Nagasaki: 60 năm nỗi đau chưa nguôi

Nagasaki: 60 năm nỗi đau chưa nguôi

Tiếng chuông báo động vang lên rền rĩ tại Nagasaki sáng nay (9/8) đã mở màn buổi lễ đánh dấu 60 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này.

Ít nhất 70.000 người đã thiệt mạng khi Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai trên thế giới xuống Nagasaki, khẳng định sự thất bại của quân đội Nhật hoàng trong Thế chiến II.

Hôm nay, khoảng 6.000 người, gồm cả hàng trăm nạn nhân còn sống sót sau thảm hoạ kinh hoàng trên, đã tụ tập tại Công viên kỷ niệm hoà bình Nagasaki để tưởng niệm. Buổi lễ diễn ra ở một nơi gần với vụ nổ trước kia.

images710644_koizumi.jpg

Thủ tướng Koizumi đặt vòng hoa tưởng niệm.

Sau khoảng thời gian mặc niệm, Thị trưởng Nagasaki Iccho Itoh đã có vài lời chỉ trích lãnh đạo những quốc gia hạt nhân, đặc biệt là Mỹ vì dùng vũ khí hạt nhân như một biện pháp an ninh. Quan chức này nói: ''Những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đặc biệt là Mỹ, đã phớt lờ cam kết quốc tế và không hề thay đổi lập trường về hạt nhân đánh chặn. Chúng tôi phẫn nộ vì sự chà đạp lên hy vọng của người dân toàn thế giới''.

Ông Itoh cũng kêu gọi Nhật hãy bước khỏi ''chiếc ô hạt nhân của Mỹ''. Hiện, Mỹ vẫn duy trì khoảng 50.000 quân trên đất Nhật theo một thoả thuận an ninh thời hậu chiến.

images710642_cuidau.jpg

Người dân nhiều nước trên thế giới cũng tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng do bom nguyên tử ở Nhật.

Trong buổi lễ hôm nay, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi cũng cúi đầu thấp và đặt vòng hoa tại tượng đài những người thiệt mạng. Nhà lãnh đạo này nói: ''Đây là dịp để tưởng nhớ các nạn nhân và cầu nguyện cho hoà bình thế giới''.

Buổi lễ đánh dấu 60 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki khai mạc ngay sau khi mặt trời mọc. Một tiếng chuông lớn đã vang lên đánh dấu chính xác thời khắc máy bay Mỹ ném quả bom nguyên tử có tên gọi ''chàng béo'' xuống Nagasaki. Quả bom thứ 2 này có lõi là plutonium, khác với quả bom ném xuống Hiroshima có lõi là uranium.

(Theo BBC, Reuters)
 

Đính kèm

  • bom.jpg
    bom.jpg
    19.7 KB · Lượt xem: 222
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bình luận (2)

nvhcuong

New Member
Truman và quyết định đánh bom nguyên tử Nhật

Ngày 6/8/1945, thành phố Hiroshima hứng chịu thảm hoạ khủng khiếp nhất trong lịch sử: bom nguyên tử. 3 ngày sau đó (9/8/1945), đến lượt Nagasaki. Tác giả của kế hoạch này chính là Harry S. Truman. Làm thế nào vị Tổng thống thứ 33 của Mỹ lại đi đến quyết định "vô tiền khoáng hậu" như vậy?

images706959_T1.jpg

Đài tưởng niệm nạn nhân Hiroshima.

Trong suy tính của Truman, có hai lý do chính để sử dụng loại vũ khí huỷ diệt "mới mẻ" này.

Thứ nhất là cách quân đội Nhật đã tiến hành Thế chiến II. Sự tàn khốc của chiến tranh đã khởi đầu ở Trung Quốc từ năm 1937. Cũng trong năm này, quân đội Nhật chiếm đóng Nam Kinh, gây ra những tổn thất to lớn về người (khoảng 100.000 - 200.000 người đã bị sát hại dưới bàn tay quân Nhật).

Hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản ngày 6/8 và 9/8 làm ít nhất 120.000 người chết ngay lập tức và hơn 200.000 người thiệt mạng những năm sau đó. Các chuyên gia quân sự lúc đầu ước tính sức công phá của quả bom ném xuống Hiroshima tương đương với 20.000 tấn thuốc nổ TNT. Về sau, các quan chức Mỹ xác nhận, nó tương đương với 3.000 tấn TNT.
Thứ hai là vụ tấn công không báo trước của các máy bay cảm tử Nhật nhằm vào Trân Châu Cảng khiến 1.000 quân nhân Mỹ trên chiếc tàu chiến U.S.S Arizona thiệt mạng và gần 1.500 người trên các tàu khác đậu trong cảng, sân bay lân cận và cả thường dân cũng bỏ mạng.

Tuy nhiên, đây không phải là ví dụ duy nhất về sự tàn khốc của quân phiệt Nhật mà người Mỹ chứng kiến. Tiếp sau Trân Châu cảng là cuộc "diễu hành" chết chóc Bataan ngày 9/4/1942 trong đó 72.000 người Philippines và người Mỹ bảo vệ bán đảo Bataan đã thực hiện hành trình dài 80km trong 4 ngày mà không hề có thực phẩm và nước dưới làn mưa đạn của binh lính Nhật. Thêm vào đó, điều kiện tại các nhà tù Nhật vô cùng khắc nghiệt đối với các tù binh quân sự và thường dân. Rất nhiều cảnh bắn giết, chặt đầu diễn ra cho tới tận cuối Thế chiến II. Trên tất cả là cách lính Nhật đối xử với các tù nhân Mỹ, rồi đến tù nhân Anh, và nhiều tù nhân thuộc phe Đồng minh bị Nhật bắt trong những tháng đầu của cuộc chiến tại Hongkong, Singapore, Myanmar...

Ngoài các nguyên nhân trên, còn có một lý do giải thích tại sao Truman và các quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ thời bấy giờ đi tới quyết định sử dụng bom A, đó là cái giá mà quân đội Mỹ phải trả nếu tấn công vào các hòn đảo thuộc chủ quyền của Nhật. Hai ví dụ chính có thể coi là cái giá phải trả cho việc tấn công vào lãnh thổ Nhật chính là vụ tấn công Iwo Jima và Okinawa mùa xuân, đầu mùa hè năm 1945.

images706961_T2.jpg

Quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki tạo ra một cột khói khổng lồ cao 18km.

Vụ tấn công Iwo Jima đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người: 6.200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã bỏ mang trên hòn đảo nhỏ bé này - nơi được coi là vô cùng giá trị vì nó chính là căn cứ không quân của các máy bay B-29 tham gia đánh bom Nhật. Nhiều máy bay ném bom không thể tháo chạy hay quay trở về Mỹ do gặp máy bay tiêm kích hoặc gặp sự cố kỹ thuật có thể hạ cánh xuống hòn đảo này. Trong trận này, ưu thế của Mỹ so với quân Nhật là 4:1.

Vụ tấn công hòn đảo Okinawa rộng lớn còn đem lại những tổn thất nặng nề gấp 2 lần vụ Iwo Jima - 13.000 người thiệt mạng, 1/3 số này bỏ mạng trên tàu trước các cuộc tấn công của Phi đội Thần phong Nhật. Phi công trên những máy bay lỗi thời này thường không có khả năng quay trở lại căn cứ, đã biến máy bay của họ thành bom và chấp nhận hy sinh. Chỉ riêng một vụ tấn công của phi đội Thần Phong nhằm vào tàu chiến U.S.S Franklin, Mỹ đã mất 1.000 binh sĩ và chiếc chiến hạm biến thành một đống lửa khổng lồ.

