Những thói xấu một số người Việt tại Nhật nên thay đổi

Những thói xấu một số người Việt tại Nhật nên thay đổi

Người Việt Nam ở Nhật-đặc biệt là lao động làm việc tại công ty Nhật-được đánh giá là thông minh, nhanh nhẹn, chăm chỉ. Và nhiều trong số những người Việt Nam đang làm việc tại các công ty Nhật cũng tự hào về việc bản thân làm việc hơn cả người Nhật v.v... Nhưng mặt khác thì người Việt ở Nhật cũng bộc lộ khá nhiều điểm không tốt. Và, khi được đem so sánh với người Nhật thì những điểm này càng rõ nét hơn.

Là một người đã sống ở Nhật hơn 15 năm, được nghe rất nhiều than phiền của người Nhật về cách cư xử không đúng mực của người Việt Nam, được chứng kiến cũng như từng đứng ra tư vấn cho hàng trăm công ty Nhật giải quyết những khúc mắc với lao động người Việt Nam, tôi xin tóm tắt một vài tật xấu mà người Việt sống ở Nhật nên bỏ. Cũng xin nói trước bài viết này mang tính chất suy nghĩ chủ quan dựa trên kinh nghiệm của bản thân tôi và không nhằm vào bất cứ cá nhân nào. Vì thế nếu có đụng chạm đến lòng tự ái của ai đó hay làm ai đó không vừa ý thì tôi xin lỗi trước.

1/ Những tật xấu nổi cộm không cần bàn đến:
Thỉnh thoảng đây đó vẫn có tin người Việt bị bắt vì ăn cắp vặt. Và vừa rồi báo chí đã rộ lên vụ tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt tại Nhât vì vận chuyển hàng lậu. Theo thống kê hiện nay thì 40% vụ ăn cắp của người nước ngoài tại Nhật là do người Việt Nam gây ra. Đây là căn bệnh trầm kha, khó chữa ai cũng biết rồi nên xin miễn bàn.

Tất nhiên ai cũng rõ là không phải 100% người Việt Nam ở Nhật là đi ăn cắp. Nhưng những người đi ăn cắp đã gây ra ảnh hưởng không tốt đến người lương thiện.

Ngoài chuyện ăn cắp vặt ra thì có lẽ đi tàu trốn vé(Tiếng lóng gọi là "đá tàu") cũng là là đối tượng mà tôi xin không đề cập đến.


2/Những điều vụn vặt đáng bàn:

-Lười tìm hiểu, thích ỷ lại:

Đã rất nhiều lần tôi bị người của các công ty Nhật có người Việt làm việc hỏi những câu đại loại như: Những vấn đề thế này mà họ(người Viêt đang làm ở công ty) cũng không biết sao? Tại sao họ không tự tìm hiểu về vấn đề XZY? Oái oăm là những vấn đề được nêu ra rất đơn giản. Có khi là số điện thoại của công ty. Có khi là tên công ty. Và có khi là một thủ tục thuế má nào đó. Khi khác lại là cách đi tàu xe từ công ty đến một nơi nào đó rất gần. Nói chung là những thứ rất đơn giản chỉ cần chịu khó tìm hiểu, để ý thì sẽ nắm được. Thế nhưng khi được hỏi thì những người Việt trả lời tỉnh bơ là "không quan tâm bởi lẽ có gì thì đã có công ty lo!".

Thậm chí có những người đã ở Nhật được vài năm nhưng cách đi tàu cũng không biết. Đi đâu lại phải nhờ người quen "tháp tùng".

Tất nhiên sẽ có người phản biện rằng do không biết tiếng Nhật. Nghe thì có vẻ cũng đúng. Tuy nhiên để biết được những kiến thức cơ bản như đi xe tàu, nhớ tên công ty v.v... Thì không cần phải giỏi, thậm chí chỉ cần bập bẹ vài câu tiếng Nhật cũng có thể nhớ được.

Không cần phải nói thì kiểu người thích ỷ lại cho người khác như trên cũng không phải là kiểu người cho công việc. Và, đây cũng là kiểu người khó trụ lại lâu dài ở Nhật được.


-Người Nhật là "thánh sống":

Có một câu cửa miệng của một số người khi chứng minh điều gì mà mình cho rằng là đúng là: "Người Nhật nói thế !". Tôi không hiểu từ khi nào và vì sao mà tâm lý cho rằng người Nhật là "thánh sống" này đã ăn quá sâu vào suy nghĩ của nhiều người Việt. Tâm lý này nhiều trường hợp đã khiến cho người Việt Nam mình khúm núm trước người Nhật và có cách nhìn vấn đề thiếu khách quan.

Tôi cho rằng chỉ khi nào người Việt mình chiến thắng được tâm lý đề cao người nước ngoài nói chung và người Nhật nói riêng này mới "ngẩng đầu" lên được. Bởi vì sao? Bởi lẽ người nước nào cũng có kẻ này người nọ. Do đó cũng sẽ có kẻ đúng người sai. Vì thế không có lý do gì để đưa ra một định nghĩa mù quáng cho rằng "Nhật nói thế(nên đúng)" cả.


Xin nói thêm là cũng vì suy nghĩ "Nhật luôn đúng" này mà nhiều lao động Việt Nam đã nhắm mắt chấp nhận những giải pháp mang nhiều rủi ro hơn do người Việt đưa ra bởi lẽ giải pháp nhiều rủi ro kia là "do Nhật, của Nhật".

