Gặp người sống sót trong vụ bom nguyên tử Hiroshima

Gặp người sống sót trong vụ bom nguyên tử Hiroshima

Tại căn phòng dưới tầng ngầm của Bảo tàng Hòa bình Hiroshima (Nhật Bản), ông Kenji Kitagawa (75 tuổi), Giáo sư danh dự Trường Đại học Hiroshima, chia sẻ về thời khắc khủng khiếp nhất mà ông trải qua khi quả bom nguyên tử Mỹ nổ trên bầu trời thành phố.

ImageHandler.ashx

ông Kenji Kitagawa

Xác người khắp nơi

Giáo sư Kitagawa cho biết, lúc 8h15 ngày 6-8-1945, quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử loài người nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima. Với một chiếc laptop và hệ thống đèn chiếu, vị giáo sư già kể lại:

“Ngày đó tôi mới 10 tuổi, đang học lớp 5 trường công Takeya. Buổi sáng hôm đó cũng như mọi ngày, mẹ và em trai ra tận cổng tiễn tôi đến trường. Nắng buổi sáng một ngày giữa thu thật đẹp.Sáng nào cũng vậy, nhà trường đều tập trung học sinh vào lúc 8h20 sáng ngoài sân. Trước khi tập trung, tôi được giao nhiệm vụ chơi vài bản nhạc trên đàn organ nên ngồi trong phòng học sau một bức tường dày. Bỗng một tia chớp trắng lóe lên kèm theo một tiếng nổ rất lớn. Tòa nhà lớp học đổ sụp.

Tôi cảm thấy như có ai dùng búa nện xuống lưng mình nhiều lần rồi bỗng thấy mình như đang rơi xuống một vực thẳm. Tôi ngất đi và không còn biết điều gì xảy ra tiếp theo nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm giữa một đống đổ nát tối đen như mực, tiếng các anh chị lớp trên và các bạn cùng lớp kêu rên và khóc lóc.

Những tiếng kêu đại loại như “Mẹ ơi, cha ơi, thầy cô ơi cứu con” hoặc những tiếng rên không thành lời thảm thiết. Tôi thấy lửa cháy từ xa đang lan dần về phía mình. Tôi tìm cách chui ra khỏi đống đổ nát. Sau này tôi mới biết trong lớp tôi có khoảng 60 bạn bị chôn vùi dưới đống đổ nát, chỉ có tôi và 2-3 bạn nữa là bò ra ngoài được. Tôi và mấy bạn nghe tiếng kêu ở gần liền tìm cách lôi ra được vài bạn nữa. Có bạn đã chết, có bạn bị thương. Lửa lan nhanh về phía chúng tôi khiến không thể cứu thêm được bạn nào nữa. Tất cả bỏ chạy.

Đây là điều khiến tôi rất buồn mỗi khi nhớ lại, dù đã 65 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in. Ra khỏi ngôi trường đổ nát, tôi chạy về nhà mình. Dọc đường về nhà, tôi chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn, nhiều người bị chết cháy, bị thương nằm, ngồi như những bóng ma. Điều vừa xảy ra hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Trong chiến tranh, thông thường người Nhật chỉ biết đến sự khủng khiếp nhất là bom cháy. Tôi nghĩ đến cha, mẹ, chị, anh trai và em trai của tôi lúc đó đang ở đâu. Chưa về đến nhà thì tôi bị lửa vây xung quanh. Quá hoảng sợ, tôi chạy ra một nơi đất trống. Không dám về nhà mình, tôi quyết định chạy tới nhà người bác ở phía bên kia một quả đồi.

Đến cầu Tsurumi, tôi thấy rất nhiều người nằm, ngồi la liệt bên bờ sông mà cây cầu gỗ đã bị sập xuống dòng sông Kyobashi. Lúc đó, nước sông cạn do thủy triều đang xuống, tôi bơi sang bờ bên kia. Trên sông nhiều rác và xác người nổi lềnh bềnh. Khi bơi đến bờ bên kia, tôi vui mừng gặp được nhiều anh chị lớp trên ở trường tôi, nhiều người bị bỏng rất nặng đang được một số binh lính cứu chữa…”.

ImageHandler.ashx

Thành phố Hiroshima vài ngày sau khi bị đánh bom nguyên tử.
Nguồn: Bảo tàng Hòa bình Hiroshima.


Nước mưa đen ngòm

Lấy khăn lau những giọt nước mắt, ông Kitagawa kể tiếp: “Về đến nhà bác, tôi mừng gặp được cha đang ở đó nhưng các thành viên còn lại trong gia đình tôi vẫn chưa biết số phận ra sao. Cha cho biết nhà tôi bị đổ và cháy. Sau khi tìm kiếm mẹ và em tôi một hồi không thấy do lửa bốc cao, cha đành phải từ bỏ hai người thân yêu để thoát ra ngoài.

Cho đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn trách cha sao nỡ bỏ mặc mẹ và em dẫu biết rằng lời trách cứ như vậy là vô lý. Cha tôi biết làm gì hơn trong hoàn cảnh đó? Anh trai và chị gái tôi do đi làm ở nhà máy nên thoát chết và cũng về được tới nhà bác. Hầu như những ai không bị tia phóng xạ rọi trực tiếp vào thì sống sót.

Vài ngày sau, cha và anh tôi trở lại nhà để gom tro hài cốt của mẹ và em út. Tôi vẫn nhớ như in hài cốt của mẹ và em tôi lúc đó vẫn còn rất nóng, không thể sờ tay vào được. Sau này được biết, quả bom nguyên tử đó làm chết tại chỗ 14.000 người Hiroshima. Khi bom nguyên tử nổ, hơi nóng bốc lên cao theo hình cây nấm, hút không khí ẩm từ ngoài biển vào tạo ra mây, mưa.

Vài ngày sau, một trận mưa rất lớn đổ xuống Hiroshima và vùng lân cận với nước mưa đen ngòm. Đó là nước mưa nhiễm bụi phóng xạ. Người dân không biết uống vào sinh nhiều bệnh tật khiến nhiều ngàn người sau đó thiệt mạng…”.

Trong hơn một tiếng kể lại ký ức buồn của mình, Giáo sư Kitagawa nhiều lần dừng lại lau nước mắt. Biết tôi là nhà báo, ông nhờ tôi chuyển đến bạn đọc Tiền Phong thông điệp: “Đừng bao giờ để xảy ra thảm họa nguyên tử như ở Hiroshima!”.

Tác giả Nguyễn Đại Phượng - p.v báo Tiền Phong

---
Thảm họa nguyên tử ...:(
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top