Đào tạo nhân tài ở Nhật Bản

Đào tạo nhân tài ở Nhật Bản

Châu Á thời cận đại nổi bật lên với hai phong trào duy tân Trung Quốc, Nhật Bản, (bên cạnh Thái Lan) đã làm thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ đời sống kinh tế, xã hội của các nước này. Với những biện pháp cải cách đầy tiến bộ, sáng tạo đã đưa Trung Quốc, Nhật Bản đi theo một xu hướng mới trước luồng sinh khí và triều sóng mới của thời đại.

Bên cạnh các biện pháp cải cách, cách tân về kinh tế, hành chính, văn hoá, xã hội, quân đội... thì cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài theo một hướng đi mới, tư tưởng mới ở các nước này như một bước đột phá vào sự khép kín của bốn bức tường cung cấm Á Đông.

Trước làn sóng xâm lược mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân phương Tây, hầu hết các nước châu á đều thực thi chính sách "đóng cửa" tuyệt giao để tự vệ. Song, với khát khao về một nền độc lập, về một sức mạnh quốc gia đã thôi thúc các nước này phải tìm ra một hướng đi mới, nhìn ra thế giới bên ngoài, học hỏi kinh nghiệm, tri thức tiến bộ của phương Tây để làm cho quốc gia, dân tộc mình "phú quốc, cường binh".

*

* *​

1. Có thể nói, công cuộc Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản đạt được nhiều thành tựu tạo cho Nhật Bản một sức mạnh nội lực để vượt ra khỏi bốn bức tường khép kín, lạc hậu ở phương Đông và bước vào hàng ngũ các nước tư bản phương Tây. Trong chủ trương cải cách của Nhật Bản, có thể thấy, Nhật Bản đã chú ý rất nhiều đến cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Bởi Chính phủ Thiên Hoàng đã sáng suốt nhận thức được rằng, Nhật Bản cần phải học rất nhiều về công nghệ, kỹ thuật, thể chế, tư tưởng của phương Tây và đặc biệt phải phát triển một năng lực xã hội dựa trên nền tảng giáo dục. Người Nhật đã nhận thấy sự khác nhau, bất bình đẳng trong xã hội chỉ vì khác nhau về trình độ học vấn, bởi "kẻ nào không học anh ta sẽ dốt và kẻ dốt thì ngu. Cho nên, sự khác biệt giữa người khôn và kẻ ngu là do vấn đề giáo dục mà ra". Trong vòng luẩn quẩn, khép kín của hệ tư tưởng phong kiến tồn tại hàng ngàn năm, các quốc gia phương Đông luôn giữ một khái niệm, tư duy xã hội giản đơn, bảo thủ, không thừa nhận hai yếu tố "công", "thương" mà chỉ thừa nhận "nông bản thương mạt". Họ cho rằng, tất cả mọi nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách, học là cao quý.

Nhưng với Nhật Bản, tư tưởng "nông bản thương mạt", "dĩ nông vi bản" đã bị phá vỡ vào cuối thế kỷ XVIII, thay vào đó là sự ra đời của những lý thuyết, hệ tư tưởng mới, tiến bộ chống lại tư tưởng lạc hậu. Người Nhật đã có những nhận thức sớm hơn tất cả các dân tộc phương Đông. Họ muốn cầu thị, không dấu dốt và muốn tự học hỏi, hoà mình vào cộng đồng của nhân loại để đuổi kịp, đi xa, đi nhanh hơn các quốc gia tiên tiến Âu, Mỹ. Vì vậy, ngay trong những thập kỷ đầu của thời đại Minh Trị, Nhật Bản đã không ngừng tìm kiếm, học tập và chấp nhận những yếu tố văn minh phương Tây phù hợp với lợi ích và sự phát triển quốc gia mình. Lấy phương châm "khoa học phương Tây, tinh thần Nhật Bản", người Nhật đã không ngừng tiếp thu, học tập những tinh hoa của thế giới nhưng vẫn giữ vững những nét đặc trưng, cái gốc, bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Giáo dục, đào tạo nhân tài sẽ cung cấp một nguồn nhân lực dồi dào có tri thức cho xã hội, đồng thời tạo nên sự thống nhất quốc gia thông qua việc quy định chữ quốc ngữ, sách giáo khoa và hệ thống trường học, từ đó lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia vào công cuộc hiện đại hoá đất nước.

Thực ra, ngay từ trước kỷ nguyên Minh Trị, Nhật Bản đã có chính sách khuyến khích giáo dục, đào tạo nhân tài. Chính quyền Mạc Phủ Tokugawa vào năm 1862 đã gửi học sinh ra nước ngoài, đồng thời mời giáo sư nước ngoài về giảng dạy trong nước. Fukuzawa Yukichi (1834 - 1901), nhà giáo dục vĩ đại của Nhật Bản thời Minh Trị vào năm 1866 đã cho xuất bản cuốn "Tây Dương sự tình" giới thiệu về hệ thống giáo dục phương Tây. Tuy nhiên, chính sách giáo dục, đào tạo nhân tài chỉ có thể thể hiện rõ nhất khi Nhật Bản thực hiện công cuộc cải cách.

