Quan Hệ Việt Nam-nhật Bản Qua Các Thời Kỳ Khác Nhau

Quan Hệ Việt Nam-nhật Bản Qua Các Thời Kỳ Khác Nhau

I.Lược sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản:

- Việt Nam và Nhật Bản là hai nước đều nằm trong vùng “ khí hậu gió mùa” có lịch sử phát triển hàng nghìn năm và cùng thuộc trong vùng nông nghiệp trồng lúa nước của châu Á, có nhiều điểm tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, cùng chịu ảnh hưởng dòng văn hoá phương Đông, đặc biệt là văn hoá Trung Hoa. Đáng lưu ý, các tài liệu khảo cổ học và sử học đã cho thấy ngay từ sơ kỳ thời đại đồ đá mới ở miền Trung nước Nhật đã thể hiện những mối liên hệ với nền văn hoá Hoà Bình , Bắc Sơn ở Việt Nam .
- Vào nửa cuối thế kỷ 13, cả hai dân tộc Việt - Nhật đều đã từng bị Đế quốc Mông Nguyên xâm lược và chúng đã bị đại bại 3 lần xâm lược Đại Việt vào các năm 1258, 1285, và 1286, bị đại bại 2 lần xâm lược Nhật Bản vào các năm 1274 và 1281.
- Từ đầu thế kỷ 15 đã có người Nhật đến buôn bán ở Việt Nam và cửa biển Hội An của Quảng Nam đã trở thành thương cảng và phố Nhật (Nihon Machi) lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò trung tâm buôn bán của Nhật với Đông Nam Á khi đó. Phố cổ Hội An ngày nay còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét về giao lưu kinh tế và văn hoá Việt-Nhật.
- Do những nguyên nhân, điều kiện lịch sử nhất định, nên nước Nhật kể từ năm 1635 với việc thi hành chính sách “đóng cửa”, “bế quan toả cảng” đã khiến cho giao lưu kinh tế, văn hoá hai nước Việt - Nhật bị gián đoạn từ đó cho đến cuối thế kỷ 19.
- Sang đến thế kỷ 20 quan hệ giao lưu Việt-Nhật được tiếp nối trở lại nhưng khi này đã mang đậm sắc màu chính trị. Đó là thời kỳ nước Nhật đã trở thành cường quốc TBCN…dấy lên một phong trào Đông du đề cao Nhật, học tập Nhật đối với người Việt Nam do Phan Chu Trinh, nhà ái quốc Phan Bội Châu khởi xướng. Đó cũng chính là thời kỳ Phát xít Nhật xâm lược Việt Namvà nhiều nước châu Á khác trong Thế chiến thứ hai. Đây là thời kỳ “đen tối ” nhất trong quan hệ bang giao hai nước.
-Kể từ sau Thế chiến thứ hai cho đến trước khi hai nước Việt - Nhật ký kết Hiệp định thiết lập chính thức quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973, quan hệ Việt - Nhật tuy vẫn duy trì song sự tiến triển còn rất chậm chạp. Nguyên nhân chủ yếu là vì các lý do chính trị khi đó thế giới vẫn còn chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống XHCN và TBCN, Nhật Bản hoàn toàn phụ thuộc Mỹ để chống lại hệ thống XHCN do Liên Xô đứng đầu, trong đó có Bắc Việt Nam (Việt Nam dân chủ cộng hoà), còn Nam Việt Nam(Việt Nam cộng hoà) khi đó là liên minh của Mỹ-Nhật.
II.Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong những năm gần đây:
Kể từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trên tất cả mọi lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và văn hoá:
1.Hợp tác phát triển thương mại:
Khoảng hơn thập niên gần đây, Nhật Bản luôn là bạn hàng, thị trường lớn nhất của Việt Nam. KHXNK giữa hai nước mấy năm qua luôn ở mức 4,7-4,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 14-16% tổng KNXNK của Việt Nam.
