Truyện tranh, phim hoạt hình: Cần 10 năm để tạo bản sắc

Truyện tranh, phim hoạt hình: Cần 10 năm để tạo bản sắc

Hội thảo “Khám phá bản sắc văn hóa truyện tranh và phim hoạt hình” do Quỹ Tokyo, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM kết hợp với NXB Trẻ tổ chức đã diễn ra ngày 3-12, tại TPHCM.

Thực trạng của thị trường truyện tranh và phim hoạt hình Việt Nam đã được phân tích để tìm ra hướng phát triển cho loại hình giải trí mang tính giáo dục này

Sau hơn 10 năm kể từ ngày bộ truyện tranh cổ tích hiện đại Đôremon xuất hiện, thị trường truyện tranh Việt Nam sôi động hẳn lên với cuộc đổ bộ ào ạt của các sách manga (truyện tranh hiện đại Nhật Bản) như Thủy thủ mặt trăng, Bảy viên ngọc rồng, Siêu quậy Téppy, Vua đầu bếp... Bằng cách chia tập, xuất bản mỗi tuần, các NXB đã khiến các em thiếu nhi và một bộ phận không nhỏ người lớn chờ đón.

Dân số trẻ, thị trường đầy tiềm năng

6 - 8 triệu người đọc truyện tranh

Theo số liệu của NXB Trẻ, từ thập niên 90, các tác phẩm truyện tranh đã có sức thu hút trẻ em Việt Nam rất lớn. Khởi đầu từ những câu chuyện về chú mèo máy Đôremon, số lượng truyện tranh Nhật Bản xuất bản tăng vọt từ 200.000- 300.000 đến 500.000 bản/tuần vào những năm 1993-1999. Trước khi Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam, đầu sách truyện tranh Nhật Bản phát hành tại Việt Nam là 76 đến 80 tựa/tuần, tương đương với số lượng sách bán ra xấp xỉ 800.000 bản/tuần. Con số độc giả đọc truyện tranh có thể lên đến 6.000.000 đến 8.000.000 người.

Làn sóng truyện tranh càng phát triển mạnh mẽ hơn khi có các CLB truyện tranh, do đội ngũ biên tập viên của các NXB tổ chức, làm cầu nối, giao lưu giữa nhân vật và độc giả. Không chỉ dành cho trẻ em, nhu cầu đọc truyện tranh ở thanh niên, trung niên cũng rất lớn. Các bộ truyện tranh có đối tượng xác định như truyện tranh cho tuổi mới lớn (Candy, Con nhà giàu, Chuyện tình Yokohama...), gần đây nhất, truyện tranh dành cho người lớn, tuổi 18+ (Phong Vân, Hot Gimmick...) cũng bắt đầu được chú ý khai thác và có lượng độc giả riêng.

Song song với truyện tranh, phim hoạt hình cũng là một mảnh đất màu mỡ, thu hút lượng khán giả khá cao. Thế nhưng mỗi năm, xưởng phim hoạt hình thuộc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - Đài Truyền hình Việt Nam chỉ sản xuất được 200 đến 250 phút phim hoạt hình. Bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 45 bộ, 606 tập phim hoạt hình (thời lượng 20 phút/tập). Nguồn cung cấp chủ yếu từ Nhật Bản (88,78%), Hồng Kông (4,29%), Mỹ (5,61%) và Trung Quốc (1,32%).

Ông Matsutani Takayuki, Chủ tịch Hiệp hội Phim Hoạt hình Nhật Bản, nhận định: Những người trẻ tuổi chiếm đến 60% dân số Việt Nam. Một dân tộc còn quá trẻ như thế là một thị trường đầy tiềm năng cho sự phát triển của truyện tranh và phim hoạt hình.

