Samurai Nhật Bản

Samurai Nhật Bản

Nửa cuối của thế kỷ 20, Nhật Bản đã làm nên một kỳ tích vĩ đại: Từ một nước bại trận trong thế chiến thứ 2 vươn mình trỗi dậy thành một “con rồng” châu Á lớn mạnh khiến cả thế giới phải nể phục. Bạn đã từng nghe nói về tinh thần võ sĩ đạo làm nên tính cách đặc biệt của người Nhật, nhưng hẳn còn ít người biết tường tận nó xuất xứ từ đâu và vì sao lại ảnh hưởng sâu đậm đến như vậy trong lịch sử đất nước mặt trời mọc ?

Lịch sử nước Nhật

Khoảng 100 dặm từ bờ biển Tây Á là ốc đảo thơ mộng - xứ sở hoa anh đào. Là một quốc gia ở châu Á, Nhật sớm biết về thuốc, thiên văn học và chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng. Họ dựa vào chữ Trung Hoa để sáng tạo chữ viết riêng. Nhật cũng hình thành một nền văn hóa hấp dẫn đầy bản sắc. Địa hình nước Nhật gồm đá, núi, và chỉ một phần ít ỏi là đồng bằng thuận lợi cho việc trồng trọt, tài nguyên khoáng sản hầu như không có gì. Thế nhưng qua hàng ngàn năm Nhật Bản đã có nhiều thay đổi và phát triển thần kỳ bất chấp chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt.

Cách đây hơn 700 năm, vào 1274, nước Nhật đã từng bị đế chế Mông Cổ là Kublai Khan xâm lược. Nhật đã thất bại nếu như không có một trận bão khủng khiếp cùng với nhiều trận gió xoáy đã tiêu diệt hàng ngàn quân Mông Cổ. Bảy năm sau, quân Mông trở lại. Một tuần liền hai bên giao đấu và quân Nhật gần như đã thua trận. Nhưng lại một lần nữa, một trận bão lớn đã quét sạch kẻ thù. Lịch sử nước Nhật được biết đến bởi những trận bão và quân đội Nhật mang biệt danh là chiến binh cảm tử hay là “cơn bão chết”.

Các tầng lớp trong xã hội Nhật

Đầu tiên phải kể đến hoàng đế là nhân vật then chốt có quyền tối cao với mọi người dân và đại diện cho tín ngưỡng của người dân Nhật. Thứ tự tiếp theo là tướng quân- người nắm quyền lực quân sự và chính trị thực sự. Thứ ba là Daimyo- thứ bậc của những nguời có địa vị cao quý trong tầng lớp chiến binh và là người đứng đầu mỗi binh đoàn. Họ trung thành với tướng quân của mình và cũng sở hữu nhiều ruộng đất.

Thứ bậc được nể trọng nữa là quân nhân phong kiến. Họ và con trai của họ là những người trở thành chiến binh Samurai. Chỉ có tầng lớp Samurai mới được cưỡi ngựa, đeo hai gươm và xưng danh bằng hai tên cuối. Samurai là thành viên trong quân đội của Daimyo. Duới Samurai là Ronin - họ là những samurai tự do, bảo vệ cho những thương gia giàu có hay khi chiến tranh xảy ra thì họ được kêu gọi vào quân đội. Cùng với tầng lớp này là Ninja thấp hơn Ronin được sử dụng trong quân đội Daimyo và là những gián điệp, trở thành những kẻ ám sát. Tầng lớp dưới là nông dân nghèo. Họ làm việc trên cánh đồng của Daimyo và trả thuế sau khi thu hoạch mùa màng. Vì thế họ luôn trong tình trạng đói kém và ít có quyền lực để thay đổi cuộc đời.

Tầng lớp thấp hơn là thợ thủ công, thợ mộc và thợ rèn. Họ không làm ra lúa gạo nên không được bình đẳng trong xã hội. Tầng lớp không làm ra hàng hoá mà chỉ kiếm tiền qua việc buôn bán sản phẩm do người khác làm ra. Họ là tầng lớp thương gia và bị liệt vào tầng lớp dưới đáy xã hội. Tuy nhiên họ dần tăng ảnh hưởng khi ngày càng làm ra nhiều tiền bạc.