"Năm 1945, Bộ trưởng Chiến Tranh Stimson khi ghé thăm tổng hành dinh của tôi tại Đức, đã thông báo rằng chính phủ chuẩn bị ném một quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Tôi là một trong số những người cảm thấy có nhiều lý do để nghi ngờ về tính "sáng suốt" của quyết định này. Trong buổi nói chuyện với Stimson, tôi bắt đầu nhận thức rõ cảm giác chán chường, tuyệt vọng vì thế tôi nói với ông ấy về sự bất đồng của mình dựa trên niềm tin rằng Nhật lúc ấy đã thất bại và việc ném bom nguyên tử là hoàn toàn không cần thiết. Hơn nữa tôi cho rằng Mỹ nên tránh làm dư luận thế giới bị sốc vì sử dụng loại vũ khí theo tôi là không phải là phương tiện để cứu mạng người dân Mỹ..." - trích hồi ký "Những năm tháng ở Nhà Trắng" của cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower.

Trong khi đó, lính thuỷ đánh bộ và bộ binh Mỹ tại Okinawa vẫn tiếp tục chiến đấu trên hòn đảo. Con số bị thương, bị mất tích chiếm 35% lực lượng tham chiến. Cho tới giữa tháng 6/1945, câu hỏi lớn trong đầu các chỉ huy Mỹ cũng như quan chức thuộc chính quyền Truman là liệu Mỹ có thể buộc chính phủ và quân đội Nhật đầu hàng hay không. Rõ ràng, dù bị tấn công mạnh mẽ, quân đội Nhật không có dấu hiệu sẽ hàng. Nếu như các lãnh đạo dân sự Nhật hay thậm chí người dân Nhật có quyền đưa ra quyết định, có lẽ cuộc chiến sẽ nhanh chóng đi tới hồi kết. Nhưng thật không may mắn, nó thuộc thẩm quyền của quân đội, cụ thể là các chỉ huy Nhật.

Và những người đứng đầu quân đội Nhật đã quyết định tiếp tục chiến tranh, bất chấp tổn thất để bảo vệ cái gọi là "tinh thần võ sĩ đạo". Giới chức chỉ huy không quan tâm tới thực tế cuộc chiến ấy sẽ được tiến hành với những vũ khí hiện đại của thế kỷ 20, mà không phải những cuộc đấu giáp lá cà giữa binh sĩ. Họ ra lệnh cho binh sĩ chiến đấu bằng mọi vũ khí có được trong tay.

Tới giữa tháng 6, các chỉ huy quân sự Mỹ bắt đầu lo ngại binh sĩ của họ sẽ phải đối phó với cái gì. Một uỷ ban kế hoạch chiến tranh phối hợp giữa Lục quân và Hải quân đưa ra ước tính: nếu Mỹ tấn công Kyushu ở cả hai mặt trận, họ sẽ chịu tổn thất 25.000 người; nếu tấn công trên 1 mặt trận và sau đó tấn công vào Honshu, họ sẽ mất 40.000 người; nếu tấn công cả hai mặt trận ở Kyushu và sau đó tấn công tiếp Honshu, họ sẽ mất 46.000 người. Tuy nhiên, tất cả những con số này chỉ là ước lượng do đó Tham mưu trưởng quân đội Mỹ - Tướng George C. Marshall đã không thảo luận hay thậm chí đề cập tới tại cuộc họp Nhà Trắng ngày 18/6/1945. Thay vì vậy, Marshall chỉ nói rằng ông nghĩ một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nhật có thể không gây ra nhiều tổn thất hơn vụ tấn công hòn đảo Luzon, Philippines trong đó 31.000 người thương vong.

images706963_T3.jpg

Hiroshima tan hoang sau vụ ném bom nguyên tử.

Nhưng tại cuộc họp này, Tham mưu của Tổng thống Truman là Đô đốc William D. Leahy đã nêu ra con số thương vong có thể có nếu tấn công vào Kyushy và Honshu - gần bằng số thương vong tại Okinawa. Ngay lập tức, Tổng thống đã bày tỏ về "sự lo ngại" của mình trước khả năng con số thương lớn đến vậy.

