“Rừng Na Uy” lên màn ảnh

“Rừng Na Uy” lên màn ảnh

Sau Thân phận tình yêu được một đạo diễn người Mỹ đưa lên phim, cuối tuần qua tại Nhật Bản, đạo diễn người Pháp gốc Việt đã ký bản thoả thuận trở thành đạo diễn của dự án phim “Rừng Na Uy” do Đài Truyền hình Fuji TV và Hãng Asmik Ace Entertainment sản xuất.

Sau Thân phận tình yêu được một đạo diễn người Mỹ đưa lên phim, cuối tuần qua tại Nhật Bản, đạo diễn người Pháp gốc Việt đã ký bản thoả thuận trở thành đạo diễn của dự án phim “Rừng Na Uy” do Đài Truyền hình Fuji TV và Hãng Asmik Ace Entertainment sản xuất.


Cùng với vai trò đạo diễn, Trần Anh Hùng kiêm luôn nhiệm vụ chuyển thể kịch bản cuốn tiểu thuyết “gối đầu giường” của giới trẻ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan những năm cuối thế kỷ 20, kịp cho kế hoạch bấm máy bộ phim vào tháng 2.2009.

Vài tuần trước, trở về VN cùng vợ và 2 con, đạo diễn Trần Anh Hùng dường như có nhiều tâm trạng. Anh vừa hoàn tất dự án làm phim với một nhà sản xuất người Mỹ nhưng giữa đạo diễn và nhà sản xuất đã xảy ra một vài bất đồng nên hiện tại những thông tin liên quan đến kế hoạch ra mắt bộ phim vẫn chưa được phía sản xuất công bố. Không nhắc đến cái tên “Rừng Na Uy”, đạo diễn Trần Anh Hùng chỉ tiết lộ có một vài dự án mới và sẽ sang Nhật để tìm hiểu về một trong số các dự án nằm trong “thì tương lai” của mình. Nên không ít người bất ngờ khi biết Trần Anh Hùng được chọn đạo diễn bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “đình đám” một thời. Thực ra, ý định làm phim Rừng Na Uy đã được Trần Anh Hùng nghĩ đến cách đây 4 năm, khi anh tiếp cận với bản dịch tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết này. Thoát thai từ nỗi buồn thương trong sáng về tồn tại, Rừng Na Uy, bài hát năm nào của Beatles được lấy làm tên gọi cho cuốn tiểu thuyết tình yêu ngọt ngào sexy u sầu của Haruki Murakami.

Với bối cảnh là nước Nhật năm 1960, cuốn sách viết về những rắc rối tình yêu giữa chàng sinh viên Watanabe với hai thiếu nữ. Dựa trên thủ pháp tả thực với ngôn ngữ giàu chất thơ, chú trọng biểu hiện hai khát vọng theo đuổi của nam nữ thanh niên đối với tình yêu thuần khiết và cá tính trong cuộc sống hiện đại phức tạp, trong đó vấn đề tình dục cũng là một chủ đề được nhắc xuyên suốt tác phẩm, Rừng Na Uy được ví như cơn gió lạ làm “khuynh đảo” vô số bạn đọc trẻ.

Phát hành năm 1987, lập kỷ lục phát hành với 4 triệu bản/ năm đầu tiên phát hành, được dịch ra 40 thứ tiếng và 20 năm qua Rừng Na Uy luôn nằm trong danh sách 10 tiểu thuyết được giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc tìm đọc nhiều nhất. Đó cũng là cuốn sách đã đưa nhà văn Haruki Murakami lên đỉnh cao của sự nghiệp. Nổi tiếng là thế nhưng phải đến bây giờ cuốn sách mới được dựng phim là bởi Haruki Murakami đã từ chối nhiều lời đề nghị chuyển thể kịch bản cuốn sách này. Còn lý do tại sao ông “gật” với Trần Anh Hùng là bởi Haruki Murakami đã từng xem các phim của vị đạo diễn này và luôn tìm thấy sự đồng cảm ở những vấn đề và cách thể hiện được biểu đạt bằng lối tư duy tưởng như “lạnh” nhưng ẩn chứa đằng sau sự “lạnh” và tưng tửng ấy là một tinh thần nhân văn sâu sắc.

