Nghề Thủ Công Truyền Thống ở Nhật Bản

Nghề Thủ Công Truyền Thống ở Nhật Bản

NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở NHẬT BẢN THỜI CỔ ĐẠI

Từ thời cổ đại với hai nền văn hóa Jomon và Yayoi, nghề gốm, điêu khắc ở Nhật Bản đã ra đời và phát triển. Các bằng chứng sớm nhất về nghệ thuật làm đồ gốm của Nhật Bản được đánh dấu từ giai đoạn Jomon. Những đồ đựng bằng gốm nhỏ gọi là jomon-doki đã


được khai quật với một số lượng đáng kể ở phía Đông nước Nhật. Hầu hết chúng đều có màu xám thẫm, hoa văn là những đường cong được bố trí rất nghệ thuật, mặt nền trông giống với mặt chiếu. Thời kỳ Yayoi, nghệ thuật làm gốm đã phát triển thêm một bước. Kỹ thuật pha màu, chau chuốt hình dáng bên ngoài của đồ gốm Yayoi-shikki thời kỳ này cũng phong phú hơn đồ gốm thời kỳ Jomon. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác lúa nước học tập được từ lục địa vào đã làm hình thành ở đây một số nghề mới như dệt vải, chế tác đá, chế tạo công cụ sản xuất và công cụ xây dựng Phong tục tập quán của một xã hội nông nghiệp đã được bắt đầu từ đây và nó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa ở đất nước Nhật Bản cho đến tận ngày nay.

Sau thời đại đồ gốm là thời đại đồ đồng thời tiền sử tương đối ngắn ngủi. Tiêu biểu cho nghệ thuật đúc đồng thời đại này là các công cụ bằng đồng như dao găm, kích và đặc biệt là chuông đồng dotaku. Chuông được đúc bằng loại hợp kim gồm đồng đỏ, thiếc, chì, angtimoan với những hoa văn hình vây cá mà người ta cho rằng đó là một nguyên mẫu độc đáo của người Nhật, không thể tìm thấy ở Triều Tiên hoặc Trung Quốc.

Giai đoạn phát triển tiếp theo của nghề thủ công truyền thống được kéo dài suốt thời sơ sử đến năm 552, khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản - đánh dấu một thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của nghệ thuật cổ đại Nhật Bản. Thời kỳ này, cùng với sự phân công lao động tương đối đa dạng, nhiều nghề thủ công đã ra đời và phát triển như nghề dệt vải, lụa, nghề làm trang sức bằng đá quý, vàng, bạc, nghề đúc gương đồng và yên cương đồng, rèn vũ khí, giáp trụ bằng sắt, làm đồ gốm bằng bàn xoay, may đồ da. Những người thợ thủ công đã biết họp nhau lại thành phường hội và truyền tục nghề của họ từ đời này sang đời khác. Một nét đặc sắc là tất cả những di vật thời này đều được tìm thấy trong gò mộ táng nên văn hóa thời kỳ này được gọi là văn hóa Mộ gò.

Thời đại Asuka bắt đầu từ năm 552, khi Phật giáo lần đầu tiên du nhập vào Nhật Bản và kéo dài cho đến cuộc cải cách Taika. Đây là thời kỳ nổ ra nhiều cuộc tranh cãi trong Hoàng tộc về việc tiếp nhận đạo Phật - một tín ngưỡng mới. Song, chỉ sau vài chục năm, Phật giáo đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Nhật Bản, để từ đó nghệ thuật cổ đại Nhật Bản nói chung và nghề thủ công truyền thống nói riêng phát triển không tách rời khỏi tín ngưỡng này. Phật giáo trở thành tôn giáo của quốc gia đã thúc đẩy việc xây dựng các chùa chiền, miếu mạo và nghề điêu khắc gỗ, đúc đồng cũng theo đó mà phát triển lên. Nổi bật trong thời đại này là tượng Quan Âm, từ khuôn mặt, vóc dáng đến bàn tay đều thể hiện lòng từ bi nữ tính được diễn đạt một cách rất sống động. Tượng đồng thời này hầu hết đều có mạ vàng, còn tượng gỗ được tạc trong một khối gỗ rồi tô màu hoặc thếp vàng lá sáng bóng. Hiện nay, vẫn còn một số bản được lưu giữ tại chùa Horyu. Cùng với sự phát triển của kiến trúc và điêu khắc Phật giáo, nghề nung gạch ngói, làm kim loại, khắc gỗ, và cả nghề dệt đều khởi sắc. Kỹ thuật đúc đã được vận dụng trong việc sản xuất vũ khí và nông cụ trước đây lại được thúc đẩy hơn nữa do nhu cầu của việc đúc tượng Phật. Ngoài ra, nghề thêu bằng cườm cũng rất phát triển. Bức tranh thêu cườm ở chùa Chugu là một tác phẩm thủ công mỹ nghệ tuyệt hảo. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn giữ lại được một mảnh và là bức tranh thêu cổ nhất Nhật Bản.

