Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Chào các bạn, nhóm mình có 10 người sang Nhật làm việc theo dạng kỹ sư. Sau một năm làm việc có những điều mà mình thiết nghĩ hầu hết các bạn khác hiện đang làm việc tại Nhật cũng giống như anh em nhóm mình. Từ hôm nay xin được chia sẻ và mong nhận được chia sẻ của tất cả những "người cùng khổ" qua loạt bài viết của nhóm mình trong thời gian qua.


NHÌN LẠI MỘT NĂM SỐNG VÀ LÀM VIỆC TẠI NHẬT

時間が経つのは速いですね。

Thời gian trôi thật nhanh khi ta ngoái đầu nhìn quay lại, lẽ thưòng tình là người ta thường nghĩ đến những việc đã làm được trong quãng thời gian qua, những gì chưa làm được và sắp tới cần phải làm gì. Thời gian vẫn không ngừng trôi, chỉ có những dự định là vẫn còn đó.

“Nếu có tiền, bạn có thể mua được một chiếc đồng hồ
Nhưng bạn không thể mua được thời gian”

Hãy cùng ngồi lại bên nhau nhìn lại quãng thời gian sau một năm sống và làm việc trên đất nước có cái tên khá lãng mạn “Đất nứơc mặt trời mọc” xem chúng ta đã được gì, mất gì và cần phải làm gì nhé.
Những cái được:
1.Đi nhiều địa danh phía bắc Nhật bản, từ Koriyama đến Sapporo…
2.Tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người Nhật - người dân tại một quốc gia được đánh giá thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Tiếp xúc trực tiếp và hiểu được cái gọi là tính cách Nhật bản: Nhỏ mọn, chi tiết, máy móc, sợ cấp trên một cách mù quáng…
3.Thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của Nhật như Sushi, Sashimi, Gyudon hay Ramen v.v…
4.Có cơ hội làm quen với âm nhạc hiện đại Nhật Bản.
5.Chiêm ngưỡng tận mắt sự tiên tiến và tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng của Nhật: Đường cao tốc trên cao, tàu điện, tàu cao tốc (shinkansen), hệ thống tàu điện ngầm - một thế giới ngầm nhộn nhịp đến bất ngờ cho những ai lần đầu chứng kiến.
6.Ngạc nhiên thú vị khi được tiếp xúc với các thiết bị vệ sinh tại Nhật, sự sạch sẽ và tiện nghi tại các khi vệ sinh công cộng,
7.Thưởng thức cảm giác khoan khoái khi ngâm mình trong hệ thống onsen của Nhật, đây là một nét đặc trưng văn hoá Nhật Bản.
8.Hiểu được cảm giác thế nào là cái nóng 40oC của mùa hè, cái lạnh âm (–) 10oC của mùa đông Nhật bản, cảm giác khó tả khi lần đầu thấy tuyết rơi, biết được thế nào là tuyết dày 1-2m.
9.Được thưởng thức vẻ đẹp giản dị và sang trọng của hoa anh đào. Cảm nhận thú vị về sự di chuyển của làn sóng anh đào khi chuyển mùa. Dường như ở đâu mùa xuân ấm áp đến thay thế mùa đông giá lạnh thì ở đó màu hồng của anh đào nở thay thế màu trắng lạnh lẻo của tuyết. Một cảm nhận thú vị chỉ có ở xứ sở của hoa anh đào.
10.Làm quen với hệ thống bán lẻ tiện lợi tại Nhật như Shop 100 \, hệ thống convenience shop (combini), yamada denki, home center, workman shop, hệ thống recycle shop v.v…
11.Dù không như mong đợi xong với số tiền kiếm được cũng giúp giải quyết được phần nào vấn đề tài chính của chúng ta trong thời buổi vật giá leo thang khủng khiếp tại Việt nam.
12.Khả năng tiếng Nhật tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là ngôn ngữ chợ búa…kônồyarồ (#_0)

Với cái nhìn tích cực để thấy cuộc sống vẫn lạc quan, anh em hãy cố gắng lục tìm trong bộ nhớ xem còn được những gì khi sống và làm việc trên xứ sở nhiều động đất này nhé!

Những cái mất:
1.Mỗi chúng ta đều có một công việc và vị trí nhất định tại Việt nam, tuy không phải là những cá nhân ưu tú trong môi trường làm việc của mình, nhưng nhất quyết không phải là những kẻ vô công rồi nghề, thất nghiệp phải chạy qua Nhật để kiếm kế mưu sinh như mấy thằng đầu đất vẫn nghĩ khi chúng ta mới đến. Mỗi chúng ta đều có cái tôi và lòng tự trọng của riêng mình. Vậy mà từ khi đến mảnh đất này chúng ta đành phải chấp nhận hạ thấp, chôn vùi cái tôi của riêng mình. Không nói chắc ai trong anh em chúng ta cũng phải thừa nhận rằng khi chúng ta khi ra đi đã để lại quá nhiều kỳ vọng cho những người ở lại, đồng thời đã đánh đổi nhiều thứ đang có để được đến mảnh đất này, nên dù gì đi nữa cũng phải cố gắng chịu đựng và không thể ngay lập tức trở về khi chưa thu lượm được gì cho dù là những thứ nhỏ nhất, thêm nữa chúng ta cũng hiểu được câu nói “nhập gia thì phải tuỳ tục”, do vậy với tinh thần học hỏi, tôn trọng văn hoá của người bản xứ chúng ta càng phải che lại cái tôi của mình để cuộc sống và công việc được thoải mái và thuận lợi hơn. Đối với anh em tu nghiệp sinh, do phải thế chấp một khoản tiền quá lớn trước khi đi, nên anh em lại càng phải nhẫn nhục và chịu đựng nhiều hơn, mà không dám hé môi đòi hỏi hay ý kiến bất cứ điều gì. Cái tôi và lòng tự trọng có lẽ là cái mất lớn nhất trong những cái mất khi chúng ta đặt chân lên xứ sở hoa anh đào này.
2.Một công việc phù hợp hay chí ít gần gủi với trình độ được đào tạo tại Việt nam, để có thể tự học hỏi và nâng cấp trình độ chuyên môn nhằm phục vụ công việc sau khi trở về nước là mong đợi và kỳ vọng lớn nhất của tất cả anh em. Tuy nhiên đổi lại là sự thất vọng đến không thể thất vọng hơn, bản thân cảm thấy như bị xúc phạm nghề nghiệp, xúc phạm đến danh dự của một kẻ được mang mác kỹ sư Việt nam, được đào tạo chính qui sau 5 năm trên ghế giảng đường Đại học. Cái mất về sự hụt hẫng nghề nghiệp cũng khó mà tính toán nổi bằng tiền.
3.Sự khác biệt hoàn toàn về giờ giấc làm việc và cam kết trả lương ngoài giờ, các khoản thưởng, chế độ bảo lãnh thân nhân… so với hợp đồng của công ty tiếp nhận Nhật bản và quảng cáo của công ty môi giới, đã khiến chúng ta đã bất mãn lại càng bất mãn hơn. Chúng ta bị đối xử như những tên nô lệ khi mới đến, mặc dù làm việc một thời gian dài mà không có ngày nghỉ hoặc với số ít ngày nghỉ nhưng được sắp xếp như kiểu bố thí, mà không hề có quyền đòi hỏi hay được giải thích gì từ phía công ty tiếp nhận. Tuy thế, với tinh thần chịu khổ, chịu cực vì tất cả những gì chúng ta đã đánh đổi, vì lòng tự trọng của những người ngẩng cao đầu khi được đến một quốc gia đứng thứ hai thế giới, và vì chờ đợi một ngày mai tốt hơn khi có thể tự chủ trong công việc, chúng ta đã chịu đựng được một quãng đường khá dài cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên những người được gọi là đồng nghiệp Nhật Bản của chúng ta dường như không để ý đến điều này hoặc cố tình không cần hiểu và cho rằng chúng ta khiếp sợ, và buộc phải tuân theo mọi mệnh lệnh cả trong cuộc sống lẫn công việc nếu như không muốn bị “KUBI”. Thật trớ trêu thay!

