Thu hút FDI: Quan trọng là đầu tư bền vững

Thu hút FDI: Quan trọng là đầu tư bền vững

"Điều quan trọng đối với Việt Nam không phải là có được con số đầu tư quá nóng từ Nhật Bản, mà là có vị trí ngày càng vững chắc trong mắt các nhà đầu tư".

Đó là nhận định của ông Yuichi Bamba, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội về tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Theo ông, lý do nào khiến các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm sáng đầu tư?

Lý do đầu tiên là sự ổn định chính trị tại Việt Nam. Trước khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp Nhật thường tìm hiểu mức độ ổn định chính trị, xã hội và an ninh của địa phương nơi đến và Việt Nam đáp ứng tất cả những điều này.

Một số nguyên nhân khác như triển vọng gia nhập WTO của Việt Nam, cùng việc thực thi Sáng kiến chung Việt - Nhật, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt - Nhật.

Chính phủ Việt Nam cũng rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp lý. Điều này khiến chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2005, các dự án đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam là 162 triệu USD, cao gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng nói là tổng đầu tư mới từ các nước và các vùng lãnh thổ vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay cũng đã tăng lên 3 lần, lên 1.868 triệu USD. Bên cạnh đó, các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam đều mở rộng sản xuất và đầu tư thêm ở mức 347 triệu USD.

Đã có nhiều dự đoán về làn sóng đầu tư thứ hai từ Nhật sang Việt Nam, sau năm kỷ lục 1995, nhưng vẫn chưa có gì xảy ra. Vì sao vậy?

Dòng đầu tư dồn dập từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam năm 1995, với con số kỷ lục trên 1 tỉ USD, chỉ là một tín hiệu đột biến tạm thời. Dòng đầu tư này sau đó đã sụt giảm nhanh đến mức chóng mặt như khi nó đến.

Một con số đầu tư lớn là điều bất kỳ nước nào cũng đều mong muốn, nhưng nếu đó là đầu tư không bền vững thì nó sẽ có hại cho cả nhà đầu tư cũng như địa phương.

Điều quan trọng là các công ty Nhật Bản đã đến Việt Nam đều mở rộng kinh doanh và nó sẽ phát tín hiệu an toàn cho các công ty Nhật Bản khác.

Năm 2005 sẽ kết thúc giai đoạn đầu 2 năm thực thi Sáng kiến chung Việt - Nhật. Đánh giá của ông về mức độ thành công của sáng kiến này?

Vào thời điểm hiện tại, đã có 108/125 điều khoản trong sáng kiến được thực hiện đúng kế hoạch. Gần 20 điều khoản còn lại phía Nhật Bản cho rằng chưa thực hiện tốt, trong đó có vấn đề về thuế, tuy phía Việt Nam nói đã có kết quả.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang hy vọng Quốc hội Việt Nam thông qua những sửa đổi phù hợp về Luật Đầu tư và Doanh nghiệp trong năm nay. Vì vậy, phải đợi tới cuối năm mới có thể đánh giá chính xác về mức độ thành công của sáng kiến.

Ông có thể nói rõ hơn về nhận định năm tới sẽ là thời gian mang tính quyết định với Việt Nam?

Có nhiều lý do khiến tôi đưa ra nhận định trên. Với các tiến triển khả quan như hiện nay, có thể nói Việt Nam sẽ gia nhập WTO trong năm 2006. Đây cũng là thời điểm Việt Nam thực hiện lộ trình giảm mức thuế nhập khẩu xuống dưới 5% để bằng các nước ASEAN khác.

Như vậy, thị trường Việt Nam sẽ tự do hơn, mở cửa hơn và tính cạnh tranh cũng sẽ cao hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh rất mạnh mẽ ngay chính trên sân nhà. Vì vậy, việc Việt Nam có củng cố động lực tự do hoá thương mại và đầu tư cũng như đưa ra chính sách công bằng với các nhà đầu tư nước ngoài hay không, sẽ mang tính tiên quyết cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

(Theo Lao động)
 

Bài viết liên quan

Văn hóa xã hội 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top