Vào năm 1871, Bộ Giáo dục Nhật Bản được thành lập theo mô hình của phương Tây. Phỏng theo hệ thống giáo dục của Pháp, hệ thống giáo dục của Nhật Bản được chia thành 8 khu đại học, mỗi khu được chia thành 32 khu trung học và mỗi khu trung học được chia thành 10 khu tiểu học . Năm 1872, Học chế - luật giáo dục được ban hành. Học chế quy định hệ thống quản lý trường học áp dụng theo khuôn mẫu của Pháp. Chính phủ còn gửi sinh viên ra nước ngoài để tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức tiên tiến, mới mẻ nhất để về áp dụng cho đất nước mình. Cụ thể là, Nhật Bản đã gửi sinh viên sang Anh để học hải quân và hàng hải, gửi sang Đức để học về bộ binh, y khoa và gửi sang Mỹ để học kinh doanh, sang Pháp để học luật khoa... Điều đáng khâm phục ở tinh thần học tập của người Nhật Bản là họ không chỉ đào tạo đội ngũ trẻ mà cả những người lãnh đạo đất nước cũng tự nguyện học tập. Từ 1871 - 1873, Iuakura đã dẫn một đoàn trong đó có đến một nửa là các nhà lãnh đạo ra nước ngoài, trước tiên là Mỹ sau đó đến châu Âu. Đây là dịp để họ có cơ hội học hỏi, tiếp xúc với xã hội phương Tây, từ đó có đối sách phù hợp trong quan hệ đối ngoại. Bên cạnh gửi sinh viên ra nước ngoài học tập, Nhật Bản còn mời giáo sư, giảng viên nước ngoài sang giảng dạy, truyền bá kiến thức cho người Nhật, con số này lên khoảng 5.000 người. Chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ còn nhận thức được rằng, muốn hiểu biết thế giới bên ngoài thì phải học ngoại ngữ. Họ học ngoại ngữ để giao tiếp và dịch tài liệu. Đây là chìa khoá để mở rộng cánh cửa tri thức đưa Nhật Bản bước vào thế giới tiên tiến, rộng mở. Bởi vậy, vào năm 1874, Nhật Bản có 91 trường dạy tiếng nước ngoài với tổng số sinh viên là 13.000 người , trong đó đặc biệt chú ý đến học tiếng Anh. Ngoài ra, việc biên dịch tài liệu nước ngoài để tiếp nhận thông tin cũng được chú ý. Người đưa Nhật Bản đến với thế giới phương Tây qua những trang thông tin dịch từ những cuốn sách của phương Tây đó là Fukuzawa Yukichi. Ông đã vài lần du học sang phương Tây và đã tích cực giới thiệu về tình hình thế giới phương Tây ở trong nước mình.

Một điều đáng chú ý là chú trọng giáo dục, đào tạo nhân tài trong đó Nhật Bản rất coi trọng đào tạo đội ngũ giáo viên. Bởi họ là "người truyền bá kiến thức" nên phải có sự hiểu biết thế giới phương Tây, đồng thời phải là người "có ý thức nghề nghiệp cao và có lòng thương yêu học sinh". Đây là nhân tố quan trọng đảm bảo cho một nền giáo dục có chất lượng cao của Nhật Bản từ kỷ nguyên Minh Trị.

Học tập phương Tây không những về nội dung tri thức mà Nhật Bản còn học cả phương pháp. Hình thức học sử dụng đồ dùng trực quan (minh hoạ bằng tranh ảnh, mẫu hình cụ thể...) đã được chú trọng thay cho lối học "tầm chương trích cú" lạc hậu trước đây. Mặc dù có nhiều thay đổi, song những chủ trương, biện pháp cải cách của Nhật Bản vẫn dựa trên tinh thần "khoa học phương Tây và đạo đức phương Đông". Nhật Bản học hỏi những tinh hoa, tinh tuý của thời đại nhưng có sự sàng lọc những yếu tố thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của dân tộc mình.

Công cuộc duy tân ở Nhật Bản thành công là sự hội tụ của nhiều yếu tố, nhiều biện pháp cải cách tích cực của Chính phủ Minh Trị. Trong đó, phải kể đến những cải cách, đổi mới về giáo dục, đào tạo nhân tài. Bởi chính yếu tố này đã tạo ra được một nguồn nhân lực dồi dào có tri thức, văn hoá tiến bộ cho xã hội.Trong điều kiện lịch sử của thời kỳ mà bốn bức tường cung cấm á Đông ngự trị, chi phối đến tất cả các quốc gia phương Đông thì Nhật Bản đã làm một bước đột phá vượt qua được bốn bức tường khép kín ấy. Đó phải chăng là một trong những yếu tố đặt nền tảng và cơ sở để tạo nên "sự thần kỳ" của Nhật Bản sau này?