Bước sang thời đại Nara (646 - 794), nghệ thuật cổ đại Nhật Bản có bước chuyển biến lớn do tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa đời Đường. Có một sự kiện quan trọng trong thời đại này là việc đóng đô ở Nara vào năm 710 đến 794. Thời kỳ từ năm 710 - 794 còn được gọi là Văn hóa Tempyo. Kinh đô Nara được xây dựng bằng cách học hỏi những tinh hoa của nền văn hóa nghệ thuật đang phát triển rực rỡ tại kinh đô Tràng An lúc bấy giờ. Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này. Nhiều chùa chiền lớn đã được xây dựng đã thúc đẩy những kỹ nghệ thủ công phát triển. Cùng với việc xây dựng chùa chiền thì gạch ngói cao cấp cũng được nung với một số lượng lớn. Văn hóa Phật Giáo được Nhà nước khuyến khích phát triển đã đẩy nhanh lượng sn xuất các sản phẩm thủ công như mực tàu, bút lông.

Bên cạnh đó, nghề đúc tượng Phật bằng nhiều chất liệu khác nhau như đất sét, gỗ, đồng hoặc sơn mài cũng có tiến bộ. Đặc biệt, bức tượng Phật lớn daibutsu được hoàn thành vào năm 752 đã ghi dấu đỉnh cao trong sự phát triển của nghề đúc đồng trong nghệ thuật điêu khắc cổ đại Nhật Bản. Nghề điêu khắc gỗ cũng đạt được những thành tựu đáng kể với điển hình là pho tượng Quan Âm mười một đầu của chùa Yakushi. Ngoài ra, điêu khắc sơn mài khô và đất sét bắt đầu thay thế cho các chất liệu cũ là đồng và gỗ. Chất liệu đất sét đã khẳng định vị trí của mình ở những tác phẩm hoàn hảo về dáng vẻ và độ bền, mặc dầu không qua nung lửa. Về nghề dệt, phải nói đến thế kỷ thứ VIII, nghệ thuật dệt đã đạt tới đỉnh cao với những sản phẩm đa dạng tuyệt mỹ như vải thêu (nishiki), vải hoa (aya), lụa (kinu), lụa thô (ashiginu)... Những mặt hàng này không chỉ nổi tiếng ở kỹ thuật dệt tinh xảo học theo lối nhà Đường mà còn được ưa thích bởi độ bền và sự phong phú của phẩm nhuộm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên. Cùng với nghề dệt, một số nghề mỹ thuật ứng dụng cũng rất phát triển dưới sự bảo trợ của Nhà nước, đó là các nghề như rèn, đúc, nghề gốm và sơn mài.

Thời đại Heian, kinh đô được chuyển tới Heian (Kyoto), mở đầu cho một thời kỳ phát triển tương đối độc lập của văn hóa nghệ thuật Nhật Bản, khi mối giao lưu với nhà Đường bị cắt đứt. Có thể nói, đây là giai đoạn mà Nhật Bản dần dần khẳng định tính dân tộc đặc trưng của mình thông qua các cách thể hiện mới trong nghệ thuật. Trong điêu khắc có những nét mới như việc thay đổi chất liệu từ đất sét, sơn mài khô sang gỗ. Mặt khác, cách trang trí sử dụng nhiều màu sắc trên bề mặt đã được chuyển hướng thành dùng chất liệu gỗ tự nhiên để thể hiện vẻ đẹp hết sức thuần khiết. Tuy nhiên, trong giai đoạn ngắn ngủi một thế kỷ nửa đầu thời Heian (794-894), nhiều ngành nghệ thuật không đạt được sự phát triển rực rõ như thời Văn hóa Tempyo.

