ấm lòng hơn nhưng một nỗi nhớ chẳng thể gọi thành lời cứ ùa về và kéo dài bất tận. Cô bạn Thu Anh rất nhiệt tình đưa tôi khám phá trung tâm của châu Âu. Cô bạn bé nhỏ này từng là học sinh chuyên Anh trường Amsterdam HN nhưng với Thu Anh, Hà Nội chỉ còn là một thành phố trong hồi ức đã bị xóa mờ nhiều đường nét bởi sự cách biệt về không gian và thời gian.

Gia đình Thu Anh đã 15 cái Tết rồi không có đầy đủ các thành viên, chị gái cô đang định cư ở Mỹ và năm nào hai ông bà già cũng lụi cụi đón giao thừa trong cô đơn ở căn nhà nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo. Và cũng đã từ lâu Thu Anh không tìm lại được cảm giác sum vầy bên nguời thân và thay vào đó là những cú điện thoại và tấm thiệp chúc Tết gửi về từ một nơi cách xa hàng ngàn cây số.

Phương, một người bạn Sài Gòn của tôi cũng đã 3 năm không được ăn Tết cùng gia đình. Cha mẹ và em trai ở Mỹ, Phương chỉ ao ước sẽ dành dụm đủ tiền đón ba mẹ trở về vào đầu năm mới. Tôi hiểu cảm giác của Phương vì càng gần đến Tết tôi lại ước được trở về nhà và nó chỉ trở thành sự thật trong những giấc mơ mà thôi.

Anh bạn thân từng ở Nga viết trong email: "Ăn Tết xa nhà là buồn lắm đấy. Tốt nhất là đừng nghĩ đến nó, cũng đừng ngồi một chỗ, đi thật nhiều là khuây khỏa ngay. Kinh nghiệm của 7 năm ở xứ người đấy". Nhưng trở về nhà trong cái lạnh dường như không chịu nổi, nỗi nhớ nhà lại tràn về. Có lẽ người ta chỉ cảm thấy cô đơn nhất khi người thân đều không hiện hữu xung quanh vào những ngày tết. Trước khi sang Berlin, một người bạn nhắn nhủ: Hy vọng sẽ không cảm thấy quá buồn khi ăn một cái Tết xa nhà…

Vẫn biết sẽ như thế nhưng sự háo hức được khám phá một chân trời mới đã làm tôi quên đi tất cả, chỉ khi đối mặt với nó, tôi mới biết thế nào là Tết xa nhà. Biết rằng ở nhà không khí tết đã đến sát bên thềm cửa nhưng trong email, bạn bè và ngươi thân vẫn cố lảng tránh những câu hỏi của tôi về không khí tết ở nhà. Họ sợ tôi buồn chăng? Câu trả lời chắc chắn là Có.

Trong tất tả ngược xuôi, trong biết bao lo toan của cuộc sống, có lẽ người Việt nào cũng có một giấc mơ đoàn tụ. Hàng năm có hàng ngàn Việt người đã trở về bên người thân như một điểm hẹn thiêng liêng. Nhưng cũng có biết bao người chưa kịp trở về hoặc vì lý do nào đó phải đi xa vào đúng những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Xin một lời cầu chúc an lành và một ngày trở về thật gần đến những người thân yêu chưa kịp trở về bên nhau.

Berlin những ngày cuối tháng 1 năm 2006

BÍCH HẠNH
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top