Mặc dù vậy, sau một năm cố gắng, cần cù cày bừa như những chú ngựa hoang đã được thuần dưỡng, và thể hiện cho người Nhật thấy chúng ta không phải là những kẻ đầu đất, vai ù thịt bắp, thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Và dường như họ đã có cách nhìn nhận và đối xử tích cực hơn, khác hẳn so với khi chúng ta mới đến. Chúng ta đánh giá cao tinh thần hợp tác và thái độ tích cực của họ, nhưng như thế vẫn là quá ít so với những gì chúng ta đã chịu đựng trong thời gian qua.

Một năm đã trôi qua, nhìn lại tương quan giữa những cái được và cái - tạm gọi là mất - để thấy được giá trị của những gì chúng ta đã bỏ lại khi quyết định thực hiện chuyến đi này. Chắc có lẽ sẽ có người hài lòng, song cũng có nhiều anh em cảm thấy mất quá nhiều mà được chẳng bao nhiêu. Một năm là thời khoảng thời gian đủ để chúng ta nhìn nhận lại công việc chúng ta đang làm, nhìn nhận lại những gì chúng ta đã cố gắng, và những quyền lợi chính đáng nghiễm nhiên chúng ta phải được hưởng mà thời gian qua chúng ta không dám lên tiếng.

Vậy nên, với tất cả những thông tin có được, với tất cả những gì chúng ta đã cố gắng trong thời gian qua, và vì tất cả những quyền lợi chính đáng mà chúng ta phải được hưởng, chúng ta đủ tự tin để đề cập đến việc yêu cầu công ty tiếp nhận Nhật bản xem xét lại quyền lợi và chính sách đối với người lao động Việt nam chúng ta. Vì quyền lợi của mỗi chúng ta, đã đến lúc cần phải nói lên tiếng nói của chính mình. Hãy tự vận động để giải thoát bản thân mình chứ đừng chờ đợi một sự giúp đỡ từ bên ngoài. Xin hãy chia sẻ và cùng hành động nhé. Chúc cho sự đoàn kết của chúng ta tạo nên sức mạnh để nói lên tiếng nói từ chính cái tôi của mình, thứ mà lâu nay chúng ta đã phải kìm nén, chịu đựng.
Xin để lại dòng suy nghĩ trong phần lời bình, mọi cảm xúc đồng cảm hay phản đối cũng xin được để lại. Đây được xem như là bằng chứng về sự đoàn kết, chung một tiếng nói của tập thể anh em chúng ta. Chúc mọi người sức khoẻ và thành công.
 
Bình luận (35)

kamikaze

Administrator
Cảm ơn bài viết đề cập đến cả 2 mặt của cuộc sống sau 1 năm làm việc tại Nhật. Và cũng chúc mừng bạn đã trụ lại và nhận ra được những điều trong bài viết này. Coi như đây cũng là một sự thành công ban đầu rồi nhỉ!

Xin không đề cập đến những cái bạn cho là "được" vì tất cả đều khá chính xác rồi!

Sẽ đưa ra một vài ý kiến về cái mà bạn cho là mất khi qua Nhật nhé. Có thể sẽ là những lời nói mất lòng bạn và một số người khác. Có gì mình xin lỗi trước!

2.Một công việc phù hợp hay chí ít gần gủi với trình độ được đào tạo tại Việt nam, để có thể tự học hỏi và nâng cấp trình độ chuyên môn nhằm phục vụ công việc sau khi trở về nước là mong đợi và kỳ vọng lớn nhất của tất cả anh em. Tuy nhiên đổi lại là sự thất vọng đến không thể thất vọng hơn, bản thân cảm thấy như bị xúc phạm nghề nghiệp, xúc phạm đến danh dự của một kẻ được mang mác kỹ sư Việt nam, được đào tạo chính qui sau 5 năm trên ghế giảng đường Đại học. Cái mất về sự hụt hẫng nghề nghiệp cũng khó mà tính toán nổi bằng tiền
.

Cái cảm giác bạn có ở đây có nhiều nguyên nhân. Trước hết là những quan niệm khác nhau về công việc, về học hành giữa 2 nước Nhật-Việt. Việt Nam hay có những quan niệm về công việc "cao sang" và "thấp hèn". Ví dụ như 1 anh đi làm bồi bàn nhiều khi bị khinh. Và mình có nghe nhiều người cười khi thấy 1 người tốt nghiệp đại học luật đi giữ xe! Mặc dù ai đó có nói hay dạy là "lao động là vinh quang!"... Trong khi đó Nhật bản dù có quan niệm về 3K(công việc nặng nhọc, nguy hiểm, bẩn thỉu) nhưng hầu như đối với họ không có việc nào là "thấp hèn" cả!

Thứ hai, Việt nam có khuynh hướng chuyên môn hóa. Có nghĩa là phải và cần làm đúng ngành nghề. Trong khi Nhật có khuynh hướng tổng hợp. Muốn nhân viên của mình phải biết và làm được mọi việc. Ngoài ra, Việt Nam coi trọng lý thuyết học ở trường lớp ra trong khi Nhật Bản coi trọng kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc. Đối với họ 1 sinh viên học 5 năm ra trường không bằng 1 người tốt nghiệp cấp 3 có kinh nghiệm làm việc 3 năm!

Từ những khác biệt trên đây mà công ty Nhật sẵn sàng "bắt"-và họ cho đó là điều tất nhiên- những kỹ sư mới ra trường xuống xưởng làm những công việc thuần túy. Và đây là một điều xúc phạm đối với các anh kỹ sư tốt nghiệp các trường "có tiếng" ở Việt Nam.

Một thực tế là kỹ sư ở Việt Nam được nhồi nhét lý thuyết và khi ra trường nhảy lên làm phòng này phòng nọ. Ngược lại ở Nhật thì sinh viên tra trường đều phải xếp hàng từ dưới lên (Điều này còn là ảnh hưởng của chế độ thuê mướn suốt đời và thăng chức theo thời gian cống hiến của Nhật nữa).

Do đó mình nghĩ rằng nếu các bạn nhìn nhận ở môi trường Việt Nam thì là một sự xúc phạm. Còn nếu các bạn hiểu trước thực tế xã hội Nhật thì sẽ cảm thấy không có gì đáng gọi là xúc phạm cả.