Nửa sau thời Heian được tính từ năm 894 đến năm 1185, còn gọi là thời kỳ nghệ thuật cung đình của dòng họ Fujiwara. Toàn bộ quyền lực tập trung vào một dòng họ và các vua chúa đều được sinh ra từ dòng họ này nên có thể nói cuộc sống cung đình trở nên êm tươi đẹp hơn bao giờ hết. Chính yếu tố này đãlàm nên nét đặc trưng của nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp an lạc, hiền hòa, thanh nhãđầy nữ tính. Hội họa ở thời kỳ này phát triển đến đỉnh cao với hai trường phái: tranh theo đề tài tôn giáo và tranh thế tục. Những bức tranh Phật vẽ với màu sắc phong phú lại được kết hợp tươg phản với những đường nét mảnh mai thanh tú. Còn tranh thế tục tiêu biểu có bộ tranh cuộn minh họa cho cuốn tiểu thuyết Truyện kể Genji được vẽ với một nghệ thuật điêu luyện và tinh tế, màu sắc thắm đậm vui tươi mang hơi thở của cuộc sống thực sự. Nghệ thuật điêu khắc cũng có những nét mới, thể hiện ở việc lắp ghép các bộ phận của tượng gỗ, thay vì tạc tượng nguyên trong một súc gỗ như ở các thời kỳ trước. Đặc biệt, lúc này đã bắt đầu xuất hiện những nhà điêu khắc chuyên nghiệp, một yếu tố quan trọng để nghệ thuật điêu khắc bước chân vào lĩnh vực dân gian, phát triển như một ngành mỹ thuật công nghiệp phục vụ đời sống. Ngoài ra, các nghề làm đồ kim loại, đồ sơn, đồ khảm cũng rất phát triển, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của tầng lớp quý tộc. Gương đồng trạm trổ cầu kỳ, đồ trang trí bằng vàng tinh xảo gắn trên các hòm xiểng và những khay, hộp, bàn được sơn, khảm xà cừ, gắn kim loại hay dát vàng là những minh chứng cho sự thịnh vượng của nghề thủ công thời kỳ này.
 
Bình luận (2)

sakura_hana

Đại hậu đậu
Ðề: Nghề Thủ Công Truyền Thống ở Nhật Bản

SSM10189.jpg

NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN THỜI TRUNG ĐẠI

Thời đại Kamakura (1186-1333), xã hội Nhật Bản có những biến động sâu sắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nghệ thuật nói chung và nghề thủ công truyền thống nói riêng. Sự hình thành của chế độ Sogun ở Kamakura đã mở màn cho một thời đại vinh quang của phái


quân sự và cũng từ đây nghệ thuật Nhật Bản bước sang một giai đoạn phát triển mới, mang màu sắc hiện thực và thấm đậm ý thức dân tộc.