Việc chuyển thể tiểu thuyết chỉ thực sự bắt đầu sau khi có được sự đồng ý của nhà văn Haruki Murakami và quyết định của nhà sản xuất. Đạo diễn Trần Anh Hùng tâm sự: “Câu chuyện của Rừng Na Uy sôi nổi nhưng vô cùng nhạy cảm, mang trong mình cả yếu tố đột phá quyến rũ lẫn vẻ đẹp mỏng manh bí ẩn. Đây quả là một thử thách không nhỏ đối với tôi trong rất nhiều tiểu cảnh của bộ phim”.

Trong tuần này, đạo diễn Trần Anh Hùng sẽ quay trở về VN để triển khai công tác chuyển thể. Lâu nay, hầu hết các phim của Trần Anh Hùng đều có sự tham gia của diễn viên Trần Nữ Yên Khê- vợ anh. Vì thế, không ít người đặt câu hỏi, liệu Trần Nữ Yên Khê có chỗ đứng nào trong bộ phim sắp tới -Rừng Na Uy khi mà hiện tại dàn diễn viên đã được phía đầu tư sản xuất khoanh vùng sự tìm kiếm là người Nhật. Theo kế hoạch, Rừng Na Uy sẽ được bấm máy trong tháng 2.2009 và phát hành trong năm 2010./.

(Báo Văn Hoá)
 
Bình luận (5)

yamaha

Ảnh với chả ọt...Spacy...sh
Em đã đọc cuốn tiểu thuyết này trên chuyến bay từ Nội Bài sang Nagoya...Khi cầm trên tay cuốn chuyện này thấy cô bé tiếp viên của Asia nói rằng đây là một cuốn chuyện khá hay. Nhưng thực tế thì cảm nhận của em thì cuốn chuyện không có gì thực sự đặc biệt lắm. Có thể văn hoá Nhật và VN khác nhau nên cảm nhận cũng khác nhau...Thử hỏi với những người VN chưa từng sống ở Nhật và không hiểu rõ về văn hoá và cuộc sống của Nhật thì cảm nhận sẽ như thế nào nhỉ?
Nhưng có một điều rút ra được đó là hiểu được thế nào là nhu cầu "tình dục" của một con người...nó cũng cần thiết như cơm ăn và nước uống hằng ngày vậy.
 

vnvn

New Member
Ðề: “Rừng Na Uy” lên màn ảnh

6 nhân vật, 3 sống và 3 chết. Sống và chết...

Rừng Nauy có những triết lý rất đơn giản nhưng sâu sắc. Hy vọng "màn ảnh" sẽ chuyển tải đầy đủ và trung thực với nguyên tác.
 

kamikaze

Administrator
Đọc bài này xem sao nhé:

Sex trong 'Rừng Nauy' không chỉ có vậy

Linh Lan

(Đọc bài "Rừng Nauy, sex thuần túy hay nghệ thuật đích thực?" của tác giả Phan Quý Bích đăng trên Văn Nghệ số 34)
Đúng là "Rừng Nauy" có nhắc nhiều đến sex, các nhân vật đều ít nhiều liên quan đến sex nhưng chủ đề của tác phẩm không dừng lại ở đó. Nếu hiểu, chủ đề tác phẩm là điều nhà văn muốn thể hiện thông qua hiện thực được phản ánh thì sex chỉ là một công cụ để phản ánh chủ đề của "Rừng Nauy" mà thôi.

