Người nối nhịp cho học trò nghèo du học

Người nối nhịp cho học trò nghèo du học

Hơn 41 năm nay, chỉ bằng tấm lòng và dựa vào mối quan hệ của mình, nhà giáo Nguyễn Đức Hòe đã âm thầm đưa nhiều thế hệ học trò giỏi nhưng nghèo sang Nhật du học.

Cho đến nay đã có hơn 300 du học sinh trong đó có bốn tiến sĩ - đã thành danh bằng con đường Đông du do ông khởi xướng...

Tôi từng khóc vì mình quá nghèo

Xuất thân từ gia đình nhà giáo nghèo, nhưng nhờ ham học và học giỏi, nhà giáo Nguyễn Đức Hòe may mắn nhận được một suất học bổng du học Nhật vào năm 1959. Ông kể: "Tôi có đêm đã khóc khi còn là cậu học trò trường Chu Văn An, chỉ vì thấy mình quá nghèo, không có tương lai. Bởi thế khi sang Nhật, thành đạt hơn, tôi nguyện lòng mình sẽ đưa nhiều học sinh đi du học, thành tài".

Sau nhiều năm dành dụm từ nguồn học bổng, năm 1967, ông đã lập một ký túc xá có tên Đông Du học xá cho du học sinh Việt Nam qua ở, bước chuẩn bị khởi đầu cho tâm nguyện của mình. Gọi là ký túc xá cho oai, nhưng thực tế đó chỉ là một căn nhà thuê lại bằng gỗ thấp lè tè tối tăm. Tài chính quá hạn hẹp, ông phải tự tay sơn phết, sửa sang rồi đi xin từ những chiếc bàn, ghế ngồi đến cái bát, đôi đũa... đủ dùng cho du học sinh. Một hôm, nhà cầu của ký túc xá bị hư, tiền sửa quá cao, ông - một giáo sư ĐH - và học trò cùng nhau xắn tay áo khai thông cả hầm cầu. Có chỗ trọ rồi, ông đi tìm việc làm thêm để HS có thể kiếm tiền theo học.

"Nhật Bản đã phát triển, người Nhật bắt đầu chê những công việc dơ bẩn, nguy hiểm và nặng nhọc. Học trò nghèo Trung Quốc để có tiền học tại Nhật đã chọn làm những công việc này. Tuy vậy, tôi cũng phải thử trước để xem nó có vừa sức HS Việt Nam mình hay không, nên cũng làm trước đủ nghề như rửa bát, quét nhà, giao báo, xếp chữ nhà in... Mình làm được mới chắc học trò của mình cũng làm được..." - ông Hòe kể.

Vậy là từ năm 1967, có việc, có chỗ ở, mỗi năm, ông đã giúp được từ 1-2 HS nghèo sang học ở Nhật. Các em được ăn ở tại Đông Du học xá, được tổ chức học tập, ôn luyện và đi làm thêm để trang trải tiền học phí, sinh hoạt phí. Cho đến năm 1973, ngoài việc giúp được nhiều HS nghèo sang Nhật vừa làm vừa học, ông đã cùng bạn bè gây dựng được quỹ học bổng Huynh đệ với trên 200 suất. Bấy giờ cuộc chiến tranh Việt Nam sắp đến hồi kết thúc, nhiều tin chiến thắng tới tấp được đưa trên các trang báo nước ngoài, ông quyết định về Việt Nam vào đầu năm 1974.

Mở tương lai cho hàng trăm học trò nghèo

Không phải dễ dàng gì việc bắt đầu cuộc sống ở quê hương còn khó khăn sau chiến tranh, nhất là đối với một người vừa trở về từ một quốc gia tư bản. Nhưng ông không nề hà, thầm lặng cống hiến tài năng sức lực của mình. Hơn 13 năm sau ngày giải phóng, những nỗ lực của ông mới được xã hội thừa nhận.

Năm 1988, sau một thời gian dài vận động cho mô hình đặc khu kinh tế và sau đó là khu chế xuất, ông được bổ nhiệm làm giám đốc khu chế xuất Sài Gòn. Đầu năm 1991, thạc sĩ Nguyễn Đức Hòe được trở lại Nhật trong một chuyến công cán, sau 17 năm. Trở về nước, ông được Thành ủy TP.HCM mời đến báo cáo. Buổi báo cáo có sự hiện diện của Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Trần Hồng Quân.