Samurai - biểu tượng của nước Nhật phong kiến

Samurai được biết đến với những kỹ thuật chiến đấu cũng như sự dũng cảm và lòng trung thành với người chủ của mình. Họ còn thực hiện giáo lý nghiêm khắc của đạo Phật và giáo lý này cũng được thực hiện trong đời sống hàng ngày. Các Samurai sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, ngay cả cái chết cũng không lùi bước và khi thua trận, họ đều lấy cái chết để biểu hiện cho lòng trung thành tuyệt đối của mình. Trong cuộc sống thường ngày, họ cũng làm thơ, cắm hoa và viết chữ đẹp. Họ có thú ngắm trăng, thưởng thức hoa anh đào... Họ tôn sùng Phật giáo thiền tông và ngồi thiền hàng giờ để tâm hồn thanh thản và học cách kiểm soát tinh thần, tăng khả năng tập trung trong chiến đấu. Trong khuôn viên của mỗi Samurai đều có một khu vườn để thiền. Vợ của những Samurai cũng dành thời gian để luyện kiếm pháp và cũng có nhiều phụ nữ giỏi múa kiếm.

Trang phục của một Samurai cực kỳ công phu: chiến binh phải đeo bộ áo giáp trước ngực, đội mũ, đi giày, trang bị vũ khí, nón làm bằng sắt và trên đó được khắc hình con rồng để biểu lộ sức mạnh, sự dũng cảm để uy hiếp kẻ thù. Không chỉ làm bằng sắt mà chiếc áo giáp còn nặng 50 kí và càng nặng hơn khi trời mưa.

Samurai thường đeo hai kiếm bên mình, một dài và một ngắn (thay cho dao găm). Kiếm dài thường là vũ khí chủ yếu của họ và trên thanh kiếm được khắc hình con rồng hay những con vật biểu trưng khác. Con trai của Samurai đến năm tuổi cũng được trang bị kiếm và quần áo của Samurai, nhưng phải đến năm mười ba tuổi mới được học kiếm pháp. Trong khi luyện kiếm, những đứa trẻ có thể bỏ mạng. Samurai còn luyện tập bắn cung trong phòng đặc biệt, có khi sử dụng cả chó và vật nuôi làm mục tiêu. Họ cũng thích đi săn, bơi, vật và luyện tập võ thuật, nhu đạo...

Thời kỳ Samurai tan rã

Nhật có khả năng tận dụng mọi điều kiện của mình để phát triển kinh tế. Dưới thời tướng Tokugawa thì đất nước ổn định và thanh bình trong hơn 200 năm và không có chiến tranh. Nhưng trong thời kỳ này cũng có những biến động khi người ngoại quốc xâm nhập. Một người Mỹ tên Commdere Matteu Perry đặt chân lên bến cảng Tokyo. Ông đã đề xuất ý kiến với tướng quân cho Mỹ được giao thương với Nhật. Điều này gây ra những phiền toái không nhỏ đến lực lượng Samurai. Và Nhật đã đồng ý ký hiệp ước mở cửa. Anh, Pháp, Nga cũng bắt đầu buôn bán với Nhật. Qua việc thông thương hàng hóa, Nhật đã tiếp nhận hàng trăm phát minh mới. Nhưng lúc ấy người Nhật chưa thấy được những lợi ích ngay.

Người dân cho rằng những biện pháp luật lệ của Tokugawa làm cho nước Nhật chia rẽ, thay đổi căn bản. Họ lại tìm đến quyền lực của hoàng đế. Vào năm 1868, hai bộ tộc Daimyo hùng mạnh ủng hộ quyền lực hoàng đế góp sức đánh bại Tokugawa. Công chúa Mutsuhito trở thành hoàng đế mới. Vào năm này thủ đô được chuyển từ Kyoto đến Edo và sau đó lại chuyển sang Tokyo. Hoàng đế mới đã đề ra luật pháp mới làm hạn chế sức mạnh của Samurai và Daimyo. Lực lượng Samurai bị cắt bỏ nhiều lợi lộc và bị cấm đeo kiếm- một điều không thể bỏ đối với mỗi samurai. Thời kỳ Samurai tan rã từ đây.

Tuy đã suy vong song tinh thần võ sĩ đạo của những chiến binh Samurai tồn tại hàng ngàn năm đã ăn sâu vào huyết mạch người Nhật khiến họ luôn mang trong mình khí phách can trường, lòng trung thành tuyệt đối và ý chí sắt đá. Đó cũng chính là cốt cách nền tảng để tạo dựng nên một đất nước Nhật Bản không bao giờ chùn bước trước khó khăn và luôn luôn tiến lên phía trước như chúng ta thấy ngày nay.