Rừng Nauy là một trong những tác phẩm lớn làm nên tên tuổi của nhà văn Nhật Bản đương đại Haruki Murakami. Tác phẩm đã gây nên làn sóng tranh luận mạnh mẽ ở bất cứ quốc gia nào nó đi qua, được đánh giá là một trong mười cuốn sách có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến văn học Trung Quốc thế kỷ hai mươi, được coi là sách gối đầu dường của giới trẻ châu Á và cứ bảy người Nhật thì có một người tìm đọc. Vì vậy, điều khiến nhiều người ngạc nhiên là tại sao cho đến nay, giới phê bình Việt Nam vẫn còn khá im ắng trước sự xuất hiện chính thức của cuốn sách này. Ngoài một số bài điểm sách, hầu như chưa có một bài viết có "trọng lượng" nào bàn về Rừng Nauy, cho đến 26/8/2006, nghĩa là sau một tháng cuốn sách phát hành, tác giả Phan Quý Bích là người đầu tiên giải tỏa mối băn khoăn này bằng bài viết trên báo Văn Nghệ "Rừng Nauy, sex thuần túy hay nghệ thuật đích thực?". Tuy nhiên, xung quanh bài viết này còn khá nhiều điều phải bàn lại, và dưới đây là một số ý kiến của tôi với tư cách là một độc giả của "Rừng Nauy" và là người đã từng đọc bài viết của Phan Quý Bích.

Tác giả Phan Quý Bích đã khá nhạy bén khi nhận thấy ngay một trong những vấn đề nổi bật của Rừng Nauy là sex, đồng thời qua bài viết công phu, người viết chứng tỏ kỳ công đọc kỹ tác phẩm, xoáy vào những chi tiết "đắt", đưa ra nhiều kiến giải hợp lý dựa trên vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, xã hội. Để trả lời cho câu hỏi được đặt ra ngay ở tiêu đề bài viết, Phan Quý Bích đã nêu dẫn chứng và lập luận theo hướng: từ cốt truyện, nhân vật, chi tiết và cả tựa đề của tác phẩm đều nói về sex, và khó có thể nói rằng đây không phải là một tác phẩm về sex. Tuy nhiên, thông qua việc coi sex như một sự giải phóng khỏi trạng huống tràn đầy năng lượng, sex không cứu con người thoát khỏi cô đơn tuyệt vọng, Murakami một mặt phơi bày thực trạng sống hưởng thụ, bế tắc của thế hệ thanh niên Nhật Bản, mặt khác, phủ nhận sex. Theo tôi, quan điểm Phan Quý Bích có hai điểm không thỏa đáng: thứ nhất, sex không phải là chủ đề chính của tác phẩm này; thứ hai, Murakami không thông qua sex để phủ nhận sex, sex trong Rừng Nauy không phải là điều gì dung tục hay thái quá cần phải phủ nhận, cũng không đơn thuần là sự "giải phóng khỏi trạng huống tràn đầy năng lượng", sâu hơn và xa hơn, nó là sợi dây kết nối mật thiết nhất giữa người với người giữa cuộc sống vô thường, vô hướng và cô độc.

Ngay ở đầu bài viết, Phan Quý Bích khẳng định "sex là một chủ đề xuyên suốt tác phẩm" và "Như vậy, cốt truyện, nhân vật, chi tiết và cả tựa đề nữa đều nói về sex". Nhận xét này không thật thỏa đáng. Đúng là Rừng Nauy có nhắc nhiều đến sex, các nhân vật đều ít nhiều liên quan đến sex nhưng chủ đề của tác phẩm không dừng lại ở đó. Nếu hiểu, chủ đề tác phẩm là điều nhà văn muốn thể hiện thông qua hiện thực được phản ánh thì sex chỉ là một công cụ để phản ánh chủ đề của Rừng Nauy mà thôi. Những đêm chơi bời của Toru và Watanabe, quan hệ tuyệt vọng của Kizuki và Naoko, sự cởi mở của Midori, hành động kỳ lạ của cô gái bị phụ tình trên bến tàu điện... tất cả những chi tiết liên quan đến sex ấy đều tập trung thể hiện một chủ đề chính của tác phẩm: cuộc sống vô hướng của thế hệ thanh niên Nhật Bản sau những năm 60. Nói cách khác, sex chỉ là một trong nhiều biểu hiện, ví dụ như tự tử, bãi khóa... của cuộc sống ấy mà thôi.

