GS Trần Văn Thọ nhận định về giai đoạn mới của quan hệ Việt Nhật

GS Trần Văn Thọ nhận định về giai đoạn mới của quan hệ Việt Nhật

Tham dự buổi chiêu đãi của Thủ tướng Abe ngày 19-10, seminar về đầu tư vào ngày 20-10 và buổi chiêu đãi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tối 20-10, GS Trần Văn Thọ (Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo ) đưa ra nhận định mới nhất về mối quan hệ Việt - Nhật.

Tại buổi tiệc do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tối ngày 19-10, tôi gặp lại ông Oka Motoyuki, Tổng giám đốc tập đoàn Sumitomo và là Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam trong Liên hiệp các đoàn thể kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren). Ông Oka tỏ vẻ rất vui mừng trước sự kiện hai thủ tướng mới của hai nước chính thức gặp nhau tại một thời điểm khá sớm.

Nhớ lại lần gặp trước, vào giữa năm nay, ông Oka cho biết lãnh đạo doanh nghiệp Nhật rất băn khoăn không biết thủ tướng mới của Việt Nam có chú trọng quan hệ với Nhật như người tiền nhiệm không. Họ băn khoăn vì nhiều lý do, trong đó có ý kiến rằng thủ tướng mới trong suốt thời gian làm Phó thủ tướng chỉ đi thăm Nhật Bản có một lần (và không phải chính thức) và ít tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp.

Sự kiện Thủ tướng Dũng chọn Nhật làm nước công du chính thức đầu tiên kể từ ngày nhậm chức đã gây được thiện cảm trong chính giới và tài giới Nhật. Nghe lời phát biểu chào mừng của Thủ tướng Abe và lời đáp từ của Thủ tướng Dũng tại buổi chiêu đãi, sau đó đọc Bản thông cáo chung Việt Nhật và dự buổi seminar về đầu tư tại Việt Nam, tôi cảm nhận được sự phát triển mới trong quan hệ hai nước, không những về các vấn đề kinh tế, văn hoá song phương mà liên quan đến quan hệ quốc tế và khu vực.

Đối với Việt Nam, Nhật là nước cung cấp viện trợ và vốn vay ưu đãi (ODA) nhiều nhất, trong gần 15 năm qua trung bình chiếm tới một phần ba tổng ODA mà Việt Nam nhận từ các nguồn song phương và đa phương. Nhìn từ phía Nhật, Việt Nam đã trở thành một trong ba nước nhận ODA nhiều nhất (khoảng 100 tỉ yen trong năm 2005, chỉ ít hơn Ấn Độ và Indonesia). Cũng vì vậy phía Nhật ngày càng quan tâm đến việc sử dụng ODA tại Việt Nam.

Có lẽ ý thức được vấn đề này, trong diễn văn đọc tại lưỡng viện Quốc hội Nhật và nhiều dịp phát biểu khác, Thủ tướng NT Dũng đã tỏ lời cảm ơn Nhật và long trọng cam kết sẽ sử dụng hiệu quả vốn ODA này. Trong những năm sắp tới, có lẽ ODA Nhật tiếp tục giữ vị trí quan trọng, ít nhất là mức hiện nay, trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Buổi Seminar về đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam do Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật (JETRO) và Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam tổ chức sáng ngày 20-10 tại Tokyo (ngày 21 có buổi tương tự tại Osaka) đông nghẹt khách tham dự. Trong buổi chiêu đãi tối hôm trước ở Phủ Thủ tướng, tình cờ tôi ngồi cùng bàn với ông Watanabe Osamu, Chủ tịch JETRO, nghe ông nói một cách hồ hởi: Hội trường của seminar dự định chỉ đủ cho 300 khách người Nhật nhưng có đến hơn 450 công ty xin tham dự. Seminar này lôi cuốn quan tâm của doanh nghiệp Nhật một phần vì có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chủ trì, nhưng phần lớn là do Nhật đương đánh giá cao tiềm năng Việt Nam và muốn chuyển hướng đầu tư vào thị trường này.

