Những bài học quý đến từ Nhật Bản

Những bài học quý đến từ Nhật Bản

Rất nhiều doanh nhân Việt khi đặt chân đến xứ sở hoa anh đào đều cảm thấy bị “vênh” về văn hóa làm việc. Tính lễ nghi, sự cẩn trọng, nghiêm túc và cầu toàn trong công việc của người Nhật có lẽ là điều mà người lao động VN nên học hỏi.

Coi trọng tấm danh thiếp

Một buổi họp tại Nhật Bản thường bắt đầu với việc trao danh thiếp một cách trang trọng và mang tính nghi lễ cao. Người ta nhận danh thiếp bằng hai tay và đọc to thông tin trên đó một cách trang trọng, sau đó đặt tấm thiệp vào trong hộp card để trên bàn để khi cần có thể dùng ngay trong buổi nói chuyện. Điều đáng chú ý là người nhận không được đút tấm danh thiếp vào túi bởi hành động đó thể hiện sự thiếu tôn trọng người đưa danh thiếp.

Nghi thức trao đổi tấm danh thiếp là cách thể hiện bạn đánh giá cao buổi gặp mặt này và những người tham dự trong đó.

Tôn trọng người lớn tuổi

Theo truyền thống, trong một buổi họp, người đầu tiên được trình bày ý kiến là người lớn tuổi nhất. Ý kiến của họ luôn được tôn trọng và được những người trẻ hơn nghiên cứu kỹ. Khi cúi chào cấp trên, mọi người thường phải cúi gập sâu người.

Trong quá trình làm việc, người Nhật thường đánh giá cao người lớn tuổi vì kinh nghiệm và năng lực mà họ có được qua năm tháng. Ở Nhật, tuổi tác luôn tỉ lệ thuận với địa vị. Vì vậy người càng lớn tuổi thì càng có vai trò quan trọng. Nếu bạn có gì không đồng ý với cấp trên thì tốt hơn hết là nên giải thích riêng để sếp hiểu chứ đừng ngay lập tức phản bác ý kiến của họ trước đám đông.

Tạo động lực cho nhân viên bằng những khẩu hiệu

Nhiều công ty Nhật bắt đầu ngày làm việc sau buổi họp sáng. Cuối buổi họp, tất cả các nhân viên đứng dậy và hô vang khẩu hiệu của công ty như một cách tạo cảm hứng làm việc, thể hiện sự trung thành với công ty và mục tiêu mà công ty đặt ra luôn thường trực trong suy nghĩ của nhân viên.

Nghi lễ này giống như một cách truyền bá tinh thần làm việc từ người này sang người khác. Thói quen tập hợp nhân viên mỗi sáng như một cách khẳng định rằng không nhân viên nào bị lãng quên trong công ty, không thành tích nào của họ bị coi thường, không việc làm nào của họ vô mục đích.

Luôn nghiêm túc

Trong giờ làm việc, bạn rất ít khi nghe thấy tiếng cười bởi người Nhật luôn có một thái độ nghiêm túc khi làm việc. Họ thường nói nhỏ đủ nghe và thường nhắm mắt khi chú ý nhiều đến người nói. Đây là cử chỉ mà nhiều người khi mới đến thường hiểu nhầm là họ đang cảm thấy cuộc nói chuyện buồn tẻ khó chịu.

Nghiêm túc trong giờ làm việc là cách thể hiện sự tôn trọng nơi làm việc. Rất hiếm khi có sự hài hước trong lúc làm việc trừ khi đó là giờ giải lao. Quy tắc này đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Làm việc hết mình nhưng chơi cũng hết mình

Sau những giờ làm việc căng thẳng người Nhật thường thưởng cho họ những giây phút thư giãn. Họ thường tìm đến các quán bar, karaoke xả hơi qua những bài hát hay các câu lạc bộ nơi những đồng nghiệp có thể gặp gỡ chia sẻ thông tin và củng cố mối quan hệ.

