Cô giáo Nhật trên đất Việt

Cô giáo Nhật trên đất Việt

6.jpg

Aki và những buổi học với học sinh của mình

Ấn tượng đầu tiên khi gặp cô giáo tình nguyện Aki Fujii là cô quá trẻ và nhỏ nhắn so với cái tuổi 32 của mình. Hỏi, cô cười thật tươi, trả lời bằng cái giọng lơ lớ nhưng hơi "nặng" chất Quảng: "Tại từ khi ra trường đến giờ toàn tiếp xúc với con nít nên cứ trẻ mãi không chịu già!".

Tốt nghiệp đại học, Aki Fujii bắt đầu tham gia giảng dạy tại Trường khiếm thính Kagawa Rougakko (Nhật Bản). Sau 7 năm gắn bó với trẻ khiếm thính, Aki đã quyết định đăng ký và trải qua nhiều đợt sát hạch "cam go" để trở thành tình nguyện viên cao cấp thuộc cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Việt Nam là điểm đến đầu tiên của cô giáo trẻ giàu lòng nhiệt huyết, mong muốn được đem sức trẻ cùng kiến thức của mình giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh...

Gần 50 đứa trẻ khuyết tật của Trường tiểu học chuyên biệt Tương Lai - thành phố Đà Nẵng đã trở thành những người học trò, những người bạn thân thiết của cô giáo Aki từ gần một năm rưỡi nay. Chính những học trò khiếm thính không thể diễn tả những cảm xúc của mình bằng lời nói, những học trò khuyết tật bị nhiễm chất độc da cam này đã mang đến cho Aki những cảm giác xúc động mỗi khi gần gũi, và những chuỗi ngày không thể nào quên khi bắt đầu công việc tình nguyện của mình. Từng ngày, từng ngày, Aki dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để giao tiếp với các em, dạy các em biết tiếp xúc, rung động và sáng tạo với những sắc màu của cuộc sống. Nhờ cô giáo dạy mỹ thuật Aki, những trẻ em khuyết tật của Trường tiểu học chuyên biệt Tương Lai đã biết xếp hình, dán tranh, học cách chép lại cuộc sống bằng màu vẽ. Những hình vẽ, tranh dán của những buổi học đầu tiên lúc nào cũng ngượng nghịu, lem luốc, chắp vá. Nhưng dần dà, đã có những bức tranh hoàn chỉnh, đầy tính sáng tạo. "Hôm đầu tiên Aki dạy các em vẽ, những em nhỏ đầy âu lo, luôn nhìn sang bạn bên cạnh làm gì để bắt chước làm theo, rập theo một khuôn mẫu trông rất chán. Nhưng bây giờ, Aki rất tự tin với những cô cậu học trò của mình, bởi các em đã có sự sáng tạo riêng, em nào cũng có một phong cách rất riêng khi cùng nhìn vào một cảnh vật, một con người... Nhìn các em ngày càng trở nên tự tin vào năng lực của bản thân mình, Aki cảm động muốn hét vang cho mọi người cùng biết, nhưng không dám" - Aki nhỏ nhắn háo hức kể. Aki còn dạy các em học tiếng Anh, tập cho các em giao tiếp với mình thông qua ngôn ngữ của đôi tay, dạy làm những mặt hàng thủ công tinh xảo, có thể bán ở thị trường... Gần đây nhất, Aki còn mời rất đông những người bạn Nhật Bản đang làm tình nguyện ở các trường khuyết tật Việt Nam tổ chức hẳn một chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại trường Tương Lai. Aki muốn giúp các em bé khiếm khuyết này mở rộng tầm nhìn của mình ra xa hơn, biết đến nhiều nơi trên thế giới bên ngoài. "Đất nước các bạn đến bây giờ vẫn phải chịu nhiều mất mát do chiến tranh, nên khi góp phần nhỏ bé của mình, san sẻ với những người Việt Nam nỗi đau đó, lòng Aki cũng nhẹ nhõm phần nào". Nhìn những học sinh nhỏ cứ quấn quít, thân thuộc với cô giáo Aki không muốn rời, mới cảm nhận được những gì mà Aki mang lại cho các em quả là không nhỏ.

