Xuất khẩu nhân lực phần mềm là động lực cho CNTT

Xuất khẩu nhân lực phần mềm là động lực cho CNTT

Trong khi các doanh nghiệp phần mềm luôn kêu thiếu lao động chất lượng cao thì sinh viên mới ra trường lại rất khó tìm cho mình việc làm ưng ý. Việc Nhật Bản chọn Việt Nam là đối tác lâu dài trong phát triển phần mềm trở thành lời giải cho bài toán nhân lực "thừa mà vẫn thiếu" này.

Phong trào học tiếng Nhật của dân CNTT

Cơn sốt nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) biết tiếng Nhật đã khiến ngôn ngữ này trở nên "thời thượng" với số người đăng ký học tăng liên tục tại các trường đào tạo Nhật ngữ như FPT Đông Du, Nicco, Nhà văn hóa Thanh Niên, Nhật - Việt... Trong số này, lượng học viên có chuyên ngành CNTT, điện tử - viễn thông khá đông. Phần lớn người học cho rằng mức lương khi có thêm tiếng Nhật sẽ cao hơn các ngoại ngữ khác. Thu nhập của lập trình viên mới ra trường khoảng 2.000.000 đồng, nhưng nếu giao tiếp được tiếng Nhật mức lương tối thiểu khoảng 200 USD.

Nguyễn Ngọc Tuấn, sinh viên mới ra trường ngành Hệ thống thông tin, Đại học Dân lập Văn Lang TP HCM, bày tỏ: "Tôi muốn làm việc ở công ty Nhật vì công nghệ luôn được cải tiến, phong cách làm việc chuyên nghiệp và lương cao. Tôi đã dự thi vào một công ty đào tạo tiếng Nhật và xuất khẩu lao động sang làm việc ở đất nước này. Thu nhập sau khi trừ tất cả chi phí còn lại của năm đầu tiên khoảng 15 triệu mỗi tháng, cao hơn nhiều so với làm việc tại Việt Nam".

Hiện tại, Tuấn đang là lập trình viên của một doanh nghiệp tư nhân mới thành lập và theo học tiếng Nhật hơn 7 tháng, đến cuối năm 2006 sẽ đạt cấp độ 3 (sankyu). Cũng có cùng quan điểm với Tuấn, Lê Thị Thùy Hương, lập trình viên một công ty công nghệ tin học, cho biết: "Tôi đang cố gắng sắp xếp thời gian và sẽ học tiếng Nhật vào đầu tháng sau. Ngoài cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp gia công phần mềm cho Nhật với mức lương tốt hơn thì cơ hội sang nước này làm việc cũng rất cao. Điều đó thật sự hấp dẫn và là động lực khiến tôi tiếp cận với ngoại ngữ này".

Các công ty Nhật đang ngày càng đầu tư mạnh cho ứng dụng CNTT. Trong tương lai, nước này thiếu khoảng 70.000 kỹ sư thiết kế phần mềm nhúng thuộc các lĩnh vực như điện tử gia dụng, ứng dụng CNTT trong xe hơi và điện thoại di động. Theo ông Tạ Anh Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển nhân lực FPT Đông Du, hiện Trung Quốc vẫn đang là thị trường gia công phầm mềm lớn nhất của Nhật Bản. Để không quá lệ thuộc vào thị trường này, người Nhật cũng cần một đối trọng để cân bằng theo mô hình “Trung Quốc + 1” . Lập trình viên Việt Nam đang trong “tầm ngắm” của các công ty Nhật Bản bởi chất lượng tốt và sự gần gũi về văn hoá giữa 2 nước. Các doanh nghiệp ở xứ sở mặt trời mọc này đã nghĩ đến việc đào tạo tiếng Nhật cho các kỹ sư CNTT tại Việt Nam và đưa sang công ty mẹ làm việc.

Vốn là một đơn vị đảm bảo nhân lực cho FPT Software phát triển xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản, FPT Đông Du chú trọng đến việc truyền tải những kiến thức về thuật ngữ chuyên ngành của CNTT, phong cách làm việc và văn hoá người Nhật, cho các học viên của mình bên cạnh vốn kiến thức Nhật ngữ. Ông Tạ Anh Thắng cho biết những khoá học viên đầu đã sang Nhật làm việc và hội nhập rất nhanh trong môi trường mới. Năm 2006, FPT Đông Du dự kiến sẽ tiếp tục mở các khoá đào tạo tiếng Nhật miễn phí và đưa khoảng 200 lập trình viên sang Nhật làm việc với mức lương khởi điểm cam kết từ 1.800 đến 2.500 USD mỗi tháng, điều không dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam.

Cũng với với mục đích đào tạo nhân sự làm việc tại Nhật từ 2-5 năm và trở thành kỹ sư cầu nối (Bridge SE) cho UK Brain, Unico Technos, Kobekara Japan, công ty liên doanh UK Brain được thành lập tháng 6/2005, chuyên hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm, đào tạo - huấn luyện nguồn nhân lực, đã tuyển dụng 60 học viên khóa đầu tiên và cùng số lượng này cho khóa 2. Hiện tại, vòng sơ tuyển chọn được 150 trong số 580 thí sinh dự thi. Theo kế hoạch, 48 học viên đang theo học tại đây sẽ sang Nhật làm việc vào tháng 6/06, nhưng nhu cầu cần gấp nhân lực nên 28 học viên đầu tiên được đánh giá năng lực cao nhất, đáp ứng được yêu cầu của công ty sẽ sang Nhật làm việc vào cuối tháng này.