Ở seminar này tôi đặc biệt chú ý phân tích của ông Kageyama Sachio, Tổng Giám đốc công ty Canon Vietnam. Canon xây nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Thăng Long năm 2001 để sản xuất máy in, sau đó lần lượt xây thêm hai nhà máy nữa, kể cả nhà máy tại Quế Võ (Bắc Ninh) vừa đi vào hoạt động vào tháng 4 năm nay. Doanh thu của Canon Vietnam tăng liên tục, năm 2005 là 410 triệu USD, gần gấp đôi năm 2004, số lượng lao động thu hút vào công ty nầy cũng tăng nhiều, hiện nay lên đến 10.000.

Với thành tích và kinh nghiệm nầy, phân tích của ông Kageyama rất có sức thuyết phục và có lẽ sẽ có tác dụng lôi cuốn công ty Nhật đến Việt Nam nhiều hơn nữa. Kết luận của ông về môi trường đầu tư ở Việt Nam gồm 4 điểm: (1) Việt Nam có nguồn lao động rất phong phú, khi thu nhận vào công ty nếu có chương trình giáo dục triệt để thì sẽ có một lực lượng rất ưu tú đảm nhận đựoc nhiều việc trong nhà máy, kẻ cả những việc đòi hỏi kỹ năng cao. (2) Ngành phụ trợ vốn yếu ở Việt Nam nhưng có chiều hướng cải thiện, đặc biệt với dòng thác FDI mới, vấn đề sẽ được giải quyết.

(3) Vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận lợi, nếu chính phủ có kế hoạch đầu tư thêm về hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông thì ưu thế này sẽ phát huy hơn nữa. (4) Với kế hoạch hiện nay về mặt cung cấp và với dự báo về nhu cầu thì trong tương lai Việt Nam sẽ thiếu điện. Nhưng nếu chính phủ VN quan tâm điểm này và có kế hoạch từ bây giờ thì vấn đề này hy vọng sẽ được giải quyết. Dĩ nhiên trong số các kết luận khá lạc quan này, ông Kageyama cũng không quên thêm chữ “nếu” với kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách đúng đắn.

Phát biểu của hai thủ tướng tại buổi chiêu đãi nói trên và trong Tuyên bố chung, ngoài những vấn đề về hợp tác kinh tế, ấn tượng còn ghi đậm trong tôi là tuyên bố với thái độ rất dứt khoát của thủ tướng VN ủng hộ Nhật trong việc ứng cử vào thành viên thường trực vào Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, nhất trí về chính sách liên quan đến Bắc Triều Tiên (kêu gọi nước này trở lại Hội nghị sáu bên và ngừng thử vũ khí hạt nhân).

Ngoài ra, điểm đặc biệt nữa là sự cam kết giữa hai nước về việc đồng hành trong nỗ lực xây dựng vùng Đông Á thành khu vực hoà bình và phát triển. Cũng vì vậy mà tiêu đề của Tuyên bố chung là “Hướng tới đối tác chiến lược vì phồn vinh và hoà bình ở Á châu”. Trong bối cảnh phức tạp vùng Đông Á hiện nay, thái độ dứt khoát của VN có lẽ tạo được sự tin tưởng từ lãnh đạo Nhật.

Nhìn chung, quan hệ Việt Nhật đang bước vào giai đoạn mới. Cùng với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 sắp tới, vị thế của Việt Nam đang lên. Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội từ vị thế này và từ quan hệ mới Việt Nhật, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong kế hoạch thu hút có hiệu quả các nguồn vốn, công nghệ và tri thức kinh doanh do ODA và FDI mang lại. Về FDI, tôi đã có dịp bàn đến (TBKTSG, 14-9-2006). Về ODA, cần tiếp tục làm sáng tỏ và rút kinh nghiệm từ sự kiện PMU18.

GS TRẦN VĂN THỌ
Từ Tokyo, 20-10-2006
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
 

Bài viết liên quan

Your content here
Top