Việc làm Tiền tăng ca và tiền lương cho phần thời gian đi lại trong ngành xây dựng tại Nhật Bản

Việc làm Tiền tăng ca và tiền lương cho phần thời gian đi lại trong ngành xây dựng tại Nhật Bản

Hôm nay 5 giờ sáng thức dậy nhìn ra cửa sổ đã thấy xe của công nhân đang tháo dỡ toà nhà bên cạnh đến và chờ sẵn để bắt đầu công việc. Nhìn xe của họ lại liên tưởng đến việc nhiều người Việt Nam sang Nhật làm việc trong ngành xây dựng (và một số ngành khác liên quan) than thở việc đi làm xa nhưng không được trả lương cho thời gian di chuyển( đi và về) hay làm việc muộn nhưng ít được tính tăng ca. Dù đã đề cập đến vấn đề này trong một số bài viết trước đây nhưng xin nói lại một lần nữa bằng một bài viết riêng.

xechocongtrinh.jpg

Xe công trình đang chờ chuẩn bị làm việc​

1/Tâm lý so sánh:
Trước hết nguyên do đâu mà lại có sự than vãn này?Có thể nói nguyên nhân xuất phát từ việc lao động làm ngành xây dựng so sánh với các ngành nghề khác như cơ khí, nhựa.. rồi cảm thấy "bất công" và than vãn. Tâm lý này cũng không phải không hiểu được bởi lẽ các ngành khác thường lao động sống gần công ty. Chỉ mất 10-20 phút là đến công ty vào làm và được tính tiền theo đơn vị 15 phút cho đến lúc về . Ngược lại lao động làm ngành xây dựng nhiều khi phải di chuyển cả 1-2 tiếng. Tất nhiên phần này sẽ không được trả lương. Hay nhiều hôm phải làm đến 8-9 giờ tối cũng không được tính tăng ca. Thoạt nhìn vào thực tế này ai cũng sẽ cảm thấy những người làm trong ngành xây dựng bị đối xử bất công.

2/Thực tế:
Nhiều người Việt quá lời rằng chỉ người nước ngoài mới không được tính lương phần thời gian di chuyển(còn người Nhật thì có lương). Nhưng thực tế câu trả lời là cả người Nhật và người nước ngoài đều không được tính lương cho phần di chuyển này. Tại Nhật Bản thường lương cho ngành xây dựng được tính lương ngày(hoặc nhân viên lão làng sẽ là lương tháng hay thậm chí lương theo năm). Do đó thời gian di chuyển ra công trình sẽ không có lương. Và hầu như ngành xây dựng cũng không có khái niệm "tăng ca". Lý do là ngành này thường phải di chuyển nhiều. Ngoài ra, nhiều khi còn phải phụ thuộc vào thời tiết. Nhiều trường hợp, sau khi di chuyển ra công trường thời tiết không thuận lợi lại phải chờ hết buổi sáng. Hay công trình xong sớm thì có thể rời nơi làm việc lúc 2-3 giờ chiều. Tất nhiên những trường hợp này cũng không bị trừ lương (do không làm việc và phải chờ hay do hết việc mà phải về sớm).

Về điểm không được tính tiền cho khoảng thời gian di chuyển thì có lẽ ngành xây dựng ở Việt Nam cũng thế. Hầu như ít công ty nào tính tiền cho phần lao động phải di chuyển từ nhà ra công trình cả. Thời gian lao động chỉ được tính từ khi lao động bắt đầu công việc thực tế tại công trình.

Ngoài ra, sự thực thì không riêng gì ngành xây dựng mà các ngành dịch vụ khác cũng hầu như không được tính tiền cho thời gian di chuyển. Ví dụ công việc phiên dịch thì thường chỉ được tính lương dựa vào thời gian phiên dịch có mặt và bắt đầu công việc tại hiện trường. Còn hầu như không ai tìm hiểu phiên dịch ở đâu và di chuyển mất bao lâu. Có chăng thì chỉ trợ cấp tiền tàu xe đi lại mà thôi.

3/Giải pháp:
Việc ngành xây dựng thường lao động phải di chuyển ra công trình xa và mất thời gian hay tùy công trình mà phải làm muộn nhưng lại không được tính tiền là sự thật. Đây không phải là sự phân biệt đối xử gì cả mà chỉ là một đặc thù công việc mà thôi. Nếu ai đã chọn ngành này thì phải chấp nhận. Ai không chấp nhận được thì không nên chọn đi ngành này. Một khi đã lỡ nghe theo lời ngon ngọt của môi giới hay mơ lương cao và chọn đi ngành xây dựng thì có than thở bao nhiêu thực tế cũng khó thay đổi.

Trước khi kết thúc bài này tôi cũng cần nói thêm là xây dựng là ngành mà công việc luôn thay đổi theo công trình. Vì vậy trừ những việc như đúc bê tông trong nhà máy ra,nếu ai đó hứa hẹn về sự ổn định của nội dung công việc,thời gian làm việc và di chuyển thì không nên tin tưởng.
 

Bài viết liên quan

Your content here
Top