Đa số kỹ sư nói riêng và lao động VN nói chung khi qua Nhật gặp phải vấn đề cảm thấy bị xúc phạm như thế này. Và không ít trường hợp đã về nước. Thiết nghĩ nếu trước khi qua Nhật các bạn được cung cấp thông tin thực tế nhiều hơn thì có lẽ cái kỳ vọng không quá lớn để rồi cũng phải thất vọng tràn trề!


Cái tôi và lòng tự trọng có lẽ là cái mất lớn nhất trong những cái mất khi chúng ta đặt chân lên xứ sở hoa anh đào này.

Bạn nói như ở trên và có lẽ câu trả lời ở đây chắc:

Tuy thế, với tinh thần chịu khổ, chịu cực vì tất cả những gì chúng ta đã đánh đổi, vì lòng tự trọng của những người ngẩng cao đầu khi được đến một quốc gia đứng thứ hai thế giới, và vì chờ đợi một ngày mai tốt hơn khi có thể tự chủ trong công việc, chúng ta đã chịu đựng được một quãng đường khá dài cho đến ngày hôm nay

Nếu các bạn thực sự vì "lòng tự trọng" thì không nên nghĩ là cái tôi của bạn bị đánh mất. Mà thay vào đó nên chứng minh nó qua kết quả công việc(chứ không phải lời nói).



3.Sự khác biệt hoàn toàn về giờ giấc làm việc và cam kết trả lương ngoài giờ, các khoản thưởng, chế độ bảo lãnh thân nhân… so với hợp đồng của công ty tiếp nhận Nhật bản và quảng cáo của công ty môi giới, đã khiến chúng ta đã bất mãn lại càng bất mãn hơn. Chúng ta bị đối xử như những tên nô lệ khi mới đến, mặc dù làm việc một thời gian dài mà không có ngày nghỉ hoặc với số ít ngày nghỉ nhưng được sắp xếp như kiểu bố thí, mà không hề có quyền đòi hỏi hay được giải thích gì từ phía công ty tiếp nhận. Tuy thế, với tinh thần chịu khổ, chịu cực vì tất cả những gì chúng ta đã

Tuy nhiên những người được gọi là đồng nghiệp Nhật Bản của chúng ta dường như không để ý đến điều này hoặc cố tình không cần hiểu và cho rằng chúng ta khiếp sợ, và buộc phải tuân theo mọi mệnh lệnh cả trong cuộc sống lẫn công việc nếu như không muốn bị “KUBI”. Thật trớ trêu thay!

Ở đâu cũng có "luật" và "lệ" cả. Những cảm kết kia mình nghĩ là "luật" nhưng thực tế xã hội Nhật "lệ" lại quan trọng hơn! Nhưng nếu các bạn cảm thấy là "bị bóc lột" theo luật thì cứ tìm hiểu kỹ luật lao động xem họ có vi phạm hay không!

Về các chế độ nghỉ, bảo lãnh thân nhân qua v.v... thì ở Nhật theo tinh thần " ưu tiên cho công việc!". Cả người Nhật cũng thế. Vậy nên có lẽ cũng phải "nhập gia tùy tục" thôi!

Nói tóm lại là nếu bạn vượt qua được mọi thứ thì bạn sẽ trưởng thành! Còn nếu ôm mãi tự ái, tự trọng... thất vọng thì có lẽ sẽ khó vượt qua mọi thứ.
Có lẽ thời gian 1 năm còn quá ngắn chưa đủ để các bạn có thể xóa đi tất cả cái thất vọng kia đâu.

(Tạm thời thế đã có gì sẽ viết tiếp sau)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

TLamjp

New Member
Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Cảm ơn những dòng góp ý và nhận xét của Kamikaze, mình không hề tự ái hay có bất kỳ ý nghĩ tương tự. Qua Thongtinnhatban.net mình cũng đã tham khảo nhiều bài viết, nhiều lời phàn nàn của anh em lao động Việt nam tại Nhật, cũng như giải thích của Kamikaze. Chính điều này giúp cho mình tự tin hơn nhiều trong việc kêu gọi anh em cùng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời có cái nhìn thực tế hơn về vấn đề lao động tại Nhật của anh em kỹ sư Việt Nam - nhìn chung là giống nhau. Chỉ có điều khi bị o ép thì hầu như không ai dám lên tiếng, thứ nhất vì mới sang chưa hiểu mô tê gì cả, luật thì không biết, văn hóa cũng không (mà văn hóa mới là cái đáng ngại nhất - nhập gia tùy tục mà chưa gì anh đã làm lộn xộn). Thứ hai, mới sang ai cũng có tâm lý sợ bị trả về nước nên bằng mọi giá phải cố gắng (Thực tế là nhóm mình đã có 1 người bị trả về sau 6 tháng làm việc. Thời điểm đó mình có viết một bức thư gửi về công ty môi giới ở Viêt Nam yêu cầu can thiệp, và phía Nhật đã trả lời bằng cách cho một người về nước như một lời răn đe những kẻ ở lại). Như thế để bạn thấy, chúng tôi càng chịu đựng họ lại càng làm tới.
Sau một năm nhóm mình đã hiểu ra rằng những gì đáng được đối xử thì họ đã đối xử và vì vậy chắc không thể mong đợi được gì hơn nếu không làm một cái gì đó! Nhóm mình cũng đã tính đến chuyện kiện, nhưng để đến lúc đó chắc anh em cũng đã kiệt hết sức vì lao lực rồi (vì làm mà không biết đến khi nào được nghỉ, chỉ mong cho trời mưa hoặc công trình hết vật liệu để được nghỉ - Nghề của nhóm mình là xây dựng). Chính vì thế trước khi có kiện cáo gì đi nữa , mình nghĩ cũng phải yêu cầu họ thay đổi cách làm việc, chứ nếu cứ sonomama thì chắc kiếm được mấy đồng của Nhật mà tổn thọ cả 10 năm thì không ổn. Phải nói thêm là trong nhóm không phải ai cũng đồng ý chuyện kiện cáo vì mục tiêu sang Nhật của mỗi người là khác nhau, nên mình thấy cũng nên tôn trọng ý kiến của anh em.
Mình nói qua để bạn hiểu tình hình của nhóm mình, và mong nhận được thêm nhiều góp ý hơn nữa ở những bài sau của mình. Mục tiêu của mình về việc đưa bài lên diễn đàn này là để chia sẻ cùng những anh em kỹ sư khác có tình trạng chung, hãy tự tin đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Thongtinnhatban.net đã truyền tự tin cho mình, và mình muốn làm điều tương tự đối với những anh em khác. Thiết nghĩ điều đó cũng là bình thường, thế nhưng trong một hoàn cảnh nào đó để có một sự tự tin cần thiết lại là cả một vấn đề, đối với mình đó là cả một năm trời!
 

kamikaze

Administrator
Cảm ơn bạn đã có ý chia sẻ cùng các thành viên khác. Trong này cũng có khá nhiều người đang sống/học ở Nhật hay tiếp xúc với người Nhật. Hy vọng mọi người cũng sẽ cùng chia sẻ ý kiến.

