Việt Nam trong "tầm ngắm" các nhà đầu tư Nhật Bản

Việt Nam trong "tầm ngắm" các nhà đầu tư Nhật Bản

VietNamNet) - Năm 2005, Nhật Bản có 97 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn 500 triệu USD. Mặc dù chỉ là nhà đầu tư lớn thứ 5 nhưng Nhật Bản lại là nhà đầu tư được xem là có hiệu quả nhất tại đây. Tính chung từ năm 1988 đến 2004, Nhật Bản đã có tới 511 dự án với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên tới hơn 6,2 tỷ USD, tỷ lệ vốn thực hiện 70%.
Trong giai đoạn phục hồi và mở rộng thu hút đầu tư, Việt Nam đang rất kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào nhiều lĩnh vực để tăng cường năng lực sản xuất và mở rộng xuất khẩu.
Trong các nghiên cứu mới đây của Trung tân thông tin tài chính Nhật Bản cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đều đánh giá tốt và chọn Việt Nam làm điểm đầu tư mở rộng. Trong các bảng xếp hạng hấp dẫn đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật, vị trí của Việt Nam ngày càng được nâng lên - đây thực sự là một thành công, điểm báo hiệu một làn sóng đầu tư có thể đổ vào Việt Nam.
Điều tra hàng năm của Trung tâm thông tin tài chính Nhật Bản cho thấy, năm 2000 Việt Nam đứng thứ 8 trong sự lựa chọn của các DN Nhật. Vị trí qua các năm tiếp theo đều được cải thiện theo hướng tích cực và điều tra năm 2005, Việt Nam xếp thứ 4, đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Đặc biệt, nếu xét riêng các doanh nghiệp nhỏ có quy mô 1 tỷ Yên (khoảng 134,5 tỷ đồng) thì Việt Nam là sự lựa chọn thứ hai sau Trung Quốc.
Theo ông Takeuchi Mikio - chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Trung tâm thông tin tài chính Nhật Bản, lý do các doanh nghiệp chọn Việt Nam tập trung vào các yếu tố: sự ổn định về chính trị, xã hội và an ninh tốt, lao động chất lượng cao và giá rẻ...
Tuy nhiên, ông Takeuchi Mikio cho rằng, có một lý do quan trọng để doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm hấp dẫn đầu tư hơn các ASEAN khác là muốn phân tán địa điểm sản xuất sau khi đã tập trung quá nhiều ở Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường rộng lớn, nhiều cơ hội và có những lợi thế cạnh tranh hơn hẳn. Tuy nhiên, những năm gần đây rủi ro về kinh tế, xã hội trên thị trường này đang lớn dần. Các doanh nghiệp Nhật Bản phải tính tới chuyện phân tán sản xuất và điểm lựa chọn đầu tiên của các doanh nghiệp Nhật chính là Việt Nam.
Một trong những ví dụ sinh động nhất là tập đoàn Canon trước đây đã đầu tư ở Thái Lan và Trung Quốc, nhưng nay tập đoàn này đã chuyển sang Việt Nam và liên tục mở rộng đầu tư những nhà máy thuộc hàng lớn nhất thế giới về sản xuất máy in.
Đây chính là một cơ hội lớn cho Việt Nam. Dự kiến vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ tăng trong thời gian tới nhưng sẽ không có sự tăng trưởng dồn dập. Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường thông tin quảng bá mạnh hơn nữa.
Ông Takeuchi Mikio cho biết, những thông tin như Canon mở rộng đầu tư, Matsushita được cấp phép lập công ty tài chính để đầu tư lâu dài tại Việt Nam... có tác động rất tích cực đến các công ty Nhật Bản, nhất là các công ty vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, làn sóng đầu tư Nhật Bản mới chỉ là xu hướng còn trên thực tế, để thu hút đầu tư Nhật Bản, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với hai đối thủ lớn là Trung Quốc và Thái Lan. Hiện nay, có nhiều công ty Nhật Bản đang phân vân lựa chọn điểm đầu tư giữa 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan trên cơ sở so sánh những lợi thế. Việt Nam cần phải nhắm vào những công ty đang chần chừ trong việc lựa chọn đầu tư này.
Tuy Việt Nam có thế mạnh về giá nhân công rẻ, an ninh tốt nhưng điểm yếu là cơ sở hạ tầng kém, vì thế Việt Nam cần có một chính sách thu hút đầu tư hợp lý - Takeuchi Mikio phân tích. Theo ông, hướng thu hút đầu tư hiệu quả nhất là Việt Nam nên tập trung thu hút vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành có sử dụng nhiều nhân công, các ngành chế biến và lắp ráp.
Hiện nay, giá nhân công ở Thái Lan cao hơn nhiều ở Việt Nam, ở Trung Quốc cũng có xu hướng nâng lên và hiện đã cao hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp nhỏ của Nhật khó vào Trung Quốc vì chính sách nước này không khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ đầu tư. Trong khi đó, một cuộc điều tra các doanh nghiệp nhỏ của Nhật cho thấy có tới 40% trong số họ muốn vào Việt Nam đầu tư.
Đây là cơ hội của Việt Nam; Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư các ngành sử dụng nhiều nhân công vì giá nhân công thấp là điểm hấp dẫn lớn nhất của Việt Nam. Một số ngành có thể lưu ý như: dệt may, lắp ráp điện tử, máy móc. Một khi thu hút được các nhà máy lắp ráp sẽ gián tiếp thu hút các nhà sản xuất và cung cấp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhật Bản lưu ý, nếu Việt Nam mong muốn tiếp cận các tập đoàn đầu tư lớn của Nhật Bản thì ngoài việc có những ưu đãi đầu tư thuận lợi, Việt Nam cũng phải có những chương trình xúc tiến phù hợp kể cả việc các nhà lãnh đạo cao cấp tiếp cận và gặp gỡ để bàn bạc trực tiếp.
Qua các điều tra, các chuyên gia Nhật Bản cũng tiếp tục khuyến cáo Việt Nam về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả trong quảng bá đầu tư. Ông Takeuchi Mikio cho biết, hiện nay có tới 30% doanh nghiệp thiếu thông tin, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn có nhiều con đường để tiếp cận, nhưng những doanh nghiệp nhỏ và trung bình thì rất khó tiếp cận thông tin và họ không thể lập kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh quảng bá nhất là bằng tiếng Nhật và Trung và Hàn Quốc.
Ngoài ra, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trên các mặt chính sách và pháp luật; hạ tầng cơ sở, đào tạo nhân lực thì một yếu tố quyết định thành công là việc giải quyết kịp thời các vướng mắc của các nhà đầu tư. Vì sự hài lòng và thành công của các nhà đầu tư là một minh chứng sinh động nhất để tiếp tục thuyết phục và thu hút thêm các nhà đầu tư khác vào Việt Nam.
(Đông Hiếu)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top