Có một số yếu tố ảnh hưởng chính đến văn hóa nghệ thuật thời đại này, đó là sự giao tiếp với văn hóa đời nhà Tống của Trung Hoa, sự du nhập của Phật giáo Thiền (Zen) và sức mạnh của tinh thần quân sự. Tinh thần mới của thời đại Kamakura đã phản ánh ngay vào trong nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Có thể nói, nghề làm tranh cuộn thời này đã phát triển lên một tầm cao mới, mang đậm tính chất thuần tuý Nhật Bản về đề tài và cách thể hiện với đặc điểm chung là sắc màu rực rỡ và tinh tế. Về điêu khắc, việc xây dựng lại chùa chiền trong chính sách của nhà nước đã kéo theo nhu cầu về tượng Phật và nhờ đó nghề điêu khắc cũng có cơ hội để phát triển lên. Tinh thần quân sự ảnh hưởng vào nghệ thuật điêu khắc khiến cho các tác phẩm thời này nổi bật tinh thần thượng võ quả cảm thể hiện ở các động tác của tượng, khác hẳn dáng thanh tao trầm mặc có ở các tác phẩm thời Fujiwara. Chất liệu điêu khắc chính vẫn là gỗ, nổi trội về tính sinh động, khoẻ khoắn bởi chất liệu gỗ mộc, không tô màu loè loẹt, không cầu kỳ hoa mỹ. Các bức tượng chân dung bằng gỗ thể hiện sự tinh xảo trong nghề thủ công và óc thẩm mỹ đầy sáng tạo của những người thợ Nhật Bản. Nổi bật có hai pho tượng Nio (Nhi Vương) đặt tại chùa Todai cao đến 8,2m dáng dấp đường bệ với cơ thể lực lưỡng trác tuyệt là thành quả của nhà điêu khắc thiên tài Unkei.

Các nghề thủ công khác như nghề đúc kim loại, làm đồ gốm, đồ sơn cũng có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, lúc này tại đại bản doanh của Tướng quân ở Kamakura đã hình thành một trung tâm nghệ thuật mới. Tư tưởng Thiền tông coi trọng sự đơn giản và tính thực dụng đã bắt đầu được thể hiện trong cách sản xuất đồ vật và thị hiếu tiêu dùng. Nghề sản xuất vũ khí vốn đã phát triển ở các thời kỳ trước, đến lúc này càng phát đạt do nhu cầu của các cuộc nội chiến liên miên. Mặt khác, nghề này đã vươn lên thành nghệ thuật bởi việc làm đẹp cho các vị tướng và bản doanh của họ. Tiêu biểu có thể kể đến nghệ thuật làm gươm, làm áo giáp, đặc biệt là loại đại giáp oyoroi tinh xảo và lộng lẫy, được coi là loại giáp trang trí đẹp nhất Thế giới. Về đồ gốm, thời này do việc thông thương với Trung Hoa và ưa chuộng dùng các loại hàng ngoại nhập nên kỹ nghệ gốm trong nước không phát triển lắm, chủ yếu là đồ gốm gia dụng được sản xuất để phục vụ đời sống bình dân. Tuy nhiên, cũng có những phát kiến mới về màu men, ví dụ như men vàng ki-seto. Ngoài ra, nghề làm đồ sơn cũng được chuyển từ Kyoto đến Kamakura, đang dần dần đạt đến độ hoàn mỹ về kiểu trang trí sơn thếp vàng.

Thời đại Muromachi (1334-1573) là một thời đại đầy rối ren, hỗn loạn, nhưng đồng thời cũng là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật. Tướng phủ ở Kamakura tan rã, một lần nữa trung tâm quyền lực chính trị và văn hóa lại được trùng phùng với nhau tại Kyoto, khiến cho nơi đây trở thành cái nôi của sự phát triển các ngành nghệ thuật, trong đó có nghề thủ công truyền thống. Dưới sự bảo trợ của các Shogun, đặc biệt là tướng quân Yoshimasa, nghệ thuật và các trò giải trí thanh tao như trà đạo, kịch No, vườn cảnh đã phát triển tột bậc, kích thích các ngành mỹ thuật công nghiệp phục vụ cho chúng như vẽ tranh cuộn, điêu khắc gỗ, làm đồ kim loại, đồ sơn, đồ gốm tiến thêm một bước mới. Lúc này, thẩm mỹ Thiền đã ảnh hưởng sâu đậm vào phong cách sáng tạo của những nghệ nhân. Tranh mực tàu đen trắng giản dị mà thanh tao đã thay thế cho những bức tranh màu sắc rực rỡ của thời kỳ trước. Người Nhật bắt đầu biết đến kỹ thuật vẽ trên nền lụa hoặc vải lớn theo phong cách Trung Hoa. Cho đến nay vẫn còn lại những bức tranh vẽ trên các màn kéo lớn của các sảnh thất tại tự viện Myoshin ở Kyoto.

