Giao lưu văn hóa Việt-Nhật trong những năm gần đây (1970 đến nay)

Giao lưu văn hóa Việt-Nhật trong những năm gần đây (1970 đến nay)

HOẠT ĐỘNG GIAO LƯU VĂN HÓA VIỆT NAM-NHẬT BẢN TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY (TỪ 1970ĐẾN NAY)
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 9-1973, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng tốt đẹp hơn, nhờ đó mà việc giao lưu văn hóa giữa haiốc gia cũng có nhiều bước phát triển mới. Do phạm vi bài viết có hạn nên tác giả xin được giới thiệu một họat động giao lưu văn hóa giữa haiốc gia trên một số lĩnh vực: văn học nghệ thuật, điện ảnh, các loại hình giải trí, …

1.1 Văn học nghệ thuật:
Văn học luôn là lĩnh vực tiên phong với các tác phẩm có chủ đề nói về cuộc sống, thế giới quan, nhân sinh quan của người Nhật Bản như: “Tập truyện ngắn Nhật Bản”, “Đèn không hắt bóng”, “Người đàn bà bị ruồng bỏ”, đề tài lịch sử với 1 số tác phẩm: “Truyện kể Heike”, đề tài về lối sống, xã hội hiện đại có “Người đẹp ngủ say”, “ Rừng Nauy”, “Xứ tuyết”,… Nhưng đặc sắc nhất trong lĩnh vực văn học phải kể đến đó chính là Manga, truyện tranh Nhật Bản. Manga là một danh từ tiếng Nhật Bản chỉ loại truyện vẽ bằng tranh, song Manga nổi tiếng đến nỗi hầu như trên thế giới đều biết đến danh từ này. Ở Việt Nam cũng vậy. Đầu những năm 1990, nhà xuất bản Kim Đồng đã tích cực chọn dịch và giới thiệu đến những độc giả nhỏ tuổi các bộ truyện Manga Nhật Bản. Đầu tiên đó là bộ truyện tranh về chú mèo máy “Doraemon”, “Nhóc Maruko”, “Bảy viên ngọc rồng”, “Thám tử lừng danh Conan”, “Thám tử Kindaishi”, “Candy”,… Manga Nhật bản hấp dẫn trẻ em Việt Nam và cho đến nay thì đã là một món ăn tinh thần đối với cả thế hệ thanh niên với lời thoại ngắn gọn, thủ pháp vẽ tranh tuyệt vời, nội dung cũng rất đời thường, phù hợp với mục đích giải trí song cũng không kém phần nghệ thuật. Nghệ thuật hội họa trong Manga là sự kết hợp tài tình giữa chủ nghĩa hiện thực của tranh phương Tây và nghệ thuật hội họa cổ truyền thống Nhật Bản, một nền văn hóa của một nước dùng chữ Hán và chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc. Điều quan trọng thứ nữa đã gây sự hâm mộ đặc biệt của độc giả Việt Nam đó là các họa sĩ Manga đã sử dụng các kỹ thuật điện ảnh như làm mờ dần hình ảnh, làm rõ dần hình ảnh, đưa thêm hình ảnh, nhấn mạnh một vài điểm quan trọng, làm cho bức tranh sống động như một bộ phim. Một số Manga chỉ có những bức tranh chứ không có lời thoại song vẫn khiến người đọc cảm nhận được qua tranh. Một điều kì diệu nữa cũng hớp hồn nhiều thế hệ bạn trẻ Việt Nam đó là các họa sĩ dường như đọc được tâm tư tình cảm, nắm bắt được tâm lí của độc giả , giữa họa sĩ và bạn đọc dường như có một sự qua lại, như cùng ngầm mặc định, ngầm hiểu- đây là yếu tố điển hình trong Manga, có những tranh vẽ tác giả chỉ vẽ một chiếc lá rơi, một cành cây chết hay một tia lóng lánh của giọt nước mắt nhưng cũng thể hiện đươc nội tâm đa dạng của nhân vật và bối cảnh câu truyện.