Trở lại vấn đề của bạn. Ngành xây dựng là một trong những ngày ngay cả người Nhật cũng sợ. Lý do là đa số phải làm về muộn và không được trả tiền tăng ca. Hôm kia mình cũng có nói chuyện với 1 người Nhật có con làm ngành xây dựng ông ta cũng than vì vất vả và không có tiền tăng ca lại phải đi ra ngoài suốt.

Ngoài ra, ngày xưa mình cũng có đi làm arubaito rồi và nhận thấy rằng có lẽ những người làm trong ngành xây dựng- đặc biệt là thợ hồ, thợ xây v.v... là những người sử dụng từ ngữ bẩn thỉu, thô tục và phần nào là ít kiến thức nhất. Vì thế cách đối xử của họ với nhau nói chung và với người nước ngoài nói riêng không có gì hay ho lắm.

Về vấn đề kiện cáo thì mình không phản đối không tán thành nhưng hãy tìm hiểu cho kỹ. Còn đang chưa rõ thì không nên kiện hay làm to chuyện lên sẽ không có lợi lắm đâu.
 

TLamjp

New Member
Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Kính gửi: Giám đốc công ty ...(tên công ty môi giới)

Ông trưởng phòng xuất khẩu chuyên gia (Nghe rất kêu)

Chúng tôi là tập thể kỹ sư xây dựng do quí công ty đưa sang Nhật tháng 5/2007, làm việc tại công ty ... Nhật Bản

Thời gian làm việc tại công ty ... đến nay đã tròn một năm. Do có quá nhiều khác biệt giữa thời gian làm việc ghi trong hợp đồng và việc tính giờ giấc làm thêm, đồng thời có nhiều bất đồng trong ngôn ngữ cũng như cách ứng xử, nên chúng tôi đã một lần gửi thư về quí công ty vào tháng 11/2007 yêu cầu phía Nhật giải thích. Sau đó chúng tôi có nhận được thư phúc đáp bằng tiếng Việt của công ty...(Nhật) (quí công ty dịch từ tiếng Nhật). Trong thư họ có đề cập đến yếu tố công việc và nếu không nhận được sự hợp tác thì việc thuê dụng rất khó khăn.

Một năm đã trôi qua, những gì chúng tôi thể hiện đủ để nói rằng họ không thể mong đợi được sự hợp tác nào tốt hơn, thực tế là chúng tôi đã lặng lẽ làm việc và chưa bao giờ từ chối bất kỳ công việc hay điều kiện thời tiết nào. Người Nhật làm được thì chúng tôi cũng làm được. Mặc dù ngày nghỉ ghi theo hợp đồng vẫn phải di làm do điều kiện công việc hay đi sớm về trễ, chúng tôi cũng chưa bao giờ từ chối vì luôn nghĩ rằng sẽ được tính toán giờ làm thêm đúng như đã ghi rõ trong hợp đồng và trong thư phúc đáp.

Tuy nhiên, một năm trôi qua, nhận thấy những gì được đề cập trong hợp đồng và thư phúc đáp của phía Nhật và thực tế là hoàn toàn khác nhau. Việc công ty đã vi phạm hợp đồng, vi phạm luật lao động tiêu chuẩn là việc chúng tôi chưa đề cập đến ở đây. Chúng tôi chỉ muốn trên tinh thần hợp tác gửi đến công ty...(Nhật) một bức thư yêu cầu làm rõ để chúng tôi yên tâm tiếp tục công tác.

Vì lý do trên và do trình độ Nhật ngữ có hạn, chúng tôi kính nhờ quí công ty dịch giúp bức thư gửi kèm theo đây sang tiếng Nhật để chúng tôi có thể chuyển đến công ty ...(Nhật) trong thời gian sớm nhất có thể.

Nhân tiện đây cũng xin thông báo đến quí công ty tình hình công việc của anh em chúng tôi bên này để công ty nắm rõ và mong nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất có thể từ quí công ty.Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Nhật bản, 27/5/2008
-------------------------------------------------------------------------------------
Kính gửi: Ông giám đốc công ty ...(Nhật) (Shacho)
Ông Trưởng bộ phận nhân sự công ty ...(Bucho)

Ông Trưởng phòng công trình (Kacho)

Sau một năm làm việc tại công ty, chúng tôi đã nhận được sự tao điều kiện giúp đỡ của công ty cũng như của các đồng nghiệp người Nhật. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự hợp tác và giúp đỡ của công ty trong thời gian qua. Một năm làm việc tại Nhật, do có sự khác biệt về ngôn ngũ, văn hoá nên đôi khi cũng có nhũng bất đồng trong cả công việc lẫn cách ứng xử. Những lúc như vậy, chúng tôi trên tinh thần học hỏi, tôn trọng văn hoá bản xứ nên đã lắng nghe và ghi nhận những góp ý cũng như khiển trách của cấp trên nhằm mục đích phục vụ cho công việc được tốt hơn. Tuy vậy một năm qua cũng tồn tại không ít những vấn đề gây bức xúc và mong muốn được công ty làm rõ để chúng tôi có thể yên tâm tiếp tục công việc 2 năm tiếp theo như hợp đồng đã kí kết.

Xin được phép nêu một số yêu cầu và kiến nghị đến công cty như sau:

1. Yêu cầu làm rõ thời gian làm việc trong ngày, tuần, tháng, năm bằng văn bản. Thực tế là hiện nay chúng tôi hoàn toàn không biết là làm việc đến mấy giờ thì kết thúc, ngày nào thì được nghỉ. Một năm đã trôi qua nhưng chúng tôi vẫn chưa được phổ biến lịch làm việc và lịch nghỉ của công ty?

2. Yêu cầu được khám sức khoẻ định kỳ hàng năm. Việc này là hết sức quan trọng và được ghi rõ trong luật lao động tiêu chuẩn.

3. Có hay không quyền được hưởng 10 ngày nghỉ phép ăn lương cho một năm đầu phục vụ theo luật.

4. Được biết công ty hàng năm đều có chế độ khen thưỏng cho nhân viên, vậy đối với nhân viên Việt nam có được áp dụng chế độ này không.

Về thư phúc đáp của quí công ty tháng 11/2007, đến nay sau nửa năm, ngoài việc nhận được bảng tự chấm công hàng tháng, chúng tôi nhận thấy chưa có gì khác được thực hiện theo những điều đã được đề cập như việc chi trả tiền lương nếu có phát sinh giờ làm thêm, cung cấp quần áo lao động…Do vây nhân đây chúng tôi cũng xin được giải thích lại một số nội dung sau:

1. Thời gian thực tế lao động là 8 tiếng, phụ thuộc vào ánh sáng và thời tiết mùa nên có sự khác nhau trong thời gian bắt đầu và thời gian tan việc. Vậy qui định cụ thể là như thế nào? Đề nghị làm rõ vì thực tế là vào mùa đông nhiều công trình trời tối nhưng vẫn thắp đèn để làm.

2. Thời gian giải lao 2 tiếng, không tính chung thời gian làm việc? Vậy có nghĩa là tổng thời gian nghỉ ngơi và làm việc là 10 tiếng/1ngày? Yêu cầu giải thích rõ. (nghỉ trưa 1 tiếng + 30 phút nghỉ giải lao buổi sáng + 30 phút giải lao buổi chiều)

3. Trường hợp phát sinh giờ làm thêm thì sẽ trả theo qui định. Yêu cầu làm rõ khi nào được tính là phát sinh giờ làm thêm?

