Để không bỏ lỡ làn sóng đầu tư từ Nhật Bản?

Để không bỏ lỡ làn sóng đầu tư từ Nhật Bản?

Có hay không "Một làn sóng đầu tư đến Việt Nam từ Nhật Bản" mà báo giới từng đặt ra? Và giả thử nếu có thì Việt Nam sẽ làm gì để không bỏ lỡ cơ hội này? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra với VDF (Diễn đàn phát triển Việt Nam). Ông Mai Thế Cường - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Nghiên cứu viên của VDF và GS Kenichi Ohno đến từ Nhật Bản trả lời.
TS Mai Thế Cường: Cần xúc tiến đầu tư hiệu quả và nhất quán

Các phương tiện truyền thông gần đây nói nhiều đến làn sóng mới của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào Việt Nam. Theo ông thì làn sóng này có thực hay không?

- Tôi cho rằng có, song làn sóng này hiện đang ở dạng cơ hội nhiều hơn là hiện hữu.

Tại sao làn sóng này đến nay mới xuất hiện, mà không phải vào thời điểm khác?

- Trong khu vực Đông Á, mô hình "đàn sếu bay" đã được nhắc đến nhiều trong đó Nhật Bản là con sếu dẫn đầu. Việt Nam nhập vào đàn sếu Đông Á sau các nước công nghiệp mới NIES (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hongkong), Trung Quốc và nhóm 4 nước ASEAN (Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippinnes). Việc di chuyển vốn và công nghệ từ quốc gia này sang quốc gia khác theo ngành là một tất yếu.

Hiện nay Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc và 4 nước ASEAN kể trên trong việc thu hút FDI. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia tốt để các nhà đầu tư phân tán rủi ro trong khu vực. Đáng ngạc nhiên với nhiều người, yếu tố lao động rẻ không phải là một trong 3 yếu tố hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Thời gian vừa qua, các cơ quan truyền thông Nhật Bản nói đến việc phân tán rủi ro đầu tư của các công ty Nhật, đặc biệt là các công ty đang có mặt ở thị trường Trung Quốc.

Cuộc khảo sát 414 công ty do JETRO (tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại của Nhật) thực hiện vào tháng 6/2005 cho thấy tỷ lệ các công ty Nhật có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Trung Quốc đã giảm từ 86,5% xuống còn 54,8% và tỷ lệ cân nhắc chấm dứt hoạt động hoặc giảm bớt hoạt động ở Trung Quốc cũng tăng từ 0,2% lên 4,1%.

Ba lý do nêu trên cho thấy, Việt Nam đã có lợi thế và đang có thời cơ trong việc thu hút FDI từ Nhật Bản.

Ông có thể dự đoán qui mô của làn sóng đầu tư này lớn như thế nào?

- Nếu xét về số dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư thì Nhật Bản hiện xếp thứ 3 sau Đài Loan và Singapore, song nếu xem xét theo vốn đã thực hiện thì FDI từ Nhật Bản đứng ở vị trí thứ nhất.

Làn sóng đầu tư mới ở Nhật sẽ ở hai dạng. Thứ nhất là sự mở rộng vốn đầu tư từ các công ty Nhật Bản hiện có mặt ở Việt Nam. Trong năm 2005, một số công ty Nhật có mặt tại Việt Nam đã tăng vốn hoạt động như Canon tăng thêm 60 triệu đô la, Honda tăng thêm 58 triệu đôla, Toto tăng thêm 52 triệu đô la. Thứ hai là đầu tư mới từ các công ty Nhật Bản như đầu tư sản xuất phụ tùng của Yamaha Motor. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi hãng Canon mở thêm nhà máy tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), rất nhiều các doanh nghiệp phụ trợ của Canon đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại đây.

Năm 2005, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 4,5 tỷ đô la vốn FDI. Tôi cho rằng Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn số này nếu chúng ta chủ động và tích cực hơn trong việc thu hút FDI. Tôi rất thích bài phỏng vấn của VietNamNet với GS. David Dapice khi ông cho rằng mức thu hút 10-15 tỷ đô la một năm là có thể đạt được.

Ông đã phân tích các yếu tố “đẩy” các nhà đầu tư về phía Việt Nam. Về phía chúng ta, cần phải làm gì để tạo các yếu tố “kéo” nhà đầu tư đến, để chúng ta không bỏ lỡ thời cơ này?

- Như tôi đã nói ở trên, làn sóng mới này hiện đang ở dạng cơ hội nhiều hơn. Vấn đề là Việt Nam phải biết tận dụng cơ hội. Khi thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1”, các nhà đầu tư Nhật Bản thường nghĩ đến “Trung Quốc + 1 ASEAN”. Vì thế, Việt Nam phải cạnh tranh với các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philiippinnes trong việc thu hút phân tán đầu tư rủi ro từ Trung Quốc. Việt Nam đang có một thời cơ thuận lợi bởi vì nhiều doanh nghiệp của Nhật, các tổ chức của Nhật Bản và giới truyền thông đang nhắc đến Việt Nam như một điểm hấp dẫn cho chiến lược Trung Quốc + 1 của các doanh nghiệp.

