Đơn độc trong thế giới ảo - nguồn gốc gia tăng bạo lực ở thanh niên Nhật

Đơn độc trong thế giới ảo - nguồn gốc gia tăng bạo lực ở thanh niên Nhật

Một quả bom đặt trên đường xe lửa, một vụ chém giết, một chiếc xe buýt bị tấn công và một hành khách bị đâm đến chết. Đây không phải ở Los Angeles mà là tại một vùng ngoại ô không hề có tội phạm ở Nhật Bản. Thủ phạm là những cậu bé bị ám ảnh bởi những trò chơi bạo lực trên máy tính và cô đơn trong gia đình.


Hồ sơ về những kẻ giết người

Chồng hồ sơ về những kẻ giết người "không chủ ý, không có mục đích" ở trẻ vị thành niên ngày càng dầy lên: 4 cậu học sinh ở Nagano đã đánh một người bạn gần chết, trước đó một sinh viên ở Utsunomiya, phía Bắc Tokyo đã xiết cổ bà mình đến chết bằng một sợi dây thừng và trong tháng 7.2002, một cậu bé 16 tuổi đã đặt một quả bom tự tạo dưới đường tàu điện ngầm ở Tokyo...

Khi bị cảnh sát thẩm vấn, cậu bé nói: "Tôi thích hóa học... Tôi băn khoăn không biết điều gì sẽ xảy ra nếu có một vụ nổ lớn ở Tokyo".

Thực tế về tội phạm vị thành niên là một hồi chuông báo động cho Nhật Bản vì trước đây họ vẫn có tiếng là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Tuy nhiên không giống với tội phạm ở phương Tây thường hành động vì lý do tiền bạc, ái tình hay trả thù, những kẻ phạm tội ở Nhật Bản chỉ làm vì "thích bạo lực", đúng như những gì người ta thấy qua các bộ phim như Kẻ giết người bẩm sinh hay Trận chiến Hoàng gia của Nhật Bản đã trình chiếu rộng rãi.

Chính vì những kẻ phạm tội không hề có "vết đen" trong quá khứ, mà các quan chức Nhật đã gọi những hành động này là kireku, có nghĩa là "bột phát".

Số kẻ giết người ở tuổi thanh thiếu niên tại Nhật đã tăng gấp đôi từ năm 1996 - 2000. Riêng trong năm 2000, các thiếu niên đã thực hiện 50 vụ giết người.

Song những con số chính thức này chỉ là một phần của câu chuyện. Có những kiểu phạm tội mà người ta không thể ngờ nổi. Năm 2000, một cậu học sinh đã dùng con dao dài 30cm khống chế một chiếc xe buýt và bắt giữ 10 hành khách, sau đó đâm 3 người và giết chết một người. Tháng 7.2002, một thanh niên ném axit vào mặt một hành khách qua đường tại chính Tokyo.

Đơn độc trong thế giới ảo - nguyên nhân chính

Jin Kato, thanh tra cảnh sát Tokyo, người đã nghiên cứu sâu về tội phạm thanh thiếu niên, cho rằng: "Sự phạm tội của trẻ vị thành niên không có tiền án tiền sự là một nỗi lo lớn của chúng ta. Chúng như những kẻ "vô hình", chúng ta không thể biết được đứa trẻ nào sẽ phạm tội và phạm tội ở đâu. Tôi đã thấy hàng loạt vụ những đứa trẻ tấn công vào những người đi xe buýt và những người vô gia cư".

Sau nhiều tháng điều tra nguyên nhân "bột phát" của thanh thiếu niên, Kato đi đến kết luận: "Những đứa trẻ kireru là những người không thể nắm bắt được cảm xúc của chính mình. Chúng sống một một thế giới ảo với băng video và những trò chơi điện tử và nghĩ rằng chúng có thể xóa bỏ bất cứ một thứ gì mà chúng không thích".

