Vài Thông Tin Cơ Bản Về Nhật Bản

nh0ctrii01

New Member
Những thông tin cơ bản về Nhật Bản, trích dẫn từ tài liệu của Bộ Ngoại Giao Việt NamI. Khái quát chung :

- Tên nước: Nhật Bản
- Thủ đô: Tokyo
- Vị trí địa lý: Nằm ở ngoài khơi phía đông lục địa Châu á. Từ kinh độ 122o 56E đến kinh độ 153o 59E, Từ vĩ độ 20,25 đến vĩ độ 45,33.

- Diện tích: 378.000 km2, gồm 4 đảo chính Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và khoảng 3.900 đảo nhỏ khác.

- Dân số: 122 triệu (1/2001) chủ yếu là người Nhật Bản (trên 99%) có ít người Ainu (không quá 20 ngàn), ngoài ra có trên 64 vạn người Triều Tiên, trên 33,5 vạn người Hoa và 1,7 vạn người Việt Nam.

- Khí hậu: ôn đới, bốn mùa phân định rõ ràng. Nhiệt độ trung bình từ 20-25 độ C.

- Tôn giáo: Đạo Phật và Thần Đạo (Shinto) là 2 đạo chính ở Nhật Bản. 98% người Nhật tự coi là tín đồ của 2 đạo giáo này.

- Ngôn ngữ: Tiếng Nhật Bản

- Quốc khánh: Ngày 23/12 (ngày sinh của Vua Nhật Bản Akihito)

- Tên các nhà lãnh đạo chủ chốt

+ Nhà Vua : Akihito
+ Thủ tướng : Junichiro KOIZUMI (Nhiệm kỳ từ 26/4/2001)
+ Chủ tịch Hạ Viện: Yohei Kono
+ Chủ tịch Thượng Viện: Chikage Ogi
+ Bộ trưởng Ngoại giao : Yoriko Kawaguchi

- Đơn vị tiền tệ: Yên. Tỉ giá 104 yên/USD (3-2005). Tỉ giá 150 Đồng/yên (3-2005)

II. Chính trị
Theo Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản theo thể chế quân chủ lập hiến kiểu Anh, trong đó :

- Nhà Vua là biểu tượng của đất nước và sự thống nhất của dân tộc, là nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại.

- Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập :
+ Lập pháp gồm 2 viện: Thượng viện 252 ghế và Hạ viện 450 ghế
+ Hành pháp : Nội các
+ Tư pháp : Tòa án.

Ba cơ quan quyền lực này độc lập, kiểm soát và hỗ trợ nhau.

- Chính phủ hiện nay là chính phủ liên hiệp của 3 Đảng Dân chủ tự do (lớn nhất), Komei, Bảo thủ.

2. Các đảng phái chính trị :

- Đảng Tự do Dân chủ (LDP): Thành lập tháng 11/1955, là đảng tư sản-bảo thủ lớn nhất, hiện chiếm 246/480 ghế tại Hạ viện và 115/252 ghế tại Thượng viện. LDP cầm quyền liên tục 38 năm từ 1955-1993. Do mâu thuẫn nội bộ và bị phân liệt, LDP đã thất bại lớn trong bầu cử Hạ viện 7/1993 và bị mất quyền lãnh đạo đất nước. Cuối tháng 6/1994 LDP liên minh với Đảng Xã hội và Đảng Tiên phong nắm Chính quyền do Chủ tịch Đảng Xã hội Murayama làm Thủ tướng. Từ tháng 1/1996 LDP trở lại đứng đầu chính quyền liên hiệp 3 đảng LDP-Komei-Tự do, do Ruytaro Hashimoto làm Thủ tướng. Trong cuộc bầu cử Thượng viện 7/1998, LDP bị thất bại nặng nề, ông Hashimoto buộc phải từ chức Chủ tịch LDP và ngày 30/7/98, Quốc hội Nhật Bản đã bỏ phiếu bầu ông Keizo Obuchi làm Thủ tướng thay ông Hashimoto. Thủ tướng Yoshiro Mori, người kế nhiệm sau khi ông Obuchi mất cũng phải từ chức sau gần 1 năm cầm quyền do đã làm uy tín của LDP giảm sút nghiêm trọng.