4. Do tính chất công việc có khi phải làm vào ngày nghỉ, lúc đó nhân viên sẽ được nghỉ bù. Vậy mức chênh lệch tiền lương làm trong ngày nghỉ và ngày làm việc bình thường được tính toán thế nào?

5. Do làm việc ngoài trời nên phụ thuộc thời tiết, hoặc do điều kiện kỹ thuật không phù hợp với nhân viên Viêt nam thì mặc dù thực tế không làm việc nhưng cũng được tính là đi làm. Đề nghị giải thích rõ hơn?

6. Việc cung cấp quần áo mỗi năm một lần, quần lao động cấp 2 lần/năm. Sau một năm, thực tế chỉ một số người là được cấp đầy đủ.

7. Do việc di chuyển rất nhiều, thậm chí có khi thời gian di chuyển mất một ngày (từ Sapporo đến Aoimori). Khoảng thời gian di chuyển dài như vậy nếu được tính là ngày nghỉ thì và yêu cầu làm bù vào ngày khác là không thoả đáng. Đề nghị được làm rõ.

Trên tinh thần hợp tác, chúng tôi mong muốn nhận được sự phúc đáp sớm nhất có thể của công ty để chúng tôi yên tâm tiếp tục công tác. Xin chân thành cảm ơn.

Nhật bản, 23/5/2008
 

TLamjp

New Member
Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Trên đây là bưc thư mình gửi về Việt Nam khi tròn một năm làm việc tại Nhật 23/5/2007 -23/5/2008.
 

kamikaze

Administrator
Re: Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Trên đây là bưc thư mình gửi về Việt Nam khi tròn một năm làm việc tại Nhật 23/5/2007 -23/5/2008.

Thế nội dung thư phúc đáp ra sao?Hay chưa nhận được phúc đáp giải thích gì cả?
 

TLamjp

New Member
Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Nội dung thư hồi đáp cũng khá dài, ngoài ra còn có một số lời bình của anh em trong nhóm. Mời bạn và mọi người ghé thăm trang blog của nhóm mình nhé!
http://flcvn.sky.vn/archives/137
Mong nhận được chia sẻ của các bạn!
 

kamikaze

Administrator
Re: Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Nội dung thư hồi đáp cũng khá dài, ngoài ra còn có một số lời bình của anh em trong nhóm. Mời bạn và mọi người ghé thăm trang blog của nhóm mình nhé!
http://flcvn.sky.vn/archives/137
Mong nhận được chia sẻ của các bạn!


Mình đã đọc qua thư trả lời của công ty. Nói chung là "rất Nhật". Có nghĩa là họ không để hở ra 1 vấn đề nào trong đó cả. Tất cả những trả lời của họ đều hợp lý theo luật của Nhật.

Công ty đã không đúng khi không tiến hành khám sức khỏe cho anh em lao động (Mình muốn hỏi là người Nhật có được khám không hay cũng không?)

Và trong kia có 1 đoạn nào là mong muốn sự phát triển của Việt Nam nào là công ty bị lỗ 100 0000 tháng v.v... Nghe sáo rỗng vào hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện không chăm lo cho đ/s của lao động cả. Lý dó là vì anh lỗ kệ anh nhưng chừng nào còn thuê người thì anh phải bảo đảm các chế độ. Hay nói cách khác nghe có vẻ "iiwake" (Lý do lý trấu không đúng cách)..Còn cái phần "góp phần phát triển Việt Nam" thì chắc cũng chẳng phải là sự thật!
 

yamaha

Ảnh với chả ọt...Spacy...sh
Cũng là KS sang Nhật làm việc được gần 2 năm và đã hiểu được một phần về tập quán cũng như cách nghĩ và cách làm của người Nhật nên rất hiểu và thông cảm cho những bức xúc mà nhóm của TLamjp muốn được giải quyết.
Hôm nay mới đọc qua một bài viết " Thành công của một con người từ những yếu tố nào" mới hiểu thêm được một chút về cuộc sống.
Trên bàn tay của con người có 5 ngón. Để có một cánh tay khoẻ mạnh thì các ngón phải luôn khoẻ mạnh. Thành công của con người được ví như một cánh tay và các ngón là những yếu tố giúp chúng ta thành công.
Như ngón cái là tri thức, ngón trỏ là quan hệ, ngón giữa là tư duy, ngón áp út là cơ hội và ngòn út là may mắn. Còn lòng bàn tay đó chính là tinh thần, sự vươn lên vượt qua mọi khó khăn.
Tại sao mình lại nói về điều này vì mình muốn nói đến một khía cạnh may mắn. Một số kỹ sư sang đây làm việc, do không kịp thích nghi với văn hoá và cách làm việc của họ nên đã thấy thất vọng. Thời gian 1 năm đầu mình cũng có suy nghĩ giống như vậy nhưng sang năm thứ 2 mình đã thay đổi quan niệm đó rất nhiều. Giờ thì thấy luôn có cảm giác yêu thích công việc của mình, buổi sáng muốn tới công ty sớm hơn và về muộn hơn ( không có ý câu giờ để tính làm thêm giờ đâu nha). Đó chính là sự may mắn...nếu bạn được vào làm ở một công ty mà có một mối quan hệ tốt lương thấp thì chắc chắn sẽ tuyệt hơn chỗ lương cao nhưng có quan hệ không thoải mái. Tinh thần rất quan trọng vì nó sẽ làm cho mình cảm giác cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Một vài suy nghĩ của bạn thân như vậy...
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ.
 

kamikaze

Administrator
Mỗi người một suy nghĩ. Một mục đích. Có người thì lương 150000 yên/tháng cũng là lớn. Người khác 250000 yên vẫn chưa đủ. Vì có lẽ yếu tố thỏa mãn hay không được xét trong cái quan hệ tổng hợp của nhận thức, suy nghĩ về Nhật Bản chứ không riêng gì lương.

Có lẽ sẽ còn nhiều người phải thất vọng khi thông tin về Nhật Bản ở Việt Nam vẫn còn mang tính 1 chiều. Nhiều khi là bị thổi phồng quá đáng. Khi khác lại là bị bóp méo quá nhiều.

Xét cho cùng thì có lẽ nguyên nhân nằm ở cách giáo dục của Việt Nam. Mình không có ý ăn cháo đá bát vì mình cũng lớn lên từ nền giáo dục Việt Nam. Nhưng khi ra ngoài rồi mới nhận ra rằng thông tin quá mang tính 1 chiều hay nhiều lúc là xa vời với thực tế. Chưa bàn đến kỹ sư nhưng ngay cả những sinh viên trong cái ngành gọi là Nhật Bản Học nhiều khi cũng được dạy không đúng về xã hội Nhật. Chính điều này đã tạo ra một cách hiểu lệch lạc về một Nhật Bản thiên đường(hay là Thiên đường Nhật Bản nhỉ)!