Tuy nhiên không phải truyện Manga nào của Nhật Bản khi vào Việt Nam cũng được chào đón. Cũng như nhiều quốc gia Châu Á khác, đối tượng đọc truyện tranh chủ yếu là trẻ em, chính vì thế manga vấp phải sự phản đối từ các bậc phụ huynh do một số nội dung khiêu dâm và bạo lực. Song theo một cách giải thích của người Nhật Bản về loại hình truyện tranh mà một số nước xếp vào loại hình văn hóa phẩm đồi trụy này đó là: Người Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đặt Manga lên vị trí ngang hàng với tiểu thuyết và phim, chính vì lí do đó nếu truyện và phim ảnh bề con người có nước mắt, tiếng cười, sự giận dữ,v.v… thì đương nhiên cũng phải có một số tác phẩm có nội dung tình dục và bạo lực. Ở Việt Nam, đương nhiên trong quá trình mua bản quyền các tác phẩm truyện tranh, thể loại tình dục sẽ bị loại bỏ trước tiên, song loại hình manga bạo lực hay kinh dị thì bằng đường chính thức hay nhập lậu vẫn thấy xuất hiện, trong đó có thể kể đến một số tác phẩm như: “Kindaishi”, “Inuyasha”,…
Trước khi làm quen với văn học Việt Nam hiện đại, người Nhật đã biết đến văn học Việt Nam truyền thống qua những tác phẩm và kiệt tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu ... qua các bản dịch tiếng Nhật ra đời trước 1945. Tại Hội nghị Quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất (Hà Nội, 1998), nhà nghiên cứu Izumi Takahashi thuộc cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ở Tokyo, trong bài tham luận rất dài gồm nhiều số lượng thống kê nhan đề “Các tác phẩm Văn học hiện đại của Việt Nam” đã được dịch và xuất bản ở Nhật Bản, sau khi khẳng định rằng văn hóa truyền thống Việt Nam, với tính tự trọng dân tộc, tính nhân bản và tính cộng đồng cao, chứa đựng nhiều điểm tương tự với văn hóa Nhật Bản và văn học là nhịp cầu văn hóa nối liền hai dân tộc, đã cho biết là việc dịch thuật văn học hiện đại ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh tại Nhật Bản ở hai thời kì: 1965 - 1975 và từ sau 1992 đến ngày nay.

1.2 Điện ảnh và âm nhạc
Trong lĩnh vực điện ảnh, trong những năm 1990, Việt Nam đã bắt đầu làm quen với phim truyền hình Nhật Bản như bộ phim “Osin”. Bộ phim này có sức ảnh hưởng đến nỗi “osin” trở thành một từ ngữ thông dụng trong ngôn ngữ tiếng Việt để chỉ nghề giúp việc nhà. Sau đó thỉnh thoảng trên truyền hình xuất hiện một số bộ phim khác có nội dung đề cao tinh thần trách nhiệm, tính cần mẫn trong công việc, chịu đựng gian khổ vượt qua khó khăn trong cuộc sống của người Nhật Bản như “Nữ tiếp viên hàng không”, “Asuka”, “Ngôi sao may mắn”,… phần lớn đều là những bộ phim sản xuất từ thập niên trước, không phản ánh xã hội hiện đại nên ít được khán giả Việt Nam ưa chuộng như những bộ phim Hàn quốc và phim lịch sử Trung Quốc. Giữa tháng 4-2004, Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao đã quyết định hỗ trợ và Saigontourist cùng Vietnam Airlines đã quyết định tài trợ cho một đoàn điện ảnh Nhật Bản thuộc hãng phim truyền hình Asahi đến Việt Nam thực hiện bộ phim “Việt Nam Mến Yêu” (10 tập), đây là phim truyền hình dài hơi nhất của Nhật quay tại VN nhằm quảng bá văn hóa du lịch VN với công chúng Nhật. Phim sẽ được công chiếu vào " giờ vàng " tại Nhật Bản.
