Từ chuyện một phụ nữ Việt được tôn vinh gần 400 năm nay ở Nhật

Từ chuyện một phụ nữ Việt được tôn vinh gần 400 năm nay ở Nhật

Chú em họ tôi có vợ làm luận án Thạc sĩ về KHXH bên Nhật. Chú trông thằng cu Tý lên ba cho vợ yên tâm nghiên cứu khoa học bên xứ người.

Kiếm cơm ở xứ Phù Tang – Những chuyện vui buồn

Chú làm cho một Cty tiếp thị nhưng bữa đực bữa cái vì việc thất thường. Rồi việc cũng chả có nữa mà tạnh hẳn.

Chả biết vợ chồng bàn bạc ra sao đó, cô vợ có giấy mời gửi cho hai bố con sang bên ấy du lịch.

Vợ tôi cằn nhằn vợ mày sang làm thạc sĩ sôi máu mắt ra chứ buôn bán gì mà có tiền cho bố con đi du lịch!

Những tưởng dăm bữa nửa tháng, bố con chúng dắt nhau về, ai ngờ một tháng rồi hai ba tháng và đến bây giờ là non một năm, cô vợ làm xong cái thạc sĩ, cả nhà mới kéo nhau hồi hương, mặt mũi cứ hơn hớn!

Chả là thằng chú sang đó, nhờ bạn bè của cô vợ mách mối, chú đi làm ở một nông trại trồng rau. Vất vả lắm nhưng bù lại cũng được dăm trăm ngàn tiền Việt một ngày.

Tháng thứ ba, lại cũng được mách mối, chú chuyển sang một cơ sở làm cơm hộp. Việc làm vườn làm rau đã vất, làm cơm hộp còn cực hơn. Hàng ngày phải dậy từ bốn giờ sáng chuyển bốn đường tàu điện để kịp 6 giờ sáng đứng vào dây chuyền.

Làm thì có bảy tiếng nhưng hắn đứng thêm một dây chuyền nữa trừ một tiếng ăn trưa cộng xả hơi tí chút, giờ làm thêm công xá tính gần gấp đôi. Chín giờ đêm hắn mới có mặt ở khu KTX của vợ con.

Tiếng Nhật tiếng Anh không biết một chữ bẻ đôi mà chỉ nhờ thuộc đường và may thay được cái dai sức. Tính hắn chịu khó, mấy tháng làm đã được chủ cho lên chức tổ trưởng.

Tổ trưởng, chẳng phải là danh hão mà là có thêm lương! Tháng hơn bù tháng kém, tròm trèm quy ra tiền Việt cũng non năm mươi triệu/tháng. Chút vốn giắt lưng qua non một năm lưu lạc ở xứ Phù Tang kể cũng tàm tạm đấy chứ nhỉ?

Kể ra như thế để thấy việc kiếm tiền bên Nhật không phải là khó! Và Nhật Bản quả là thị trường lao động đầy tiềm năng, hấp dẫn với lao động Việt Nam.

Một ngả thênh thang, là lối ra cho lao động xứ mình đây chứ còn đâu! Ấy thế mà lại trục trặc lại, có chữ nhưng! Việt Nam và Nhật chưa có hiệp ước về hợp tác lao động (HTLĐ), số lao động Việt Nam được đưa sang đây gọi bằng cái tên nghe hơi oách là tu nghiệp sinh (TNS).

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 18.000 TNS sang Nhật Bản. Tuy nhiên những năm gần đây nổi lên vấn đề lao động Việt Nam bỏ trốn tại nước Nhật cao nhất trong các nước cử lao động sang Nhật. Năm 2003 là 34%.

Năm 2004 là 14%. Không riêng quân ta trốn. Trung Quốc là 3,8%, Inđônêxia 1,52%; Philippines 2,1%... Tại sao trốn? Rất đơn giản là “bùng” ra ngoài kiếm tiền nhiều hơn so với cái công ty đã tuyển mình. Đặt cọc trong nước cỡ vài chục triệu hay trăm triệu hơn trăm triệu kém rồi cơ mà?

Trốn, nghĩa là mất trắng. Nhưng phần đông chả coi thứ thế chấp ấy là cái đinh gì! Tình trạng trốn nhiều như thế nên lắm Cty tuyển người, cực chẳng đã phải làm cái việc cử người áp tải sang tận nơi. Tận tình chu đáo thế!