MẠNH CƯỜNG (Tổng hợp)
Báo TNTP
 
Bình luận (3)

okanehooshi

New Member
Nghe nói Ninja là bọn trộm cắp cơ mà ? :confused: chắc tui bắt tin vịt quá :D còn những thanh kiếm của Samurai: mỗi samurai mang hai thanh kiếm trường kiếm và đoản kiếm . Trường kiếm là dùng để chiến đấu còn đoản kiếm là để tự sát khi thất bại tui nghe mí ku người Nhựt nói vậy! :D
 

Yumi

Member
Samurai những kiếm sĩ Phù Tang

Mọi thứ từ võ thuật cho đến trà đạo, những chuyện kể về các chiến sĩ can trường vang bóng một thời của Nhật vẫn còn được nhắc lại mãi. Ngày nay, có nhiều người Nhật còn tiếp tục đi tìm “chất samurai” tận trong huyết thống của họ.

[wrap]http://www.baocongantphcm.com.vn/image_upload_ANDL/news_TRANG54.4.jpg[/wrap]Hình ảnh quen thuộc của người kiếm sĩ Nhật thời cổ như chúng ta từng biết, thường mang hai thanh kiếm theo người, một dài và một ngắn để ló ra ở vùng eo của anh ta.

Là thành viên của tầng lớp cao nhất ở Nhật, chỉ có samurai mới được đeo hai thanh kiếm. Đầu anh ta được cạo nhẵn ở đỉnh, chỉ chừa lại phần tóc ở hai bên và phía sau, cột gom lên thành kiểu nút cột trang nhã. Nhà nước không buộc samurai phải làm việc, họ chỉ cần anh ta có mặt để chiến đấu và bảo vệ mỗi khi lãnh thổ gặp chuyện bất trắc, vì từ “samurai” có nghĩa là “người phục vụ”.

Các samurai hiện diện trong lịch sử Nhật Bản qua gần 700 năm, từ năm 1185 đến 1867. Đây là thời kỳ tao loạn và bạo lực, đồng thời cũng đậm nét văn hóa, phần lớn gần tương tự như thời cổ La Mã hay thời trung cổ ở Âu châu. Trên thực tế, chính các hiệp sĩ bàn tròn của Âu châu là hình ảnh gần gũi nhất của các samurai. Theo truyền thống, hoàng đế là nhân vật có quyền lực cao nhất ở Nhật Bản. Nhưng vào thời có các samurai, hoàng đế đã trở nên lu mờ sau một người nắm quyền hành tuyệt đối về quân đội gọi là shogun (tức tướng tổng tư lệnh). Các shogun đã tổ chức và điều khiển samurai như một tầng lớp chiến binh Nhật của thời kỳ này. Khi ra trận, họ mặc áo giáp, tấn công trên lưng ngựa, chiến đấu với kiếm và thương. Hình ảnh hào hùng này chỉ chấm dứt khi các tàu chiến Mỹ với vũ khí hiện đại xâm nhập vào hải cảng Nhật, vũ khí thô sơ của shogun tỏ ra bất lực khi bảo vệ tổ quốc. Quyền lực lại trở về với một hoàng đế mới, ông ta giải tán quân đội shogun. Thời của các samurai theo đó cũng bị cáo chung.

Như trên đã nói, thời của các samurai cũng là thời chiến quốc ở Nhật. Các bộ tộc nổi lên tung hoành, giành quyền cát cứ trên các lãnh thổ, đội quân samurai càng phát triển đông đảo và các chiến sĩ đi bộ trở nên đông đảo hơn kỵ sĩ. Tuy nhiên, dù là bộ binh hay kỵ binh, tinh thần thượng võ của các samurai vẫn được nêu cao tuyệt đối. Vì thế với các samurai thua trận, để tránh bị chịu nhục, người lính bại trận sẽ thi hành “seppuku” - một hình thức tự vẫn bằng cách mổ bụng. Đây là một thử thách chịu đau bằng lòng can trường, người tự sát sẽ đâm kiếm vào bụng mình và rạch từ từ. Thông thường, anh ta sẽ có một phụ tá đứng bên cạnh để chém đầu anh ta ngay khi lưỡi kiếm vừa rạch vào bụng, nhằm tránh cho người đó khỏi bị kéo dài sự đau đớn.