Ông Nguyễn Bách Khoa, Tổng giám đốc UK Brain, tự tin cho biết: "Trong quá trình đào tạo là miễn phí, học viên được hỗ trợ tài liệu học tập, tiền ăn, học bổng... và có thể ký hợp đồng tuyển dụng, được trả lương trong thời gian đào tạo. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được tuyển chọn thành nhân viên chính thức làm việc tại Nhật. Vì thế, chúng tôi không mấy lo ngại việc học viên sẽ sang công ty khác làm".

Mặc dù thế, ngoài số học viên không theo kịp chương trình hoặc không chịu được áp lực học thêm một ngoại ngữ khó, thì không ít trong số đó đã nghỉ và chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác. Tại đây, chương trình đào tạo cụ thể bao gồm tiếng Nhật giao tiếp và đọc tài liệu kỹ thuật, kỹ năng làm việc trong môi trường công ty Nhật và chuyên môn CNTT thuộc phần mềm hệ ứng dụng, phần mềm hệ điều khiển. Thời gian đào tạo kéo dài 1 năm, với 8 giờ học mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Tuy nhiên, để ràng buộc trách nhiệm, học viên phải đóng một khoản phí cam kết theo học là 5.000.000 đồng, số tiền này được trả lại trước khi học viên sang Nhật làm việc.

Thách thức là động lực phát triển

Chính sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT đưa sang Nhật làm việc của những công ty dạng này càng làm cho các doanh nghiệp trong nước luôn trong tình trạng "khát". Rất nhiều công ty thông báo tuyển dụng nhưng kết quả không mấy khả quan, thiếu vẫn hoàn thiếu. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc công ty FPT Software, thì vấn đề trên thuộc trách nhiệm của chính doanh nghiệp: “Không thể kết luận những người sang Nhật làm việc có trình độ cao hơn những người đang làm việc tại Việt Nam. Đơn giản là họ có thêm ngoại ngữ. Vậy tại sao không thể giải quyết công việc cho họ được trong khi các doanh nghiệp của Nhật có thể làm? Nếu biết cách sử dụng đúng con người thì bất cứ ai cũng có thể dùng được.”

Ông Nam cũng phân tích rằng bản thân phần mềm tại Việt Nam cũng chưa thành một ngành công nghiệp. “Một ngành công nghiệp phải có những chuẩn mực và sự chuyên môn hoá trong sản xuất. Hiện tại, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vẫn đi sản xuất trọn gói từ đầu đến cuối theo kiểu sản xuất nhỏ. Vì thế, các công việc tầm cao vẫn thiếu nhân lực”, ông Nam phân tích. “Để làm một món đồ mỹ nghệ, chắc chắn cần các nghệ nhân. Nhưng các anh chàng tiều phu, thợ xẻ cũng có thể kiếm tiền bằng việc cung cấp gỗ. Chắc chắn không thể có sản phẩm tốt nếu 1 người làm tất cả công việc đó. Vậy tại sao chúng ta không làm những phần việc tầm thấp tốt hơn các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tích lũy nguồn lực để dần nâng tầm thay vì lao ngay vào những vấn đề gai góc ngay từ đầu”.

Đại diện công ty Global CyberSoft, ông Nguyễn Thanh Vượng, cho biết: "Kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật rất ít trong khi nhu cầu lại rất cao. Chính vì thế, giải pháp của công ty là thuê các sinh viên đang du học và muốn ở lại Nhật làm kỹ sư cầu nối. Riêng trong nước, trước mắt là tuyển dụng những ứng cử viên giỏi tiếng Nhật và yêu thích kỹ thuật, đào tạo thêm về CNTT và công việc của họ là dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Do thị trường này còn phát triển rất mạnh nên chiến lược lâu dài là tuyển dụng sinh viên mới ra trường, đào tạo theo phương pháp, nhu cầu và đặc thù riêng của công ty, tránh tình trạng đào tạo xong chuyển sang công ty khác làm".

Cũng theo ông Vượng thì kế hoạch đào tạo tiếng Nhật cho các kỹ sư đang làm việc tại công ty không mang lại hiệu quả như mong muốn vì đây là một ngoại ngữ rất khó học, đòi hỏi sự đầu tư và chuyên tâm rất nhiều của người học.

Hiện tại, trong quá trình đào tạo, học viên không được trả lương hoặc mức lương khá thấp. Điều này ít nhiều có ảnh hưởng đến sự kiên nhẫn học tập. Sau 6 tháng làm việc tại một công ty liên doanh với Nhật Bản và được đào tạo miễn phí tiếng Nhật, chị Trần Lê Kim Thủy, hiện là giảng viên của một trường Đại học dân lập tại TP HCM, đã từ chối cơ hội sang Nhật học quy trình làm việc vì cho rằng áp lực quá cao, trong khi phải cam kết phục vụ công ty 5 năm ở mức lương trung bình và khoản lương tăng sau mỗi năm làm việc là rất ít.

Riêng Tuấn thì "vì mục tiêu lâu dài, tôi sẽ cố gắng trang trải chi phí trong suốt một năm chỉ toàn học theo chương trình đào tạo của công ty tuyển dụng. Sau khi qua Nhật làm việc, thu nhập của tôi sẽ cao hơn nhiều, bù đắp lại những chi phí đã bỏ ra. Đến khi về nước, với kinh nghiệm và một ít vốn tích lũy được, tôi sẽ thành lập công ty riêng làm việc cho chính mình".

Còn đối với các doanh nghiệp trong nước, lượng nhân lực CNTT ra đi trong "cơn khát" người sẽ bắt buộc họ phải ra sức đào tạo và có kế hoạch cụ thể cho nguồn nhân lực trong thời gian ngắn hạn cũng như dài hạn, thậm chí thay đổi hướng phát triển trong tương lai.

(Theo vnexpress.net)
 

Bài viết liên quan

Your content here
Top