Vị giáo sư Nhật Bản yêu văn học VN

Vị giáo sư Nhật Bản yêu văn học VN

ImageView.aspx

GS Kawaguchi Kenichi

Là giáo sư văn học VN ở Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, GS Kawaguchi Kenichi từng có những công trình nghiên cứu về văn học VN được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông cũng đã dịch nhiều tác phẩm văn học VN sang tiếng Nhật.

Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc tại trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Giáo sư Kawaguchi Kenichi hào hứng kể về chuyến đi VN gần đây mà ông đã may mắn tìm mua được cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đang thu hút sự chú ý của độc giả không chỉ ở VN mà còn ở Mỹ và nhiều nước khác.

Ông nói: "Tôi mới đọc những trang đầu cuốn sách, nhưng thực sự xúc động trước câu chuyện của tác giả về cuộc sống và suy nghĩ của thế hệ thanh niên VN trong thời chiến tranh. Với những chi tiết nhỏ nhặt về cuộc sống hàng ngày, hay những suy nghĩ về lý tưởng lớn lao, tác giả đã mang lại cho người đọc hình ảnh chân thực về cuộc chiến tranh ở VN hơn 30 năm trước, rất khắc nghiệt nhưng cũng hết sức hào hùng. Những người như chị Trâm là anh hùng của dân tộc VN".

Giáo sư Kawaguchi là giáo viên dạy văn học VN thuộc Khoa Đông Nam Á của trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Ông đã có gần ba mươi năm gắn bó với tiếng Việt và văn học VN. Ông luôn tâm niệm nghiên cứu VN là sự nghiệp suốt đời mình.

Ông nói: "Tôi bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1970, lúc đó lớp của tôi chỉ có sáu sinh viên và là lớp tiếng Việt duy nhất trong khoa Đông Nam Á. Nhưng mãi đến năm học thứ tư, tôi mới bắt đầu nghiên cứu sâu về văn học VN. Ban đầu cũng chỉ là say mê văn học nói chung. Tôi rất muốn hiểu biết nhiều hơn về văn hoá và con người VN và tôi nghĩ nghiên cứu văn học là một trong những cách thức hiệu quả nhất để học ngôn ngữ và tìm hiểu về con người VN".

Sự say mê văn học VN nảy sinh từ khi giáo sư Kawaguchi nghiên cứu lịch sử văn học giai đoạn 1930 -1945. ông tìm hiểu rất nhiều tác gia văn học thế giới, nhưng khi nghiên cứu văn học VN ông phát hiện rằng văn học VN có những nét tương đồng về tư tưởng và thể loại với văn học Nhật Bản.

Ông nói: "Ở thời kỳ 1930 - 1945, các nhà văn VN đang tìm tòi và thể nghiệm các tư tưởng văn học mới, rất giống với các tác gia văn học Nhật Bản giai đoạn Meiji. Các nhà văn lãng mạn như Nhất Linh, Thạch Lam... thực sự tài năng trong miêu tả tâm lý".

Giáo sư thích nhất tập truyện ngắn Nắng trong vườn của Thạch Lam và đã dịch ra tiếng Nhật. Ông nói ông "mê" Thạch Lam ở cách kể chuyện, miêu tả tâm trạng nhân vật rất sống động, đầy cảm xúc.

Không những chuyên tâm vào công việc giảng dạy, giáo sư Kawaguchi còn dành nhiều thời gian viết sách và báo giới thiệu văn học VN tới độc giả Nhật Bản. Một số công trình nghiên cứu và tác phẩm dịch của ông được giới chuyên môn đánh giá cao, trong đó phải kể tới cuốn sách Giới thiệu văn học Đông Nam Á, đồng tác giả (in năm 2001); Tác phẩm của Thạch Lam, tuyển tập Nắng trong vườn, gồm 12 truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Thạch Lam (2000).

Ngoài ra còn nhiều bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó có các nghiên cứu quan trọng, như Sự hình thành văn học hiện đại Việt Nam (1986); Sự phát triển văn xuôi hiện đại Việt Nam; Sự phát triển thơ hiện đại Việt Nam - Thơ Tản Đà (1988); Thạch Lam - tác phẩm và tư tưởng (1996); Văn học đương đại Việt Nam (2000)...

