Cuộc bầu cử ‘xé nát’ đảng cầm quyền Nhật Bản

thanhthanhnet

New Member
Cuộc đua khốc liệt giành chức chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của hai “huynh đệ” là Thủ tướng Naoto Kan và ông Ozawa đẩy DPJ vào ngõ cụt.
>> Thủ tướng Nhật trước nguy cơ 'đảo chính'

Trước khi diễn ra chiến dịch tranh cử Chủ tịch DPJ từ đầu tháng 9 này, cựu Thủ tướng Hatoyama và các quan chức cao cấp khác của DPJ nỗ lực nhằm tránh một cuộc đối đầu khốc liệt giữa Thủ tướng Kan và ông Ozawa do lo ngại việc này có thể khiến DPJ bị suy yếu. Nhiều người hy vọng ông Kan sẽ trao cho đối thủ của mình một vị trí quan trọng trong đảng để ông Ozawa rút lại quyết định ra tranh cử.

Tuy nhiên, ông Ozawa còn “kỳ kèo” thêm điều kiện, đó là yêu cầu hai đồng minh thân cận của Thủ tướng Naoto Kan thuộc phái chống ông Ozawa là Tổng Thư ký DPJ Yukio Edano và Chánh văn phòng nội các Yoshito Sengoku phải từ chức. Rốt cuộc ông Kan không chấp nhận đề nghị này vì lo ngại một sự thoả hiệp ở hậu trường có thể tạo ra làn sóng chỉ trích của dư luận đối với DPJ.



DPJ đang phải chứng kiến cảnh "huynh đệ tương tàn".

Hãng Reuters bình luận: “Bất cứ đối thủ nào chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch DPJ ngày 14/9 cũng phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng khó khăn là giữ cho đảng khỏi bị chia rẽ”. Bản thân các quan chức DPJ cũng cảm thấy rất khó để có thể hoà giải bởi trong nội bộ đảng chia làm hai phe rõ rệt, theo đó chỉ có thân Ozawa hoặc Kan. Nếu ông Kan giành thắng lợi, cựu Tổng thư ký Ozawa sẽ buộc phải dứt áo ra đi và thành lập đảng mới. Khi đó, chính đảng của Nhật Bản rất có thể sẽ không còn là DPJ mà là một cái tên khác.

Trong khi đó, nhật báo Yomiuri cũng nhận xét, đây là “cuộc đua song mã” chưa từng có. Ông Ozawa là một trong những kiến trúc sư chủ chốt đưa đảng DPJ trở thành đảng cầm quyền, chấm dứt hơn nửa thế kỷ cầm quyền gần như liên tục của đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, “phù thuỷ” này đang đối mặt với nguy cơ bị truy tố liên quan các vụ bê bối quỹ chính trị. Đó là những nguyên nhân khiến nhà chính trị này không được nhiều người dân ủng hộ và phải từ chức Chủ tịch DPJ hồi tháng 5/2009 và Tổng Thư ký DPJ hồi tháng 6/2010.
So với ông Ozawa, Thủ tướng Kan có lợi thế vì ông không dính vào bê bối chính trị, tiền bạc. Tuy nhiên, ông Kan bước vào cuộc tranh cử này với nhiệm vụ cũng không nhẹ nhàng: đưa Nhật Bản thoát khỏi sự ì ạch cả về chính trị, kinh tế lẫn xã hội.

Không đầy một tháng sau khi lên nắm quyền, chưa kịp ổn định nội bộ DPJ và Chính phủ, ông Kan phải đối mặt cuộc bầu cử thượng viện. Cử tri tiếp tục thể hiện sự thất vọng đối với DPJ khiến đảng này mất thế đa số quá bán tại thượng viện.

Ông Kan và ông Ozawa đang bày tỏ những quan điểm hoàn toàn khác biệt về hướng tương lai của DPJ. "Tướng quân trong bóng tối" Ozawa cho rằng, DPJ đi lạc lối khi từ bỏ hoặc sửa đổi hầu hết các lời hứa được cam kết trong tuyên ngôn của DPJ trong chiến dịch tranh cử của đảng này hồi năm ngoái. Ông Ozawa hứa hẹn sẽ đặt trọng tâm vào những vấn đề đã được nêu trong tuyên ngôn và hoãn các cuộc tranh luận về tăng thuế thu nhập.

Trong khi đó, Thủ tướng Kan lại dự định sửa đổi nhiều đề xuất của DPJ liên quan đến chi tiêu xã hội mà khó có thể thực hiện được khi ngân sách ngày càng thâm hụt. Ông muốn nâng thuế tiêu dùng hiện ở mức 5% đến 10%, nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách và khản nợ công khổng lồ chiếm khoảng 200% GDP. Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ là trái với cam kết mà DPJ đưa ra khi thành lập liên minh cầm quyền hồi năm 2009.

Trong cuộc tranh luận trên, có vẻ như ông Ozawa giành ưu thế. Tuy nhiên, theo kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc bầu cử, ông Naoto Kan có nhiều khả năng giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử lần này, vì có tới 67,3% số người được hỏi ủng hộ ông Naoto Kan trong khi số người ủng hộ ông Ichiro Ozawa chỉ có 22,8%.
theo :báo Đất Việt
 
Top