Về cơ cấu XNK giữa hai nước: Việt Nam xuất khá nhiều mặt hàng, trong đó có các mặt hàng chủ lực là dầu thô, may mặc, hải sản, than đá, thủ công mỹ nghệ... Việt Nam nhập từ Nhật Bản chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (chiếm tới trên 54% KNNK từ Nhật Bản năm 2002 vừa qua).
Các hoạt động XNK đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước, đặc biệt là với Việt Nam. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tiềm năng phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn chưa được khai thác triệt để. Trong tổng KNNK của Nhật Bản, hàng hoá Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ bé khoảng 0,6%, trong khi đó tỷ trọng của Trung Quốc là 12,4%, Thái Lan 2,6%, Malaisia 2,7%... Trong quan hệ song phương hai nước đã dành cho nhau ưu đãi MFN về thuế, song khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Việt Nam là phía Nhật Bản vẫn chưa đồng ý ký kết Hiệp định Thương mại tự do hoặc Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện với Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này đang được cả hai bên cùng quan tâm sẽ thực thi trong thời gian tới.
2.Hợp tác du lịch:
Hơn thập niên qua, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam ngày càng tăng rất nhanh. Vào năm 1990, lượng khách Nhật du lịch Việt Nam mới có 1390 người, nhưng đến năm 2002 đã là 279.769 người. Liên tục trong 3 năm gần đây (2000-2002) tốc độ tăng trưởng đạt mức cao 35% hàng năm, đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2003 đã đạt rất cao 49,5%. Nhật Bản đã trở thành thị trường khách nước ngoài hàng đầu của Du lịch Việt Nam về hiệu quả kinh tế và chỉ đứng sau Trung Quốc về lượng khách.
Tiềm năng và triển vọng của thị trường khách Nhật Bản du lịch vào Việt Nam còn rất lớn. Do đó để tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường Nhật, Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam sắp tới sẽ sớm được thiết lập tại Nhật Bản. Hy vọng rằng mục tiêu đón 500.000 khách Nhật trong một vài năm tới và đón 1 triệu khách Nhật vào năm 2010 sẽ trở thành hiện thực.
3.Hợp tác đầu tư (FDI):
Tính đến tháng 9/2002, Nhật Bản đã là nước đứng thứ ba có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số 407 dự án được cấp phép, vốn đăng ký đạt 3,8 tỷ USD. Cần lưu ý, tuy Nhật Bản đứng thứ 3 về vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam, nhưng lại đứng đầu về vốn thực hiện (với tổng số dự án còn hiệu lực là 369, đạt 3,07 tỷ USD). Vì vậy, xét thực chất đầu tư của Nhật Bản là ở vị trí số 1 tại Việt Nam và do đó đã có nhiều đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước, đặc biệt là với Việt Nam.
Tuy nhiên so với các nước châu Á khác, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với khả năng và nhu cầu của cả hai bên. Chính vì thế, để đẩy mạnh hơn nữa dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, gần đây, ngày 14/11/2003, đại diện của Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Với sự kiện quan trọng này, chắc chắn sẽ mở ra triển vọng to lớn cho hợp tác đầu tư Nhật-Việt.
4.Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản:
Nhật Bản bắt đầu nối lại viện trợ ODA dành cho Việt Nam từ năm 1991 và Nhật Bản cũng là nước đã tích cực hỗ trợ phát triển tài chính để góp phần khai thông mối quan hệ của Việt Nam với các tổ chức tài chính quốc tế chủ chốt vào cuối năm 1992. Từ đó đến nay, mặc dù nền kinh tế Nhật còn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 40% tổng nguồn ODA của các nước cung cấp cho Việt Nam. Tính đến năm 2002, tổng số ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 927,8 tỷ Yên (hơn 8 tỷ USD), trong đó hơn 13% là viện trợ không hoàn lại, phần còn lại là các khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian tài trợ dài.
ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam nhằm vào định hướng phát triển 5 lĩnh vực ưu tiên sau: (1) Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế, trong đó chú trọng hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; (2) Hỗ trợ cải tạo và xây dựng các công trình điện và giao thông; (3) Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn và chuyển giao công nghệ mới tại các vùng nông thôn; (4) Hỗ trợ phát triển giáo dục và y tế; (5) Hỗ trợ bảo vệ môi trường.
Vấn đề quan trọng đặt ra cho Việt Nam hiện nay là cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ODA, trong đó có việc giải ngân nguồn vốn này đang là quan tâm chung của cả hai phía, mà trách nhiệm trước hết là phía Việt Nam cần phấn đấu thực hiện nghiêm chỉnh, đúng tiến độ thời gian và có kết quả cao.
5.Giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa:
Quan hệ giao lưu văn hoá Việt Nam-Nhật Bản tuy đã có từ lâu đời, song mối quan hệ này đã diễn ra không sôi động như trong các lĩnh vực kinh tế. Chỉ từ cuối thập niên 1980 đến nay, quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển văn hoá giữa hai nước mới thực sự được chú trọng phát triển. Tập trung ở một số hoạt động sau:
-Hỗ trợ tài chính của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam để xây dựng các cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị văn hoá thông tin. Đó là các dự án như: 24 triệu yên cho Bộ Văn hoá năm 1987; 10 triệu yên cho việc bảo dưỡng và tôn tạo phố cổ Hội An thông qua Tổ chức UNESCO năm 1989; 23 triệu yên cho mua sắm trang thiết bị in ấn các chương trình văn hoá giáo dục cho Đài Truyền hình Việt Nam năm 1990; 18 triệu yên cho việc xây dựng và mua sắm các trang thiết bị của nhà hữu nghị, Hội Hữu Nghị Việt-Nhật năm 1991-1992. Năm 1992, dự án hỗ trợ tài chính cho Tổng cục Thể dục Thể Thao; năm 1993, dự án trang thiết bị cho việc làm phim hoạt hình Việt Nam. Năm 1995, dự án 54,1 triệu yên cho việc mua sắm trang thiết bị giảng dạy tiếng Nhật ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Cũng năm 1995, Nhật đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 10,5 tỷ yên , trong đó đã dành ra một khoản lớn cho các hoạt động văn hoá-giáo dục. Năm 1996, Nhật Bản giúp Việt Nam hai sự án lớn về lĩnh vực âm nhạc, 500 triệu yên cho Nhạc Viện Hà Nội và 450 triệu yên cho Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh...
-Nhật Bản hỗ trợ tài chính cho việc tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hoá giữa hai nước Việt-Nhật. Đó là các cuộc triển lãm được tổ chức tại Việt Nam và Nhật Bản để giới thiệu về đất nước con người, các sản phẩm thủ công truyền thống, về lễ hội... của mỗi nước. Đó là việc cử các đoàn văn hoá nghệ thuật Nhật Bản sang biểu diễn ở Việt Nam và ngược lại các đoàn văn hoá nghệ thuật của Việt Nam sang biểu diễn ở Nhật Bản. Nhiều phim của Nhật Bản đã được chiếu ở Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản cũng đã được dịch ra tiếng Việt, giới thiệu ở Việt Nam.
-Phong trào học tiếng Nhật ở Việt Nam đã ngày càng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2002, ở Hà Nội có 12 cơ sở đào tạo tiếng Nhật (có 6 trường Đại học quốc lập và 6 cơ sở tư nhân) với số học viên khoảng 3000 người. Thành phố Hồ Chí Minh có 26 cơ sở (6 trường Đại học quốc lập và 20 cơ sở tư nhân) với số học viên khoảng 7000 người. Tổng số học viên học tiếng Nhật ở Việt Nam hiện đã lên tới hơn 10000 nghìn người. Đáng lưu ý kể từ năm 1994 đến nay, đã có nhiều giáo viên của Nhật Bản tình nguyện sang Việt Nam giảng dạy tiếng Nhật, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị và giao lưu văn hoá giữa nhân dân hai nước.
<theo NCNB>
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top