Thủ tục Tại sao nhiều trường hợp khi làm giấy tờ tại Nhật đã nhờ "luật sư" nhưng vẫn trượt?

Thủ tục Tại sao nhiều trường hợp khi làm giấy tờ tại Nhật đã nhờ "luật sư" nhưng vẫn trượt?

Nhận thấy rất nhiều người Việt Nam ở Nhật không nắm rõ khái niệm “Luật Sư”.Dẫn đến việc băn khoăn rằng nhờ “ luật sư” rồi mà khi làm thủ tục( đa số là liên quan đến gia hạn hay chuyển đổi tư cách lưu trú) vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Bài viết này sẽ giải thích chức danh “ luật sư” mà mọi người đề cập đến là gì? Từ đó sẽ làm rõ lý do vì sao nhờ luật sư rồi vẫn không như ý muốn và nêu ra vài chú ý khi tìm người để uỷ quyền làm giấy tờ tại Nhật.

shippai1.jpg

1/Khoảng 90% “luật sư” mà mọi người đề cập đến không phải là “ luật sư”:
Bên cạnh luật sư, người có thể đảm nhiệm hầu hết các công việc liên quan đến luật pháp, thì tại Nhật Bản còn có đội ngũ những người có chức danh để có thể đảm nhiệm thay người khác công việc thuộc một lĩnh vực nào đó liên quan đến hành chính, pháp luật như thuế, kế toán, thành lập doanh nghiệp, xin một loại giấy phép nào đó v.v...
Trong số trên thì 行政書士 là chức danh của những người nhận uỷ thác làm các loại giấy tờ, trong đó có cả giấy tờ liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh như xin mới, chuyển đổi, gia hạn tư cách lưu trú. 行政書士 chữ hán là “Hành Chính Thư Sĩ”. Được định nghĩa là “ Là một chứng chỉ( chức danh) chuyên môn được nhà nước công nhận dành cho nhũng người chuyên thay người khác làm các thủ tục hành chính. Từ định nghĩa này ta có thể hiểu 行政書士 là “ người có tư cách làm giấy tờ thay người khác” hay “ chuyên viên làm giấy tờ”, “ chuyên gia làm giấy tờ” v.v...
Rõ ràng một điều là 行政書士 không phải là “ luật sư” như người Việt vẫn hay gọi.

Cũng cần nói thêm “luật sư” tiếng Nhật gọi là 弁護士(Chữ Hán là “Biện Hộ Sĩ). Và luật sư thường chủ yếu đảm nhận các công việc liên quan đến kiện tụng vv... chứ ít khi nhận làm những như xin chuyển đổi, gia hạn tư cách lưu trú cho người nước ngoài. Tất nhiên là cũng có khả năng nếu người nước ngoài kiện tụng, khiếu nại liên quan đến tư cách lưu trú thì luật sư sẽ tham gia nhưng tỷ lệ này là rất thấp.

Vì lẽ đó có thể nói khoảng 90% trường hợp nhận uỷ quyền làm giấy tờ liên quan đến thủ tục lưu trú luôn được gọi là “ luật sư” không phải là luật sư!

2/Có những “ luật sư” không có kiến thức về làm thủ tục xuất nhập cảnh:
Chứng chỉ( tư cách) làm thay giấy tờ cho người khác được cấp dựa trên một trong các điều kiện như sau:
  • Học và thi đậu kỳ thi chuyên môn.
  • Được công nhận nhờ có chứng chỉ khác liên quan.
  • Có 20 năm kinh nghiệm làm công chức nhà nước trở lên.
Nói tóm lại điều kiện khác nhau nhưng cần một trong hai thứ là kiến thức hoặc kinh nghiệm. Cũng cần lưu ý một điều rằng kiến thức hay kinh nghiệm được đề cập đến ở đây không chỉ dành riêng cho việc làm thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú mà là kiến thức kinh nghiệm chung chung về nhiều lĩnh vực. Đây cũng là điều tất nhiên vì sẽ có nhiều loại giấy tờ phải làm chứ không riêng giấy tờ liên quan đến tư cách lưu trú, xuất nhập cảnh.

Quay lại với 3 điều kiện ở trên thì hai điều kiện đầu sẽ yêu cầu kiến thức( học để có chứng chỉ). Nhưng điều kiện thứ 3 chỉ cần kinh nghiệm. Điều kiện này sẽ tạo ra những “ luật sư” hoàn toàn không có kinh nghiệm. Ví dụ một người làm kế toán 30 năm về hưu. Xét về kinh nghiệm hay kiến thức của người này về thủ tục xuất nhập cảnh sẽ là con số không tròn trĩnh. Nhưng ông ta vẫn được công nhận chứng chỉ để nhận uỷ nhiệm làm thay giấy tờ cho người khác bao gồm cả việc làm thay giấy tờ liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh. Nếu ai xấu số không may uỷ thác cho “ luật sư” kiểu này thì khả năng bị trượt là rất cao.