2. Nếu như những cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài ở Nhật Bản thời kỳ Minh Trị đã ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của phong trào duy tân và quá trình phát triển đất nước thì ở Trung Quốc, những tư tưởng cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài mang nhiều yếu tố tiến bộ cũng đã tác động sâu sắc đến tình hình xã hội Trung Quốc (đặc biệt là sự chuyển biến về mặt tư tưởng). Mặc dù công cuộc duy tân ở Trung Quốc thất bại, nhưng những mầm mống, tư tưởng cải cách có xu hướng tiến bộ đó đã "cởi trói" những tư tưởng lỗi thời trong quá trình cận đại hoá Trung Quốc, phù hợp với triều sóng đang lên của thời đại.

Khang Hữu Vi là người đi tiên phong trong phong trào duy tân ở Trung Quốc. Ông và những người bạn đồng nghiệp của ông đã đánh một hồi chuông thức tỉnh nhân dân Trung Quốc đang chìm đắm trong vòng luẩn quẩn, lạc hậu đứng lên đấu tranh, cải cách, hoà mình vào luồng sinh khí mới của thời đại, hội nhập và thế giới phương Tây. Bởi lúc này, như Tôn Trung Sơn đã nhận định: "triều sóng thế giới dâng cuồn cuộn dâng cao, thuận dòng thì sống, ngược dòng thì chết".

Cũng như ở Nhật Bản, bên cạnh những cải cách về kinh tế, hành chính, văn hoá... những nhà duy tân Trung Quốc cũng chủ trương cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài. Họ cũng khát khao học hỏi, hiểu biết thế giới bên ngoài để vận dụng vào sự phát triển của đất nước mình. Chính vì vậy, ngay từ buổi đầu, Khang Hữu Vi đã có câu nói nổi tiếng "Thái Tây mạnh, cái gốc không phải là vũ khí kỹ thuật mà là cách học của tri thức (kẻ sĩ) và tân pháp" . Như vậy, ông đã bắt đầu có sự chú ý đặc biệt đến việc học và ý nghĩa, vai trò của nó trong quá trình phát triển dân tộc.

Có thể nói rằng, tầng lớp trí thức Trung Quốc vẫn luôn có truyền thống học hành, nhưng ở họ chỉ học theo lối bảo thủ, học trong Kinh viện, trong họ luôn bị tư tưởng "Trung Quốc Thiên Triều là nhất " ngự trị, chi phối mọi suy nghĩ, hành động. Chính những suy nghĩ, hành động lạc hậu ấy đã đưa đến một hệ quả là nước Trung Hoa bị chinh phục, trở thành nô lệ của chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, Khang Hữu Vi đã thốt lên rằng "nghĩ đến thánh nhân mà buồn rơi lệ".

Trong khi các quốc gia phương Đông (trừ Nhật Bản) đang bế tắc trong vòng vây khép kín của tư tưởng phong kiến lạc hậu, thì ở phương Tây, CNTB Âu - Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Vì vậy, các nhà duy tân Trung Quốc, hơn bao giờ hết phải làm một cuộc cách tân, đổi mới, đột phá vào thành trì của chế độ phong kiến mang trong nó đầy rẫy những tư tưởng lạc hậu. Muốn vậy, phải thay đổi phương pháp học và phải học những tri thức mới mẻ nhất. Chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập vào phương Đông, một mặt, vừa áp bức, bóc lột, kìm hãm các nước thuộc địa nhưng mặt khác lại kích thích, vun trồng một xã hội mới... hơn thế nữa là truyền bá cả tư tưởng tự do, dân chủ . Đây là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiếp cận tư tưởng mới, học tập những tri thức tiên tiến qua sách vở cũng như những con đường truyền bá gián tiếp khác. Khang Hữu Vi và những người bạn đồng hành của ông đã nhận ra rằng, muốn xây dựng và phát triển tư tưởng mới thì vấn đề trước tiên phải tấn công vào lối sùng bái cách học cũ, tư tưởng cũ. Đó là tấn công vào tư tưởng đề cao Tống học thời Mãn Thanh, tấn công vào tư tưởng "thiên bất biến đạo diệc bất biến" đã giam chân Trung Quốc trong hàng ngàn năm. Ông cho rằng "đối với các học giả chìm đắm trong việc khảo cứu, tốt nhất là nên choang một gậy vào đầu. Đó chính là sự thuyết phục lớn nhất" .

