Nhật Bản đang lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế

-nbca-

dreamin' of ..
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế của nước này trong bối cảnh triển vọng kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự sáng sủa, các thị trường chứng khoán và ngoại hối biến động bất thường.

avatar.aspx

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Nguồn: Internet)

Ngày 7/9, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp thường kỳ kéo dài hai ngày, Hội đồng Chính sách BOJ nêu rõ vẫn cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản “đang dần hồi phục” và có thể đang trong xu hướng hồi phục.

Tuy nhiên, BOJ sẽ xem xét một cách thận trọng triển vọng của nền kinh tế và tình hình giá cả và nếu cần thiết, ngân hàng này sẽ có các biện pháp thích hợp. Hội đồng Chính sách BOJ vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm không có tài sản đảm bảo ở mức 0,1%, là mức lãi suất được áp dụng từ tháng 12/2008.

Thống đốc BOJ Masaaki Shirakawa cho biết ngân hàng trung ương đang thận trọng theo dõi các tác động của hiện tượng đồng yen tăng giá đối với nền kinh tế nước này. Ông đồng thời nhấn mạnh sẽ là không thích hợp nếu chỉ căn cứ vào các biến động ngắn hạn trên thị trường ngoại hối để đánh giá các biện pháp nới lỏng tiền tệ gần đây của BOJ là thành công hay thất bại.

Ngay sau khi kết quả cuộc họp thường kỳ của BOJ được công bố, đồng yen đã lại tăng giá so với USD do nhiều nhà đầu tư nhận định ngân hàng trung ương chưa thể can thiệp ngay vào thị trường tiền tệ để chặn đà tăng giá của đồng yên.

Chiều 7/9, tỷ giá giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo đã giảm còn 83,98 yen/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 28/6/1995, tỷ giá này tụt xuống dưới mức 84 yen/USD.

Trong bối cảnh nhiều người lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư coi đồng yên và các tài sản định giá bằng đồng yen như những khoản đầu tư an toàn.

Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 7/9 cho biết đến cuối tháng Tám vừa qua, dự trữ ngoại hối của nước này đã đạt mức 1.070,15 tỷ USD, tăng 6,63 tỷ USD so với tháng trước đó. Đây là mức cao thứ hai trong lịch sử và là tháng thứ ba liên tiếp, dự trữ ngoại hối của nước này tăng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến dự trữ ngoại hối của Nhật Bản tăng là do lãi suất ở các nền kinh tế chủ chốt khác giảm khiến giá trị thị trường của các trái phiếu Chính phủ nước ngoài do Nhật Bản nắm giữ tăng.

Bên cạnh đó, hiện tượng các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng khiến cho giá kim loại quý này tăng cũng là nguyên nhân dẫn tới dự trữ ngoại hối của Nhật Bản tăng.

Hiện nay, Nhật Bản có quỹ dự trữ ngoại hối lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Dự trữ ngoại hối của nước này chủ yếu gồm chứng khoán và các khoản tiền gửi được định giá bằng các ngoại tệ, vàng và các vật dự trữ khác, quyền rút vốn đặc biệt tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)
 
Top