Sự trỗi dậy của hiểm họa cực hữu: Phô trương thanh thế tại Nhật Bản

-nbca-

dreamin' of ..
Các phong trào cực hữu đang lợi dụng khủng hoảng kinh tế, xã hội để “làm mưa làm gió” tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Nhật, không có đảng cực hữu mà chỉ có nhiều tổ chức cực hữu nhỏ cùng tồn tại, bao gồm nhiều thành phần, từ sinh viên, nội trợ cho đến các băng đảng yakuza (mafia Nhật). Issuikai là một tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc có quy mô nhỏ với khoảng 100 thành viên. Nhờ có quan hệ lâu năm với nhiều đảng cực hữu châu Âu nên Issuikai đã đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ tại Tokyo vừa qua.

T19a33271912.jpg

Các thủ lĩnh cực hữu châu Âu tiếp xúc với người ủng hộ tại đền Yasukuni - Ảnh: Reuters

Cuộc họp mới đây của các tổ chức cực hữu gây lo ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ và khả năng tập hợp lại của phong trào cực đoan này.

Trung tuần tháng 8, đại diện 8 đảng cực hữu châu Âu đã họp mặt tại Tokyo theo lời mời của tổ chức Issuikai của Nhật Bản. Theo AFP, những gương mặt “cộm cán” nhất đã tham gia thảo luận về nhập cư, bản sắc dân tộc, toàn cầu hóa... Đối với các đảng cực hữu, cuộc họp mặt lần này là tín hiệu lạc quan mới sau những thành công tại châu Âu.

Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc (FN) Pháp Jean-Marie Le Pen đã cùng đoàn “cực hữu quốc tế” đến viếng ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni vào ngày 14.8, một ngày trước kỷ niệm phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Nơi đây vinh danh 2,5 triệu lính Nhật tử trận trong các cuộc chiến tranh, nhưng trong đó có cả 14 tội phạm chiến tranh. Tuy bị nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, phản đối mạnh mẽ nhưng một lần nữa, các đảng cực hữu châu Âu đã đạt mục đích tạo tiếng vang.

Liên tục gây bất ngờ

Thời gian gần đây, các đảng cực hữu đột nhiên trở thành những vệt đậm màu trong bức tranh chính trị của nhiều nước châu Âu. Cực hữu len lỏi vào Quốc hội Hungary, vươn lên mạnh mẽ tại kỳ bầu cử ở Hà Lan, tham gia vào Chính phủ Đan Mạch, Ý...

Đảng nổi tiếng phân biệt chủng tộc Jobbik tuy chỉ xếp thứ 3 nhưng đã “xâm nhập” Quốc hội Hungary với tỷ lệ ấn tượng 16,7%. Đảng cực hữu PVV (Hà Lan) gây bất ngờ lớn khi từ 9 ghế nghị sĩ năm 2006 nhảy vọt lên 24 ghế trong kỳ bầu cử hồi tháng 6. Tại Ý, đảng Liên minh phương Bắc của Umberto Bossi, đồng minh của chính quyền Berlusconi đã đòi hỏi được nắm nhiều bộ quan trọng sau khi đạt kết quả cao trong cuộc bầu cử địa phương.

Giáo sư Cas Mudde của trường Anvers cho biết trên Le Temps: “Cứ mỗi 3 hay 4 năm, tôi lại nhận được thư của một nhà báo bàn về chuyện các đảng cực hữu đang nổi lên”. Chuyên gia về chính trị cực hữu Jean-Yves Camus nhận định: “Số điểm của đảng cực hữu FN đã cao hơn trong kỳ bầu cử địa phương (Pháp) vào tháng 3 vừa qua, chứng tỏ họ đã khôi phục lại phần nào vị trí của mình”.

Đặc biệt, với cuộc họp mặt quốc tế vừa qua tại Tokyo, các đảng cực hữu châu Âu đã bắt đầu thể hiện được “tinh thần đồng đội”. Trước đây, các tổ chức chính trị cực hữu thường không thành công trong việc tạo thành một khối thống nhất trong Nghị viện châu Âu. Giữa họ, dù là cực hữu nhưng lại bất đồng quan điểm ở nhiều nội dung quan trọng như vấn đề NATO, cộng đồng EU hay lựa chọn giữa bài Do Thái và bài Hồi giáo...

Kinh tế trầm, cực hữu thăng

Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua thật sự là cơ hội bằng vàng của các đảng cực hữu. Trong cảnh khốn khó vì thu nhập giảm mà giá cả tăng, lại bị đe dọa bởi thất nghiệp, người dân dễ “giận cá chém thớt”. Những người nhập cư nước ngoài bị xem là nguyên nhân làm người bản xứ thất nghiệp vì họ ngày càng đông, lại chấp nhận mức lương thấp đến “phá giá”. Tâm lý bài ngoại theo đó sẽ tăng lên, vô tình rơi đúng chủ trương “ưu tiên cho người bản xứ” của các đảng cực hữu. Ngay tại cuộc gặp gỡ ở Tokyo, Chủ tịch đảng FN Le Pen đã cố tình nói đúng vào tâm lý này: “Trong vòng 100 năm, nhân loại đã tăng từ 1 lên gần 7 tỉ người. Đất nước chúng ta không có đủ con cháu trong khi dân số bùng nổ khắp nơi trên thế giới. Điều này tạo nên dòng thác người nhập cư có thể tiêu diệt các quốc gia”.

Không chỉ thế, tại Pháp, vì bất bình với những giải pháp không hiệu quả của chính phủ trong khủng hoảng kinh tế, nhiều cử tri thiên hữu cũng bỏ đảng cầm quyền UMP mà bỏ phiếu cho đảng FN. Để lật ngược thế cờ, nhiều đảng chính trị châu Âu đã “mượn tạm” các giải pháp của phe cực hữu. Thời gian qua, Chính phủ Pháp liên tục đưa ra những chính sách cứng rắn đối với người nhập cư nước ngoài, đặc biệt là người Roma thiểu số, khiến báo chí so sánh Tổng thống Sarkozy là “Jean-Marie Le Pen được làm nhạt đi”.

Theo giáo sư môn Lịch sử hiện đại Damir Skenderovic thuộc Đại học Fribourg, sự vươn lên của các đảng cực hữu còn là kết quả của nhiều thay đổi. Từ những năm 1990, nhiều tổ chức cực hữu đã giành số điểm cao trong những kỳ bầu cử, như đảng Tiến bộ ở Bắc Âu, đảng Vlaams Blok của Bỉ. Cho đến ngày nay, những đảng này vẫn đang được đón nhận bởi công chúng và báo giới. Các đảng cực hữu đã tự thay đổi những bài phát biểu của mình để tránh bị xem là kỳ thị cực đoan. Mặt khác, nhiều đảng cánh hữu truyền thống đã sử dụng lại những luận đề của phe cực hữu một cách khéo léo. Khi không còn là “độc quyền” của các đảng cực hữu, những chính sách an ninh nghiêm ngặt và mang tư tưởng bài ngoại đã trở nên dễ chấp nhận hơn đối với công chúng. Và điều đó còn đáng lo ngại hơn những con số thống kê ở các kỳ bầu cử.

Nguyễn Ngọc Lan Chi (thanhnien.com.vn)
 
Sửa lần cuối:
Top