Cộng thêm sự đục nước béo cò của một số công ty môi giới lao động, công ty thư vấn du học... thổi phồng thông tin lên đã làm cho tình hình ngày càng xấu đi.

Có lẽ chỉ khi nào Bộ Trưởng Bộ Giáo dục mạnh dạn mời những người đã từng "đi cày" cho công ty Nhật vào các khoa liên quan đến Nhật giảng dạy(thay cho các vị chỉ biết học ở trường ở lớp và sách vở, bằng cấp-Có những vị còn chưa hiểu rõ sự khác nhau giữa 研修生(tu nghiệp sinh) và 研究生(nghiên cứu sinh) ) lúc đó tình hình may ra thay đổi được.

Quay lại chủ đề của bạn kia đưa ra thì có lẽ giải pháp hay nhất là cố gắng chịu đựng, học tiếng Nhật cho khá vào. Sau 3-4 năm gì đó chuyển công ty khác hay về nước cũng chưa muộn.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

TLamjp

New Member
Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Cảm ơn những chia sẻ của bạn, việc tô vẽ lên một nước Nhật toàn màu hồng của các công ty môi giới đúng là một thực tế, vì họ chỉ quan tâm đến khoản tiền mà họ nhận được từ việc đưa anh em sang lao động mà thôi, còn cái tâm của họ không biết có chút nào không. Mình vẫn còn nhớ như in dòng chữ rất kêu và hoành tráng trên cửa ra vào của phòng xuất khẩu lao động tại công ty Sovilaco - "PHÒNG XUẤT KHẨU CHUYÊN GIA". Tôi không hiểu đội ngũ "chuyên gia" của việt nam sẽ cảm thấy bị súc phạm đến mức nào về kiểu lạm dụng từ ngữ này, thực chất của việc xuất khẩu "chuyên gia" là đưa các anh em có bằng kỹ sư sang nước khác làm việc, nhưng công việc thì làm sao có thể gọi là của một chuyên gia? Phải chăng đây cũng là cách đánh bóng, quảng cáo nhằm thu hút anh em kỹ sư còn thiếu thông tin. Cái thực chất của việc xuất khẩu chuyên gia có hay không là điều chưa bàn tới, nhưng rõ ràng đã tạo một ấn tượng quá thiên đường cho những anh em kỹ sư còn thiếu thông tin về một nơi mà mình chưa hề biết tới (mà chỉ nghe qua quảng cáo) và vì vậy ngay lập tức tạo nên phản cảm cho những người sau khi bước chân đến cái "thiên đường" mà họ nghĩ trước đó - thật là nhẫn tâm thay.

Còn đối với những người đã lỡ bước chân đến chốn "thiên đường" không mong muốn thì sao! Người Việt nam có câu "chết vì bệnh sĩ" ý nói là cái sĩ diện của người Việt là quá lớn, lớn đến nỗi mà mặc dù rất vất vả lao động ở xứ người nhưng khi thông báo tình hình về gia đình hay bạn bè thì vẫn nói nào là "OK", "tốt", "Nhật mà lại, nhất nhì thế giới đấy, cái gì của Nhật chả tốt, công việc ở Nhật lại càng phải OK rồi (>_0)". Một thực tế đáng buồn phải không?

Về vấn đề của nhóm mình, mình sẽ tiếp tục đăng một bài nữa nói về một số hiệu quả sơ bộ của việc gửi thư yêu cầu. Có một câu nói thế này: Khi một thằng Nhật bóp cổ bạn, nó hỏi bạn còn thở được không? nếu bạn trả lời là vẫn còn có thể thì nó sẽ bóp tiếp. Nhưng nếu bạn ngay lập tức nói là "Tao đã hết chịu nổi rồi đó" thì nó sẽ vội vàng buông bạn ra ngay.
 

yamaha

Ảnh với chả ọt...Spacy...sh
Cách đây hơn 2 năm mình cũng có đến Sovilaco nộp hồ sơ và tìm cơ hội đi Nhật. Phải công nhận là Sovilaco quảng cáo hoành tráng nhất trong số tất cả các công ty môi giới...nào là Xuất khẩu "chuyên gia", lương 30 triệu/tháng..thử hỏi anh em KS mới ra trường lương 2-3triệu một tháng hồi đó nhìn vào cái biển băng zôn đỏ to đùng luôn được treo dọc công ty sao mà không hẫp dẫn cơ chứ? Tuy quảng cáo hoành tráng nhất nhưng việc ký hợp đồng với công ty làm việc lại luôn ở mức 10lá một tháng (Sau khi trừ hết các tiền thuế nhà cửa điện nước).Thấp nhất so với các công ty tuyển KS đi Nhật. Thêm nữa việc đào tạo tiếng Nhật cho anh em KS sau khi đã PV đậu rồi cũng là lởm khởm nhất.
Có người học mới được 3 tháng (học buổi tối) đã có giấy báo là đã nhận được giấy phép nhậo cư. (nghe được đi là sướng) nhưng những người ng tới nơi thì tiếng không nói được tiếng thì mới thực sự là vất vả..cứ như người câm với điếc.Có một người bạn của mình cũng đi từ Sovilaco lương năm thứ 3 mà vẫn nhận được 10lá một tháng. Thật là củ chuối.
Cũng may cho mình là trước khi đi cũng có tìm hiểu rõ về công việc tại nhật nên cũng đã xác định tư tưởng trước. Như vậy mà vẫn bị xốc đấy. Huống chi anh em "chuyên gia" tay cầm bàn phím với chuột mà phải đi xách hồ vác vữa làm sao mà không xốc được.
Cái gì cũng có cái được cái mất...
Hi sinh cái sĩ diện và tự trọng thì được cơ hội mở mang tầm mắt...biết được quê hương của Fuji nó như thế nào..biêt được đường xá NB sạch sẽ ra sao...Mình không nghĩ rằng cái mất nhiều hơn cái được đâu..Ngày xưa mình vất vả hơi nhiều lần tay cầm cày cuốc đi làm thì so với giờ ăn nhằm gì...chỉ khổ anh em nào công tử bột dân TP sang đây mà phải động đên công việc tay chân mới mệt thôi.
Chúc anh em luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn..."Không có việc gì khó..chỉ sợ tiền không nhiều...đào biển và lấp núi...không làm được thì nhờ vốn ODA"""là lá la là lá la..
 

kamikaze

Administrator
1. Có người học mới được 3 tháng (học buổi tối) đã có giấy báo là đã nhận được giấy phép nhậo cư. (nghe được đi là sướng) nhưng những người ng tới nơi thì tiếng không nói được tiếng thì mới thực sự là vất vả..cứ như người câm với điếc.Cái gì cũng có cái được cái mất...

2. Hi sinh cái sĩ diện và tự trọng thì được cơ hội mở mang tầm mắt...biết được quê hương của Fuji nó như thế nào..biêt được đường xá NB sạch sẽ ra sao...Mình không nghĩ rằng cái mất nhiều hơn cái được đâu..Ngày xưa mình vất vả hơi nhiều lần tay cầm cày cuốc đi làm thì so với giờ ăn nhằm gì...chỉ khổ anh em nào công tử bột dân TP sang đây mà phải động đên công việc tay chân mới mệt thôi.
Chúc anh em luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn..."Không có việc gì khó..chỉ sợ tiền không nhiều...đào biển và lấp núi...không làm được thì nhờ vốn ODA"""là lá la là lá la..


