Việc làm Vài điều liên quan đến việc thực tập sinh Việt Nam mang thai trong thời gian thực tập tại Nhật

Việc làm Vài điều liên quan đến việc thực tập sinh Việt Nam mang thai trong thời gian thực tập tại Nhật

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật tăng lên kéo theo những chuyện không hay liên quan đến thực tập sinh cũng tăng lên theo. Ngoài những vụ như bỏ trốn, ăn cắp vặt, đâm chém nhau thì gần đây vài vụ liên quan đến chuyện thực tập sinh mang thai và sinh con đã làm xôn xao dư luận Nhật Bản. Vì vậy mà báo chí Nhật cũng bắt đầu đề cập đến chuyện có thai và sinh con của thực tập sinh Việt Nam với nhiều luồng ý kiến. Kèm theo đó là một số dịch vụ bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài cũng tận dụng cơ hội lên tiếng nhằm thu hút dư luận. Dường như mục đích của họ là muốn lái dư luận để kiếm khách. Vì thế mà một số bài viết có nội dung với nguy cơ gây hiểu lầm.

ninshin.jpg


Bài viết này sẽ cố gắng đưa ra cái nhìn khách quan về chuyện mang thai và sinh con của thực tập sinh dựa trên thực tế đời sống của thực tập sinh tại Nhật. Hy vọng qua đây sẽ đưa lại chút ít thông tin cho thực tập sinh nữ tại Nhật cùng gia đình ở Việt Nam.

Tại sao thực tập sinh bị cấm mang thai và sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật ?
Không nói thì ai cũng biết rằng thực tập sinh, tu nghiệp sinh thực chất là đi lao động có thời hạn. Thường thời gian là 3 hoặc 5 năm. Để nhận thực tập sinh công ty cũng phải mất chi phí và thời gian lên kế hoạch sản xuất. Một khi đã lên kế hoạch thì không ai muốn kế hoạch đó bị dừng lại giữa chừng. Thực tập sinh mang thai và sinh con giưax chừng buộc phải nghỉ hoặc hoãn kế hoạch để thực tập. Việc này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của công ty tiếp nhận. Đương nhiên không công ty nào muốn điều này xảy ra cả. Đây là lý do chính mà thực tập sinh được yêu cầu cam kết không mang thai và sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật.


Liệu việc công ty cấm thực tập sinh mang thai sinh con trong thời gian thực tập có phải vi phạm nhân quyền?
Nếu chỉ xét về mặt lý thuyết thì có thể việc này là vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên trên thực tế thì có thể nói đây là chuyện thường xảy ra. Bởi lẽ kế hoạch thực tập của thực tập sinh tại công ty là hoàn toàn tự nguyện. Và “thoả thuận” không có thai trong thời gian này cũng là do tự nguyện. Nếu ai muốn sinh con thì đơn giản là không nên chọn đi thực tập sinh. Một khi đã cam kết thì nên thực hiện đúng theo cam kết để không gây ra rắc rối cho nhiều bên. Nếu xét về nhân quyền thì ở Nhật cũng có rất nhiều quy định tương tự. Ví dụ như có quyền tự do yêu đương nhưng xã hội Nhật vẫn mặc nhiên để cho nhiều công ty cấm nhân viên yêu nhau. Hay vừa có bình đẳng nam nữ lại có thực tế nhiều công ty cho nhân viên nữ thôi việc sau khi sinh con. Nói tóm lại có sự khác biệt giữa khái niệm nhân quyền trên lý thuyết và thực tế xã hội.

Nếu lỡ mang thai trong thời gian thực tập thì phải làm sao?
Lý tưởng nhất là nên có biện pháp để không mang thai trong thời gian thực tập. Nếu không may lỡ mang thai trong thời gian này thì cần suy nghĩ quyết địn rõ ràng. Sẽ khó có khả năng bảo toàn được cả việc tiếp tục hoàn tất chương trình thực tập lẫn sinh con. Vì vậy cần suy nghĩ quyết định chọn một trong hai để có những hành động càng sớm càng tốt. Một là báo với nghiệp đoàn và công ty để kết thúc thực tập sinh và về nước và sinh con. Hai là buộc phải bỏ thai.

Kế đến là tuyệt đối không nên giấu giếm.Cho dù có chọn giải pháp phá thai đi nữa thì cũng nên tìm một ai đó tin cẩn để báo cáo tình hình phòng những bất trắc, biến chứng khi tiến hành. Tất nhiên, nếu chọn sinh con thì càng cần phải báo cho công ty, nghiệp đoàn càng sớm càng tốt để có những giải pháp an toàn và hợp lý cho cả mẹ lẫn con. Những trường hợp thương tâm xảy ra tại Nhật vừa rồi đều do lo sợ bị cho về nước và nghĩ không ai biết. Thực tế thì khó mà giấu giếm được việc sinh con. Còn chuyện về nước và mất tiền cọc thì có thể sẽ xảy ra. Tuy nhiên, hãy đem tính mạng của bản thân ra so sánh với số tiền này sẽ có câu trả lời nên chọn bên nào. Và dù có giấu giếm và cuối cùng lộ ra thì vi phạm vẫn là vi phạm. Không những thế việc sinh con một cách lén lút trong thời gian thực tập sẽ còn ảnh hưởng đến cả tương lai và tính mạng của chính bản thân nữa.