Âm nhạc trẻ hiện đại Nhật Bản như pop, rock, Jazz,… với những ban nhạc nổi tiếng như GLAY, Southern All Stars, Gos Pellers,… các ca sĩ như Kiroro, Utada, Hamazaki,… rất được ưa chuộng tại Nhật Bản song ở Việt Nam, hầu như không mấy ai biết đến. Có lẽ nguyên nhân lớn nhất nằm ở vấn đề bản quyền, vì thế gây nhiều khó khăn cho việc tuyên truyền âm nhạc Nhật Bản ở Việt Nam. Những năm gần đây, internet đã đưa giới trẻ thế giới đến gần nhau hơn, Việt Nam cũng nở rộ những diễn đàn, những trang web nghe nhạc trực tuyến như vn99.com, yeuamnhac.com, tialia.com,… nhờ đó mà nhạc Nhật cũng đã bắt đầu có một lượng fan của riêng mình. Song so với nước láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc thì có thể thấy âm nhạc Nhật ở Việt Nam vẫn còn ở mức khá xa lạ.
Tuy nhiên một loại hình văn hóa bình dân khác bắt nguồn từ Nhật Bản đó là Karaoke, thì lại hết sức phổ biến ở Việt Nam, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn xuất hiện rộng rãi ở các tỉnh thành khác. Karaoke du nhập vào Việt Nam từ giữa những năm 1990. Sau khi xuất hiện Karaoke đã gây nên một làn sóng hát Karaoke ở khắp mọi miền, phong trào mà một tờ báo đã gọi là “nhà nhà mở quán karaoke, người người mở quán karaoke”. Ở các thành phố lớn khắp nơi đều thấy mở các quan karaoke phục vụ mọi đối tượng. Kéo theo đó cũng là hàng loạt những tệ nạn xã hội mãi dâm, ma túy, ẩu đả,…xảy ra mà cho đến nay vẫn còn nhiều dư âm để lại. Song dĩ nhiên các tiệm karaoke này chỉ hoạt động chóng vánh trong một thời gian chứ không tồn tại được lâu, cho đến nay chỉ có một số thương hiệu nổi tiếng và uy tín trụ vững như Nnice, Dân ca,… Mặc dầu vậy thì loại hình karaoke của Nhật Bản, thú vui tiêu khiển để thư giãn sau những ngày làm việc vất vả vẫn được đông đảo tầng lớp nhân dân Việt Nam ủng hộ và yêu thích.
Năm 1970 là một thời điểm quan trọng đánh dấu sự quan tâm và ái mộ mà người Nhật Bản liên tục dành cho nghệ thuật Việt Nam: lần đầu tiên một đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam do giáo sư Nguyễn Hữu Ba dẫn đầu đã biểu diễn ca múa nhạc cung đình Huế trên sân khấu lớn của Expo Quốc tế Osaka 70 và đã được hoan nghênh. Từ sau 1975, nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam: chèo, ca trù, quan họ, múa rối nước, nhạc cung đình, nhạc cổ điển Việt Nam... đã được mời sang biểu diễn tại Nhật Bản. Một sự kiện lớn trong giao lưu văn hóa trên lĩnh vực âm nhạc cổ truyền đó sự kiện nhã nhạc cung đình Huế. Mùa xuân 1994, UNESCO và Việt Nam đã tổ chức tại Thành phố Huế một cuộc tọa đàm quốc tế về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể vùng Huế. Trong khi hội thảo có trình diễn nhã nhạc cung đình Huế. Sau khi xem các nghệ nhân lúc đó đã trên 70 tuổi mà còn giữ được truyền thống nhạc cung đình, các nhà văn hóa Nhật Bản đã ưu ái đưa ra một Kế hoạch phục hồi âm nhạc cung đình Việt Nam . Ngay sau đó họ lại biến kế hoạch này thành một Dự án phục hồi Nhã nhạc với sự tham dự của đại diện bốn nước có truyền thống nhạc cung đình : Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Kết quả là ngày 7-11-2003, UNESCO đã tuyên bố Nhã nhạc cung đình Huế, cùng với 27 kiệt tác của 27 nước, được tuyên dương là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Bên