Nhu cầu tìm việc, kể cả làm việc ở nước ngoài, của lao động Việt Nam là rất lớn.
Với dân số đang già hoá, giai đoạn 2007-2010, Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 9 triệu lao động vì đến tuổi nghỉ hưu. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất cần tiếp nhận lao động ngoài nước, trong đó có Việt Nam.
Thông tin trên được ông Goto Hiromi, Chủ tịch Nghiệp đoàn TSC, người dẫn đầu Đoàn đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, đưa ra trong buổi làm việc với Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng, cách đây 2 ngày.
Ông Goto Hiromi đánh giá, hiện số tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật chỉ xấp xỉ 3.000 là chưa phản ánh đúng thế mạnh của các bên, trong khi tu nghiệp sinh Trung Quốc sang Nhật là 43.000. Lần này đến Việt Nam, ông mong muốn được hợp tác với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để tìm cơ hội tuyển dụng một lượng lớn tu nghiệp sinh Việt Nam sang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc Nghiệp đoàn TSC.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng ủng hộ quan điểm của ông Goto Hiromi và hứa sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hợp tác, giúp đỡ cho việc tuyển chọn tu nghiệp sinh của Nghiệp đoàn. Bởi xuất khẩu lao động và tu nghiệp sinh là chủ trương lớn của Việt Nam. Hơn nữa, Nhật Bản là thị trường tốt với thu nhập khá cao, ít nhất cũng 800 USD/tháng.
Những năm 1996-1997, mỗi năm Nhật Bản đã tiếp nhận 6.000-7.000 tu nghiệp sinh Việt Nam, chủ yếu ở các ngành nghề may mặc, công nhân nhà máy. Con số này đã giảm, như năm 2004 chỉ trên 2.500, 7 tháng đầu năm nay nhích lên với 2.300 người. Nguyên nhân của sự sụt giảm là tỷ lệ lao động bỏ trốn quá cao, khoảng 30-40%.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hy vọng nghị định chống trốn mới được Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí sẽ giải quyết được "căn bệnh" trốn của lao động, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường.
(Theo VNExpress)
Có thể bạn sẽ thích