Thư giãn là một phần quan trọng sau ngày làm việc bởi nó giải tỏa căng thẳng và lo lắng để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Cùng đồng nghiệp thư giãn là một sự thỏa thuận phi ngôn ngữ rằng bạn đang góp phần củng cố tinh thần tập thể.

Sử dụng mối quan hệ như một sự xác nhận


Mối quan hệ là rất quan trọng và được nhắc đến như một cách mở đầu để tiến tới các cuộc đàm phán. Thông thường các nhà kinh doanh sắp xếp những buổi họp với những lãnh đạo cấp cao chỉ là để thỉnh cầu sự tán thành của họ. Sẽ đặc biệt ấn tượng nếu người đưa ra lời thỉnh cầu có địa vị ngang bằng với người bạn đang giao thiệp.

Có sự tán đồng của một người thành công bạn sẽ thấy mình cần phải cố gắng xứng đáng với những gì mà người khác tin tưởng. Người Nhật luôn thấy rằng họ có bổn phận phải xứng đáng với lòng tin của một đồng nghiệp đáng kính.

Những thói quen trong cách làm việc trên đây của người Nhật đã trở thành một nét đẹp văn hóa. Nó góp phần làm nên thành công của người Nhật hôm nay. Vì lẽ đó, nó cũng là điều chúng ta nên học hỏi để thành công hơn trong sự nghiệp.

(Theo Askmen)
 
Bình luận (1)

quyenjp

Member
Meishi là rất quan trọng ở Nhật Bản và thường được trao đổi trong những buổi gặp mặt đầu tiên. Meishi cung cấp một số thông tin đáng giá như tên, chức vụ, địa chỉ, điện thoại… nhờ vậy người nhận (Nhật Bản) có thể xác định được vị trí và cấp bậc của bạn và biết phải tiếp bạn như thế nào.

Thủ tục thông thường là người Nhật trao danh thiếp của họ và nhận danh thiếp của bạn cùng một lúc. Họ đọc danh thiếp của bạn và chính thức chào bạn bằng cách cúi đầu, bắt tay hoặc cả hai. Việc thể hiện sự tôn trọng của bạn khi nhận danh thiếp của người họ cũng vô cùng quan trọng.

Meishi có nhiều ý nghĩa trong văn hoá Nhật Bản hơn là trong văn hoá phương Tây. Ở một môi trường mà vai trò cá nhân không được đề cao bằng vai trò tập thể, một Meishi sẽ giúp bạn đánh giá được chủ nhân của nó. Không có meishi, người kinh doanh không thể tạo dựng được vị trí trong xã hội Nhật Bản, mà quy mô và uy tín của công ty sẽ song hành trực tiếp với địa vị xã hội của bạn.

Việc bố trí trên danh thiếp ở Nhật Bản cũng khác với phương Tây. Một tấm danh thiếp thông thường ở phương Tây sẽ cho biết tên của nhân viên, chức vụ của họ được in nhỏ hơn ở phía dưới. Tên và địa chỉ của công ty được in ở một góc của danh thiếp. Nhưng Meishi của người Nhật lại khác. Nó thường in tên công ty trước tiên, sau đó là chức vụ của nhân viên và cuối cùng là tên tuổi của anh ta, điều này phản ánh mức độ quan trọng tương ứng của ba yếu tố trên.

Ở Nhật bản, thủ tục trao đổi danh thiếp là quan trọng bậc nhất. Có nhiều cách để trao danh thiếp, phụ thuộc vào tính cách và kiểu của người trao:
Kiểu Con Cua: giữ danh thiếp giữa ngón trỏ và ngón giữa.
Kiểu Càng Cua: giữ danh thiếp giữa ngón cái và ngón trỏ.
Kiểu chỉ: trao danh thiếp với ngón trỏ ấn dọc theo cạnh của danh thiếp.
Kiểu Lộn Ngược: quay mặt tên đi khi trao cho người nhận
Kiêu Đĩa Phẳng: giữ danh thiếp trong lòng bàn tay.
Với người Nhật, hành động cúi người trong lúc nhận tấm danh thiếp được trao là cả một nghệ thuật. Nhân viên mới của một công ty đều phải tập luyện phong cách này trong mỗi khoá đào tạo (thường được tổ chức ngay sau khi họ được tuyển).