Phòng làm việc của giáo sư Kawaguchi chỉ hơn 10 mét vuông, nhưng có tới hai kệ sách lớn cao lút đầu người, trên giá hầu hết là sách văn học VN. Ông bộc bạch ước muốn ấp ủ từ lâu là viết một cuốn sách hoàn chỉnh về lịch sử văn học VN. Ông vừa hoàn thành dịch truyện ngắn Thời tiết của ký ức của Bảo Ninh sang tiếng Nhật. Ông nói rất thích truyện ngắn này, đặc biệt là cách nhà văn kể chuyện và khắc hoạ tâm lý của một nhân vật đã từng trải qua chiến tranh. Tháng 11 tới, truyện ngắn này sẽ được in trong cuốn sách về VN xuất bản nhân kỷ niệm 30 năm kết thúc cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân VN.

Nhắc tới kỷ niệm với nhà văn Bảo Ninh, giáo sư Kawaguchi nhớ lại lần đầu tiên (năm 1991) đọc tiểu thuyết Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) qua bản dịch tiếng Nhật ông đã mê ngay tác phẩm này và có ý định tìm gặp tác giả.

Ông nói: "Tôi đã rất xúc động khi đọc đoạn miêu tả cảnh hai người yêu nhau chia tay trước giờ ra chiến trường. Truyện đem lại cái nhìn rất mới cho độc giả Nhật Bản về chiến tranh VN".

Giáo sư đã viết nhiều bài giới thiệu tiểu thuyết này trên các báo và tạp chí nghiên cứu văn học của Nhật Bản. Từ đó, ông bắt đầu tìm đọc và nghiên cứu sâu về văn học đương đại VN và cũng từ đó nhà văn Bảo Ninh trở thành người bạn thân thiết ông tìm gặp mỗi khi có dịp sang VN.

Giáo sư Kawaguchi luôn nhắc nhở sinh viên của mình rằng cách tốt nhất để học một ngôn ngữ là thông qua tìm hiểu văn hoá của dân tộc đó, trong đó văn học là một lĩnh vực quan trọng. Sinh viên khoa tiếng Việt ở trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, một trong những trường quốc gia hàng đầu ở Nhật Bản rất quan tâm và thích thú tìm hiểu về văn hoá VN. Giáo sư rất tự hào về Khoa Đông Nam Á và bộ môn tiếng Việt là một chuyên ngành được nhiều sinh viên Nhật Bản lựa chọn nhất. Mỗi năm khoa chỉ tuyển 12 sinh viên, hầu hết là những sinh viên xuất sắc.

Ông dự định giới thiệu cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm cho sinh viên, để giúp thanh niên Nhật Bản tìm hiểu về chiến tranh vn, về đời sống nội tâm của thanh niên VN thời chiến tranh, mà trước đây họ chưa từng biết. Giáo sư cho biết có một nhà văn Nhật Bản cũng rất yêu cuốn sách này và đang tổ chức dịch và xuất bản cuốn này sang tiếng Nhật.

Ở nhà riêng, giáo sư Kawaguchi dành một góc phòng khách để trưng bày nhưng đồ lưu niệm ông mang về mỗi lần thăm VN, thú vị nhất là chiếc nón quai thao ông mua trong chuyến đi Hội Lim Tết vừa rồi. Thông thường người Nhật không tiếp khách tại nhà riêng, nhất là người nước ngoài. Giáo sư giải thích, với khách là người VN thì khác, mỗi khi có bạn bè hay người quen từ VN sang ông đều mời về nhà mình. Ông nói: "Tôi muốn theo phong tục của người Việt, để tỏ sự hiếu khách đặc biệt là mời thăm nhà riêng".

Chia tay giáo sư Kawaguchi tôi nhớ mãi hình ảnh ông ân cần trò chuyện như một người cha với các em sinh viên VN đang theo học khoa dự bị tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Ông hỏi một em gái: "Em là con thứ mấy trong gia đình?" Phải am hiểu văn hoá VN lắm giáo sư Kawaguchi mới có thể bày tỏ sự quan tâm, ân cần theo cách rất riêng của người Việt như vậy.

(Theo Nhân Dân)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top