Khi một lãnh chúa bị bại trận và mất lãnh thổ, các samurai vô chủ sẽ trở thành những “ronin”. Lịch sử còn ghi lại câu chuyện báo thù danh dự cho chủ nổi tiếng của 47 ronin vào năm 1703, sau khi giết được kẻ thù quyền thế và nham hiểm đã hại chết chủ nhân của mình, cả 47 vị hiệp sĩ đều mổ bụng tự sát. Ngày nay, du khách vẫn đến thắp nhang trên các nấm mồ của 47 vị tại đền thờ Sengakuji ở Tokyo.

Vào thế kỷ 13, các nhà sư phái Phật giáo thiền tông đã giới thiệu phép trà đạo cho các lãnh chúa vùng Ashikaga. Từ đó cho đến cuối những năm 1400, Yoshimasa, vị shogun thứ tám ở Ashikaga đã dành hẳn một phòng nhỏ để ngồi thiền và uống trà. Nghi thức trà đạo được phổ biến từ đó và vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Một số samurai coi trọng trà đạo cũng ngang với thanh kiếm của họ.

Đối với phần lớn người Nhật, các samurai vẫn là người hùng vang bóng một thời. Phần lớn ngày nay người ta vẫn tái hiện lại hình ảnh và các câu chuyện về họ, qua thể loại kịch kabuki và qua các bộ phim hành động cổ thi, cũng như trong các tác phẩm văn học.

SONG TOÀN
 

rozemai

New Member
Ðề: Re: Samurai Nhật Bản

TRUYỀN THỐNG VÕ SĨ ĐẠO

Trở về thời xa xưa, khi mà gạo được xem là lương thực chủ yếu trên những hòn đảo ở phía đông châu Á, khoảng 5000 năm trước. Người ta đã bắt đầu sinh sống bằng nghề nông qua trồng trọt, săn bắn, nuôi gia súc, từng bước làm chủ đất đai, vườn tược. Tập họp lại thành nhóm, con người lập nên những cộng đồng để chia sẻ, trao đổi, và tự bảo vệ lẫn nhau, chống lại những áp lực bên ngoài. Theo sự phát triển của cuộc sống, việc bảo vệ lãnh thổ, đất đai đã là chuyện tất yếu và chiến tranh trở thành mối đe doạ khủng khiếp mà con người phải gánh chịu.

Kẻ mạnh bao giờ cũng được tôn sùng bởi kẻ yếu, nhờ chiến đấu giỏi họ bảo vệ được quyền lợi của kẻ yếu. Những biệt tài đó nâng kẻ mạnh thành người hùng, thành những chiến sĩ, kiếm sĩ lỗi lạc. Phát triển từ thế kỷ thứ 3 cho đến thế kỷ thứ 12, võ sĩ đạo bắt đầu hình thành, lớn mạnh trong xã hội Nhật và đến triều đại Tokugawa (1603-1867) đã đóng một vai trò quan trọng dưới trướng hai thế lực lớn ở Nhật là Taira và Minamoto. Để có được lực lượng tuỳ tùng giỏi, các lãnh chúa đã tổ chức những kiếm sĩ, những võ sĩ đạo xuất sắc thành một đạo quân được gọi là shogun. Trong tiếng Nhật, ý nghĩa của Samurai gần như có liên hệ đến từ “phục vụ“, nghĩa là người võ sĩ đạo là người phục vụ, phục tùng các lãnh chúa (daimyo).

Theo lịch sử Nhật thì hầu hết các cuộc tranh quyền đoạt vị của các lãnh chúa daimyo đều bắt nguồn từ tranh chấp về lãnh thổ. Võ sĩ đạo Nhật đã được huấn luyện đặc biệt về quân sự để giúp các lãnh chúa trông coi nhiều vùng đất rộng, đông dân. Bên cạnh đó có những võ sĩ đạo không trực thuộc một đạo quân nào cả gọi là ronin, tức những võ sĩ đạo không có người lãnh đạo, không có lãnh chúa hoặc người cầm đầu. Điều này có thể xảy ra khi lãnh chúa của họ qua đời, những người ronin trung thành, không còn ai phục vụ sau đó trở về làm ruộng, đi tu, hoặc đánh thuê giết mướn hay trở thành kẻ cướp, côn đồ.

samurai_pic1.jpg

Người võ sĩ đạo có nhiều đặc quyền, họ được phép mang hai thanh kiếm khác nhau ở bên trái, một dài (katana hoặc tachi) một ngắn (wakisashi) và có thể thêm một con dao nhỏ được gọi là tanto, thông thường dùng để mổ bụng tự sát (hara-kiri hoặc seppuki). Tất cả những vũ khí này đã được sử dụng vào cuối thời Kamakura (1185-1333), trước đó cung tên là vũ khí chính. Người dân bình thường không được phép mang các loại vũ khí đó và có thể bị chém nếu có ý định chống đối võ sĩ đạo.