Theo ý hiểu của tác giả Phan Quý Bích, thông qua Rừng Nauy, Murakami đã dùng sex để phủ nhận sex: "Sex chỉ là nó với tư cách là sự giải phóng một trạng huống tràn đầy năng lượng. Nó không cứu được con người ra khỏi cô đơn, tuyệt vọng. Vậy thì đó là sùng bái hay phủ nhận về sex?". Thực ra, sex trong Rừng Nauy không chỉ giản đơn là "một sự giải phóng trạng huống tràn đầy năng lượng", đồng thời tác giả không hề có ý sùng bái hay phủ nhận nó. Làm tình, đôi khi đúng là nhu cầu được hâm nóng mình trong những ngày chán chường uể oải, nó đơn giản, chóng vánh và gây kích động giây lát như một ly rượu mạnh (những đêm chơi bời của Toru và Watanabe). Nhưng mặt khác, tình dục trong tác phẩm còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn, nó cho con người cảm giác mình được sống, sống một cách thực sự, nồng nhiệt, mê đắm, sống như một con người trong mối lên hệ mật thiết nhất với con người, nó là bởi những giây phút người nhất, bình thường nhất ấy đã níu giữ nhân vật ở lại với cuộc sống, tiếp tục sống. Đó là lý do tại sao Naoko vẫn gắng gượng tồn tại và hy vọng được hồi sinh sau cái chết của Kizuki (đêm sinh nhật đáng nhớ với Toru đã khiến nàng hiểu rằng mình có thể hòa nhập trở lại với thế giới), Reiko, Toru thấy vợi bớt cô độc và đau đớn sau đêm chia tay cuối cùng, và Modori, một cô gái sôi nổi có đủ kiên nhẫn để chờ đợi tình yêu của Toru..., và cũng vì lý do ấy, nên Toru Watanabe là nhân vật mạnh mẽ và nhân bản nhất trong tác phẩm, là cột trụ tinh thần để một cô gái xa lạ trên bến tàu điện, để Naoko, Modori, Reiko tin cậy dựa vào. Hành động Naoko khỏa thân vô thức trước Toru là khát vọng sâu thẳm được phơi mở để hòa nhập trở lại sau cái chết của Kizuki, và nàng chết khi khát vọng ấy trở thành tuyệt vọng. Bên cạnh đó, tình dục trong tác phẩm được miêu tả bằng một văn phong thanh thoát và gợi cảm, đôi khi, khiến người đọc ngừng thở vì niềm xúc động sâu sắc trước cái đẹp siêu thực được tái sinh từ câu chữ "... Tắm mình trong ánh trăng dìu dịu, thân thể của Naoko ánh lên như da thịt của kẻ sơ sinh khiến tôi thấy tan nát cõi lòng. Khi nàng cử động -và nàng cử động nhẹ đến mức hầu như không thấy được - những chỗ sáng tối trên người nàng di động thật tinh tế. Khối tròn trịa căng phồng của cặp vú, hai đầu vú nhỏ xíu, chỗ lồi lõm vào ở phần rốn, cặp xương hông và đám lông mu, tất cả những cả đều tạo nên nhnữg bóng đổ li ti lấm chấm mà hình dạng của chúng liên tục biến đổi như những gợn sóng lăn tăn trải dài trên mặt hồ phẳng lặng".