Từ nơi tập trung ăn ngủ học tiếng, anh anh em em, chú chú cháu cháu. Rồi trên máy bay vui vẻ thân thiết thế. Xuống sân bay, ra khỏi cửa hải quan, chưa kịp tập hợp quân số, người được cử đi áp tải chỉ biết kêu trời vì nhoáng cái, mắt trước mắt sau đã thấy đội hình mình dẫn đi vợi quá nửa hoặc hai phần ba!

Thì ra cái người bên này đã ngoặc với người ở nhà tự bao giờ và kịp nẫng người ngay tại sân bay!

Có một câu chuyện buồn. Nguyễn Xuân Thái quê ở Phú Thọ, năm 2002 sang Nhật làm TNS qua một Cty xuất khẩu lao động. Thái làm ở xí nghiệp ép nhựa sản xuất phụ tùng xe hơi ở thành phố Nagoya tỉnh Aichi.Mức lương của Thái là trên 800 USD/tháng.

Việc làm ăn đang yên ổn thì Thái bị một số TNS trốn từ trước rủ ra ngoài làm với mức lương trên 200.000 Yên/tháng (tương đương với 2.000 USD). Thế là tháng 8/2003, Thái trốn ra ngoài.

Lúc đầu còn hạn VISA nên Thái hăng lắm, tuy không có mức hai trăm ngàn yên như có người hứa nhưng Thái kiếm được khoảng trăm rưởi ngàn yên. Không bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế cũng không, Thái lại ở chung với một tốp người cũng “bùng” khỏi xí nghiệp như Thái trong một căn phòng chật hẹp tồi tàn.

Dần dà VISA của Thái cũng tới hồi hết hạn. Không thể chạy chọt gia hạn được, nên Thái phải sống chui nhủi. Hàng ngày có xe đến đón đi làm rồi tối mịt chở về nhà.

Quy trình hàng ngày chỉ có vậy, Thái không dám đi đâu vì sợ cảnh sát chộp được thì khốn! Tiền kiếm được không phải như trước lại ít hơn , ngoài ra Thái còn phải chi dùng những đồng tiền ít ỏi kiếm được cho việc xe cộ đưa đón và người bảo vệ!

Chưa hết, Thái còn bị chủ quỵt lương nhiều tháng và cuối cùng ông chủ bài bây không trả nữa vì họ biết tỏng có làm vậy chứ dẫu nữa thì Thái cũng chả dám kêu vì thân phận bất hợp pháp!

Có mấy lần Thái ốm nhưng không dám đến bệnh viện, suýt nữa nguy đến mạng sống. Tính ra suốt thời gian Thái trốn đi làm chui, số tiền kiếm được không đủ cho tiền Thái đặt cọc ở Việt Nam. Tất nhiên số tiền ấy coi như cũng mất.

Điều Thái luôn lo sợ luôn nơm nớp đã thành sự thật. Một lần ra siêu thị mua đồ ăn, Thái bị cảnh sát hỏi giấy tờ và kết cục đã đến là anh bị đưa vào trại tập trung ở Ibraki.

Sau một thời gian xác minh và được Đại sứ quán giúp đỡ bảo lãnh, Thái được cấp giấy thông hành nhưng nhà chức trách Nhật trục xuất về nước với hai bàn tay trắng...

Kể tôi nghe chuyện trên là anh Lê Văn Thanh, trưởng ban quản lý TNS. Tôi hỏi anh Thanh hiện có bao nhiêu TNS bất hợp pháp kiểu như nhân vật trong câu chuyện thì được biết là 701 người trên tổng số 4071. Hỏi nguyên nhân thì chủ yếu vẫn là kinh tế.

TNS được hưởng tiền trợ cấp tu nghiệp thông thường khoảng 70.000 yên tương đương gần 700 USD. Nếu làm thêm giờ có thể đạt trên 1000 USD/ tháng.

Mức này so với bên mình và các thị trường lao động khác thì cao nhưng so với lao động Nhật Bản và lao động bên ngoài thì thấp hơn nhiều nên TNS bỏ trốn ra ngoài làm việc mặc dù bên ngoài không có bảo hiểm lao động, bảo hiểm xã hội và phải tự lo nhà ở.