Về trang phục, giới võ sĩ đạo cũng khác. Thường thì họ mặc kimono. Ở giữa thế kỷ thứ 12 và 17 dưới triều đại Edo, bộ 2 mảnh hitatare rất phổ biến mà chúng ta thường thấy trong nhiều bộ phim như Kagemusha, Ran, Throne of Blood, Heaven and Earth... Bên cạnh đó, trên ngực áo của họ còn có mang phù hiệu tương tự như cờ xí của đạo quân shogun mà họ trực thuộc. Sau một thời gian, hitatare mở đường cho bộ kamishimo mà các võ sĩ đạo hay mặc bên ngoài chiếc kimono của mình, phần trên được gọi là kataginu tương tự như một chiếc áo khoác ngoài, phần dưới gọi là hakama, hai ống quần rộng rãi và thoải mái hơn.

Kiểu tóc của võ sĩ đạo có truyền thống theo lãnh chúa. Người Nhật vẫn có thói quen buộc một chùm tóc ở ngay trên đỉnh đầu, có lẽ ảnh hưởng từ Trung Quốc dưới triều Asuka-Nara và Heian. Kiểu Mitsu-ori, futatsu-yori cũng là những kiểu tóc rất phổ thông ở thế kỷ thứ 16. Kiểu cạo đầu ở trước trán cũng là thời trang của những năm đầu triều đại Edo, rất được các võ sĩ đạo hưởng ứng. Kiểu tóc này phù hợp với các võ sĩ đạo khi mang eboshi, được làm bằng vải đen và được buộc bằng những tua chỉ gấm. Qua kiểu ăn mặc này người chung quanh có thể nhận ra ai là võ sĩ đạo. Ngoài eboshi dùng trong những lúc bình thường, người võ sĩ đạo trong thời chiến còn được trang bị áo giáp (kikou) rất nặng nề (như Tom Cruise trong bộ phim The Last Samurai), khác biệt tuỳ theo cấp bậc trong giới võ sĩ đạo. Những loại áo giáp chiến đấu và những chiếc mũ (kabuto), mặt nạ (mempo) được làm bằng tre, vải, da, và kim loại đặc biệt để che chở toàn thân.


Cuối thế kỷ thứ 15, đạo quân Ashikaga mất quyền kiểm soát lãnh thổ, các lãnh chúa tranh chấp liên miên và nội chiến kéo dài gần 100 năm. Khi Toyotomi Hideyoshi cuối cùng thống nhất được lãnh thổ, ông đã đưa ra một loạt những thay đổi mới cho võ sĩ đạo. Ông tổ chức cho người võ sĩ đạo có một cuộc sống ổn định hơn trong những dinh thự, lâu đài (tenshu), từ đó họ có thể tự quản lý và phòng chống kẻ thù từ bên ngoài. Đây là bước chuyển biến căn bản thay đổi võ sĩ đạo thành đội ngũ quân sự chuyên nghiệp. Để thực hiện công việc đó, Toyotomi Hideyoshi đã áp dụng phương pháp đánh thuế trên lúa gạo nhằm xác định cấp bậc võ sĩ đạo để quản lý và phát triển.

Những nguyên tắc bao gồm qui luật, lời tâm niệm và phong cách của người kiếm sĩ, võ sĩ đạo được gọi là bushido (Luật chiến binh). Điểm chủ yếu là trung thành với lãnh chúa daimyo, tự quản, nói thật và không bộc lộ tình cảm của mình cho người khác biết. Mỗi một đạo quân shogun đều có nguyên tắc danh dự và hành xử riêng của mình, chẳng hạn trong thời Chosokabe Motochika (khoảng 1596), người võ sĩ đạo say sưa quá độ, làm ảnh hưởng đến người khác có thể bị chém đầu. Hoặc thời Takeda Shingen (1547), lấy vợ lấy chồng ngoài lãnh thổ cai trị của lãnh chúa là cấm kỵ.