1. Về tiếng Nhật thì cũng cần mà cũng không cần nếu như công ty phái cử và tiếp nhận biết cách bố trí. Trong nhóm 10 người thì nên tìm 1-2 người khá tiếng Nhật để làm với tư cách là phiên dịch. Biết cách bố trí thì không có vấn đề gì xẩy ra cả.

2.Yamaha nói đúng! Mình không nghĩ là hy sinh cái sĩ diện mà mình nghĩ là nên biết kiềm chế cái sĩ diện. Và nên biết so sánh cái gì được, cái gì mất!

Mình không qua đây theo dạng kỹ sư nhưng cái cảm giác sĩ diện kia thì ít nhiều ngày trước mình cũng có. Có nhiều người VN khi gặp mình và biết ngày trước mình qua đây theo dạng học bổng thì họ nói ngay 1 câu "anh không biết cái khổ của bọn em đâu". Nhưng họ không biết rằng để trụ lại được đến ngày hôm nay mình cũng đã từng đi rửa chén bát(có lẽ việc mà ở VN ít có sinh viên đại học nào đi làm nhỉ?!!), đi làm phụ hồ (chắc không khác gì nhóm của bạn mở topic này bây giờ đâu)... Cũng có lúc cảm thấy tự ái đến tận cổ (nhất là lúc bị người Nhật "xúc phạm" hay bị bạn bè ở VN hỏi tại sao phải làm những việc như thế?!!)... và bây giờ đây trong công việc cũng không ít cái khó chịu nhưng có lẽ nhiều khi cũng cần phải lạc quan 1 chút! Và tạm tự an ủi bằng cách nhìn xa 1 chút nhỉ!

Quay lại chủ đề chính:
-Mình thông cảm với nỗi bức xúc chính đáng của bạn đã mở topic này.

-Thế nhưng nếu cho mình đứng vào chức danh giám đốc công ty bạn đang làm (và suy nghĩ theo cách người Nhật suy nghĩ)thì có lẽ một lúc nào đó mình sẽ chọn giải pháp cho các bạn thôi việc. Lý do ư? Mình nghĩ là những nhân viên suốt ngày chỉ lo tính về chế độ, không bằng lòng về lương về thưởng v.v... thì không tập trung vào công việc được! Và những nhân viên như thế này sẽ không gắn bó với công ty một cách lâu dài- Điều mà các công ty Nhật rất chú trọng!

(Không phải mình dọa hay chê các bạn nhưng mình nêu ra khía cạnh này để các bạn biết cách dừng đúng chỗ và biết cách chuẩn bị cho các tình huống nhé).

Nói thêm:
Hiện nay mình đang đọc 1 số sách nghiên cứu về kỹ sư nước ngoài làm việc tại Nhật và trong đó có một số thông tin khá thú vị như sau:

- Mặc dù tuyển kỹ sư nhằm bù đắp sự thiếu hụt về kiến thức chuyên môn nhưng vấn đề các công ty Nhật đặt ra trên hết là :

1. Khả năng thích ứng với xã hội Nhật (được dùng từ là 日本人化 "nhật hóa").
2. Khả năng tiếng Nhật
3. Chuyên môn.

Như thế thì chuyên môn vẫn nằm ở mức thứ 3 và "Ngừơi Nhật hóa" vẫn là hạng Nhất.

Nhưng rất tiếc là có lẽ rất ít người nước ngoài nói chung và người VN nói riêng có cái khả năng để bị "Người Nhật Hóa" kia.

Và dĩ nhiên là tình hình mẫu thuẩn như thế này sẽ còn kéo dài nếu như cả bên kỹ sư và bên công ty không chịu thay đổi cách suy nghĩ 1 chút xíu.
 

TLamjp

New Member
Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

"Thế nhưng nếu cho mình đứng vào chức danh giám đốc công ty bạn đang làm (và suy nghĩ theo cách người Nhật suy nghĩ)thì có lẽ một lúc nào đó mình sẽ chọn giải pháp cho các bạn thôi việc. Lý do ư? Mình nghĩ là những nhân viên suốt ngày chỉ lo tính về chế độ, không bằng lòng về lương về thưởng v.v... thì không tập trung vào công việc được! Và những nhân viên như thế này sẽ không gắn bó với công ty một cách lâu dài- Điều mà các công ty Nhật rất chú trọng!"

Chắc hẳn bạn chưa rõ lắm về tình hình của nhóm mình nên mới nói như trên. Tuy nhiên về góc độ "nêu ra khía cạnh này để các bạn biết cách dừng đúng chỗ và biết cách chuẩn bị cho các tình huống" thì mình rất cảm ơn ý kiến của bạn. Anh em nhóm mình cũng đã thảo luận rất nhiều, có nhiều lúc phải dùng từ tranh luận nữa. Có người đưa ra vấn đề rồi người kia phản biện lại xem như thế có nên không, nên hành động thế nào thì hợp lý và quan trọng là phù hợp với quyền lợi của tất cả anh em. Vì như bạn biết là mục tiêu đến Nhật của mọi người là có sự khác nhau, có người vì tiền, có người thì tiền chỉ là một khía cạnh do vậy nguyện vọng cũng có khác nhau.
Phải nói là sau một năm àm việc, điều quan trọng nhất là anh em mình đã chiến thắng được chính mình, có những lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi vậy mà mọi thứ cũng đã qua. Tất nhiên đó là cả một quá trình, anh em cùng đoàn kết, động viên nhau. Bản thân mình đã ít nhất một lần nói bỏ về, nhưng anh em đã động viên cùng ở lại. Mình về có nghĩa là mình đã tự nhận mình thất bại. Cái tinh thần đó thật đáng trân trọng.

Còn việc lúc nào cũng chỉ lo đòi hỏi quyền lợi, có lẽ bạn đã chưa hiểu vấn đề của nhóm mình. Cái mà anh em bức xúc nhất là sau những gì cố gắng là vì chỉ nhận được một số không tròn chỉnh. Giờ giấc lao động thì đến nhân viên người cũng không chịu nỗi và đã có nhiều người xin nghỉ việc.
Vấn đề của nhóm mình hiện tại không phải là vấn đề về công việc mà là vấn đề đối xử của công ty với người lao động. Bạn biết là lao động ngành xây dựng mà không được phát quần áo bảo hộ vào mùa lạnh, anh em phải tự bỏ tiền mua thì như thế có đáng phải lên tiếng không. Hơn nữa một năm qua anh em không hề lên tiếng mà vẫn chăm chỉ làm việc và xem họ đối xử với mình thế nào. Nhưng có vẻ là zero nếu mình không làm điều gì đó.
Thật ra nhóm mình đang có người kêu gọi anh em kiện công ty rồi về nước, bọn mình cũng đang băn khoăn về các thủ tục nếu muốn tiến hành. Các bạn có ý kiến gì về vấn đề này thì xin nhận được chia sẻ nhé. Thanks a lot!
 

kamikaze

Administrator
Bạn nên chú ý là mình dùng từ " suy nghĩ theo cách người Nhật suy nghĩ" nhé.
Trong công việc mình đã tiếp xúc chắc đến cả hơm trăm công ty và cùng tham gia giải quyết (và chứng kiến các giám đốc người Nhật giải quyết các vấn đề) hàng chục lần rồi nên mình mới rút ra cái kết luận như trên.