Không hợp với thời tiết, không quen với hoàn cảnh sống ở Việt Nam, nhưng Aki đã sớm học cách hòa nhập. Trong căn phòng nhỏ thuê ở đường Lê Độ, Aki ban đầu đã rất khó chịu bởi không khí lúc nào cũng ồn ào của những người hàng xóm xung quanh, không giống ở Nhật mọi người đều rất tránh tiếng ồn cho láng giềng của mình. Nhưng dần dà, Aki nhận ra, đằng sau thói quen gây tiếng ồn ấy là những tấm lòng nhiệt thành và nhân hậu. Lúc nào Aki cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của những cô chú xung quanh căn nhà trọ. Có hôm, chẳng may Aki bị sốt xuất huyết, phải vào bệnh viện nằm. Và cô giáo người Nhật này cảm động đến rơi nước mắt khi những người hàng xóm vào thăm nom, mang cho cô những bát cháo nóng hổi, còn dặn dò giữ gìn sức khỏe như thế nào. Chính những tình cảm đó đã giúp cô xoa dịu được nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ...

Sống ở Việt Nam, Aki tập đi chợ để nấu những món ngon của Việt Nam mà cô muốn khi nào về Nhật sẽ có dịp giới thiệu với bạn bè và gia đình mình. "Món nào cũng lạ, cũng ngon. Nhiều bạn của Aki cũng từng đến Việt Nam, có bạn bảo không hợp với mùi vị của món ăn Việt, nhưng Aki thì thích thú vô cùng. Đặc biệt món bánh xèo của Đà Nẵng rất là ngon. Aki đang cố học!". Khu chợ gần nhà trọ đã quen mặt với cô gái Nhật nhỏ nhắn này, lúc nào cũng giới thiệu với cô những mặt hàng ngon nhất, tươi nhất. Ban đầu Aki còn ngại trả giá nhưng nay thì đã rành rẽ từng ngóc ngách của khu chợ, đã biết hàng nào bán thức ăn ngon nhất. Thỉnh thoảng nhớ nhà, Aki lại chạy đến quán ăn Nhật Bản ở đường Đống Đa, gọi những món ăn mà mẹ thường làm. "So với món ăn Việt thì món ăn ở quán Nhật đắt lắm, tính bằng tiền USD nên chỉ thỉnh thoảng mới "giải tỏa" nỗi nhớ nhà bằng cách đó, khoảng 1-2 tuần một lần! Nhưng bù lại quán ăn này nấu ăn mùi vị rất giống ở Nhật!".

Một điều làm Aki thú vị nhất là cô sẽ lại được đón một cái Tết nữa ở Việt Nam trước khi rời khỏi đất nước này vào tháng 3.2006 - khi hoàn thành đợt tình nguyện này. Aki quả quyết: "Năm nay, nhất định Aki sẽ giữ gìn sức khoẻ để được đi thăm bạn bè thật nhiều". Đó là do Tết năm ngoái, Aki chưa kịp thích nghi, cứ nghĩ giống như Tết của Nhật Bản, chỉ tập trung gia đình ở nhà xem ti vi, nấu ăn và đi chùa. Còn ở Việt Nam, ngay từ mùng một Tết, Aki đã bị kéo đi thăm gia đình bạn bè, chúc tết các nơi. Vì vậy Aki mới có một quyết tâm như vậy.

Ở lại và gắn bó với Việt Nam một thời gian dài, Aki muốn làm một cái gì đó để ghi nhớ. Cũng đúng dịp một tờ báo Nhật đặt bài cho Aki viết giới thiệu về văn hóa Việt Nam, dự kiến sẽ đăng vào dịp năm mới. Vậy là ngoài giờ học, Aki bắt tay vào viết những cảm nhận của mình về đất nước Việt Nam. Trong bài báo đó, có thể đọc được những ngạc nhiên thú vị mà Aki dành cho con người và đất nước Việt Nam và Aki đã tỉ mỉ phân thành 5 lĩnh vực, đó là: món ăn Việt Nam phong phú và mùi vị đặc trưng như thế nào; trang phục của người Việt Nam đặc biệt là tà áo dài được người Việt trân trọng ra sao; tính cách hồn hậu của con người Việt Nam; khi bị ốm người Việt Nam thường làm gì và được chăm sóc như thế nào; Tết của người Việt Nam thú vị với những tình cảm ấm nồng và đặc biệt trong lĩnh vực này, Aki khắc họa mùi vị của bánh chưng ngày Tết đến là mê ly: "Vì Aki vô cùng thích bánh chưng". Những gì trong bài báo, với Aki "Sẽ là những kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời Aki. Sau này, dù có đi đâu, làm gì, Aki vẫn nhớ về Việt Nam, vẫn nhớ về những cô cậu học trò khiếm khuyết nhưng tinh nghịch. Và nếu được chọn, Aki sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là nơi hoạt động tình nguyện!".

(Theo Thanh Niên)
 

Bài viết liên quan

Your content here
Top