Theo tập quán chung, những người ít tuổi hơn hoặc có vai vế thấp hơn thường trao danh thiếp cho người lớn tuổi hơn hoặc có chức vụ cao hơn. Trong mối quan hệ mua bán, thì người bán luôn luôn trao danh thiếp của mình trước tiên, cho người có chức vụ thấp nhất cho đến người có chức vụ cao nhất trừ trường hợp địa vị của họ không thể xác định.

Người nước ngoài không bắt buộc phải biết tất cả các vấn đề liên quan đến những thủ tục này nhưng bạn nên biết một vài cư xử lịch sự cơ bản nhất. Ít nhất bạn cũng phải mang theo một lượng danh thiếp lớn tới bất cứ nơi nào bạn đến. Khi xuất hiện tại một cuộc gặp gỡ mà không có một tấm thiếp nào có thể sẽ gây ra những thất bại không thể cứu vãn được trong các mối quan hệ làm ăn.

Đối với người phương Tây, điều này đồng nghĩa với việc bạn từ chối bắt tay. Khi trao danh thiếp, bạn phải chắc chắn rằng bạn đã đưa nó lên gần tầm mắt của đối tác người Nhật để họ có thể đọc nó. Một động tác cúi nhẹ người cũng thể hiện sự tôn trọng của bạn. Khi bạn nhận danh thiếp, hay dành một chút thời gian để xem qua nó- đừng vội vàng cất nó vào túi. Hãy nhớ rằng tấm các cho biết thống tin về đối tác, vì vậy, không bao giờ được viết hoặc đánh dấu gì lên đó trước mặt họ.

Doanh nhân Nhật khi tiến hành kinh doanh tại thị trường nước ngoài thường có những tấm danh thiếp viết bằng hai thứ tiếng, một mặt bằng tiếng Anh và một mặt bằng tiếng Nhật. Bất cứ ai đọc được mặt tiếng Nhật thì sẽ có được thêm những thông tin quan trọng. Chẳng hạn như tên của công ty sẽ được viết chi tiết hơn, phần lô-gô của công ty thường được in ở mặt tiếng Nhật. Việc danh thiếp được sắp xếp theo chiều ngang hay chiều dọc có thể cho biết là công ty đó là một công ty đó là truyền thống hay hiện đại. Thông thường một công ty truyền thống thường viết danh thiếp theo chiều dọc và đây thường là những công ty có cách nghĩ hơi bảo thủ. Con công ty hiện đại thì ngược lại ( thường viết danh thiếp theo chiều ngang và có cách nghĩ thoáng hơn). Nếu người nước ngoài đọc mặt tiếng Nhật trước thường sẽ được đưa thêm một số thông tin chi tiết vì nỗ lực và thái độ lịch sự đó. Một lời bình luận về lô-gô, về tên công ty hoặc chức vị của người đưa danh thiếp sẽ rất cần thiết và được xem như là dấu hiệu bắt đầu cuộc đàm thoại.
Giá trị của Meishi không hề được phóng đại quá mức; có tới 12 triệu danh thiếp được trao đổi mỗi ngày và mỗi năm đạt một lượng gây sốc là 4,4 tỷ chiếc. Đối với một doanh nhân, việc gọi điện hoặc tiếp một người khách mà không có danh thiếp được coi như việc một Samurai ra trận mà không mang gươm.

Danh thiếp phải được trao vào đầu giai đoạn giới thiệu, Không chỉ có cách trao danh thiếp mà còn cả cách nhận danh thiếp. Việc nhận danh thiếp bằng hai tay sẽ tạo ấn tượng tốt, nhất là khi đối tác của bạn có chức vụ cao hơn hay lớn tuổi hơn.
Hiền Lương
http://www.nhathongthai.com.vn/c/site/page?cateId=47&articleId=371
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top