Tất nhiên mình hiểu hoàn cảnh của các bạn. Nhưng ý mình nói như thế là vì những người Nhật họ không hiểu hay có lúc là họ cứng nhắc chỉ suy nghĩ và hành động theo cách của người Nhật và quên rằng họ đang thuê người nước ngoài (văn hóa, tập quán, suy nghĩ khác với người Nhật).

Còn việc lúc nào cũng chỉ lo đòi hỏi quyền lợi, có lẽ bạn đã chưa hiểu vấn đề của nhóm mình. Cái mà anh em bức xúc nhất là sau những gì cố gắng là vì chỉ nhận được một số không tròn chỉnh. Giờ giấc lao động thì đến nhân viên người cũng không chịu nỗi và đã có nhiều người xin nghỉ việc.

Có lẽ bạn cũng nên đọc lại bài về TNS của bạn phong van jp gì nói về quan hệ giữa công ty phái cử, tiếp nhận v.v... ở đây bạn đi theo dạng "chuyên gia" nhưng cũng không khác lắm đâu! Thực tế là sao nhỉ? Công ty phải tốn kém tuỷên các bạn 2qua và phải trả phí môi giới v.v... thì họ cũng phải tính đến cái lợi của họ bằng cách cắt xén lợi ích của người lao động thôi!

Về giờ giấc thì do đặc thù của ngành nữa nên nếu có kiện chắc tòa án nó cũng không phán xét có lợi cho người lao động đâu.

Ngoài lề 1 chút: Công ty Nhật quan niệm rằng khi thuê 1 nhân viên thì số lợi tức mà nhân viên đó đưa lại cho công ty phải lớn hơn số tiền lương mà công ty phải chi trả cho nhân viên đó!

Về kiện cáo thì lưu ý các vấn đề sau:
-Các bạn có đủ khả năng tiếng Nhật để giải thích hay phải thuê phiên dịch (ít ra cũng cỡ 20000-40000/ ngày)?
-Kiện công ty vì những vấn đề gì(lương bổng v.v..)?
-Nếu thua kiện thì bên thua sẽ phải chịu hoàn toàn chi phí và có thể phải nộp tiền bồi thường danh dự cho bên kia.

Cứ suy nghĩ kỹ xem sao nhé.
 

YukiSakura

Tia nắng mặt trời
Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Trong chuyện này mình thấy phía có lỗi lớn nhất là cty VN làm môi giới, vì đã ko cho tu nghiệp sinh biết trước những khó khăn khi gặp phải ở Nhật. Bây giờ mình nói đơn giản là cty VN ghi ra những yêu cầu công việc, văn hóa, cuộc sống, quy định của cty Nhật gồm khoản A, điều B .... Ai chịu được thì ký hợp đồng, đã ký rồi là ráng chịu. Còn ai ko chịu đc thì ở VN. Như thế chắc sẽ ko xảy ra tình trạng bức xúc như bạn TLamJP nữa.
Dù sao cũng chúc nhóm của bạn TLamJP vượt qua khó khăn.
 

kamikaze

Administrator
Re: Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

Trong chuyện này mình thấy phía có lỗi lớn nhất là cty VN làm môi giới, vì đã ko cho tu nghiệp sinh biết trước những khó khăn khi gặp phải ở Nhật. Bây giờ mình nói đơn giản là cty VN ghi ra những yêu cầu công việc, văn hóa, cuộc sống, quy định của cty Nhật gồm khoản A, điều B .... Ai chịu được thì ký hợp đồng, đã ký rồi là ráng chịu. Còn ai ko chịu đc thì ở VN. Như thế chắc sẽ ko xảy ra tình trạng bức xúc như bạn TLamJP nữa.
Dù sao cũng chúc nhóm của bạn TLamJP vượt qua khó khăn.

Nói thì rất đơn giản nhưng làm rất khó. Lý do là vì cái bệnh "Tưởng" của người Việt mình quá lớn! Ngày trươc không những giải thích mà còn bắt tập chép đến 3 lần(để cho nhớ thôi) sau đó ký vào dưới tờ giấy giải thích đó. Thế nhưng sau khi qua Nhật vẫn cái bài ca " Em tưởng là". " Dù nghe nhưng em không nghĩ là "...

Cũng không thể trách hết cho công ty ở Việt Nam đâu. Có công ty giải thích kỹ rồi nhưng thay vì nghe lời giải thích thì người lao động lại đi tin những tin đồn linh tinh!
 

anhforever

có công mài sắt có ngày đựoc cây kim to ....
Ðề: Nhìn lại một năm sống và làm việc tại Nhật

chào bạn lamjp,truớc tiên cho mình xin lỗi,mình đã đọc bài của bạn nhưng mãi đến giờ mình mới có thể viết những lời chia sẻ cùng bạn và các anh em trong cty của bạn
đọc bài của bạn lúc đầu mình nghĩ và cảm thấy ràng các bạn lúc đó đã đưa ra yêu sách quá nhiều nên cty họ có thành kiến xấu với các bạn nên đã lờ đi những quyền lợi mà đáng ra các bạn phải có,thế nhưng cho mình xin lỗi vì đã nghĩ các bạn như vậy,hồi truớc mình ở nhật cũng gặp rất nhiều bất công của cty đối với mình,của ngay cả nguời Việt,đồng bào mình nữa lúc đó với thân phận của một thằng tu nghiệp bỏ trốn mình đã ko có sự lựa chọn nào ngoài việc một là làm hai là bị đuổi về cả,ráng chịu đựng để kiếm tiền trả nợ ở nhà,hồi đó cũng cảnh chán nản và thất vọng vì mình đã tuởng tuợng ra một khung cảnh quá mơ hồ và phi thực tế về nuớc Nhật,thế nhưng khi quen với hoàn cảnh và môi truờng đó rồi mình cảm thấy đựoc rằng nếu mình không biết cách hòa mình vào cái guồng quay đó mình sẽ bị đào thải ngay,cho nên nếu thật sự là ko chịu đựng đựoc nữa mình nghĩ các bạn nên chuẩn bị cho mình một lối thoát truớc khi họ nhận ra và đưa các bạn về nuớc,ko xui các bạn trốn ra mà là nên tìm một cty đồng ý tiếp nhận khác mình nghĩ bên đó cũng có nhiều cty cần nguời lao động mà,vấn đề là các bạn phải tìm sao cho ra và ráng làm thôi,
*Thật ra nhóm mình đang có người kêu gọi anh em kiện công ty rồi về nước* cái này mình nghĩ bạn đang trên nuớc họ,bất đồng ngôn ngữ,ko am hiểu luật pháp của họ,thêm nữa là khoản chi phí phải tính khi theo kiện,nếu có nên kiện bọn cty ở nhà ấy,chúng ăn và sống trên đồng tiền mồ hôi nuớc mắt của anh em lao động bên đó,
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐỜI SỐNG TẠI NHẬT 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top