cạnh đó hai nước Việt Nam - Nhật Bản cũng thường xuyên tổ chức những họat động biễu diễn nhằm giao lưu văn hóa truyền thống giữa hai dân tộc. Có thể kể đến: Festival Văn Hóa - Du Lịch Việt Nam được tổ chức tại nhiều thành phố Nhật (2001), để đáp lễ, Nhật Bản gửi đoàn nghệ thuật Nhật Bản Kuna Uka tham dự biểu diễn tại Festival Huế 2002; cuối năm 2003, ngành thời trang Việt Nam đã cử hành một "Cuộc hiến dâng ở Đền Thiêng" : tại ngôi đền cổ Kiyomizu ở cố đô Kyoto, trước 100 vị khách tiếng tăm của Nhật và hàng ngàn du khách quốc tế, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đã để cho 60 thiếu nữ Việt và Nhật trình diễn 60 bộ trang phục kết hợp hài hòa giữa văn hóa Việt Nam và văn hoá Nhật Bản, .v.v…

1.3 Học tiếng Nhật và học tiếng Việt
Điều mà trong văn hóa người Nhật tích cực hoạt động nhất đó là việc phổ biến giảng dạy tiếng Nhật ra thế giới bên ngoài. Ở Việt Nam, phong trào học tiếng Nhật ngày càng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2002, Hà Nội có 12 cơ sở đào tạo tiếng Nhật (6 trường Đại học quốc lập và 6 cơ sở tư nhân) còn ở thành phố Hồ Chí Minh có 26 cơ sở (6 trường Đại học quốc lập và 20 cơ sở tư nhân). Hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước trong các lĩnh vực KHXH và nhân văn cũng được quan tâm. Các quĩ tài chính của Nhật Bản như: Quỹ Japan, Quỹ Toyota, Quỹ Sumitomo, Quỹ Toshiba,… đã hỗ trợ kinh phí cho các viện, trường Đại học, các nhà khoa học Việt Nam thực hiện nhiều dự án nghiên cứum trong đó đáng lưu ý có một số cơ quan nghiên cứu, giảng dạy về Nhật Bản học cũng đã được nhiều của Nhật hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo cán bộ khoa học. Đó là các cơ quan như Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Trung tâm KHXH và NVQG, các khoa Đông phương của hai trường Đại học KHXH và NV ở Hà NộI và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều giáo sư Nhật Bản cũng đã sang Việt Nam làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các cơ quan này. Đáng lưu ý là kể từ năm 1994 đến nay đã có nhiều giáo viên tình nguyện người Nhật Bản sang Việt Nam giảng dạy tiếng Nhật, góp phần tích cực vào hoạt động giảng dạy và học tập tiếng Nhật tại Việt Nam. Tổng số học viên học tiếng Nhật ở Việt Nam đến nay đã khoảng 7000 người. Cùng với đà giao lưu văn hóa Việt - Nhật, ngày càng nhiều người muốn học tíếng Nhật vì yêu thích Nhật Bản hoặc vì cần thiết cho công việc song do ngôn ngữ Nhật là một trong số những ngôn ngữ được xếp vào loại khó nhất trên thế giới chính vì thế mà đặc biệt ở các trung tâm ngoại ngữ ngoài giờ, có thể thấy một tình trạnh chung là các lớp sơ cấp thường rất đông học viên, nhưng đến các lớp cao hơn thì số học viên giảm dần. Một số trung tâm hầu như không thể khai giảng các lớp trung cấp do thiếu học viên. Ở một số trường Đại học như trường Đại học KHXH và NV ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có mở các khoa Việt Nam học cho người nước ngoài, tại đây số lượng học viên Nhật Bản học tiếng Việt ngày càng nhiều. Song do chưa có nhiều giáo trình khoa học, việc giảng dạy cũng còn thiếu tính hệ thống, thêm vào đó là sự phức tạp của tiếng Việt khiến cho các sinh viên Nhật Bản vấp phải khá nhiều khó khăn khi học tiếng Việt.