Ông Hòe kể: Tôi kể cho các ông ấy nghe chiến lược đào tạo nhân tài của Trung Quốc, chuyện có hơn 40.000 du học sinh nước này tại Nhật và hơn 20.000 tại Australia. Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết bấy giờ Liên Xô tan rã, Mỹ thực hiện chính sách cấm vận, cả nước hiện chỉ có 5 suất du học tại Ba Lan, rồi hỏi: "Có đưa HS đi du học được không?". Tôi nói được, nhưng việc đầu tiên phải cho tôi mở một trường để chuẩn bị và sàng lọc.

Vậy là năm 1991, Trường Nhật ngữ Đông Du được thành lập và Con đường Đông du cho HS nghèo Việt Nam lại lần nữa được ông triển khai xây dựng. Một người bạn Nhật đã giấu cả vợ cho ông mượn 1 triệu yen để bảo lãnh cho du học sinh vào Nhật. Còn ông thì làm thuyết khách, đến các trường tại Nhật xin được cho trò mình nợ tiền học phí, tới các tòa soạn báo Asahi và Yomiuri... tìm việc làm thêm cho học trò.

HS nghèo Việt Nam với sự bảo trợ này, sang Nhật với hai bàn tay trắng nhưng bằng chí lớn của mình, vừa làm việc, vừa học tập, có em ngoài dành dụm tiền đóng học phí và sinh hoạt phí còn có dư gửi về giúp đỡ gia đình.

Năm 1992, chương trình học bổng Đông Du do thạc sĩ Nguyễn Đức Hòe khởi xướng đưa được bảy HS đi và đến nay đã có hơn 300 HS-SV nghèo du học. Riêng tháng 4-2005, có 57 người đi và dự kiến tháng 9 này có tiếp 30 suất. Đã có bốn SV lấy được bằng tiến sĩ nhờ con đường bảo trợ này. Tiến sĩ Võ Minh Tuấn (ĐH Kinh tế TP.HCM) là một trong số đó, anh nói: "Nếu không có thầy một người từng là học trò nghèo như tôi làm sao có được như hôm nay...".

Học trò là tác phẩm của tôi

Một du học sinh Việt Nam sang Nhật bằng con đường tự túc chi phí bảo lãnh và học phí năm đầu mất khoảng 400 triệu đồng tiền Việt Nam. Một con số thật lớn, vậy nên nhiều người khi nghe nói đi theo chương trình du học Đông Du không tốn một đồng nào, ít ai dám tin. Thế nhưng với nhà giáo Nguyễn Đúc Hòe thì đó chính là tâm nguyện của ông. "Học trò là tác phẩm của tôi. Người họa sĩ say mê vẽ tác phẩm của mình như thế nào thì tôi say mê đào tạo học trò như thế ấy. Tôi không có khả năng làm được tất cả những gì mà nình ao ước cho đất nước, vì thế tôi gửi trọn niềm tin ở học trò của mình...".

Dù bận trăm công nghìn việc, tuổi cao sức yếu, nhưng tối thứ ba nào ông cũng dành thời gian để nói chuyện về đạo đức, lý tưởng và lẽ sống cho những du học sinh tương lai. Ông bắt học trò không chỉ nghiêm túc trong chuyện học mà phải có tinh thần kỷ luật và rèn luyện cao.

Mỗi sáng, những du học sinh của ông phải chạy vài cây số theo yêu cầu. "Nếu không dẻo dai, có nghị lực, chịu khó thì làm sao khi sang Nhật phải dậy từ 2 giờ 30 sáng để đi giao báo rồi còn về đi học được? Du học với chương trình Đông Du, có tài thôi chưa đủ, mà phải là một người yêu nước, có đức, có chí hướng và nghị lực" - ông nói.

Một sự cho đi không vụ lợi nhưng ông trân trọng những niềm vui hạnh phúc thật nhỏ bé, giản dị. Hôm gặp chúng tôi, ông kể, có một bà mẹ ở Nhà Bè (TP.HCM) mới sáng sớm đã mang lên cho ông ba con cua nhỏ. Bà nói, không có gì biếu thầy, vài con cua nhỏ này chính tay bà bắt được khi đi làm đồng. Người mẹ đó thật nghèo, quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất nhưng con bà hiện đang là một sinh viên đang du học tại Tokyo. Anh được du học Nhật với sự trợ giúp của Đông Du...

(Theo Tài Hoa Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top