Cũng chính vì không thấy ý nghĩa khác ấy cho nên tác giả Phan Quý Bích đã lý giải thiếu thuyết phục nhiều chi tiết trong Rừng Nauy. Ví dụ như chi tiết Midori khỏa thân trước ảnh cha "Trước khi bước vào “cuộc đời lớn”, cô đã lột hết quần áo để trưng bày tấm thân ngà ngọc của mình trước di ảnh của người cha, như thể nói với ông rằng, cô xứng đáng được thả mình trong những cuộc ăn chơi xả láng". Làm gì có cuộc đời lớn hay cuộc đời nhỏ, làm gì có sự đòi hỏi xứng đáng hay không xứng đáng, làm gì có những cuộc ăn chơi xả láng ở đây? Hành động Midori khỏa thân trước bàn thờ cha, một mặt thể hiện tính cách độc đáo đến kỳ quái của Midori trong suốt tác phẩm, nhưng mặt khác nó lời giã biệt, là nước mắt, là những gì không thể nói ra, những cảm xúc không thể bộc lộ của cô gái nhỏ trước vong hồn người đã sinh ra mình. Nói cách khác, nó là sự gắng gượng của nhân vật để vượt qua nỗi đau, vượt qua sự cô độc. Có thể, ở một hoàn cảnh khác, một con người khác, hành động khỏa thân trước bàn thờ cha là điều khó chấp nhận, nhưng với Midori, điều đó hoàn toàn logic với cá tính, suy nghĩ của cô.

Về quan hệ giữa Reiko và Toru, Phan Quý Bích cho rằng "Và kết cục là anh đã tìm thấy sự thỏa mãn với một người đàn bà lớn hơn 19 tuổi, trong một cuộc tình theo “nghi lễ” tiễn biệt một người yêu đã chết và dửng dưng với một người yêu còn đang sống. Đó là nỗi buồn mênh mang khép lại tác phẩm, nỗi buồn mà tự nhân vật không làm sao hiểu được lý do, nỗi buồn đã làm hàng triệu độc giả trên thế giới phải xúc động". Đêm cuối Toru tiễn biệt Reiko không phải là hành động thỏa mãn của anh sau khi đã tuyệt vọng với hai người tình. Họ đến với nhau, đơn giản, chỉ là một sự chia sẻ giữa những kẻ cô độc, có cùng sự mất mát. Reiko cần có sự an ủi để chuẩn bị trở lại với cuộc sống sau nhiều năm giam mình trong khu trị liệu, Toru cần có sự an ủi và cảm giác được an ủi người khác để thăng bằng trở lại, để tạm trút bỏ những đau buồn và tiếp tục sống. Vì vậy, cả hai đã kéo dài hành động làm tình, họ ở trong nhau, trò chuyện, thanh thản và khiến người đọc thanh thản trở lại sau những trang văn dài miêu tả sự suy sụp của Toru.

Một nền văn học sẽ còn trì trệ nếu độc giả đổ xô đi mua sách chỉ vì những lời rỉ tai: cuốn này cực "hot", cực sex, khi nhà văn viết về sex một cách gượng gạo, nặng nhọc, nơm nớp lo bị cắt xén và giới nghiên cứu, phê bình thờ ơ trước những tác phẩm lớn, khi lên tiếng lại chỉ là đôi ba tiếng nói yếu ớt, cũ kỹ và nhiều sai lệch.







http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/phe-binh/2006/08/3B9AD232/

http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/tranh-luan/2006/09/3B9AD24D/
 

jindo_89

Liu liu.... (*´з`)~♪
Ðề: “Rừng Na Uy” lên màn ảnh

cần phải đọc cuốn sách dưới cái nhìn văn học chứ đâu thể vì "hot". Mình thấy cuốn này thực sự có giá trị .
 

Thịt viên

New Member
Ðề: “Rừng Na Uy” lên màn ảnh

Đọc Rừng Nauy, thật sự có cảm giác như có một phần nào đó của mình trong ấy. Tâm tư của Kizuki, của Naoko khi không quyến luyến với cuộc sống này, của Toru về Sống và Chết, về sex,... Có lẽ vẫn chưa đủ độ để có thể thấu hiểu hết những gì tác giả muốn truyền tải, nhưng thực sự Rừng Nauy khiến người ta phải thấm thía, suy ngẫm,... Còn dựng thành phim thì...thật sự là mình vốn không hi vọng lắm vào phim dựng từ truyện, vì dù thế nào, truyện cũng là nguyên mẫu, có một mức độ nhất định mà phim không thể nào tới "được".
 

Bài viết liên quan

Văn hóa xã hội 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top