Một số chuyên gia đã nghĩ tới căn nguyên là sự tan vỡ của cuộc sống kiểu cộng đồng, cuộc sống gia đình và thiếu kỷ luật trong gia đình. Chỉ 50 năm trước, Nhật còn là một quốc gia gồm đa số nông dân, họ có thói quen sống chung dưới một mái nhà và chăm sóc kỹ lưỡng tới con cái. Ngày nay, Nhật Bản là một quốc gia gồm toàn những người đi làm việc và khi cả hai bố mẹ đều mệt lử sau những giờ làm việc thì cũng có nghĩa họ dành ít thời gian hơn cho trẻ. Một cuộc thăm dò gần đây của chính phủ cho thấy những bậc cha mẹ đi làm của Nhật dành ít thời gian cho con cái hơn các bậc cha mẹ ở những nước khác.

Một nghiên cứu khác của Viện Hakuhodo ở Tokyo cũng chỉ ra một số dấu hiệu đáng ngại về sự tách biệt và thờ ơ của con trẻ. Cứ 1 trong 3 đứa trẻ từ 10-13 tuổi cho biết chúng xem trò chơi điện tử như những người bạn và phần lớn thời gian rỗi chúng ở trong phòng của mình. Các chuyên gia tâm lý trẻ em nói về một thế hệ thiếu tình yêu mà lại quá đam mê trò chơi điện tử bạo lực, Internet và ti vi.

Mariko Fujiwara, người thực hiện bản nghiên cứu này, nói: "Trẻ em tin rằng các phương tiện khoa học kỹ thuật và trò chơi điện tử đáp ứng yêu cầu của chúng tốt hơn con người. Chúng điều khiển trò chơi dễ dàng hơn nhiều so với các mối quan hệ giữa con người, và chúng nghĩ rằng ai không thuộc vào thế giới của chúng, chúng sẽ tấn công hoặc loại bỏ. Điều này thật đáng sợ".

Theo như điều tra về cậu bé đã tấn công một xe buýt, bắt cóc 10 hành khách, đâm bị thương 3 người và giết chết 1 người, cậu bé này rất khó giao tiếp với những người khác. Theo chuyên gia tâm lý, cậu bé đã thường bị ức hiếp từ khi còn rất nhỏ tuổi, vì thế cậu suốt ngày nhốt mình trong phòng như Robinson Crusoe và "chỉ chú tâm vào trò chơi điện tử". Gần đây báo chí Nhật đưa tin một cậu bé dùng quá nhiều thời gian trong phòng mình tới mức cậu liên lạc với bố mẹ bằng điện thoại di động.

Hậu quả của sự tách biệt và trò chơi điện tử thể hiện rõ trong một vụ án năm 1997. Một cậu bé 14 tuổi đến từ một khu vực yên bình ở Kobe đã dẫn bạn mình là Jun Hase, 11 tuổi, lên một ngọn núi, sau đó bóp cổ và chặt đầu Jun, rồi đặt cái đầu ở ngay cổng trường.

Kẻ giết người nhỏ tuổi này đã đặt ở mồm nạn nhân một mẩu giấy: "Không gì khiến tôi vui thích hơn là giết chóc - bây giờ trò chơi đã bắt đầu".

Cải tổ hệ thống giáo dục để đảm bảo an toàn cho trẻ

Ông Noguchi, một luật sư có nhiều kinh nghiệm trong những vụ phạm tội thanh thiếu niên nhận xét về thủ phạm của vụ giết người tàn bạo này: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là cậu bé mới đáng yêu và thật thà làm sao. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau, cậu đều trả lời những câu hỏi của tôi một cách thành thật. Nhưng có cái gì đó cách biệt ở cậu bé, cảm xúc của cậu không bao giờ thay đổi khi chúng tôi nói chuyện và rất khó để biết cậu nghĩ gì và cảm thấy gì".

