Chính trị Tóm tắt tiểu sử và xu hướng chính trị của 4 ứng cử viên chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản

Chính trị Tóm tắt tiểu sử và xu hướng chính trị của 4 ứng cử viên chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản

Chỉ còn mấy ngày nữa là đảng cầm quyền ( Đảng Dân chủ Tự do) Nhật Bản sẽ tổ chức bầu tân chủ tịch. Do đảng này đang nắm đa số ghế trong Hạ viện Nhật Bản nên tân chủ tịch đảng sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản. Hiện tại có 4 ứng viên tham gia tranh cử cho chức vụ tân chủ tịch đảng này. Một số báo tiếng Việt cũng có đưa tin nhưng hầu như không đề cập mấy về các chính sách của từng ứng viên. Do đó để người đọc tiện theo Thông tin Nhật Bản xin tóm tắt tiểu sử và các chính sách quan trọng mà các ứng viên này đã hứa sẽ thực hiện nếu mình lên làm thủ tướng Nhật Bản.

4ungvien.jpg


Bốn ứng viên ra tranh cử chức chủ tịch đảng lần này là Bộ trưởng Cải cách Hành chính Kono Taro, cựu ngoại trưởng Kishida Fumio, cựu nữ bộ trưởng nội vụ Takaichi Sanae và cựu nữ bộ trưởng bình đẳng giới Noda Seiko.


1/Kono Taro( tiếng Nhật 河野 太郎):
a/Tiểu sử:

-Sinh ngày 10 tháng 1 năm 1963.
-Bộ trưởng cải cách hành chính.
-Từng giữ chức Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng.
-Người đứng đầu chương trình vắc xin chống Covid-19 của Nhật Bản.
-Tốt nghiệp đại học ở Mỹ.
-Website: https://www.taro.org/

b/Quan điểm chính trị và các chính sách:
-Là người rất giỏi sử dụng mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng cho hoạt động chính trị của mình.
-Là người ủng hộ cải cách, ủng hộ đẩy mạnh quá trình số hóa xã hội Nhật Bản.
-Phản đối chính sách bình đẳng trong lao động "Cùng thời gian cùng tiền lương" đang được thực hiện tại Nhật Bản và ủng hộ cạnh tranh tự do. Ủng hộ việc trả lương theo năng lực, khả năng.
-Ủng hộ tăng thuế tiêu dùng.
-Phê phán những nhược điểm của chế độ lương hưu hiện hành và đề xuất tư nhân hóa.
-Phản đối phát điện hạt nhân.
-Chủ trương giữ mối quan hệ tốt với các nước lớn như Nga và Trung quốc, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua con đường ngoại giao. Mặt khác, ông cũng chú trọng củng cố hiệp ước đồng minh Nhật-Mỹ.
-Chủ trương khuyến khích Nhật Bản tiếp nhận di dân từ nước ngoài nhưng lại phản đối chương trình thực tập sinh kỹ năng hiện hành và đánh giá đây là "chương trình nô lệ thời hiện đại".
-Về mặt quốc phòng, ông phủ nhận thuyết tấn công phủ đầu đối phương và cho rằng đây là thuyết đã lỗi thời và sẽ có nhiều rủi ro. Thay vào đó ông chủ trương nâng cao sức mạnh quân sự, kết hợp với ngoại giao để làm sức mạnh răn đe đối phương.
-Về chính sách chống covid-19, ông ủng hộ việc phong tỏa khi cần thiết nhưng phản đối tung ra gói hỗ trợ lần thứ hai và cho biết chỉ chấp nhận hỗ trợ chọn lọc ( phát cho ai thật sự cần mà thôi).

Có thể nói ông là một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm và ủng hộ tư tưởng cấp tiến. Ông sẽ đưa lại nhiều thay đổi nếu lên nắm quyền.

