Cụ Phan Bội Châu
Nhân kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại VN phối hợp với Trung tâm Hợp tác Nguồn Nhân lực VN-Nhật Bản (VJCC) tổ chức buổi hội thảo về phong trào này vào tối 20-10.
Đồng thời, một triển lãm với chủ đề "Tình bạn giữa Phan Bội Châu và Sakitaro Asaba" cũng diễn ra tại trụ sở VJCC từ nay đến hết 23-10.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học Nhật Bản và VN, đặc biệt là các nhà sử học thuộc Hội Khoa học Lịch sử VN.
TS Kazuhiko Onishi - nhà nghiên cứu lịch sử và tôn giáo VN, cựu Trưởng đại diện Hội giao lưu văn hoá Nhật-Việt - đã trình bày một cách sơ lược về phong trào Đông Du (1905-1909).
Một phong trào đấu tranh chống Pháp, có liên hệ mật thiết với nước Nhật thời bấy giờ, đã được đưa ra dưới góc nhìn của người Nhật Bản; tuy vậy, theo nhận xét của GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN), nó không có khác biệt về chi tiết và quan điểm so với lịch sử VN.
Năm 1904, Phan Bội Châu (26-12-1867 - 29-12-1940) đã thành lập Duy Tân hội, bầu Cường Để - một người thuộc dòng tộc nhà Nguyễn - làm Hội chủ, nhằm đấu tranh giành độc lập và chủ quyền. Năm 1905, ông bắt đầu sang Nhật Bản liên hệ và đưa các lưu học sinh sang Nhật học, với mục đích là đào tạo nhân tài cho cuộc cách mạng sau này.
Như vậy là dấy lên phong trào Đông Du. Phan Bội Châu đã đưa được khoảng 200 lưu học sinh sang học (tại hai trường Chấn Võ và Đồng văn thư viện). Đến năm 1908, dưới sức ép của Pháp, chính phủ Nhật đã giải tán phong trào này, cụ Phan phải sang Thái Lan ẩn náu.
Cường Để (trái) và cụ Phan (ảnh lưu giữ tại gia đình Asaba)
GS Kazuhiko Onishi đã lý giải tại sao nước Nhật bấy giờ đã phải giải tán phong trào Đông Du như sau: "Sau chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), nước Nhật gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Pháp phải hỗ trợ Nhật Bản 300 triệu franc dưới hình thức công trái và yêu cầu Nhật phải ngừng ngay việc giúp đỡ phong trào Đông Du. Do phải đối chọi với Hoa Kỳ tại Mãn Châu nên Nhật Bản cần tăng cường mối quan hệ với các nước đồng minh phương Tây".
GS Kazuhiko Onishi cũng đánh giá một thành quả của phong trào Đông Du là sự ảnh hưởng của tiếng Nhật vào tiếng Việt do vốn ngôn ngữ mà các lưu học sinh Đông Du mang về. "Tại Đông Á, các từ ngữ học thuật về chính trị, xã hội, hoá học được hình thành từ tiếng Nhật, được tái sử dụng ở Trung Quốc, và được sử dụng một phần trong tiếng Việt"...
Tấm bia tưởng niệm và một tình bạn cảm động
Tấm bia đá tưởng niệm Bác sỹ Asaba tại Umeyama.
Đến phòng triển lãm tại tầng 1 Trung tâm VJCC (nằm trong trường Đại học Ngoại thương) có thể đọc thấy câu chuyện cảm động về tình bạn giữa Phan Bội Châu và bác sỹ Sakitaro Asaba (1867-1910). Đây là người đã giúp đỡ cụ Phan rất nhiều về tài chính cũng như ủng hộ về mặt tinh thần trong những ngày vất vả thiếu thốn tại Nhật
Ông giám đốc bệnh viện Asaba này vào năm 1907 đã tình cờ giúp đỡ một lưu học sinh VN ốm ngất trên đường. Từ đây đã mở ra một mối giao thiệp với những người yêu nước đầy nhiệt huyết của phong trào Đông Du. Sakitaro qua đời ngày 25-9-1910 ở tuổi 43. Năm 1918, 9 năm sau khi bị trục xuất, Phan Bội Châu trở lại Nhật Bản; để tưởng niệm người bạn đã mất, ông đã dựng một tấm bia đá lớn bên mộ Sakitaro.
"Lũ chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang, ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có..." - Cụ Phan viết.
Tấm bia hiện còn tại khuôn viên đền Jorin tại Umeyama, thành phố Fukuroi. Phan Bội Châu đã ghi lại chi tiết mối quan hệ tốt đẹp giữa ông và họ trong "Phan Bội Châu niên biểu". Tuy vậy, tấm bia lớn là vật kỷ niệm minh chứng cho mối tình hữu hảo này thì không phải người VN nào cũng có cơ hội được nhìn!
(Theo Vietnamnet)
Có thể bạn sẽ thích