Ông Koizumi Junichiro- một người có chủ trương cải cách LDP đã được bầu làm Chủ tịch đảng đồng thời là Thủ tướng Nhật với đa số áp đảo 298/482 phiếu tại Đại hội Đảng LDP trước nhiệm kỳ (24/4/2001) với tỷ lệ ủng hộ đạt kỷ lục 85%. Ngày 20/9/03, Thủ tướng Koizumi đã tái cử làm Chủ tịch Đảng LDP nhiệm kỳ 2 năm đồng thời tiếp tục ở cương vị Thủ tướng.
- Đảng Dân chủ (JDP) thành lập ngày 28/9/96, thành phần chủ yếu gồm các nghị sĩ tách ra từ Đảng Xã hội và Đảng Sakigake. Tháng 4/98, Đảng Dân chủ sát nhập thêm Tân đảng ái hữu và liên hiệp cải cách dân chủ, thành lập Đảng Dân chủ mới, trở thành đảng đối lập lớn nhất. Hiện nay, Đảng có 176/480 ghế tại Hạ viện và 82 ghế tại Thượng viện. Ngày 5/10/03 Đảng Dân chủ đã sáp nhập với Đảng Tự do thành Đảng Dân chủ với 204 nghị sĩ trong đó có 136 Hạ Nghị sĩ. Chủ tịch Đảng Dân chủ mới là ông OKADA Kazuya.
- Đảng Komei: được thành lập vào tháng 11/1964. Năm 1998, các thế lực đảng Komei cũ trong Tân đảng Hoà bình ở Hạ viện và Komei ở Thượng viện hợp nhất thành lập Đảng Komei mới. Hiện nay, Đảng này tham gia Chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Koizumi với 24 ghế tại Thượng viện và 34 ghế tại Hạ viện.

- Đảng Xã hội Dân chủ (JSP): Tiền thân là Đảng Xã hội (JSP) thành lập 11/1945, có cơ sở chủ yếu trong tầng lớp trí thức, có khuynh hướng xã hội dân chủ. Đến đầu 1990 là đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội. Do bị thất bại lớn trong bầu cử Hạ viện 1993, Đảng XHDC buộc phải thay đổi hầu hết các chính sách cơ bản (về lực lượng tự vệ, Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ...) để liên minh với các đảng khác. Từ 8/1994 đến hết 1995, Đảng XHDC liên minh với LDP và Shakigake để lập nội các do Chủ tịch Đảng Murayama làm Thủ tướng. Nội bộ đảng ngày càng suy yếu, phân hóa nghiêm trọng. Do nhiều nghị sĩ đã bỏ đảng và gia nhập đảng Dân chủ (9/1996), XHDC hầu như bị tan rã và thất bại lớn trong bầu cử 10/1996, mất 1/2 số ghế. Hiện nay Đảng này chiếm 6/480 ghế trong Hạ viện và 5 ghế trong Thượng viện.

- Đảng Cộng sản: (JCP) Được thành lập năm 1922, song chỉ sau Chiến tranh Thế giới II mới được ra hoạt động công khai. Hiện nay giữ 9/480 ghế tại Hạ viện, 9/252 ghế trong Thượng viện. ĐCS Nhật Bản có tổ chức chặt chẽ, kiên định đường lối; chủ trương xây dựng CNCS ở Nhật Bản thông qua cách mạng dân chủ và đấu tranh nghị trường; bảo vệ quyền lợi của người lao động, chống tư bản Nhật. Gần đây, ĐCS đã thay đổi lập trường trên một số vấn đề như thừa nhận Nhật Hoàng, Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ..., tranh thủ lôi kéo các đảng đối lập để tiến tới lập chính quyền liên hiệp dân chủ. Năm 1998, ĐCS Nhật bản đã bình thường hoá quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc sau 31 năm gián đoạn. Tháng 11/2000, Đảng cộng sản đã tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 22, lần đần tiên đưa ra đề án "Cải cách Nhật Bản" chủ trương thông qua việc Đảng tham gia chính quyền liên hiệp, chủ trương không đòi thủ tiêu ngay Cục phòng vệ mà tiến hành từng bước dần dần, theo từng giai đoạn. Do đường lối không đổi mới nên Đảng đã thất bại lớn trong bầu cử Hạ viện tháng 11/2003 (mất 11 ghế). Đặc biệt, tại Đại hội 23 năm 2004, Đảng Cộng sản đã sửa đổi cương lĩnh và đường lối trong đó từ bỏ đấu tranh cách mạng và chuyên chính vô sản, chủ trương ủng hộ Nhật Hoàng, lực lượng phòng vệ…

Ngoài ra, còn có một số đảng đối lập trong quốc hội như: CLB cải cách...