2/Kishida Fumio (tiếng Nhật 岸田 文雄):
a/Tiểu sử:

-Sinh ngày 29 tháng 7 năm 1957, tại Tokyo.
-Ông từng cấp 1 và 2 tại Mỹ và tốt nghiệp đại học Waseda.
-Từng là Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng.
-Website: https://kishida.gr.jp/sousaisen/

b/Quan điểm chính trị và các chính sách:
-Ủng hộ điện hạt nhân.
-Ủng hộ chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu của chính phủ.
-Ủng hộ sửa đổi hiến pháp cho hợp với thời đại.
-Phản đối vũ khí hạt nhân.
-Ủng hộ tăng thuế tiêu dùng.
-Chủ trương cải cách chế độ lương hưu hiện hành.
-Về mặt quốc phòng ông xem thuyết tấn công phủ đầu đối phương là một sự lựa chọn tốt.
-Ông không tỏ rõ thái độ ủng hộ hay phản đối chính sách tiếp nhận người nước ngoài.
-Liên quan đến chính sách chống covid-19, ông ủng hộ chính sách phong tỏa khi cần thiết và không mặn mà lắm với việc tung ra gói trợ cấp lần thứ hai.

Ông là chính trị gia điềm đạm, chín chắn và có xu hướng duy trì sự ổn định do đó sẽ không có nhiều thay đổi lớn về chính sách nếu ông lên nắm quyền.



3/Takaichi Sanae (Tiếng Nhật 高市早苗):
a/Tiểu sử:

-Sinh ngày 3 tháng 7 năm 1961 tại tỉnh Nara.
-Tốt nghiệp đại học Kobe.
-Từng giảng dạy tại đại học Kinki
-Từng là bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông.
-Website: https://www.sanae.gr.jp/

b/Quan điểm chính trị và các chính sách:
-Bà thuộc phái bảo thủ.
-Bà ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp nhằm thoát khỏi sự ràng buộc gián tiếp từ Mỹ và tăng quyền hạn cho quân đội Nhật. Đồng thời chủ trương đổi tên gọi quân đội Nhật hiện tại là "Lực lượng phòng vệ" thành "Quốc phòng".
-Khác với các chính trị gia khác, bà chủ trương tăng chi tiêu của chính phủ để kích cầu kinh tế nhắm đến việc nâng mức độ lạm phát lên tầm 2%.
-Bà ủng hộ phát điện hạt nhân.
-Không mặn mà với chính sách di dân cũng như không ủng hộ việc tham chính của người nước ngoài.
-Bà ủng hộ chính sách tấn công phủ đầu đối phương. Bà cho biết cần phải tìm cách không những tấn công căn cứ của đối phương mà cần phải phá hủy điện, mạng lưới internet khi chiến tranh nổ ra.
-Về chính sách chống covid-19 bà chủ trương tăng cường sản xuất vắc xin trong nước, sửa đổi luật để có thể phong tỏa khi cần thiết. Phản đối việc chính sách trợ cấp thêm một lần nữa.

Bà là người phụ nữ khá nổi bật trong chính trường Nhật Bản từ trước đến nay. Tư tưởng của bà mang đậm chủ nghĩa dân tộc và sẽ được một số người Nhật yêu nước thực thụ ủng hộ. Tuy nhiên, với những dự định tăng cường sức mạnh quân đội và sự tự chủ của Nhật sẽ không được Mỹ hoan nghênh.


4/Noda Seiko(Tiếng Nhật: 野田聖子):
a/Tiểu sử:

-Sinh ngày 9 tháng 3 năm 1960 tại tỉnh Fukuoka.
-Tốt nghiệp đại học Sophia.
-Từng giữ chức bộ trưởng bộ Bưu chính viễn thông.
-Website: http://www.noda-seiko.gr.jp/

b/Chính sách và quan điểm chính trị:
-Cho rằng luật pháp hiện hành của Nhật Bản là từ thời minh trị và đã quá lỗi thời nên cần sửa đổi, cải cách.
-Cảnh báo hậu quả của việc giảm dân số và nhấn mạnh chính sách tăng dân số.
-Ủng hộ kết hôn đồng tính.Ủng hộ vợ chồng khác họ( Hiện tại sau khi kết hôn phụ nữ Nhật phải đổi họ theo chồng).
-Ủng hộ nữ giới tham chính.
-Chủ trương giải quyết mọi vấn đề quốc tế qua con đường ngoại giao. Phản đối chính sách tấn công phủ đầu.
-Liên quan đến chính sách chống covid-19, bà phản đối chính sách phong tỏa và cho biết có khả năng sẽ tung gói trợ cấp lần thứ hai cho người dân.