Hiện tại, do kinh tế khó khăn nên nhiều người ra hành nghề “ luật sư” nhưng thực tế kiến thức kinh nghiệm rất sơ sài. Những “ luật sư” kiểu này lại hay tìm săn những con mồi là người nước ngoài đang gặp vấn đề về visa. Và rất tiếc là khá nhiều người Việt cũng đã trở thành con mồi cho họ. Hàng ngày người viết bài nhận được khá nhiều câu hỏi từ các bạn Việt Nam kiểu. ” Luật sư của em đòi giấy x,z,z” , “luật sư đòi chứng chỉ a,b,c” ... Thực tế thì những thứ được các bạn đề cập đến đều là những thứ đã lỗi thời hoặc thực sự là không cần thiết( Nhưng có lẽ do không cập Nhật kiến thức nên các cụ “ luật sư” vẫn nghĩ là cần và đòi hỏi).

Bản thân người viết cũng có kinh nghiệm đáng nhớ. Đó là việc sau khi mở công ty và đã vận hành được nửa năm thì gặp một “ luật sư” thuộc kiểu được đề cập đến ở trên, sau khi nghe biết công ty không thuê người Nhật làm nhân viên chính thức ông ta cảnh báo “Để mở công ty tại Nhật cần phải thuê 2 nhân viên người Nhật làm việc toàn thời gian. Nếu không là phạm pháp đó!”. Thực tế thì nội dung nhận xét của ông ta không sai. Nhưng tại thời điểm đó quy định là “ Điều kiện mở công ty cho người nước ngoài là "tiền vốn trên 5 triệu yên trở lên hoặc thuê 2 người Nhật làm toàn thời gian”. Nghĩa là ông ta đã không kịp cập nhật thông tin và bị "hớ" khi đưa ra cảnh báo.

Nói tóm lại là vẫn có những “ luật sư” mà kiến thức về thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh, lưu trú là con số không tròn trĩnh. Bạn sẽ không may nếu gặp phải những “ luật sư” kiểu này.

3/Lưu ý khi lựa chọn “luật sư”:
Điều cần làm trước hết là vứt bỏ ngay tâm lý “ Nhật nói là đúng”. Không hiểu vì lý do gì nhưng rất nhiều người vẫn ôm khư khư quan niệm “ Nhật họ nói vậy( nên là đúng)”. Nhật cũng có trăm ngàn loại người nên Nhật hay Việt hay Mỹ ,Nga gì cũng sẽ có người nói đúng kẻ nói sai. Đừng chọn họ vì họ là Nhật hay Hàn. Hãy nghe và nhìn xem họ làm gì rồi từ đó đưa ra quyết định có nhờ họ hay không.

Tìm hiểu thông tin qua bạn bè. Lưu ý là nên hỏi kinh nghiệm của những người đã trực tiếp làm chứ không phải những người “ nghe đồn rằng..” . Chỉ những người có kinh nghiệm uỷ thác thực tế mới biết được chất lượng, độ tin cậy của dịch vụ.

Đọc kỹ thông tin trên website của nơi bạn dự định uỷ thác làm giấy tờ. Nếu tinh mắt bạn sẽ nhìn ra suy nghĩ cũng như phương châm làm việc của người bạn định uỷ thác. Từ đó có thể thấy thành tích của họ cũng như quyết định xem họ có hợp với bạn hay không.

Tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm, kiến thức. Chắc chắn bạn sẽ có những người quen đáng tin cậy( bao gồm cả Nhật và Việt). Hãy tham khảo ý kiến của những người này.

Cuối cùng là nếu như đã qua Nhật một thời gian mà chưa có chỗ nào gọi là “ đáng tin cậy” thì hãy nhanh chóng tìm lấy một chỗ như thế. Bơ vơ một thân một mình nơi đất khách không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có một nơi để tham khảo ý kiến là rất cần thiết. Để tạo ra hay gìn giữ những mối quan hệ tin cậy thì đừng quên cư xử cho đúng mực với những người bạn đã gặp, những nơi bạn đã đi qua.

4/Thay cho lời kết:
Bài viết này được viết ra với mục đích giúp cho bạn đọc nói chung và những người Việt sắp qua hay đang sinh sống tại Nhật có cái nhìn tổng quát về dịch vụ uỷ thác làm giấy tờ tại Nhật nhằm tránh những rủi ro không đáng có. Để tránh lan man khó hiểu nên người viết không đi sâu vào tất cả các nội dung đã được đề cập mà chỉ nêu một cách khái quát.

Bài viết này cũng không hoàn toàn phủ nhận chất lượng dịch vụ nhận uỷ thác giấy tờ thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh tại Nhật. Và tất nhiên cũng không có ý định "lên án" hay "phê phán" bất cứ ai. Đơn thuần chỉ là nêu ra thực trạng tại Nhật và đi đến kết luận việc lựa chọn nơi để uỷ thác là rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đến kết quả.

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài. Nếu cảm thấy bài viết có ích hãy chia sẻ cho người khác. Nếu bạn muốn đặt câu hỏi trực tiếp cho người viết hãy đăng ký làm thành viên tại Thông Tin Nhật Bản(net) hoặc theo dõi chúng tôi trên facebook.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top