Đi sau 30 năm nhưng chỉ cần 10 năm cố gắng

Bản thân Việt Nam cũng có những tác phẩm truyện tranh như Lịch sử Việt Nam bằng tranh, Phạm Công Cúc Hoa, Lục súc tranh công, Lục Vân Tiên... Hầu hết đều là truyện tranh dân gian, dã sử. Những tác phẩm này, theo tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ, đều được thể hiện dưới hình thức tranh minh họa cho lời, nét vẽ hiền lành, chân phương, chú ý đến việc giáo dục luân lý, đạo đức. Ngay đến phim hoạt hình Việt Nam hiện đại cũng phần lớn sử dụng nội dung từ kho tàng truyện dân gian, thể hiện bằng phim vẽ, con rối và cắt giấy.

Ông Nakano Haruyuki, nhà biên tập truyện tranh, nhà văn Nhật Bản, nhận xét: “Tình hình truyện tranh và phim hoạt hình Việt Nam đang mang hình ảnh của Nhật Bản 30 năm trước”. Theo ông, Nhật Bản mất 60 năm, tính từ những ngày phải nhập truyện tranh, phim hoạt hình, đến việc lấy bối cảnh những tòa cao ốc, những cái tên Jack, Marry... Nhưng 25 năm gần đây, Nhật Bản đã có được những bước đột phá. Những cái tên như Nôbita, Songuku, Téppi... đã xuất hiện trên nền của những ngôi nhà, phong cảnh ở Nhật Bản mà vẫn rất hấp dẫn với người đọc.

Hiện nay, những bộ truyện tranh Việt Nam như Thần đồng đất Việt hay Sắc màu cổ tích... đang thu hút một lượng lớn khán giả, độc giả nhiều lứa tuổi. Cuộc sống, Con sâu, Mực ống - mực nang... là những tựa phim hoạt hình Việt Nam được đón nhận. Các nhà đầu tư và sản xuất đã bắt đầu phôi thai chiến lược quảng bá. Thời lượng phim hoạt hình Việt Nam xuất hiện nhiều hơn. Nhiều đạo diễn đã bắt đầu chọn hoạt hình để thử sức. Tuy vậy, các chiến lược phát triển này chỉ mới trong phạm vi còn nhỏ hẹp.

Ông Tomari Tsutomu, Chủ tịch Công ty Phim Hoạt hình Toei Nhật Bản, khẳng định: “Để có được một nền truyện tranh và phim hoạt hình của riêng mình, Việt Nam chỉ cần 10 năm cố gắng”. Cần thiết là phải có được những chiến lược đầu tư. Điều quan trọng vẫn là xây dựng được nội dung cốt truyện có tình tiết hấp dẫn và yếu tố thu hút độc giả trong nhiều lứa tuổi. Bước qua chuyện lịch sử, dân gian, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng những câu chuyện của cuộc sống hiện đại hay thế giới viễn tưởng”.

Kết hợp truyện tranh phim hoạt hình và sản phẩm phụ trợ

Theo ông Tomari Tsutomu, công thức phát triển truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản là sự kết hợp giữa truyện tranh, phim hoạt hình và các sản phẩm phụ trợ. Khi một bộ truyện tranh ra mắt độc giả thì phim hoạt hình về bộ truyện đó cùng với các vật dụng đi kèm như búp bê mô hình, áo, túi, thậm chí nón mũ, giày dép, các hộp đựng cơm, muỗng đũa... mang hình ảnh nhân vật cũng đồng loạt xuất hiện. Đây là một trong những “chiêu thức” đưa nhân vật truyện tranh đến gần, thu hút độc giả. Trong tổng số 12.000 tỉ yen của ngành giải trí Nhật Bản, doanh thu của phim hoạt hình là 260 tỉ yen nhưng các mặt hàng phụ trợ lại mang về đến 2.000 tỉ yen.

Bằng công thức này, dựa trên điều kiện nhân lực, thị trường của Việt Nam hiện nay, phát triển công nghiệp truyện tranh và phim hoạt hình là một điều hoàn toàn có thể.

(Theo Thanh Niên)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top