Không có nhiều sự nổi bật trong chính sách của bà. Dường như bà đang đấu tranh cho quyền lợi của nữ giới hơn là đấu tranh vì một Nhật Bản giàu mạnh.


Trên đây là tóm tắt tiểu sử của 4 ứng cử viên chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản và cũng là người sẽ trở thành tân thủ tướng Nhật Bản. Thường thì sau khi trúng cử ít có chính trị gia nào thực hiện hết những lời đã hứa trước khi bước ra tranh cử. Do đó chúng ta không thể kỳ vọng ai đó sẽ thực hiện mọi lời hứa sau khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, từ những lời hứa này chúng ta cũng có thể phán đoán ra những chính sách sẽ được thực thi khi một trong 4 ứng cử viên lên nắm quyền.



Hiện tại thì theo thăm dò dư luận thứ tự về khả năng đắc cử là như sau:
1/Kono Taro
2/Kishida Fumio
3/Takaichi Sanae
4/Noda Seiko

Từ đây ta có thể kết luận rằng trừ khi có biến động nào đó quá lớn ra thì khả năng Nhật Bản có nữ thủ tướng là rất thấp. Một trong hai ứng viên nam sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật.

Tại thời điểm hiện tại Bộ trưởng Kono Taro vẫn dẫn đầu. Tuy nhiên, báo chí vừa phanh phui vụ ông nắm cổ phần trong công ty(gia đình) có văn phòng tại Trung Quốc và còn có tin rằng các nhà đầu tư Trung Quốc rót tiền vào công ty này. Từ đây nhiều người đưa ra nghi vấn rằng nếu ông lên làm thủ tuống sẽ bị phía Trung Quốc chi phối. Thời gian không còn dài nhưng nếu như ông không chứng minh được "sự trong sạch" thì ứng viên Kishida Fumio lên nắm quyền cũng là rất cao. Nói chung mọi thứ còn nhiều bất ngờ ở phía trước. Chúng ta nên chờ xem.


Về chính sách thì nếu như Bộ trưởng Kono Taro trở thành thủ tướng, khả năng cao là ông sẽ thực thi nhiều cải cách. Trong đó có chính sách đối với việc tiếp nhận lao động người nước ngoài. Nếu như ông làm theo những gì ông đã nói có thể Nhật sẽ hủy bỏ chế độ thực tập sinh người nước ngoài (vì đích thân ông phê phán rằng đây là "chế độ nô lệ kiểu mới") và thay vào đó những chương trình khác. Với tính cách thích cải cách, khuyến khích cạnh tranh thì các chính sách ông đưa ra sẽ thực sự là cơ hội cho những người nước ngoài có khả năng và chuyên môn. Còn sẽ là một khó khăn với những người không có khả năng.

Ngược lại, nếu ông Kishida lên nắm quyền có lẽ mọi thứ cũng sẽ diễn ra như hiện tại và không có thay đổi gì lớn.

Cũng cần nói thêm là Nhật Bản khác với Mỹ ở chỗ đích thân thủ tướng sẽ không có thể thay đổi các chính sách lớn ngay khi lên nắm quyền mà mọi việc cần có thời gian. Do đó giả sử có thay đổi về chính sách với người nước ngoài thì cũng phải mất khoảng vài năm. Tuy nhiên những ai đang làm ăn với phía Nhật có lẽ cũng nên nắm bắt thông tin để có đối sách thích hợp. Giả sử Nhật dừng tiếp nhận thực tập sinh thì khối công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng như nghiệp đoàn tại Nhật sẽ khốn đốn.

Bài này được Thông tin Nhật Bản tóm tắt dựa trên việc tham khảo thông tin từ website của các ửng cử viên cũng như xem/nghe các ứng cử viên trả lời phỏng vấn hay thuyết trình. Những nhận xét trong bài này đều mang tính cá nhân. Do đó nếu ai có phản biện xin mời nếu ý kiến nhé.
 
Sửa lần cuối:

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top