Cũng còn một con số khác được các nhà quân sự Mỹ tính tới: đó là sức mạnh của quân đội Nhật tại Kyushu. Khi tấn công Iwo Jima và Okinawa, Mỹ luôn chiếm ưu thế. Giữa tháng 6/1945, Tướng Marshall đã ước tính có khoảng 350.000 lính Nhật tại Kyushu. Nhưng đến ngày 24/6, ông nói con số là 500.000 và đến ngày 6/8 thì là 560.000. Những con số này được đưa ra dựa trên các dữ liệu thu được từ việc do thám hệ thống radio của Nhật còn gọi là Ultra. Nhưng một điều ông không hề biết là con số thực của binh sĩ Nhật tại Kyushu tính đến ngày 6/8 là 900.000 quân. Việc tấn công Kyushu đã được dự tính vào ngày 1/11 và đến thời điểm đó, quân Nhật sẽ tăng lên trên 1 triệu. Điều này có nghĩa, Mỹ sẽ bị tổn thất nặng nề.

images706965_T4.jpg

Toà nhà còn may mắn "sống sót" sau thảm hoạ Hiroshima.

Ngoài ra, nguy cơ các vụ tấn công của phi đội Thần phong có lẽ sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với vụ Okinawa. Trong vụ Okinawa, các phi đội Thần phong Nhật đã phải bay từ Kyushu tới Okinawa, nhưng lần này họ sẽ không phải bay xa trước khi gặp mục tiêu.

Dựa vào tất cả những tính toán này, đội ngũ quan chức Mỹ, từ Truman trở xuống tất nhiên chỉ nghĩ tới việc làm sao bảo toàn mạng sống cho binh lính Mỹ trong thời điểm quan trọng của mùa hè năm 1945 này. Và Bom Nguyên tử chính là giải pháp.

(Tổng hợp)
 

nvhcuong

New Member
Vì sao Tokyo thoát khỏi bom nguyên tử?

Tình cờ, chiến hạm chở quả bom nguyên tử mà Mỹ định ném xuống Thủ đô Tokyo đã bị phá huỷ. Nhờ vậy, thành phố Tokyo thoát khỏi thảm hoạ như Hirosima và Nagasaki.

Bước sang năm 1943, Hồng quân Liên Xô giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trên chiến trường nên Chính phủ Mỹ lại càng thôi thúc các nhà bác học phải tranh thủ thời gian, chế tạo bằng được bom nguyên tử trước khi quân Đức bị tiêu diệt.

Kế hoạch mang mật danh “Manhatta” đã ra đời, tập trung đến 800 nhà khoa học, kỹ sư và trên 60 vạn người khác tham gia. Ngày 9/5/1945, 3 quả bom nguyên tử đầu tiên cũng đã được sản xuất theo mẫu của Clao Phunsơ, công suất 12,5 kilôtôn.

Việc ném bom nguyên tử xuống Nhật cũng đã được tranh cãi gay gắt giữa các phe phái của Lầu Năm Góc. Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương McArtor là một nhân vật cực kỳ phản đối, nhưng Eisenhower, được sự ủng hộ của Tổng thống Truman và phái diều hâu trong nghị viện đã thắng thế.

Theo phái này, thì Mỹ cần phải đánh đòn hạt nhân để răn đe, ngăn chặn Liên Xô ở vùng Viễn Đông, và việc ném bom nguyên tử đã được quyết định nhằm vào ba thành phố Hirosima, Nagasaki và Tokyo của nước Nhật nhằm:

Một là uy hiếp Liên Xô và Trung Hoa (Trung Hoa lúc đó còn thuộc chế độ Tưởng Giới Thạch, nhưng Mỹ đã nhìn thấy thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc), để tạo ra ảnh hưởng lớn về tâm lý và quân sự.

Hai là, những thành phố được chọn ném bom tương đối đông dân, nhưng có vị trí dễ nhìn thấy kết quả công phá của bom.