Hầu hết những nguyên tắc của người võ sĩ đạo đều dựa trên căn bản triết lý của đạo Khổng, đạo Phật và Thần đạo. Sau khi triều đại Meiji phục hưng (Minh hoàng Thiên trị, 1868-1912), những nguyên tắc của người võ sĩ đạo được duy trì và rèn luyện trong quân đội Nhật hoàng cho đến năm 1945. Ảnh hưởng này đã khống chế nhiều binh sĩ Nhật. Áp dụng nguyên tắc của người võ sĩ đạo trong Thế Chiến thứ II, không phản bội Tổ quốc, trung thành với Nhật hoàng nên họ đã tự sát trong danh dự để không bị bắt, đầu hàng hoặc trở thành tù nhân

Cái chết đối với người võ sĩ đạo nhẹ như bông, nhưng chết trong danh dự hay chết trong ô nhục mới là vấn đề then chốt. Seppuku là một hình thức tự sát được xem là danh dự, đây là một phần truyền thống võ sĩ đạo, một phần mà những kiếm sĩ không thể từ chối. Hara-kiri cũng là một hình thức tự sát tương tự, đúng nghĩa của nó là mổ bụng.

Seppuku được tiến hành ở ngoài chiến trường, bằng một nghi lễ đặc biệt, tất cả mọi người đều có thể tham dự và chứng kiến. Một khi người võ sĩ đạo đã tự mổ bụng mình, liền tiếp theo đó là đầu rơi. Chết như vậy đối với các võ sĩ đạo là một vinh quang, họ chết vì lãnh chúa để chứng minh lòng trung thành với chủ.

Truyền thống này sau đó đã không được các quan cao cấp trong nhiều triều đại của Nhật ủng hộ. Kể từ năm 1603, và một lần nữa vào năm 1663 thực hiện Seppuku đã bị cấm. Tuy vậy, hiện tượng tự sát vẫn không dứt hẳn…

Ý nghĩ tự sát trong danh dự là cách giải thoát lý tưởng của nhiều người Nhật trong xã hội hiện đại. Nhật Bản là một trong những quốc gia trên thế giới có nhiều vụ tự sát. Họ tự sát có thể vì thất bại công việc làm ăn trên thương trường hoặc chỉ vì thi rớt.

samurai_pic3.jpg


Trong triều đại Edo và Tokugawa (1600-1867) nước Nhật sống trong cảnh thanh bình. Tokugawa Ieyasu chọn Edo làm bộ tổng chỉ huy (bakufu) của đạo quân shogun. Đến đầu thế kỷ thứ 19 thì triều đại Tokugawa đình đốn và suy sập, hệ thống võ sĩ đạo yếu đuối. Tàu nước ngoài đổ bộ, giao thương và du nhập văn hoá phương Tây đã trở thành mối lo ngại của triều đình Tokugawa. Thất bại trước người nước ngoài và bất lực trong việc phát triển đất nước, Hoàng đế Keiki từ chức, đạo quân samurai cuối cùng tan rã. Meiji Mutsuhito lên ngôi nắm tất cả quyền lực. Năm 1871 giới võ sĩ đạo hoàn toàn bị bãi bỏ. Các lãnh chúa daimyo mất hết quyền hành và khả năng kiểm soát nên đã giao lại lãnh thổ cho Thiên hoàng. Meiji thống nhất đất nước mặt trời, đặt Edo làm thủ đô, bây giờ gọi là Tokyo.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt. Các võ sĩ đạo nhóm lại dưới sự lãnh đạo của Saigo Takamori (1827-1877), một nhân vật đầy quyền lực ở miền nam bán đảo Kyushu có tham vọng phục hồi lại triều đại cũ cùng đạo quân Tokugawa.

Tiếc thay, chỉ khoảng 9 năm sau - năm1877 - cuộc chiến xảy ra, Saigo Takamori, lãnh tụ đạo quân phiến loạn Satsuma đã hoàn toàn thất trận trước lực lượng quân đội hiện đại của Nhật hoàng. Hơn 40 ngàn võ sĩ đạo đã bị đẩy lui bởi 60 ngàn lính của Thiên hoàng. Một cuộc hỗn chiến đẫm máu. Cuối cùng Saigo Takamori đã bị thương và phải tự sát theo truyền thống võ sĩ đạo. Dù Nhật hoàng đã chiến thắng vang dội, Saigo Takamori vẫn được xem là người anh hùng có tinh thần và truyền thống võ sĩ đạo bất khuất. Ngày nay tại Nhật Bản, tuy võ sĩ đạo không còn vai trò chủ đạo trong xã hội nhưng nó vẫn sáng ngời và hiện diện như một niềm tin kiêu hãnh trong những gia đình còn mang đậm phong cách truyền thống Nhật.


THEO VANIME.ORG
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top