Việt Nhật bàn việc hợp tác khai thác đất hiếm

doanva

New Member
Nhật Bản đang muốn đến Việt Nam để tìm đất hiếm vì trữ lượng tài nguyên này tại đây khá lớn, lên tới hàng triệu tấn quặng.

Một đại diện của Đại sứ quán Nhật Bản cho biết cuối tháng này, Thủ tướng Nhật Naoto Kan sẽ sang Việt Nam. Trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo hai nước sẽ bàn bạc về nhiều vấn đề, trong đó có việc hợp tác khai thác đất hiếm. Hiện chủ đề đang nằm ở giai đoạn bàn thảo.

Phía Nhật tỏ rõ quyết tâm muốn hợp tác để khai thác loại tài nguyên quý hiếm này. Hôm qua, báo chí phương Tây đồng loạt đưa tin Nhật đang nhắm tới Việt Nam như một nguồn cung cấp tiềm năng, để tránh sự phụ thuộc vào nước duy nhất hiện nay là Trung Quốc.

RareEarth.jpg

Một mẫu đất hiếm, được đặt cạnh đồng xu đê so sánh. Ảnh: US Government​

Đất hiếm là một loại đất chứa nhiều nguyên tố hiếm, có hàm lượng rất nhỏ trên trái đất. Việt Nam là một trong những mỏ đất hiếm tiềm năng với khoảng trên 17 triệu tấn, PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội địa chất Việt Nam cho biết. Tổng số trữ lượng tài nguyên đất hiếm toàn cầu là 99 triệu tấn, sản lượng khai thác hằng năm là khoảng 125.000 tấn. Hiện Trung Quốc là nước khai thác nhiều nhất, với sản lượng 120.000 tấn mỗi năm, chiếm 97% thế giới.

Đất hiếm có hai dạng, đất hiếm nặng và đất hiếm nhẹ, trong đó loại nặng chứa nhiều thành phần quý hiếm hơn. Ở Việt Nam chủ yếu là đất nhẹ, chuyên gia địa chất, luyện kim Nguyễn Văn Ban từng làm việc tại Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết.

Nhiều đối tác như Ba Lan, Séc, Đức, Pháp... từng có dự định hợp tác với Việt Nam để khai thác tài nguyên này. Đặc biệt, khi Trung Quốc định ngừng xuất khẩu đất hiếm vào năm 2012, Nhật Bản càng chú ý đến đất hiếm ở Việt Nam.

Khi khai thác, người ta tách từng loại nguyên tố hiếm ra, đem vào sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như công nghiệp điện tử, chế tạo ôtô, chế tạo chất bán dẫn, lọc hóa dầu, nghiệp hạt nhân. Khối lượng của các nguyên tố hiếm này trong khâu sản xuất rất nhỏ nhưng đóng vai trò rất lớn. Ví dụ trong công nghệ sản xuất thép, chỉ cần một lượng nhỏ nguyên tố cũng đủ để thay đổi tính năng của vật liệu kim loại.

Việc khai thác đất hiếm đòi hỏi công nghệ hiện đại, để có thể tách từng loại nguyên tố ra. Ông Ban cho biết lâu nay Việt Nam đã khai thác nhưng công nghệ còn hạn hẹp, công suất thấp, không tách được hết thành phần. Hoạt động khai thác ở Việt Nam chủ yếu để sản xuất thép, với khối lượng không nhiều.

Đánh giá tác động đến môi trường, ông Nguyễn Văn Ban nhận định việc khai thác đất hiếm không gây hại nhiều vì khối lượng khai thác ít.

Dĩ nhiên khi khai thác tài nguyên gì cũng có gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Bên cạnh các nguyên tố hiếm, đất hiếm có thể chứa một lượng phóng xạ nhất định như uranium, thori, với hàm lượng không lớn. Nếu công nghệ khai thác thấp có thể khiến những chất phóng xạ này thoát ra trong quá trình nghiền, tuyển quặng, gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu công nghệ khai thác hiện đại, chất phóng xạ sẽ được tách ra và lưu giữ như một sản phẩm tận thu, dùng cho các mục đích khác. "Ảnh hưởng của khai thác đất hiếm không nguy hại như việc khai thác bô xít thải ra bùn đỏ", ông Nguyễn Văn Ban nói.
Nguồn Vnexpress.net​
 
Top