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, minh bạch hoá chính sách. Trong việc thu hút FDI, chính sách nhắm tới các tập đoàn đa quốc gia là một hướng đi đúng. Việt Nam đã ngày càng am hiểu các nhà đầu tư hơn, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục khẳng định quan điểm xây dựng môi trường kinh doanh công bằng và thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư đến với Việt Nam không phải vì chúng ta nói là chúng ta có chính sách tốt mà do nhà đầu tư thấy rằng họ có lợi ích khi thực hiện đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam cần định vị rõ ràng môi trường đầu tư, đồng thời thực hiện xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả và nhất quán. Cần làm cho các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rằng Việt Nam là địa bàn phân tán rủi ro lý tưởng nhất trong khu vực Đông Á, cùng với một lực lượng lao động có chất lượng.

Thưa ông, ông có thể nói cụ thể hơn cách marketing như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Nên lựa chọn một chính sách như sau để thực hiện:

“Môi trường đầu tư của Việt Nam được định vị như địa bàn lý tưởng nhất Đông Á cho việc phân tán rủi ro, tập trung vào các nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt ở Trung Quốc hay ASEAN, truyền thông qua các cuộc hội thảo ở Tokyo và Osaka, Singapore, Kuala Lumpur, và Thượng Hải; quảng cáo trên Nihon Keizai Shimbun (Japan Economic Journal), Financial Times, và các bản tin trên CNN và NHK (Japan Broadcasting Association); các trang web công nghiệp kết nối với trang web của các tổ chức Nhật Bản như JETRO, JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật bản) và các chính quyền trung ương và địa phương; những tài liệu giới thiệu thông qua các nhà đầu tư hiện tại.

Các nhà đầu tư Nhật Bản có thể đăng ký đầu tư qua mạng, hay tại Đại sứ quán của Việt Nam ở Tokyo, Singapore và Kuala Lumpur, hay các văn phòng đại diện đầu tư của Việt Nam ở những thành phố này. Chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các nhà đầu tư có thể bắt đầu kinh doanh trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép đầu tư. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư, tiếp tục cải thiện hệ thống pháp lý và cơ sở hạ tầng".

Đối với các nhà đầu tư đã có mặt tại Việt Nam, chúng ta cần giúp đỡ họ tháo gỡ những khó khăn khi triển khai hoạt động kinh doanh (như đã làm khi thực hiện sáng kiến chung Việt – Nhật). Đây cũng là một cách hữu hiệu để các nhà đầu tư thực hiện mở rộng đầu tư và thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư mới.

Với tất cả những điều chúng ta đã và đang làm, theo ông thì các doanh nghiệp Nhật Bản còn e ngại gì ở môi trường đầu tư của Việt Nam?

- Theo báo cáo của JBIC, ba e ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản (đã có mặt và chưa có mặt) khi thực hiện đầu tư vào Việt Nam là hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý không rõ ràng (hay thay đổi) và khó khăn trong việc tìm kiếm lao động địa phương.

Trong ba yếu tố kể trên, khi trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chúng tôi thấy rằng yếu tố cơ sở hạ tầng được xác định là yếu tố lâu dài và rõ ràng Việt Nam đã và đang xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh (hệ thống giao thông, viễn thông, điện, nước). Vấn đề khó khăn trong tìm kiếm lao động địa phương được bù lại bằng việc các lao động mới có khả năng nắm bắt nhanh những hướng dẫn của các chuyên gia.

Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, yếu tố không rõ ràng của chính sách cần được quan tâm nhất. Yếu tố không rõ ràng của chính sách cần được hiểu một cách chính xác. Chúng ta phải khẳng định việc minh bạch hoá chính sách đang được thực hiện tốt ở Việt Nam thể hiện cả ở việc xây dựng và ban hành. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách còn tạo ra những yếu tố “bất ngờ” mà các doanh nghiệp nói chung trong đó có các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó đoán được ngày mai chính sách sẽ thay đổi như thế nào.
GS. Kenichi Ohno: Cần cải thiện chiến lược Marketing

Để cải thiện và thu hút dòng đầu tư, Việt Nam cần phải cải thiện chiến lược marketing. Tôi cho rằng nếu có chiến lược marketing tốt, một làn sóng đầu tư mới sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thức rõ vấn đề này, và nhiều chiến lược khuếch trương xúc tiến đầu tư đã được thực hiện bởi Chính phủ, các cơ quan hữu quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và cơ quan phi Chính phủ như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa, Việt Nam cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng, quá trình làm luật cũng cần được cải thiện, đây là vấn đề vô cùng quan trọng.

Theo tôi, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là đội ngũ công nhân lành nghề, thứ hai là sự ổn định về chính trị, không có khủng bố và đánh bom, điều này thì khác hẳn với hai nước láng giềng là Thái lan và Indonesia. Thêm một điều nữa là mọi người đều có những ấn tượng tốt đẹp về những thay đổi rất năng động ở Việt Nam.

Nhìn chung, các nhà đầu tư Nhật bản có những suy nghĩ tích cực về việc đầu tư tại Việt Nam, mặc dù họ đôi khi vẫn thấy chính sách của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn. Thậm chí đôi khi các nhà đầu tư Nhật gặp phải một số khó khăn làm họ có chút thất vọng song họ vẫn mong muốn đến đầu tư tại Việt Nam.(theo Vietnam net)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top