(Lưu ý là tôi không có ý nói Việt hơn Nhật hay ngược lại mà vấn đề không phải là "Việt" "Nhật" hay "Mỹ" ... Mà vấn đề là trong bất cứ việc gì nên nhìn nôi dung nó như thế nào -chứ không phải do ai đưa ra, ai nói -để có sự phán đoán khách quan)


(Còn tiếp)
 
Bình luận (4)

kamikaze

Administrator
-Khả năng giao tiếp kém:
Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Vì thế mà phép tắc lễ nghĩa được xem trọng. Ngay từ bé trẻ con đã được dạy giao tiếp. Tục ngữ cũng có câu "lời chào cao hơn mâm cỗ". Trong nhà trường thì môn "giáo dục công dân" cũng được đưa vào dạy từ rất sớm. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì đó mà nhiều người Việt ở Nhật rất kém trong giao tiếp, thậm chí phải nói là đã không biết phép tắc giao tiếp. Xin nêu vài ví dụ cụ thể như sau:

- Quên đi việc chào hỏi và cảm ơn ai đó:
Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp người gửi mail hay điện thoại cho người mình không quen biết. Trong những trường hợp như thế này phép lịch sự tối thiểu là nên có vài dòng, vài lời giới thiệu về bản thân trước khi nói qua việc khác. Thế nhưng rất nhiều người đã bỏ qua mất bước này khiến cho người nghe ngỡ ngàng. Và, tệ hại hơn trường hợp được ai giúp thì sau khi xong lại bặt vô âm tín.

-Réo điện thoại vào bất cứ khi nào:
Không biết có phải do đặc tính văn hoá nông nghiệp (không theo tính tổ chức chặt chẽ) như Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra hay không nhưng rất nhiều người Việt Nam sẵn sàng nã điện thoại cho người khác bất kể đó là 1 giờ đêm hay 7 giờ sáng. Vẫn biết là nhiều khi cần thiết nên phải gọi. Nhưng có những trường hợp không có gì la cần thiết cả. Hãy tưởng tượng xem nếu 1 giờ đêm hay 7 giờ sáng lúc bạn đang yên giấc và bị ao đó không quen biết réo điện thoại thì sẽ có cảm giác ra sao?

-Yếu cả tiếng Việt lẫn tiếng Nhật:
Tiếng Nhật thì cứ cho là "khó" là "mới học" v.v... Không có gì để bàn cả. Tuy nhiên rất nhiều người viết tiếng Việt không thành câu.

Cũng có thể ai đó đọc những điều tôi viết trên đây và cho rằng tôi khó tính. Nhận xét thế nào là tuỳ từng người. Tuy nhiên xin lưu ý là tôi đang bàn về vấn đề ở Nhật và vấn đề người Việt chúng ta nên như thế nào để bớt đi những phiền phức, bớt đi việc bị người khác chê bai.

Nhật Bản cũng là nước rất trọng lễ nghĩa. Và người Nhật cũng vậy. Họ chú ý đến từng ly từng tý trong giao tiếp. Và những điểm tôi vừa chỉ ra trên đây cũng là những điểm mà người Nhật tốy kỵ.

(còn tiếp).
 

kamikaze

Administrator
-Chỉ khi bị đụng đến quyền lợi mới "giật mình":
Người Việt có tính "đại khái" do đó tất cả các trường hợp được giải thích về quy định nào đó thì không để ý và cho qua. Nhưng sau đó vì một lý do nào đó mà bị "phạt" vì "vi phạm hợp đồng" "quy định" thì mới bắt đầu quan tâm để ý và thắc mắc là "vì sao mà bị phạt/ bị trừ tiền nhiều như thế ?". Ví dụ:

+Đi xuất khẩu lao động khi được đưa hợp đồng thì không đọc và ký . Đến khi vi phạm bị trừ thì đi "kiện".
+Đăng ký điện thoại khi được giải thích về chi phí thì không đểy ý. Đến khi bị đòi chi phí mới đi tìm hiểu "vì sao".
+ Đăng ký thuê nhà được giải thích về các điều khoản bị trừ cũng phớt lờ đến khi chuyển ra bị bắt đền bù "theo quy định" mới "giật mình tỉnh giấc".

Kể ra thì rất nhiều nhưng nói tóm lại là tính hời hợt cộng với việc ích kỷ, chỉ biết quyền lợi của cá nhân mà quên đi trách nhiệm thể hiện rất rõ.
 

hungm8

Member
Bài này bác viết rất đúng. Em quan sát thấy người Việt ở Nhật bị tha hoá như kiểu một anh nhà nghèo mò vào được kho thóc nhà giàu, ko ăn cắp tí chút thì bị coi là ngu dại. Nhiều người nói đến chuyện ăn cắp mà cứ như nói đến trò chơi yêu thích hoặc một giải pháp có lý cho nợ nần, không còn biết ngượng nữa.

Một cái nữa e nghĩ là do đa phần người việt vốn nhiễm tư tưởng Nho giáo, kiến thức sách vở nhiều nhưng thiếu thực tiễn. Bộ phận khác lại đánh đồng kiến thức với hội mọt sách vô dụng. Mọt sách thì vô dụng mà ko đọc sách thì vô văn hoá. Nhiều người Việt Nam thế nên hành xử như bác nói trên cũng chẳng khó hiểu lắm.
 

Bài viết liên quan

Your content here
Top