Cậu bé này được cho là đã bị rối loạn hành vi và được gửi đi điều trị tâm thần. Theo ông Naguchi cậu ta không phải tội phạm: "Cậu ấy chỉ đơn giản là bị mất đi sự yêu thương và chăm sóc của bố mẹ, trường học và xã hội. Giáo viên không biết gì về cậu, bọn trẻ bắt nạt cậu và mẹ cậu tát cậu. Cậu không có ý niệm về giá trị bản thân và hành vi phạm tội là cách để giải tỏa sự bực tức của mình". Cậu bé này hiện ở tại trường cải tạo và có thể sẽ được ra khỏi đó khi 20 tuổi.

Tuy nhiên, không phải người dân Nhật nào cũng có thể cảm thông với tội phạm vị thành niên. Cuộc sống của gia đình Kenjiro và Tomoko Take tan vỡ khi cậu con trai 16 tuổi Takemura của họ bị giết ngay tại lễ khai giảng ở vùng ngoại ô Osaka. Chỉ có 1 trong số 6 cậu bé tham gia hành hung Takemura phải ra tòa và nhận mức án chưa đến 1 năm ở tại trường cải tạo.

Tức giận, gia đình Take đã lập ra một nhóm gồm gia đình những nạn nhân của tội phạm trẻ vị thành niên. Họ tới các đài phát thanh, các trung tâm xã hội và kêu gọi sự công khai của các phiên tòa và hình phạt khắc khe hơn cho những kẻ phạm tội. Gia đình Take tức giận vì họ không được tham gia vào quá trình điều tra cái chết của con họ và không được dự phiên tòa: "Chúng tôi không bao giờ được biết con trai của chúng tôi đã chết như thế nào. Chúng tôi thậm chí cũng không biết những kẻ phạm tội phải thụ mức án ra sao. Phần lớn những kẻ phạm tội vị thành niên đều được thả ra sau khoảng 12 tháng". "Chúng tôi cảm thấy thật quá dễ khi trẻ vị thành niên giết người. Con trai chúng tôi hiểu về giá trị của cuộc sống nhưng cuộc sống của nó đã bị cướp đi vì bạo lực. Hệ thống này quá khoan dung, chúng tôi muốn luật pháp cứng rắn hơn".

Chiến dịch của họ đã bắt đầu có kết quả. Chính phủ đã sửa đổi lại điều luật về tội phạm vị thành niên, hạ thấp mức chịu án từ 16 xuống 14. Và những thiếu niên 16 tuổi trở lên nếu bị kết tội sẽ phải chịu án lâu hơn. Mùa hè vừa rồi, lần đầu tiên 3 cậu thiếu niên Nhật đã phải chịu mức án chung thân vì tội giết người.

Trong khi đó, nhằm giảm nhẹ những áp lực cho trẻ, người ta đã bàn đến việc cải tổ hệ thống giáo dục mà một số người cho đây là một trong các nguyên nhân đẩy trẻ em tới mức quá đà. Cơ quan cảnh sát quốc gia cũng đã hứa trấn áp tội phạm vị thành niên và bắt đầu thành lập những lực lượng đặc nhiệm tại khắp các sở cảnh sát trên toàn quốc chuyên giải quyết tội phạm vị thành niên.

Song không phải tất cả mọi người đều đồng ý rằng gia tăng hình phạt là một cách tốt. Kato cho rằng hệ thống cải hối và bảo vệ trẻ phạm tội hiện nay đang làm việc có hiệu quả. Chỉ có 1 trong số 4 trẻ vị thành niên ở Nhật có tiền án lại tái phạm tội trong khi con số này ở Mỹ là 3/4.

Ông cũng cho rằng, thay vì đặt ra những hình phạt nghiêm khắc, các bậc phụ huynh cần phải đánh giá lại cách sống của họ: "Chúng ta cần phải học lại để làm sao trở thành những ông bố bà mẹ chín chắn. Chúng ta chăm lo tới đời sống vật chất của con trẻ nhưng chúng ta quên mất trái tim và tâm hồn của chúng".

(Theo tintucvietnam.com)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top