Điêu khắc thời này chuyển hướng từ đề tài Phật giáo sang điêu khắc chân dung, bởi giáo lý Thiền đề cao tính trọng đại của cá nhân hơn là các hình tượng Phật. Một điều quan trọng là kịch Nô phát triển đã thúc đẩy nghề trạm trổ các mặt nạ Nô với những biểu hiện nét mặt khác nhau. Nói chung, trong nghề điêu khắc gỗ vẫn giữ vai trò nguyên liệu chính, trong khi đó kim loại mất dần vị trí, chuyển thành nguyên liệu để chế tác những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực dụng trong cuộc sống hàng ngày của tầng lớp quý tộc. Nghề kim loại vẫn chú trọng vào việc đúc vũ khí, giáp trụ, rèn gươm, đặc biệt còn xuất hiện nghệ thuật làm lá chắn trên chuôi gươm tạo ra một bước phát triển về mỹ thuật trong nghề này.

Về nghề sơn, thời này có bước tiến bộ đáng kể về sơn vàng nổi, gọi là nền da lê vàng (nashi-ji). Mỗi họa tiết bằng sơn vàng được áp lên nền sơn, phủ một lớp sơn mỏng lên rồi mài bóng cho bằng phẳng trên bề mặt, trông cực kỳ tinh tế. Còn về đồ gốm, sự phổ biến của trà đạo đã khuyến khích thợ gốm ở khắp nơi sản xuất ra những vật phẩm thích hợp với sự tinh tế của nghi lễ trà. Tiêu biểu có loại gốm sứ Shino yaki với nước men trắng rạn đặc biệt, Joo Shigaraki được tráng men đỏ tươi thẫm hay Imbe yaki với màu nâu đỏ tuyệt hảo của đất sét vùng Bizen. Ngoài ra, các ngành kiến trúc, vườn cảnh phát triển cũng tạo điều kiện cho các nghề thủ công phục vụ việc trang trí nội thất phát triển.

Đến thời Momoyama (1574 - 1614), trong vòng 40 năm của thời đại ngắn ngủi nhất trong lịch sử Nhật Bản, nghệ thuật lại thực sự phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của nền văn hóa Nhật Bản về sau. Người có công đầu phải kể đến là tướng quân Hideyoshi, quyền thế của ông, sự dám nghĩ dám làm của ông lần đầu tiên đã đem lại cho phong cách nghệ thuật Nhật Bản một quy mô hoành tráng, diễm lệ và rực rỡ. Lúc này, kiến trúc đặc biệt phát triển do việc khuyến khích xây dựng những lâu đài và thành quách rộng lớn. Các ngành nghệ thuật như hội họa có bước phát triển đặc sắc với tư cách trang trí nội thất các dinh thự. Người Nhật bắt đầu chú trọng đến nghề làm bích họa, bình phong. Tranh được vẽ trên tường, trên những bức màn cuốn rộng lớn và các bức ván lùa ngăn phòng.

Nghề làm đồ kim loại thời kỳ này cũng chịu ảnh hưởng của không khí chiến thắng và hoa mỹ. Những gam màu nóng, rực rỡ như màu vàng được sử dụng chủ đạo, tạo nên những đồ kim loại mạ vàng và đồ sơn vàng tuyệt đẹp. Còn sản phẩm của nghề này chủ yếu vẫn là phụ gia trang trí bằng kim loại, vũ khí, áo giáp, gươm và đặc biệt còn có nồi sắt dùng trong trà đạo.

Nghề làm đồ sơn có bước phát triển theo hướng mới, đó là làm đồ trang trí mỹ nghệ. Chủ yếu các tác phẩm là những mẫu hình hoa lá, chim muông được khắc họa trên tường. Ngoài ra, có một kỹ thuật mới là dát vàng lá trên nền sơn trông thật rực rỡ. Nghề gốm sứ cũng khá phát triển do được khuyến khích bởi các ông tổ của trà đạo như Sen no Rikyu... Nổi tiếng về đồ gốm thời đó có Raku yaki rất được các môn đồ trà đạo ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những trung tâm gốm sứ mới do những thợ gốm Triều Tiên mang kỹ thuật tới như Arita, Satsuma, Chikuzen, Nagato...