Đầu tháng 7/1945, 3 quả bom được bí mật vận chuyển rời cảng California xuống Chiến hạm Indian Holis, tiến về cảng Tinian (thuộc quần đảo Macsan), sau đó được máy bay B-29 (được xem là pháo đài bay lúc đó) của Mỹ chở đi.

Dưới mật danh "Little boy" - chú bé, vào hồi 8h15 phút ngày 6/8/1945, không quân Mỹ dùng pháo đài bay B-29 thả quả bom nguyên tử đầu tiên có công suất 12,5 kilôtôn, hủy diệt cả thành phố Hirosima, làm chết ngay 80 nghìn người và hàng chục nghìn người bị nhiễm xạ, trong phạm vi bán kính 10km.

Ba ngày sau, với mật danh “Fatman” - người khổng lồ, lúc 10h58 phút ngày 9/8, không quân Mỹ lại tiếp tục dùng pháo đài bay B-29 thả quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki, phá hủy nặng nề 1/3 thành phố; trong đó 4,5km bị phá hủy hoàn toàn; có 20.000 người chết và 50 nghìn người bị thương.

Khi bom nổ có sức công phá hàng triệu độ, trong vòng bán kính 2km, 60% số người bị chết tại chỗ, còn 40% số người chết dần do nhiễm phóng xạ. Nhiều người bị chết do sóng xung kích cực mạnh, do sức nóng của cầu lửa khi nổ. Ở Hirosima có 7 dòng sông thì cả 7 dòng sông đều đầy xác, nhiệt độ không khí cao làm cho nhiều người nhảy xuống sông, rồi ôm lấy nhau mà chết, nhiều người khác bị hóa thành than trên đường phố.

Người ta phải chôn người chết trong những hố chôn tập thể, có hố chôn tới 50.000 người.

Số phận của quả bom thứ ba dành cho thủ đô Tokyo ra sao?
Theo kế hoạch, chiến hạm Indian Holis sẽ chở quả bom nguyên tử thứ ba đến Philippines. Sau đó máy bay B-29 của Mỹ chở nó bay dọc bờ biển Trung Hoa và Triều Tiên rồi ném xuống Tokyo.

Hồi 23h ngày 29/7/1945, trong khi đi tuần trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương, Đại úy Ishimoto chỉ huy tàu ngầm I-158, một loại tàu ngầm chạy cực nhanh của Nhật, đã phát hiện thấy chiến hạm Indian của Mỹ đang chạy về phía đảo Guam mà không có tàu hộ tống.

Nhận thấy đây là cơ hội thuận lợi để tiêu diệt chiến hạm, Đại úy Ishimoto đã ra lệnh phóng ngư lôi tấn công chiến hạm của Mỹ. Sau loạt ngư lôi cực mạnh, chiến hạm chìm nghỉm dưới đáy đại dương đem theo quả bom thứ ba dự định ném xuống Tokyo.

Sau này khi được hỏi vì sao có sự khinh suất này, McArtor, nguyên Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương nói: “Đây là một sự nghi binh. Chúng tôi không muốn để đối phương chú ý, nhưng nước Nhật đã có những người con anh hùng”.

Còn Đại tá Trudakanke, nguyên chỉ huy Hải quân Nhật tại nam Thái Bình Dương (có sở chỉ huy tại Sài Gòn lúc đó), sau này cũng đã kể cho phóng viên báo “Bungei Shunphu” rằng: “Đại úy Ishimoto đã lập một chiến công phi thường, cứu thủ đô Nhật Bản thoát khỏi thảm họa nguyên tử, nhưng ông không hề biết. Sau khi đánh đắm chiến hạm của Mỹ, ông ta chỉ điện cho chúng tôi vẻn vẹn có mấy lời: Đã đánh đắm chiến hạm đối phương vào hồi 23h ngày 29/7/1945".

(Theo CAND)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top