Triển lãm mỹ thuật đương đại VN tại Nhật Bản

Triển lãm mỹ thuật đương đại VN tại Nhật Bản

Từ 5/11/2005 đến 23/7/2006 tại Nhật Bản sẽ diễn ra triển lãm “50 năm mỹ thuật đương đại VN giai đoạn 1925-1975” do Vụ Mỹ thuật-Nhiếp ảnh thuộc Bộ VHTT và tập đoàn báo chí Sankei Shimbun của Nhật hợp tác tổ chức. Ông Vi Kiến Thành, Vụ phó Vụ Mỹ thuật-Nhiếp ảnh, trao đổi với VnExpress về sự kiện này.

- Có thể hình dung ra sao về một cuộc triển lãm mỹ thuật đương đại, lại trong một giai đoạn đã qua: 1925-1975?
thanh1.jpg

Ông Vi Kiến Thành - Vụ phó Vụ Mỹ thuật-Nhiếp ảnh (Bộ VHTT).

- Hiện nay cụm từ đương đại đang được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như văn chương, âm nhạc, sân khấu điện ảnh... Đối với mỹ thuật, theo kiến giải của tôi thì đương đại là tất cả những hoạt động mỹ thuật đang diễn ra, tác giả - người tham gia cũng đang sống, đang sáng tác. Nó bao gồm mọi trường phái, mọi phong cách và những vấn đề được đề cập đến phải mang trong mình tư tưởng của thời đại.

1925-1975 là giai đoạn rất quan trọng của mỹ thuật VN, đánh dấu sự xuất hiện nền nghệ thuật tạo hình hiện đại, bắt đầu từ sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông Dương (năm 1925 do người Pháp sáng lập), kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (1975). Do đó, tất cả những tác phẩm đưa sang giới thiệu ở Nhật Bản tuy có giới hạn về thời gian, nhưng lại mang đầy đủ tính chất, diện mạo của hai từ “đương đại”. Tuy nhiên, hiểu đúng nhất thì đây là một triển lãm về một giai đoạn lịch sử mỹ thuật.

- Theo ông, tại sao mỹ thuật VN hiện nay phát triển mạnh và có tiếng vang nhất trong các loại hình nghệ thuật?

- Đó là do thuận lợi của đặc thù nghề nghiệp. Nghệ thuật tạo hình là ngôn ngữ chung cho toàn thế giới, người ta không phải dịch, chỉ cần “đọc” tác phẩm là đủ để hiểu. Và hoạ sĩ giao lưu với nhau cũng dễ hơn. Đi ra nước ngoài, thu thông tin, hiểu biết, rồi trở về, phối hợp với truyền thống dân tộc, thế là đủ để đẩy mỹ thuật VN lên.

- Cuộc triển lãm này sẽ diễn ra như thế nào?

- 6 tháng là khoảng thời gian đủ dài để người Nhật biết thêm về mỹ thuật cũng như văn hoá VN. Triển lãm này xuất phát từ sự hợp tác, trao đổi về văn hoá, nghệ thuật giữa Việt Nam - Nhật Bản, trưng bày 94 tác phẩm, luân chuyển tại 4 thành phố lớn: Tokyo, Kochi, Wakayama, Fukuoka. Trong số đó có 55 bức tuyển chọn tại VN, lấy từ 5 nguồn: sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, bộ sưu tập của Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, nhà sưu tập Đào Danh Anh và tác giả Trần Trung Tín. Còn 39 bức của 2 nhà sưu tập bên Nhật Bản là những tác phẩm tốt của thế hệ hoạ sĩ trường Đông Dương và một số hoạ sĩ sau này.

Triển lãm đã tập hợp được rất nhiều hoạ sĩ tên tuổi, đặc biệt một số đã thành danh, có tiếng vang trên thế giới: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... và các hoạ sĩ sau này như Nguyễn Thụ, Trọng Kiệm, Phan Kế An, Lê Quốc Lộc...

- Ban tổ chức lấy tiêu chí nào để đánh giá, chọn lựa tác phẩm?

- Mục đích lần này, ngoài triển lãm về mỹ thuật VN, còn giới thiệu một cách rộng rãi hơn văn hoá, truyền thống dân tộc, thắt chặt tình hữu nghị, thiện cảm hai bên. Vậy tất nhiên tác phẩm phải có chất lượng nghệ thuật cao, tư duy tạo hình và cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ, tiêu biểu cho tác giả mà BTC muốn giới thiệu. Nói chung, tất cả những gì là điển hình của mỹ thuật VN thì chúng tôi bằng mọi cách, cố gắng để giới thiệu được, ví như những tác phẩm sơn mài mà không phải ai cũng có điều kiện để xem của hoạ sĩ Nguyễn Phúc Duyên, sơn dầu của Tạ Tị.

- Quá trình đàm phán với các bên để đưa tới sự thống nhất diễn ra như thế nào?

- Rất khó khăn. Để có 94 bức tranh này, tập đoàn báo chí Sankei Shimbun đã phải sang giao dịch nhiều lần, và Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh là đầu mối để thương lượng với đối tác. Có nhiều khó khăn không lường trước được. Như việc mượn tác phẩm trong bảo tàng phải có trình tự nhất định, vì đây là di sản văn hoá dân tộc, tài sản quốc gia, phải xin ý kiến, chỉ đạo của Bộ VHTT. Hoặc cái nào đem đi được, cái nào không cũng có nguyên tắc của nó. Còn các nhà sưu tập cá nhân cũng có yêu cầu riêng về vấn đề bảo hiểm, vận chuyển... Phải đạt được sự thoả thuận mới đi tới ký hợp đồng được. Bắt đầu tuần sau, các tác phẩm này sẽ được đóng gói và do Công ty Royal Trans Co., Ltd chuyển sang Nhật. Theo tôi biết, trong đoàn VN tham dự buổi khai mạc, ngoài đại diện của các bảo tàng, nhà sưu tập, còn có bà Nga, vợ hoạ sĩ Trần Trung Tín, thay mặt chồng vì lý do sức khoẻ.

- Từ khía cạnh cá nhân, ông nhận xét ra sao về các tác phẩm trưng bày?

- Thực ra, đây chưa hẳn là những tác phẩm tiêu biểu nhất trong giai đoạn 1925-1975, vì những lý do không thể vượt qua được. Có bức trong bảo tàng đã chọn rồi, nhưng chúng tôi không thể hoá phép cho nơi đấy thành mảng tường trống rồi mang đi được, bức tranh ấy quý quá, nó cần có mặt ở đấy. Nhưng cũng nên xác định, không phải lúc nào cũng mang cái tốt nhất sang nước ngoài, đây là cách để khơi gợi sự chú ý, tò mò và thích thú, chứ khoe hết ra thì ai đến làm gì nữa.

(theo VNExpress)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top