III. Kinh tế

Nhật Bản là nước hết sức nghèo về tài nguyên trong khi dân số quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954) phát triển cao độ (1955-1973). Từ 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy chậm lại song Nhật Bản tiếp tục là một nước có tiềm năng lớn thứ 2 trên thế giới về kinh tế, KHKT, tài chính.
Một số số liệu về kinh tế Nhật Bản:
+ Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao là 4,7% (tháng 5/2004).
+ Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) năm 2003: 5.566 tỷ yên (khoảng 4.300 tỷ $ đứng thứ 2 trên thế giới sau Mỹ 8000 tỷ $. Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2001: - 0,9%. 2002: 0,6%; 2003: 2,7%
+ Tổng số nợ trong dân của chính phủ Nhật chiếm 140% GDP (khoảng 6500 tỷ USD) cao nhất trên thế giới.
+ Tổng số nợ khó đòi 375 tỷ $ (tính đến tháng 7/03)
+ Dự trữ ngoại tệ tính đến 3/04: 826,6 tỷ $, nhất thế giới
+ Xuất khẩu (3/04) : 544,24 tỉ USD
+ Nhập khẩu (3/04): 431,78 tỉ USD
+ Tỉ trọng các ngành kinh tế chính:
Nông nghiệp : 2,1% Giao thông vận tải: 6,3%
Công nghiệp : 26,8% Lưu thông : 12,5%
Xây dựng : 10,3% Các ngành khác : 37,9%
Sau thời kỳ kinh tế "bong bóng" 1986-1990, từ năm 1991 kinh tế Nhật Bản phát triển ì ạch. Trong những năm 1992-1995 tốc độ tăng trưởng hàng năm chỉ đạt 1,4%, năm 1996 là 3,2%.

Đặc biệt, từ 1997 và nhất là từ đầu 1998 kinh tế Nhật bị lâm vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1974 đến nay với những biểu hiện khủng hoảng hệ thống tài chính tiền tệ, đồng Yên, chứng khoán giảm giá mạnh, nợ khó đòi tăng cao, sản xuất trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp hoàn toàn đạt con số kỷ lục trong 45 năm nay (5,5% tháng 12/02). Năm 1997, GDP thực chất - 0,7%, năm 1998 là -1,8%. Cuộc suy thoái kinh tế lần này của Nhật chủ yếu mang tính chất cơ cấu liên quan đến mô hình phát triển của Nhật đang bị thách thức với một môi trường đã thay đổi khác trước. Vấn đề phục hồi kinh tế thông qua đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, tài chính, ngân hàng đang là một vấn đề cấp bách đặt ra trước mắt đối với chính phủ Nhật.

Nhật Bản đang xúc tiến 6 chương trình cải cách lớn trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính và sắp xếp lại cơ cấu chính phủ... Cải cách hành chính của Nhật được thực hiện từ 1/2001. Dù diễn ra chậm chạp nhưng cải cách đang đi dần vào quỹ đạo, trở thành xu thế không thể đảo ngược ở Nhật Bản và gần đây đã đem lại kết quả đáng khích lệ, nền kinh tế Nhật đã phục hồi và có bước tăng trưởng năm 2003 đạt trên 3%, quý I/2004 đạt 6%.

IV. Quốc phòng

Hiện nay lực lượng tự vệ (quân đội) Nhật Bản có 18 vạn người, trong đó lực lượng Hải quân mạnh nhất. Với ngân sách 50 tỉ USD/năm (kể cả chi phí cho quân đội Mỹ ở Nhật Bản), chi phí quân sự của Nhật Bản đứng hàng thứ 3 sau Mỹ và Nga. Từ năm tài khoá 2002, ngân sách quốc phòng Nhật đã vượt con số 1% GDP vươn lên hàng thứ 2 trên thế giới.

Hướng phát triển quân đội Nhật Bản chủ yếu tập trung vào giảm quân số nhưng tăng chất lượng, trang thiết bị, tăng khả năng cơ động, mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tăng cường hợp tác với Mỹ, đồng thời đẩy nhanh các biện pháp củng cố an ninh, phòng ngừa, công khai về quốc phòng qua các hoạt động, diễn đàn chung về an ninh, giải trừ quân bị; trao đổi quân sự với các nước trong ngoài khu vực.