Thời đại Eđo (1615-1866) được gọi là kỷ nguyên vàng của nghề thủ công truyền thống với các loại hàng hóa sản xuất trên khắp đất nước Nhật Bản. Nếu như ở các thời đại trước, nghệ thuật bị độc chiếm trong tay tầng lớp quý tộc thì đến giai đoạn này nghệ thuật đã được mở rộng tới tầng lớp bình dân. Một nguyên nhân là do trong thời kỳ yên bình nhất của lịch sử này, người dân thường đã dần dần tích lũy được của cải trong khi tầng lớp quý tộc và quân nhân bị sa sút, và cuối cùng thì những người này đã làm hình thành ở Nhật Bản một tầng lớp mới đông đảo mà thị hiếu tiêu dùng của họ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nghệ thuật: tầng lớp thị dân. Mặt khác, do chính sách đóng cửa không giao tiếp với bên ngoài của chính phủ trong suốt hai thế kỷ rưỡi, nghệ thuật bản địa mà chủ yếu là nghề thủ công truyền thống đã được dịp khởi sắc. Lúc này, Edo trở thành trung tâm chính trị xã hội quan trọng nhất Nhật Bản, các lãnh chúa đều phải có mặt ở Eđo trong những khoảng thời gian hạn định nên việc xây dựng dinh thất của họ đã kéo theo các thương gia và thợ thủ công tới đây, biến nơi này thành một trung tâm lớn của nghề thủ công truyền thống.

Thời đại này, tất cả các nghề thủ công truyền thống đều đạt được sự hưng thịnh tột bậc. Ba nghề thủ công phát triển rực rỡ nhất là nghề gốm sứ, nghề sơn và nghề dệt. Về nghề gốm sứ, các sản phẩm được chế tác vô cùng đa dạng, từ loại gốm đất nung không men (doki), đất nung có men (toki), sành (sekki) và sứ (jiki). Đặc biệt, các nghệ nhân được đưa tới Nhật Bản trong cuộc chinh phạt Triều Tiên đã có công thúc đẩy nghệ thuật làm đồ gốm sứ phát triển. Bên cạnh đó, sự phổ biến của trà đạo trong tầng lớp bình dân cũng là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển của nghề này. Bước tiến bộ vượt bậc của nghề gốm là đã chế tạo ra được nhiều màu sắc và nước men mới đạt độ tinh xảo và rực rỡ tới mức người ta nói rằng những tiêu bản đẹp nhất về màu sắc của đồ gốm chỉ có thể tìm thấy ở gốm sứ thời Edo của Nhật Bản. Các sản phẩm nổi tiếng thời này là gốm Ninsei, sứ Kakiemon, Ironabeshima, Satsuma, Kokutani...

Nghề làm đồ sơn cũng đạt tới đỉnh cao về độ tinh xảo với những sản phẩm sơn thiếp vàng có giá trị nghệ thuật cao. Đồ sơn thời này gắn liền với tên tuổi của các nghệ nhân nổi tiếng như Honnami Koetsu, Koami Nagashige, Kajikawa Kyujiro, Ogatakorin, Shiomi Seisei, Komakoryu... Các xưởng sản xuất đồ sơn hầu hết đều tập trung ở Edo và Kyoto, ngoài ra còn có tỉnh Kaga cũng là nơi nổi tiếng.

Nghề dệt từ đỉnh cao vào thế kỷ thứ VIII bị chững lại sau nhiều thế kỷ, nay cũng có những tiến bộ đặc sắc. Có thể tìm thấy ở hàng dệt thời Edo những mẫu vải gấm hoặc lụa thêu hoa văn bằng vàng lá lộng lẫy dùng trong sân khấu kịch Nô như kara ori, atsuita, nui haku, suri haku... Bên cạnh đó, nhu cầu làm đẹp của tầng lớp thị dân giàu có cũng thúc đẩy hàng lụa dùng để may kimono phát triển. Có thể nói, đến thời kỳ này, gấm và lụa Nhật Bản đã được Thế giới biết đến như những sản phẩm cao cấp nhất.