Một số khác muốn kiếm thêm tiền nên hết thời hạn tu nghiệp (thời hạn tu nghiệp tối đa là 3 năm) đã trốn ở lại để tiếp tục lao động kiếm thêm tiền. Mặt khác còn nguyên nhân là do các xí nghiệp quản lý kỷ luật chặt chẽ, số quân mình thì thích tự do vô kỷ luật nên một số cũng bỏ trốn…

Một số khác thì bị kẻ xấu dụ dỗ, một số thì có người yêu nên “bùng” ra ngoài làm để được tự do! Tôi hỏi thêm anh Thanh hậu quả của việc bỏ trốn ấy về phía bạn?

Anh Thanh cho hay là tác hại rất nhiều mặt. Nào là kế hoạch sản xuất của các cơ sở tiếp nhận TNS có nhiều người bỏ trốn đã dẫn đến phá sản và hậu quả là họ không muốn nhận TNS Việt Nam.

Vì TNS Việt bỏ trốn nhiều nên phía xuất cảnh Nhật Bản cũng hạn chế trong việc cấp VISA cho TNS Việt Nam. Việc bỏ trốn cũng tạo hình ảnh xấu trong con mắt người Nhật.

Và hậu họa là số TNS Việt Nam hằng năm sang Nhật tăng chậm và mức tăng cũng chỉ từ 5-10%/ năm và số lượng phải tuyển cũng chỉ 4000 TNS. Trong khi đó Trung Quốc vì TNS bỏ trốn ít nên hằng năm họ đưa được lao động vào thị trường Nhật khá cao, từ 50-55.000 TNS.

Thời điểm hiện tại, TNS Việt Nam bỏ trốn là bao nhiêu? Đã bớt đi nhiều những tỷ lệ buồn ấy! Nếu năm 2003 là 34%, năm 2004 là 14% thì năm 2005 còn 5,4%.

Nguyên nhân? Cũng anh Thanh cho hay, Nhà nước mình đã có biện pháp mạnh để giải quyết hiện trạng này. Nghị định 141 quy định nếu bỏ trốn thì sẽ bị phạt buộc về nước.

Nếu không về nước thì sẽ bị coi là ở nước ngoài trái phép và vi phạm vào điều 274 Bộ Luật hình sự và bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. NĐ 141 cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan như cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, UBND các tỉnh thành phố, các doanh nghiệp XKLĐ trong việc quản lý và xử lý lao động và TNS bỏ trốn vv...

Từ khi có NĐ141, các doanh nghiệp đưa LĐ đã tăng cường tuyển chọn trực tiếp, không qua trung gian để tránh cò mồi thu tiền của TNS, gặp gỡ gia đình chính quyền địa phương để tìm hiểu thân nhân của TNS, thẩm định tư cách của TNS.

Có nhiều cách làm sáng tạo trong việc dạy tiếng Nhật, cung cấp kiến thức về phong tục tập quán và những quy định về pháp luật và chế độ cho các TNS.

Cả việc yêu cầu TNS và gia đình đặt cọc tiền bảo lãnh chống trốn… vv... Phía Nhật Bản cũng quy định những TNS bỏ trốn mà ở lại quá hạn sẽ bị bắt và bị phạt 3 triệu yên tương đương với 30 ngàn USD và bị trục xuất về nước.

Trong câu chuyện anh Thanh có dẫn ra Cty LOD (Labour Deployment Corporation). Hơn 14 năm thực hiện chức năng XKLĐ, Cty đã cung ứng hơn 28.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại: Hàn Quốc; Nhật Bản; Malaysia; Đài Loan...

Tổng số TNS của LOD đang làm việc tại Nhật Bản đến nay là 209 lao động nhưng số bỏ trốn chỉ có 2 người. Sở dĩ được như vậy vì ngay từ trước thời điểm có NĐ141, LOD vừa có nhiều cách làm sáng tạo, chặt chẽ khoa học trong nhiều khâu và các công đoạn đưa TNS từ Việt Nam sang cho đến việc quản lý TNS ở bên này.