Nhân sự kiện 11/9, Chính phủ và Quốc hội Nhật đã thông qua 3 Luật chống khủng bố gồm: Luật đặc biệt chống khủng bố, Luật sửa đổi Lực lượng phòng vệ (SDF) và Luật sửa đổi Cục bảo an trên biển, cho phép Nhật lần đầu tiên sau thế chiến II được phép cử quân đội ra nước ngoài, hợp tác với Mỹ chống khủng bố. Nhật Bản đã đưa 600 binh sĩ sang I-rắc thực hiện các hoạt động nhân đạo. Đây là bước chuyển mới trong chính sách quốc phòng của Nhật, từng bước tăng cường và mở rộng phạm vi hoạt động của SDF.

Đồng thời, tháng 5/03, Quốc hội Nhật Bản thông qua Bộ luật hữu sự (gồm 3 luật liên quan quốc phòng) với nội dung sửa đổi, mở rộng chức năng và hoạt động của SDF và tăng quyền chỉ huy của Thủ tướng, Bộ luật này đã thay đổi cơ bản chính sách quốc phòng của Nhật, là bước tiến mới theo hướng giải thích lại Hiến pháp và cho phép Nhật phòng thủ tập thể, nằm trong tổng thể đường lối từng bước biến Nhật trở thành quốc gia bình thường có quân đội.

V. Chính sách đối ngoại

Từ sau chiến tranh lạnh, Nhật Bản bước vào thời điểm bước ngoặt điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường tính độc lập, chủ động và tích cực hơn nhằm vươn lên thành cường quốc chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế, phát huy vai trò, và ảnh hưởng trên thế giới và Châu á - Thái Bình Dương. Theo đó, chính sách đối ngoại được triển khai theo 5 hướng cơ bản là :

- Giải quyết hòa bình các cuộc xung đột khu vực.
- Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
- Duy trì phát triển kinh tế thế giới.
- Hợp tác với các nước đang phát triển và các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế.
- Giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Mặc dù vẫn lấy quan hệ Nhật - Mỹ làm nền tảng chính sách đối ngoại, song gần đây Nhật Bản tăng cường chiến lược "Trở lại Châu á", phát huy vai trò người đại diện cho Châu á trong G7, lấy Châu á làm bàn đạp để từng bước đưa Nhật Bản trở thành cường quốc về chính trị; thúc đẩy cải cách LHQ, thực hiện mục tiêu trở thành thành viên thường trực HĐBA/LHQ thông qua các đề nghị, các đóng góp cụ thể trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên còn một số hạn chế cơ bản: nội bộ chưa thống nhất, còn nhiều tranh cãi; hạn chế về hiến pháp và các luật lệ trong nước; bị kiềm chế bởi các cường quốc khác. Chính quyền mới của Koizumi đang thăm dò khả năng sửa đổi Hiến pháp, cho phép Nhật có quân đội và quyền tự vệ tập thể. Tuy nhiên điều này sẽ gây phản ứng mạnh từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn quốc...

Nhìn toàn cục, ở chừng mực nhất định, vai trò quốc tế của Nhật Bản đã được cải thiện hơn; vị thế của Nhật Bản đã được coi trọng hơn trong một số vấn đề quốc tế và khu vực như WTO, APEC, ARF, ASEM, UNHCR, G7, ủy ban sông Mê Kông, ADB, PKO... Dư luận chung tỏ đồng tình với việc Nhật Bản cần có vai trò to lớn hơn, đặc biệt trong những vấn đề kinh tế và các vấn đề toàn cầu vì Nhật Bản có ưu thế về tài chính.


VI. Quan hệ với Việt Nam :

Ngày lập quan hệ ngoại giao : 21/9/1973

Năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và đã bước sang giai đoạn mới về chất và đi vào chiều sâu. Các mối quan hệ kinh tế chính trị, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng; đã hình thành khuôn khổ quan hệ ở tầm vĩ mô; sự hiểu biết giữa hai nước không ngừng được tăng lên.

a/ Về chính trị : hàng năm đều có các cuộc gặp cấp cao, Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 4 lần (Murayama 8/1994, Hashimoto 1/1997, Obuchi 12/1998, Koizumi 4/02), Ngoại trưởng Nhật thăm chính thức 2 lần (1996 và 2004). Thủ tướng ta thăm Nhật bản 6 lần (1993, 1999, 2001, 2003 (2 lần) và 6/2004). Từ 1993 đến nay, Tổng Bí thư (2 lần thăm Nhật 1995 và 2002), Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Ngoại giao ta cũng đã thăm Nhật Bản. Năm 2002, Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm "đối tác tin cậy, ổn định lâu dài". Trong chuyến thăm Việt Nam 7/2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung "Vươn tới tầm cao mới của đối tác bền vững".

