Doanh nghiệp Nhật sẽ ồ ạt đầu tư sang Việt Nam

Doanh nghiệp Nhật sẽ ồ ạt đầu tư sang Việt Nam

Các DN Nhật Bản cho biết, thời gian tới, sẽ có thêm 85 tỷ yên rót vào Việt Nam, tập trung trong các lĩnh vực điện tử, xi măng, máy móc... Ngay trong buổi họp báo sau đó, Thủ tướng Shinzo Abe cũng cho rằng, đã có một làn sóng nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam.

images1162117_diendan2011ThutuongNB.jpg

Thủ tướng Shinzo Abe: Đã có một làn sóng nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản hôm nay (20/11) chật cứng. Rất nhiều đại biểu đến sau không còn chỗ ngồi. Đến Việt Nam cùng Thủ tướng Shinzo Abe là 130 DN hàng đầu của Nhật Bản, cùng khoảng 400 DN trong nước có quan hệ kinh tế mật thiết với Nhật Bản, hoặc đang muốn quan tâm tới thị trường này, đã tham dự diễn đàn.

Có một làn sóng nhà đầu tư Nhật vào việt Nam

Tại cuộc họp báo trưa nay (20/11) Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Lần này tôi sang VN cùng với hơn 130 DN Nhật Bản. Chúng tôi có tham gia thảo luận tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam. Chúng tôi muốn thúc đẩy hiệp định hợp tác kinh tế hai bên và Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Đã đến lúc phải nói rằng có một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, đầu tư hợp tác trong lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, năng lượng...

Chúng tôi sẽ cử đoàn khảo sát tới Việt nam xem xét việc hợp tác khả năng đầu tư vào đường cao tốc Bắc - Nam.

Tôi đã nói chuyện với 7 sinh viên Việt Nam hôm qua và tôi rất ấn tượng với họ. Tôi tin quan hệ làm ăn giữa hai bên sẽ tăng cường hơn nữa và đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Thêm 85 tỷ yên rót vào Việt Nam

Ông Miyahara, Phó Chủ tịch tập đoàn Nippon Keidanren, cho biết, động lực lớn nhất thu hút các DN Nhật đến Việt Nam chính là những nỗ lực, sự nhiệt thành của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu, các DN Nhật Bản rất nhạy cảm trước những thay đổi về yếu tố môi trường đầu tư, do vậy, đòi hỏi của các DN ngày càng cao, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, điện lực, ngành công nghiệp phụ trợ... tại các nước.

Theo ông Miyahara, việc đầu tư của DN Nhật tại Việt Nam không đơn giản là mang lợi nhuận đến cho cả hai bên, mà thông qua đó, còn tạo công ăn việc làm, chuyển giao kiến thức, kỹ năng quản lý... - một nguồn tài nguyên kinh doanh lớn - cho các đối tác.

Phó Chủ tịch tập đoàn Nippon Keidanren cho biết, thời gian tới, các DN Nhật Bản sẽ đầu tư ít nhất 85 tỷ yên nữa vào Việt Nam, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực điện, điện tử, xi măng, máy móc, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nhật Bản Shzino cũng khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, việc 130 DN hàng đầu của Nhật Bản đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư nhân chuyến thăm chính thức của ông thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhật Bản đối với Việt Nam. Tính theo số dự án, Nhật Bản hiện là nước đứng đầu về đầu tư tại Việt Nam.

images1162099_diendan2011Thutuong.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Gia nhập WTO là thông điệp hết sức rõ ràng về quyết tâm cải cách của Việt Nam.

Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam như dự án cải tạo hạ tầng ở Hà Nội và TP.HCM, tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ông mong muốn thông qua cuộc gỡ này sẽ đẩy nhanh đầu tư thương mại giữa hai nước. Ông cũng hy vọng, thời gian tới, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước sẽ tăng từ 8,5 tỷ USD (2005) lên 15 tỷ USD vào năm 2010. Bên cạnh đó, việc bắt đầu đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản, thực hiện từ tháng 1/2007, cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược hai bên.

Việt Nam kỳ vọng vào các nhà đầu tư Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

Gia nhập WTO là thông điệp hết sức rõ ràng về quyết tâm cải cách của Việt Nam, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam đặc biệt kỳ vọng vào các nhà đầu tư Nhật Bản. Đây thực sự là thời cơ thuận lợi cho DN hai nước hợp tác mở rộng, tăng cường thương mại và đầu tư ở Việt Nam".

VN cần giảm thuế, thực thi sở hữu trí tuệ tốt hơn

Ông Miyahara cho biết, khoảng 85% hạng mục của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1 đã được Việt Nam thực hiện, chủ yếu liên quan đến việc giảm thuế. Giai đoạn 2 của Sáng kiến, ông hy vọng Việt Nam tiếp tục có những hoạt động mạnh mẽ hơn để thu hút đầu tư từ Nhật.

Qua diễn đàn, ông Miyahara kiến nghị Chính phủ Việt Nam giảm dần hoặc tháo bỏ quy chế đối với dầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực phân phối, vận tải.

Ngoài ra, trong các DN thành viên của Keidanren cũng đang xuất hiện tâm lý lo ngại về hàng giả ở Việt Nam. Do vậy, ông Miyahara cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường kiểm soát, trừng phạt nghiêm hơn đối tượng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT).

Ông Fujio Mitairai, Chủ tịch Keidanren, thì đề nghị, Việt Nam nên từng bước giảm thuế nhập khẩu phụ tùng, nguyên liệu, máy móc điện, điện tử và ôtô do hiện mức thuế này ở Việt Nam cao hơn so với các nước ASEAN khác Ngoài ra, thời gian tới, tập đoàn Nippon sẽ kiến nghị Chính phủ Nhật có những điều chỉnh để những tu nghiệp sinh và lao động có tay nghề cao ở Việt Nam dễ dàng hơn khi sang làm việc tại Nhật.

images1162105_diendan2011.jpg

Có khoảng 550 doanh nhân có mặt tại đây để tham dự Diễn đàn kinh doanh Việt - Nhật.

Ghi nhận các kiến nghị của DN, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét để tháo gỡ, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Riêng về thực thi SHTT, Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong nói, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ và 3 nghị định hướng dẫn, với tinh thần cơ bản là Nhà nước công nhận đó là tài sản của DN, cá nhân và Nhà nước sẽ bảo vệ tài sản đó. Do vậy, Việt Nam sẽ xem xét một cách nghiêm túc việc thực hiện quyền bảo hộ SHTT. Ông thừa nhận, đúng là tại Việt Nam còn có hàng giả, hàng nhái - đây là vấn đề nhức nhối trong lưu thông- song, thời gian tới, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe đối tượng khác.

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đề nghị phía Nhật hỗ trợ Việt Nam trong việc ban hành văn bản pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực và trang thiết bị trong SHTT.

Còn Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng, trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do sắp tới, phía Nhật nên chấp thuận cho Việt Nam có lộ trình mở cửa dài hơn, bởi Việt Nam đang ở trình độ phát triển kinh tế thấp.

Bà Ngân kiến nghị Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực kiểm dịch động, thực vật để sớm tiến tới Nghị định thư song phương về việc cho phép các loại quả có hạt của Việt Nam được xuất vào Nhật. Đồng thời, Chính phủ nước này nên tạo điều kiện hơn cho mặt hàng mực ống đông lạnh Việt Nam do sản phẩm này đang bị áp hạn ngạch.

(theo Vietnamnet)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top