Việt Nam vô địch tại Robocon 2004

Việt Nam vô địch tại Robocon 2004

ro-bo122004.jpg
FXR chuẩn bị vào thi đấu.Chiều 11-9, đội tuyển Robocon của Việt Nam gồm 7 sinh viên trường Đại học Bách Khoa TPHCM đã xuất sắc đoạt chức vô địch tại cuộc thi Robocon 2004 dành cho sinh viên khu vực Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Hàn Quốc. VN đã thắng áp đảo ba đội mạnh nhất của khu vực: thắng knock-out đội Nhật Bản ở trận tứ kết; thắng knock-out đội Hàn Quốc ở trận bán kết và thắng knock-out đội Trung Quốc trong trận chung kết.





Trận chung kết sớm ở vòng đấu bảng Đội robot FXR của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đưa đến Seoul đội hình 5 robot: 1 robot điều khiển bằng tay, 1 robot chinh phục, 1 robot cản phá và 2 robot ghi điểm. Mỗi robot được lập trình hai cách di chuyển nên đội hình robot này có thể thực hiện ít nhất là 10 đấu pháp chiến thuật khác nhau cho từng trận đấu.

Trong vòng đấu bảng, sau khi bốc thăm đội Việt Nam thi đấu ở bảng D cùng với đội Nhật Bản và Sri Lanka. Được đánh giá là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch, Nhật Bản (với đại diện là đội robot của Trường ĐH Tokyo) trước giải đấu là một đối thủ mà tất cả các đội đều e dè và mong tránh chạm mặt.

Và quả thực, trong trận ra quân đầu tiên, robot của Nhật Bản đã "dằn mặt" ngay các đối thủ bằng trận thắng áp đảo đội Sri Lanka với tỷ số... 28-0.

Đấu pháp của đội Nhật Bản là không để đội nào (kể cả bản thân và đối thủ) giành chiến thắng knock-out bằng cách sử dụng một robot tự động di chuyển đến che phủ ô "Bàn tay Chức Nữ" (nếu robot nào đặt được "quà" lên ô này sẽ thắng điểm knock-out), sau đó giành ưu thế trận đấu bằng robot điều khiển bằng tay và 2 robot ghi điểm tự động cực kỳ nhanh và chính xác.

Bước vào trận đấu bảng với đội Nhật, đội FXR xác định đây chính là trận chung kết sớm của giải đấu mà họ phải vượt qua nếu muốn tiếp tục đi sâu vào vòng trong. Bằng cách sử dụng một robot tự động "tấn công" nhanh không để robot của đội Nhật kịp che phủ "nàng Chức Nữ", đội FXR đã vô hiệu hóa chiến thuật của các robot Nhật. Đồng thời, robot điều khiển bằng tay của FXR "lừa" được cú cản phá của robot đội Nhật Bản, mang các ô ráp nối liền cầu Ô Thước để robot chinh phục ung dung mang hộp quà đến đặt lên "bàn tay" của Chức Nữ, giành chiến thắng trước Nhật Bản bằng điểm knock-out. Một trận thi đấu ra mắt đầy ấn tượng của Việt Nam khi mới bước vào giải đấu!



Những cú knock-out ngoạn mục Có khoảng 80 cổ động viên Việt Nam là những học sinh, sinh viên, bạn trẻ đang sinh sống, học tập, công tác tại Hàn Quốc đến cổ vũ cho đội robot của FXR thi đấu. Tuy chỉ chiếm số lượng ít ỏi so với cổ động viên đội chủ nhà Hàn Quốc nhưng các cổ động viên Việt Nam đã gây ấn tượng với rất nhiều băng-rôn, trang phục áo thun mang hình cờ đỏ sao vàng và tạo không khí "nóng" không thua gì khi cổ vũ bóng đá SEA Games. Sau khi robot Việt Nam đoạt chức vô địch, các đội Hàn Quốc, Trung Quốc đã đến khu vực để robot của FXR xin quay phim, chụp ảnh các robot Việt Nam với thắc mắc: "Tại sao robot của các bạn nhỏ nhắn, nhẹ mà khi di chuyển nhanh lại rất cân bằng, khó bị... lật và hoạt động rất chính xác, hiệu quả theo đúng ý đồ chiến thuật đến thế?".





Giành chiến thắng trước Nhật Bản và Sri Lanka, Việt Nam xếp đầu bảng D và gặp đội Malaysia ở vòng tứ kết. Thắng Malaysia với tỷ số 16-8, bước vào trận bán kết, đối thủ của các robot Việt Nam lại là những robot của đội chủ nhà Hàn Quốc.

Một trận đấu thử thách tâm lý của các sinh viên Việt Nam trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của đông đảo cổ động viên Hàn Quốc trên khán đài.

Chiến thuật của đội Hàn Quốc là dùng một robot tự động di chuyển đến chắn ngang "cầu Ô Thước", mục đích không để robot chinh phục của đối thủ di chuyển đến ô "Bàn tay Chức Nữ" để ghi điểm knock-out. Robot này di chuyển rất chính xác và hiệu quả nên đây chính là "lá bài tẩy" giúp đội Hàn Quốc hạ đối thủ ở các vòng ngoài. Tuy nhiên, nhóm FXR đã phát hiện ra khuyết điểm của robot này là di chuyển khá chậm nên đã dùng một robot tự động chặn ngang đường đi của nó trước khi nó kịp tiếp cận với "cầu Ô Thước" của đội FXR. Và như thế, "chàng" robot của đội FXR lại một lần nữa vượt qua cầu Ô Thước mang hộp quà đến cho "nàng Chức Nữ", giành chiến thắng bằng điểm knock-out. Bước vào trận chung kết với đội robot Trung Quốc, đội FXR đối đầu với một đối thủ rất mạnh với chiến thuật thi đấu cũng dùng robot cản phá chặn cầu Ô Thước tương tự như Hàn Quốc để ngăn đội bạn giành chiến thắng knock-out. Đặc biệt, robot cản phá này của đội Trung Quốc có đặc điểm di chuyển rất nhanh, tầm hoạt động mạnh và không cần phải tiếp cận "cầu Ô Thước" như Hàn Quốc mà nó có thể tấn công "cầu Ô Thước" của đối phương từ xa bằng một thanh nhôm dài khoảng... hơn 2 mét. Đội FXR đã dùng một robot tự động "hy sinh" tông thẳng vào robot cản phá của Trung Quốc, đồng thời chính robot này cũng sẽ cản đường "cầu Ô Thước" của Trung Quốc.

Trong cuộc đấu chiến thuật này, robot của đội nào nhanh và chính xác hơn sẽ giành chiến thắng. Và kết quả là các robot Việt Nam đã một lần nữa chứng tỏ tính hiệu quả trong chiến thuật của mình khi ngăn chặn được khả năng cản phá của robot đối phương, ghi điểm knock-out cho chiến thắng thuyết phục giành chức vô địch Robocon 2004!

Qua ba kỳ thi Robocon khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đây là lần thứ hai đội tuyển Robocon Việt Nam (đại diện là sinh viên trường ĐHBK TPHCM) dành chức vô địch (lần thứ nhất tại giải Robocon 2002 tổ chức ở Nhật Bản); giải Robocon 2003 tổ chức tại Thái Lan, đội tuyển Robocon Việt Nam đại diện là sinh viên trường ĐHBK Hà Nội đoạt giải ba.


Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên
nguồn : tintucvietnam.com
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top