- Hai bên đã tạo dựng được cơ chế đối thoại ở nhiều cấp. Ngoài đối thoại chính trị định kỳ ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao (từ năm 1993), hai bên cũng đã xây dựng được cơ chế đối thoại kinh tế, an ninh và quốc phòng. Hai bên đã trao đổi tùy viên quân sự, mở Tổng lãnh sự quán ở TPHCM và osaka.

Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới (vào APEC, WTO, ASEM, ARF, vận động OECD giúp ta về kỹ thuật ...); coi trọng quan hệ với Việt Nam, lấy lợi ích và mục tiêu lâu dài làm trọng. Ta ủng hộ Nhật là thành viên thường trực HĐBA/LHQ mở rộng, làm thành viên HĐBA/LHQ và vận động Nhật ủng hộ ta ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

b/ Quan hệ kinh tế : Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

- Về mậu dịch Nhật Bản là bạn hàng số 1 của Việt. Kim ngạch 2 chiều năm 2003 đạt 5,9 tỷ USD. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999.

- Đầu tư trực tiếp đến tháng 11/2003 có 354 dự án với số vốn đăng ký 4,47tỷ $. Trong số 62 nước vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Nhật đứng thứ 3 sau Singapore và Đài loan về số vốn đăng ký nhưng đứng đầu về kim ngạch đầu tư đã đi vào thực hiện (3,7 tỷ$). 11 tháng đầu năm 2003, Nhật đứng thứ 5 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn 78 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2002. Hai nước đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư tháng 11/2003. Tháng 12/03 hai bên đã thoả thuận Sáng kiến chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

- Về ODA: Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, từ 1992-2003 đạt khoảng 8,7 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng khối lượng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại khoảng 1,2 tỷ USD. Từ năm 2001, Nhật bản cắt giảm 10% ngân sách ODA nhưng vẫn giữ và tăng kim ngạch ODA cho Việt Nam. Năm 2003, mặc dù cắt giảm 5,8% ODA cho các nước nói chung, nhưng ODA cho Việt Nam vẫn là 91,7 tỷ yên, giảm khoảng 1% so với năm 2002.

Hai bên đã thoả thuận chương trình viện trợ lâu dài của Nhật Bản cho Việt Nam nhằm vào 5 lĩnh vực chính là: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục đào tạo và y tế; bảo vệ môi trường. Ngày 2/6/04, Nhật Bản đã công bố chính sách viện trợ ODA mới cho Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống – xã hội, hoàn thiện cơ cấu.

c/ Về hợp tác lao động: Từ năm 1992-nay, Việt Nam đã cử 16.000 tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật. Nhật là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt nam trong 5-10 năm tới. Tuy nhiên mấy năm gần đây nổi lên vấn đề lao động Việt Nam bỏ trốn tại Nhật (tỷ lệ bỏ trốn năm 2002 là 24,7%, cao nhất trong các nước cử lao động sang Nhật) gây khó khăn cho việc hợp tác lao động.

d/ Về văn hóa giáo dục: hai nước đang triển khai các chương trình đào tạo con người, chương trình thanh niên ASEAN (100 người/năm) và trao đổi các đoàn văn hóa, những người người tình nguyện, chuyên gia. Hàng năm Chính phủ Nhật viện trợ cho ta từ 1 đến 2 dự án viện trợ văn hoá không hoàn lại như thiết bị học ngoại ngữ, thiết bị bảo quản tư liệu Viện Hán-Nôm, Bảo tàng lịch sử, xưởng phim hoạt hình. Về giáo dục, chính phủ Nhật Bản nhận khoảng trên 100 học sinh sinh viên ta sang Nhật Bản đào tạo hàng năm. Ngoài ra còn có nhiều học sinh du học tự túc. Tổng số lưu học sinh Việt Nam ở Nhật hiện nay khoảng hơn 1000 người. Trong 5 năm (1994-1999), Chính phủ Nhật đã viện trợ 9,5 tỷ yên để xây dựng 195 trường tiểu học ở các tỉnh miền núi và ven biển hay bị thiên tai.

e/ Về du lịch: Nhật Bản cũng là một thị trường được chú trọng để phát triển du lịch Việt Nam. Năm 2002 đã có 280.000. Do ảnh hưởng của SARS, du lịch Nhật bản vào Việt nam trong năm 2003 giảm sút. Tuy nhiên, cơ hội và tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước còn rất lớn. Từ tháng 1/1/2004 Việt Nam đã chính thức đơn phương miễn thị thực cho người Nhật Bản đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày
 
Top