Anh Thanh cũng cho hay, trước việc TNS bỏ trốn giảm và trước những quyết tâm lẫn biện pháp mạnh của Việt Nam, hiện tại các cơ quan quản lý và các DN của Nhật Bản đang xem xét để tiếp nhận TNS Việt Nam trở lại. Khả năng trong những năm tới sẽ tăng nhiều chứ không phải chỉ dừng ở con số vài ngàn như hiện nay.

Dấu ấn của người đàn bà Việt từ gần 400 năm trước

Bữa đến ĐSQ, tôi được Đại sứ Chu Tuấn Cáp kể cho nghe một chuyện lạ: Tại vùng Nagasaki, có 7 quận của thành phố luân phiên nhau như thế hằng năm tổ chức một lễ hội để ghi nhớ và tôn vinh một bà hoàng!

Bởi bà có công khai khẩn đất hoang lập ấp lập làng bày cho dân cách làm ăn khiến cả vùng phồn thịnh no đủ. Ghi nhớ công bà, dân 7 quận của thành phố đều lập đền thờ cúng bái quanh năm. Mà lạ, bà hoàng ấy lại là một người Việt!

Bà hoàng có cái tên Anyo Princes. Tính đến thời điểm này là 372 năm theo thần phả ghi trong đền thờ bà, kể từ cái năm bà đặt chân lên đất Nagasaki của Nhật Bản này.

Trừ lùi đi, vậy là khoảng năm 1734. Đại sứ Chu Tuấn Cáp cứ tiếc là ông chưa có dịp đến để tìm hiểu cặn kẽ. Và cũng chưa rõ hậu duệ bà bây giờ còn có những ai...

Vị sứ thần Chu Tuấn Cáp phỏng đoán có thể là thời Lê - Trịnh ấy, nhiều chúa Trịnh mở cửa giao thương rộng rãi, việc buôn bán với nước ngoài khá phồn thịnh và xuất hiện những trung tâm thương mại cỡ Phố Hiến Đàng Ngoài và Hội An Đàng Trong.

Hai trung tâm ấy phát triển phồn thịnh bởi có sự góp mặt và công sức của nhiều vị thương gia phương Tây và nhất là Nhật Bản. Việc thương gia phương Tây và Nhật Bản lấy vợ Việt là sự thường khi ấy.

Có thể là người vợ của một thương gia Nhật làm ăn ở Đàng Ngoài lúc ấy có dây mơ rễ má chi đó với bên đằng nhà vua Lê hoặc đằng nhà Chúa? Và cũng có thể do nhiều công tích từ lúc theo chồng về Nhật Bản mà sau khi bà mất, dân Nagasaki tôn vinh bà danh hiệu ấy chăng?

Lúc chia tay vị sứ thần nọ, tôi cứ tiếc hùi hụi phải chi có thời gian sẽ vù đi Nagasaki một buổi nhỉ? Nhưng từ Tokyo đến đó những năm trăm cây số và cái chiều chuyên cơ đang cuốn tôi theo. Nhưng tôi chắc, mai kia, không phải một buổi mà là nhiều buổi, là một thời gian đáng kể và hữu ích của các nhà sử học Việt Nam nếu còn sốt mến với tiền nhân!

Rời Tokyo mà cứ bâng khuâng mãi cái nỗi, người Việt mình ngày trước sao mà có lắm người giỏi! Giỏi cho nên giàu. Mà trên cả giàu nữa, là sang! Dằng dặc đã hơn ba trăm năm mà ở một xứ tít mù của đất nước Phù Tang này người dân còn nhắc nhớ còn mến mộ và tôn vinh một người đàn bà Việt.

Mà sao bây giờ trên những ngả của đất nước mà bà đặt chân đến hơn ba thế kỷ trước, hậu duệ của bà cứ phải tất tả mưu sinh?

Nhưng bây chừ, nếu có dịp đến Nagasaki để khấn bà, tôi nghĩ bất kỳ một hậu duệ nào cũng thành tâm mà rằng, thưa bà, quan hệ Việt Nam với Nhật Bản bây giờ đã trở thành đối tác, thành quan hệ chiến lược.Con cháu của bà hậu duệ của bà trước cơ trời vận nước thuận lợi hanh thông này quyết không để tủi vong linh bà!

(nguồn tin internet)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top