Từ cuối thế kỉ XIX đến nay ngành Việt Nam học đã hình thành và liên tục phát triển tại Nhật Bản. Từ sau khi bộ Từ điển chữ Nôm của Y. Takeuchi được xuất bản năm 1968 tại Tokyo , nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ thông tin của Nhật Bản đã tỏ lòng ưu ái đối với chữ Nôm của cha ông ta và một đóng góp lớn lao của họ là sự kiện Viện Mojikio của Nhật Bản đã thành công nghiên cứu chế tạo phần mềm chữ Nôm với khoảng 9.000 mã chữ và đã trân trọng tặng Viện Nghiên cứu Hán-Nôm của Việt Nam món quà văn hóa này vào năm 2000. Trước đó, tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội (ngày 15-17/1998) giáo sư Furuta Motoo, của Đại học Tokyo, đã đọc bản báo cáo : Tại sao ở Nhật Bản có nhiều nhà Việt Nam học? Nhìn lại quá trình phát triển Hội Nhật Bản Nghiên Cứu Việt Nam cho chúng ta biết: Hội nghiên cứu Đông phương học lớn nhất của Nhật Bản là Hội Nhật Bản Nghiên Cứu Lịch Sử Đông Nam Á với trên 400 hội viên trong đó có 86 người nghiên cứu Inđônêxia, 67 người nghiên cứu Thái Lan và 65 người nghiên cứu Việt Nam. Như vậy Việt Nam học đã chiếm vị trí thứ ba trong nghành nghiên cứu Đông Nam Á ở Nhật Bản; còn Hội Nhật Bản Nghiên Cứu Việt Nam (thành lập năm 1987) nay đã có hơn 100 hội viên. Giáo sư Furuta Motoo cho rằng Việt Nam là một nước có nền văn hóa rất gần gũi đối với người Nhật Bản ; từ rất sớm ngành sử học Nhật Bản đã quan tâm đến lịch sử Việt Nam : những điều đó trở thành thế mạnh của ngành Việt Nam học tại Nhật Bản. Phía Nhật Bản còn tổ chức nhiều hoạt động tại Nhật mời các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu về Nhật Bản sang Nhật. Để giới thiệu về văn hóa hai dân tộc, đã phối hợp tổ chức các hoạt động biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam, triển lãm tranh, mời tham gia liên hoan phim châu Á, trưng bày gốm sứ,… cùng diễn ra sôi nổi.

1.4 Du lịch
Một điểm quan trọng góp phần vào hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Nhật đó là hoạt động du lịch giữa hai quốc gia. Với tư cách là quốc gia có thu nhập đầu người lớn thứ 2 trên thế giới, người dân Nhật Bản rất thích du lịch, và Việt Nam chính là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất. Từ năm 2000, đã có sự bùng nổ du khách Nhật đến Việt Nam và xuất hiện phong trào “du lịch đến Việt Nam là mốt”. Năm 2000 có 150.000 khách Nhật đến Việt Nam, năm 2001 con số này là 200.000 người, năm 2002: 279.000 người, đến năm 2003 là 290.000 người. Dự báo của Vietnam Airlines, lượng khách Nhật sẽ đạt mức 500.000 lượt vào năm 2010. Lý do khiến người Nhật chọn Việt Nam làm điểm đến là do họ thích thú với các loại hình resort từ bình dân đến cao cấp, các mặt hàng trang trí nội thất, mỹ nghệ phong cách Á châu có giá cả dễ chấp nhận. Ngoài ra, sự hấp dẫn từ cuộc sống mãnh liệt và năng động của người Việt Nam, sự pha trộn của văn hóa ảnh hưởng Trung Hoa, Pháp đã thu hút khách Nhật. Đặc biệt sự tương đồng về văn hóa giữa hai dân tộc cũng như lòng mến khách, sự thân thiện, yêu thích hòa bình, quý thiên nhiên, thú chơi cây cảnh, cắm hoa, trà đạo... đã tạo sự gần gũi cho khách Nhật. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam còn gặp một số khó khăn khi khai thác thị trường Nhật vì các quốc gia lân cận cũng tích cực giành giật thị phần ở đối tượng khách này. Giá vé máy bay từ Nhật sang Việt Nam còn cao hơn so với Thái Lan. Việt Nam còn thiếu những điểm vui chơi giải trí, các điểm nghỉ dưỡng. Tình hình giao thông đô thị còn phức tạp, hay ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường còn kém, đặc biệt là thiếu các điểm thông tin cho khách. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, đời sống người dân lên cao nên việc đi du lịch Nhật Bản cũng đã được các công ty du lịch lưu ý tổ chức tour, song do giá cả còn khá cao nên chỉ một số người khá giả mới có thể đến Nhật Bản du lịch. Song lượng người Việt Nam tìm đến Nhật Bản hàng năm tăng chủ yếu là những du học sinh. Hàng trăm sinh viên học sinh đã thi đỗ trong các kỳ thi du học ở Nhật Bản theo học bổng Chính phủ Nhật Bản, hàng ngàn sinh viên khác đi theo các diện du học tự túc học các ngành tiếng Nhật, khoa học kỹ thuật, tin học, điện tử, quan hệ quốc tế, luật,…

1.5 Các hoạt động khác
Ngoài các lĩnh vực kể trên, Việt Nam và Nhật Bản cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa như cắm hoa Ikebana, Trà đạo, kịch,… Nhiều đoàn ca múa nhạc, nghệ thuật dân tộc Việt Nam cũng đã sang Nhật Bản biểu diễn, trong đó phải kể đến nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam được các khán giả Nhật quan tâm yêu thích.
Bên cạnh các họat động giao lưu văn hóa diễn ra sôi nổi và tich cực, Nhật Bản còn thực hiện việc hỗ trợ tài chính để xây dựng các cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị thông tin. Một số dự án đáng kể: 24 triệu yên cho Bộ Văn hóa năm 1987, 10 triệu yên cho việc bảo dưỡng và tôn tạo phố cổ Hội An, 10 triệu yên cho việc bảo dưỡng và tôn tạo phố cổ Hội An thông qua tổ chức UNESCO năm 1989, 23 triệu yên cho việc mua sắm trang thiết bị in ấn các chương trình văn hóa giáo dục của Đài truyền hình Việt Nam năm 1990. 500 triệu yên cho Nhạc viện Hà Nội và 450 triệu yên cho nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996,…
Một số cơ quan có liên quan đến việc tổ chức xúc tiến biểu diễn các hoạt động giao lưu, hợp tác truyền bá văn hóa giữa 2 nước:
· Đại sứ quán và lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam
· Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản
· Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản
· Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam
· Trung tâm hợp tác và phát triển nguồn nhân lực (VJCC)
· Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation)
· Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA)
· …

Một số hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản qua các năm:
o Tàu thanh niên Đông Nam Á (hàng năm, xuất phát từ Nhật Bản và đi qua 10 nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam)
o Festival văn hóa du lịch Việt Nam (2001-Nhật Bản)
o Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật (2003-Hà Nội)
o Lễ hội giao lưu Nhật Bản - Việt Nam (2003-Hà Nội)
o Ngày hội giao lưu Nhật Bản –ASEAN (2003-Vũng Tàu)
o Triển lãm tranh áp-phíc JICA_JOVC (2003-Thành phố Hồ Chí Minh)
o Biểu diễn Asean Fantasy Orchestra (2003-Thành phố Hồ Chí Minh)
o Biểu diễn thời trang “Cuộc hiến dâng đền thiêng” (2003-Kyoto)
o Lễ hội giao lưu văn hóa du lịch Việt-Nhật (2004-thành phố Hồ Chí Minh)
o Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian(2004-Thành phố Hồ Chí Minh)
o …
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top