This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Nơi mỗi ngày có 88 người tự tử

-nbca-

dreamin' of ..
Theo thống kê của Chính phủ Nhật, năm ngoái tại đất nước này có hơn 32.000 người đã tự tử, tức mỗi ngày có khoảng 88 người đã tự kết liễu cuộc sống của mình.

32 tỉ USD bốc hơi vì tự tử và trầm cảm

Cũng theo thống kê của Chính phủ Nhật, được công bố hôm 7.9, trong năm ngoái nước Nhật đã mất khoảng 32 tỉ USD vì tự tử và trầm cảm. Chi phí này được tính từ việc mất thu nhập từ những người tự tử, cùng tiền điều trị cho những người trầm cảm, tự tử bất thành. Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Nhật công bố số liệu này.

Từ các số liệu kể trên, một quan chức Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội phát biểu: “Đây là vấn đề cần phải được cả quốc gia chung tay giải quyết”.

Tuy nhiên, các con số kể trên, dù làm người ta đau lòng, nhưng không hề gây bất ngờ. Từ lâu xứ sở hoa anh đào đã là nơi có tỉ lệ tự tử thuộc loại cao nhất thế giới, với con số những người tự kết liễu đời mình vẫn cứ tăng không ngừng theo thời gian.

Muốn chết? Quá dễ!

Một trong những lý do khiến người dân Nhật tự tử nhiều nhất là do khó khăn tài chính. Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người mất việc, lâm vào cảnh nợ nần, càng khiến cho tỉ lệ tự tử tăng cao. Bệnh hoạn, rạn nứt gia đình, trầm cảm…, tất cả đều có thể là nguyên nhân khiến nhiều người tìm đến cái chết.


Nhịp sống quá căng cũng là lý do khiến nhiều người dân Nhật bị trầm cảm - Ảnh minh họa: Reuters

Thêm một lý do khác: trong khi ở các xã hội phương Tây, nơi có đông đảo người theo các tôn giáo quyết liệt chống lại tự tử, xem đây là một tội lỗi (chẳng hạn như Công giáo) thì ở Nhật, các tôn giáo phổ biến hầu như không đề cập đến điều này. Thậm chí trước đây, cho đến thế kỷ thứ 19, quan niệm tự tử là sự trừng phạt bản thân hoặc đền đáp lại những tội lỗi đã gây rất phổ biến.

Ở một xã hội mà tinh thần ngoan cường, cắn răng chịu đựng nghịch cảnh là một giá trị được tôn trọng như ở Nhật, việc nhiều người bị trầm cảm nặng nề cảm thấy cùng đường, tìm tới cái chết cũng là điều không quá khó hiểu.

Ngoài ra, nhiều người quan niệm rằng các chứng bệnh về tâm thần như trầm cảm, stress chỉ có thể vượt qua bằng sự nỗ lực nhiều hơn nữa, vô hình trung càng gây áp lực nặng nề lên người bệnh, dẫn đến tự tử.

Theo kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành ở Nhật, 1/5 người Nhật trưởng thành từng nghiêm túc nghĩ tới chuyện tự tử.

Internet đang cật lực tiếp tay cho những người chán đời muốn đi tìm cái chết. Không ít các trang web chỉ dẫn rất chi tiết đủ cách kết liễu cuộc đời khác nhau, kể cả những cách mới và rất dễ thực hiện như dùng các loại chất độc có trong các dung dịch tẩy rửa gia dụng. Rất nhiều người Nhật đã chết bằng cách này.

Đội đặc nhiệm chống tự tử

Từ lâu, Chính phủ Nhật đã thừa nhận tự tử là chuyện báo động ở xứ sở này nhưng vẫn cứ loay hoay mà không giải quyết được vấn đề.

Mới đây nhất, chính quyền công bố đang thành lập một đội đặc nhiệm chuyên trách chống tự tử, cố gắng đưa tỉ lệ này xuống mức thấp nhất có thể. Những người ủng hộ sự sống vẫn chưa quá hồ hởi với thông tin này, còn phải đợi xem đội đặc nhiệm hoạt động ra sao.

Đây đó, vẫn có những nỗ lực, dù là đơn lẻ, nhằm cố gắng đưa con người quay trở lại với cuộc sống tươi đẹp. Cảnh sát về hưu Yukio Shige là một trong số đó.

Cứ chiều đến, ông lại “đi tuần” trên cột đá Tojimbo Cliffs cao ngất (25 mét) nằm tại Sakai, phía trên vùng biển sâu thẳm. Đó chính là nơi “tự tử được ưa chuộng” của nhiều người chán sống. Công việc của ông là tới gần những người định gieo mình xuống biển, khơi gợi để họ nói ra nỗi tuyệt vọng, từ đó hy vọng làm họ thay đổi ý định. Ông còn có một nhóm tình nguyện viên có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ những người đã leo xuống đất an toàn từ mỏm đá Tojimbo Cliffs đáng sợ.

"Hầu hết những người muốn tự tử đều thực sự mong muốn có ai đó ngăn họ lại trước khi họ kết liễu cuộc đời mình" Cựu cảnh sát Yukio Shige

Còn ở quận Kabukicho của Tokyo, tại một địa chỉ có tên “ngôi nhà sống”, một số người lên sân khấu kể về chính cuộc đời mình. Tất cả đều từng tìm cách tự tử.

Những buổi sinh hoạt như thế này thường được đưa lên trực tiếp trên internet, rồi bất cứ ai cũng có thể tham gia vào để thảo luận về đề tài tự tử.

Koji Tsukino, người tổ chức hoạt động này, tin rằng đây là cách tốt nhất để ngăn mọi người tự giết chết mình, chứng minh cho họ thấy rằng mọi người đều có thể vượt qua được nghịch cảnh, vượt qua được những lúc khó khăn nhất.

(Theo thanhnien.com.vn)