Trong chủ trương cải cách quan chế nhắm hướng đến một chế độ chính trị tiến bộ thay thế cho chế độ phong kiến độc tài, chuyên chế, Khang - Lương đã chủ trương cải cách chế độ thi cử, tuyển dụng nhân tài, bãi bỏ chế độ ưu tiên đẳng cấp, chuyển sang một chế độ dân chủ, tạo nên một đội ngũ có năng lực, tri thức để quản lý xã hội.

Con đường mà Khang Hữu Vi và đội ngũ duy tân của ông cần hướng đến đó là Tân học, Tân thư. Tân học là nội dung học và cách học mới, sách Tân học là Tân thư. Ông đã dạy học trò của mình là phải giữ cái tâm, sau đó giảng sử và cuối cùng là Tây học. Như vậy, phương pháp học của ông là tiếp thu cái mới nhưng phải dựa trên cơ sở cái gốc, truyền thống của dân tộc mình. Phải chăng đây là điểm tương đồng trong quan niệm và phương châm giữa Trung Quốc và Nhật Bản: "khoa học phương Tây, đạo đức phương Đông "? Hơn thế nữa, trong chủ trương cải cách giáo dục của Khang Hữu Vi, ông đã có một cách nhìn nhận toàn diện. Theo ông, học tập phương Tây nhưng không chỉ học kỹ thuật công nghệ súng đạn mà phải học tập cả văn hoá phương Tây để có một nhận thức sâu rộng hơn.

Nhận thức được thực trạng yếu kém của đội ngũ trí thức cũng như tình hình dân tộc, Khang Hữu Vi chủ trương phát triển giáo dục, nâng cao hiểu biết cho quần chúng nhân dân. Ông chủ trương mở trường học khắp mọi nơi, lập các học đường và thay đổi chế độ thi cử tiêu phí nhiều sức lực của trí thức trước đây. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đã tổ chức Hội Cường học ở Bắc Kinh nhằm phổ biến tư tưởng cải cách, giới thiệu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây. Ngoài Cường học hội, các Học hội khác cũng được thành lập như "Việt học hội" (Quảng Đông), "Mân học hội" (Phúc Kiến), "Thục học hội" (Tứ Xuyên)... Các học hội này vừa vận động cải cách dân chủ, vừa thay đổi phong cách học tạo nên một lối học mới chống lại lối học cũ. Có như vậy, theo Khang Hữu Vi, mới làm cho Trung Quốc giàu mạnh, vì chỉ có giàu mạnh Trung Quốc mới thoát khỏi sự nô dịch của các thế lực khác. Hơn bao giờ hết, để làm được điều đó, chỉ có lực lượng trí thức tiến bộ với những tri thức, văn hoá tiên tiến được tiếp nhận qua sự truyền bá cũng như đào tạo cải cách.

*

* *​

Như vậy, trên bình diện chung, có thể nhận thấy, phong trào Duy Tân Mậu Tuất ở Trung Quốc và Duy Tân Minh Trị ở Nhật Bản tuy diễn ra không cùng thời điểm và để lại hệ quả khác nhau nhưng trong lòng nó vẫn tiềm ẩn những nhân tố tiến bộ, đi theo xu thế của thời đại. Đặc biệt, về cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài, hai phái duy tân đều hướng đến một phương pháp mới, một tư tưởng mới, tích cực học tập phương Tây nhưng vẫn giữ nguyên đạo đức, bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Ngày nay, phát triển kinh tế tri thức đang trở thành trào lưu chung trên thế giới. Vì vậy, các quốc gia, khu vực đều không ngừng đầu tư vào giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Những tư tưởng, biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài đầy sáng tạo, tiến bộ trong hai phong trào duy tân ở Nhật Bản và Trung Quốc thời cận đại vì vậy có một ý nghĩa rất lớn. Phát triển nguồn nhân lực con người, đó cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng đang được Việt Nam và nhiều nước khác quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hội nhập hiện nay...

Lê Thị Anh Đào
Trường Đại học Khoa học Huế
Lược trích từ tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á
 
Bình luận (3)

kamikaze

Administrator
Bài này có đề mục là "đào tạo Nhân tài" nhưng nội dung sao lại lạn man hết chuyện này qua chuyện kia mà không thấy "đào tạo nhân tài" ở đâu nhỉ ?
 

-nbca-

dreamin' of ..
Thế nên mới cho vào Lịch sử - mà liệu có chuẩn không nhỉ.

Hay thêm vào tiêu đề hai chữ "Lan man" nhé.
 

kamikaze

Administrator
Bài này không biết người viết là ai nhưng chỉ là 1 sự chắp nối các sự kiện từ lịch sử đến giáo dục một cách không có hệ thống. Do đó nội dung bài cũng chẳng biết nhắm vào đâu. Đào tạo nhân tài thì chả bàn đến lại bàn đến ông nào ở TQ.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Văn hóa xã hội 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top