Ngoài ra, có rất nhiều nghề thủ công sản xuất đồ dùng trong gia đình phát triển như nghề đóng tủ, nghề làm đồ sắt, nghề làm bàn thờ.
 

sakura_hana

Đại hậu đậu
Ðề: Nghề Thủ Công Truyền Thống ở Nhật Bản

SSM10188.jpg

NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG NHẬTBẢN THỜI CẬN ĐẠI VÀ HIỆN ĐẠI

Nghề thủ công truyền thống ra đời ở thời cổ đại, phát triển đến đỉnh cao ở thời trung đại đã dần dần đi xuống ở thời cận đại. Thời Meiji - Taisho (1868-1926), dưới ảnh hưởng của công cuộc Minh Trị duy tân, trên đất nước Nhật Bản đã diễn ra một sự thay đổi mãnh liệt. Văn minh phương


Tây với sự ưu tiên cái thực dụng đã làm cho nhiều người bị lóa mắt. Người ta đua nhau mua sắm hàng Tây, học mốt Tây và “vọng Tây”. Vì thế các ngành nghề thủ công truyền thống dần mất đi vị trí vốn có của nó trong đời sống của người dân Nhật Bản trước đây. Trong làn sóng của cuộc cách mạng sản xuất, nhiều kỹ thuật thủ công bị lụi tàn như nghề dệt vải bông Tanba, nghề làm giấy Nhật, làm đồ sơn... Song, những năm gần đây đang được các nhà nghiên cứu khôi phục lại.

Một trong những người khởi xướng phong trào khôi phục nghề thủ công truyền thống từ thời Đại Chính đến thời Chiêu Hòa đã đưa ra khẩu hiệu “Sản phẩm thủ công truyền thống sẽ cởi bỏ cái mặt nạ của nó trong những vật dụng hàng ngày”. Người ta nói đến “vẻ đẹp sử dụng”, tức là vẻ đẹp của sản phẩm thủ công chỉ được thắp sáng một cách thực sự qua năm tháng sử dụng những sản phẩm hàng ngày. Gỗ, đất, và sợi bông, những tài nguyên thiên nhiên đã biến thành các sản phẩm thủ công truyền thống dưới bàn tay của con người, chúng phản ánh tâm hồn và lịch sử cuộc sống của người Nhật. Những sản phẩm này sẽ còn tỏa sáng và tiếp tục được phát triển qua các thời đại.

Nhìn lại suốt quá trình lịch sử, nghề thủ công truyền thống bắt nguồn từ những nhu cầu của nhân dân trong đời sống hàng ngày như phụ nữ dệt vải để có quần áo mặc, đàn ông làm những đồ dùng bằng gỗ, áo mưa bằng rơm, rổ rá và những công cụ cấy cày... Khi xã hội phân chia giai cấp, nghề thủ công truyền thống cũng có sự phân chia theo thị hiếu tiêu dùng của các giai cấp trong xã hội, hình thành hai loại: sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ thú thưởng ngoạn của tầng lớp trên và các sản phẩm phục vụ đời sống tiêu dùng của đông đảo quần chúng. Một yếu tố đã đóng góp phần không nhỏ cho sự phát triển của thủ công mỹ nghệ đó là ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo.

Trong suốt thời trung đại, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn liền với nghệ thuật và tôn giáo phát triển nổi trội, nhưng lại xa rời với văn hóa tiêu dùng. Song, đến thời Edo, có sự thay đổi vị trí giữa thủ công ứng dụng và thủ công mỹ nghệ, lần này các sản phẩm gắn liền với đời sống hàng ngày lại được dịp lên ngôi do sức tiêu dùng mạnh mẽ của tầng lớp thương nhân.

Ngày nay, với sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa công nghiệp hiện đại, môi trường sống đang đứng trước những nguy cơ nặng nề về ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của con người. Vì vậy, người Nhật đang có sự nhận thức và đánh giá lại về vai trò của nghề thủ công truyền thống đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường./.


Nguồn tin Viện nghiên cứu Đông Bắc Á
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top