Giải mã sự 'tụt hậu' của cường quốc kinh tế Nhật Bản

-nbca-

dreamin' of ..
Sau thời kỳ dài phát triển chậm chạp, kinh tế Nhật Bản chính thức bị “hất cẳng” khỏi vị trí Á quân kinh tế toàn cầu.

Từ tro tàn của chiến tranh thế giới thứ 2, đất nước mặt trời mọc trở thành một cường quốc về kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, cái gọi là "sự kỳ diệu của kinh tế" bỗng trở thành một "mớ bong bóng" bất động sản khổng lồ vào những năm 1980 trước khi bị nổ tung vào năm 1991.

Sau mốc thời gian trên, Nhật Bản khó nhọc vượt qua một thập kỷ tăng trưởng kinh tế trì trệ, sản xuất đình đốn khiến nền kinh tế gần như không thể phục hồi. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đang đối mặt với một danh sách dài các vấn đề nan giải: dân số lão hoá, nhu cầu nội địa yếu, giảm phát, đồng yen mạnh đồng nghĩa với xuất khẩu tăng trưởng yếu.

"Gánh" nợ khổng lồ

Nhật Bản đang gánh một khoản nợ công gần gấp đôi GDP quốc gia và là nước có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất nhì thế giới. Tính tới cuối tháng 6/2010, nợ công của Nhật Bản tăng cao kỷ lục lên hơn 10.000 tỷ USD.

So với con số được công bố cuối tháng 3, nợ công của Nhật Bản tăng 21.150 tỷ yen. Dự kiến, đến hết năm tài khóa 2010, nợ công của Nhật Bản có thể lên đến 973.000 tỷ yên (khoảng hơn 11.000 tỷ USD). Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Nhật Bản cũng đang ở mức báo động với con số thâm hụt 30.800 tỷ yen (khoảng 340,3 tỷ USD) tương đương 6,4% GDP.

KTNhatkhokhan.jpg

Kinh tế Nhật đang đối diện với vô vàn khó khăn

Khoản nợ này là kết quả từ việc Nhật Bản chi một số lượng tiền khổng lồ để kích thích kinh tế trong suốt “thập kỷ mất mát” những năm 1990, cũng như hàng loạt gói tài chính bơm vào nền kinh tế này để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ngoài ra, dân số già sẽ khiến Chính phủ phải tăng chi tiêu cho chăm sóc y tế, các chương trình xã hội và lương hưu, do đó làm tăng thâm hụt ngân sách.

Trong tháng 7 vừa qua, tổ chức Standard & Poors cảnh báo sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Nhật Bản nếu nước này tiến hành cải cách tài chính thất bại. Trước đó, hôm 19/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo, Nhật Bản cần phải nỗ lực giảm bớt khoản nợ công khổng lồ.

Đứng trước khó khăn và áp lực do nợ công mang lại, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan thừa nhận: “Chúng ta đang đứng trước một núi nợ khổng lồ. Tài chính công của Nhật Bản đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào”. Ông cũng dự báo, Nhật Bản có nguy cơ vỡ nợ như Hy Lạp khi nợ công gia tăng, niềm tin vào thị trường trái phiếu giảm sút.

Đồng yen đắt đỏ

Việc đồng yen tăng giá cũng góp phần không nhỏ vào sự trì trệ của nền kinh tế Nhật. Tờ Sankei Shimbun phân tích, đồng yen lên giá trong thời gian gần đây không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản mà còn khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị điện gia dụng xuất khẩu giảm xuống. Đây thực sự là một đòn mạnh đối với ngành sản xuất của Nhật Bản.

Mới đây, một báo cáo của bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản cho thấy các tập đoàn của Nhật chậm chân hơn rất nhiều doanh nghiệp của các quốc gia khác trong việc phát triển ở các thị trường đang phát triển vốn chiếm đến 4 tỷ dân số cùng doanh số lên đến 5.000 tỷ USD mỗi năm.

Như vậy, các nhà xuất khẩu Nhật đang kém cạnh tranh ở các thị trường truyền thống là EU và Mỹ, lại cũng đang chậm chân ở các thị trường mới nổi. Tình trạng này của các nhà xuất khẩu Nhật Bản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi kinh tế của nước này.

Để chống lại xu hướng chung của sự tăng giá đồng yen, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ di dời nhà máy ra nước ngoài, nơi có chi phí sản xuất thấp hơn, khiến ngành công nghiệp trong nước của Nhật Bản bị rỗng nghiêm trọng, cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước cũng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, đồng yen “đắt đỏ” làm cho quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhật giảm mạnh. Nếu xét tỷ giá một USD được 91 yen, quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản thiệt hại đến 26.300 tỷ yen (khoảng 310 tỷ USD) so với giá trị hồi đầu năm. Trong khi đó, hiện nay tỷ giá này đang dao động quanh mức 85 yen bằng một USD. Điều đó có nghĩa là khi đổi ra đồng tiền bản địa, quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhật lại càng bị suy giảm.

KTNhatkhokhan1.jpg

Tình trạng vô gia cư xuất hiện nhiều hơn tại đất nước này

Điều này làm cho kế hoạch dùng quỹ dự trữ ngoại tệ để bổ sung một phần thâm hụt ngân sách năm tiếp theo của chính quyền đảng Dân chủ trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, đồng yen tăng lên ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Thực tế, Nhật Bản có nhiều cố gắng thực hiện hàng loạt biện pháp như ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất cơ bản xuống chỉ còn 0,1% vào cuối năm 2008 hay đưa ra các gói hỗ trợ trị giá hàng chục nghìn tỷ yen, song kết quả đạt được không mấy khả quan.

Trong bối cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn” này, các chuyên gia kinh tế Nhật Bản quả không quá lời khi khẳng định, nếu tình trạng này còn tiếp diễn, Nhật Bản sẽ hoàn toàn biến mất trong bảng xếp hạng các cường quốc kinh tế. Theo họ, quá trình phục hồi kinh tế không thể trì hoãn “dù chỉ một giây”.

Theo Bích Diệp - Đất Việt
 
Top