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cho người nước ngoài viết rằng thực tập sinh cũng có quyền mang thai và sinh con. Họ còn hứa sẽ giúp đỡ liệu có nên tin tưởng?
Thực tế là gần đây có nhiều bài viết một mặt hô hào bảo vệ quyền mang thai và sinh con của thực tập sinh, mặt khác họ phê phán chương trình thực tập sinh, phê phán chính sách của chính phủ Nhật. Nhật Bản là nước tư bản, tự do ngôn luận được công nhận nên không ai có thể cấm những phát ngôn dạng này. Tuy nhiên cần lưu ý một điều khái niệm nhân quyền chỉ là tương đối. Không có nước nào thực hiện được tuyệt đối cả. Quyền mang thai và sinh con của thực tập sinh cũng là một ví dụ. Không ai phản đối quyền này cả nhưng để thực hiện thì ( ít ra với tình hình hiện tại) là một điều phi thực tế. Nếu như thực tập sinh nào đó thực hiện quyền mang thai và sinh con thì công ty cũng có "quyền" tìm mọi cách để cho thực tập sinh đó dừng chương trình thực tập. Nghiệp đoàn cũng sẽ có quyền lựa chọn cho thực tập sinh đó về nước.

Thật ra, những tổ chức viết bài bảo vệ những quyền phi thực tế này đa số đều có mục đích của họ. Nếu đọc và để ý kỹ ta sẽ nhận ra đa số cac tổ chức/ cá nhân này đều làm dịch vụ liên quan đến người nước ngoài. Hơn ai hết họ biết những điều họ nói là khó thực hiện nhưng họ muốn mượn gió bẻ măng bằng cách đánh vào tâm lý muốn được bảo vệ của thực tập sinh để gây chú ý và nhân cơ hội đó tung ra các dịch vụ khác như đòi hộ lương, làm thủ tục hộ vv... Tất nhiên tất cả những dịch vụ này đều phải trích phần trăm cho họ. Nói cách khác, những bài viết kiểu này cũng là một cách tiếp thị tinh vi của các cá nhân tổ chức dạng này mà thôi.

Một điều cần nói thêm nữa là từ lâu rồi đã có nhiều cá nhân tổ chức đứng ra kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho thực tập sinh và phê phán những chính sách của chính phủ Nhật đối với chế độ thực tập sinh nhưng cũng như muối bỏ biển. Chương trình này vẫn tổn tại. Đấu tranh thì vẫn cứ đấu tranh. Sẽ là ví von hơi khập khiễng nhưng những kiểu đấu tranh này ở Nhật không khác gì đấu tranh vì "dân chủ, tự do ngôn luận" hay " nhân quyền" ở Việt nam cả. Hơn nữa, chính phủ Nhật đứng ra tuyên bố “bảo vệ quyền lợi” của thực tập sinh nước ngoài nhưng lại không có những hành động thực tế nào cả. Hãy nên nhớ rằng chính trị gia luôn nói khác làm khác. Nhiều khi họ nói chỉ là để xoa dịu dư luận xã hội bên ngoài mà thôi.

Vì những lẽ nói trên, sẽ thật sự quá ngây thơ nếu ai đó tin vào những lời có cánh của những cá nhân tổ chức kêu gọi ủng hộ thực tập sinh có thai và sinh con trong thời gian thực tập. Nghe theo những lời này nếu có chuyện gì thì bản thân thực tập sinh sẽ phải gánh hậu quả. Chắc chắn những người này chỉ đứng ngoài hô hào và chờ lúc thực tập sinh gặp rắc rối để đứng ra giúp đỡ bằng dịch vụ “có phí” mà thôi.

Để tránh hiểu lầm trước khi kết thúc tôi cũng phải nói rõ quan điểm là tôi không ủng hộ hay phản đối việc ai đó dù là thực tập sinh, lưu học sinh, kỹ sư hay mang bất cứ tư cách lưu trú gì mang thai hay sinh con. Tuy nhiên, việc sinh con cũng cần nên đúng thời điểm. Thời gian mà bạn đang phải học tập, thực tập hoàn toàn không thích hợp cho việc sinh con. Hơn nữa, một khi đã được giải thích và cam kết thì nên thực hiện đúng lời hứa để tránh rắc rối. Ngoài ra, không nên quên đi một điều là nhiều lúc thực tế khác xa với lý thuyết." Luật" nhiều khi thua "lệ". Nếu như sau khi đã đọc hết bài viết này rồi mà có thực tập sinh nào đó vẫn quyết tâm sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật thì đó là quyền cá nhân của bạn hay nói cách khác là bạn đang thực thi "nhân quyền" của bạn. Và tất nhiên sau khi thực thi quyền này thì bạn sẽ cũng phải gánh lấy trách nhiệm đối với quyết định của bản thân. SẼ không công bằng trong trường hợp đã được giải thích, cam kết rồi lại không giữ lời và cuối cùng là đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bên thứ ba nào đó.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top