“Hội chứng chồng về hưu” của phụ nữ Nhật

“Hội chứng chồng về hưu” của phụ nữ Nhật

(Dân trí) - Ở Nhật ước tính khoảng 60% phụ nữ trung niên có chung một rắc rối - đó đức ông chồng của họ. Sau nhiều năm “kết hôn với công việc”, khi về hưu, những đức lang quân đó đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sức khoẻ của vợ họ.


Takako Terakawa sống cùng một con mèo to như một đứa trẻ, 400 chú gấu nhồi bông và chồng trong một căn hộ hai phòng chật hẹp ở Osaka.



Những con gấu được xếp ngăn nắp, theo màu sắc và kích thước trong một chiếc tủ nhiều ngăn trong phòng ngủ của bà. Ngày nào bà cũng mang chúng ra để kiểm tra và chải chuốt cho chúng. Làm như vậy, bà thấy vô cùng thoải mái. Và đó có vẻ như là mục đích sống của bà. Những con gấu nhồi bông là vật thay thế cho chồng bà.



Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy bà Terakawa đang mắc phải Hội chứng chồng về hưu (RHS), một chứng bệnh do một điều kiện xã hội đặc biệt nào đó gây nên. Những phụ nữ sinh vào thập nhiên 50, 60 của thế kỷ trước, đôi khi bị coi là hàng hoá của chồng, chuyên làm việc nhà, chăm sóc con cái.



Chồng của họ có thể là một người lao động, một nhân viên văn phòng, những người rời nhà từ sáng sớm và trở về chỉ để ngủ. Dần dần, họ trở nên ngày một xa cách, mỗi người một thế giới riêng.



Và rồi khi người chồng bước sang cái tuổi lục tuần, tuổi về hưu ở Nhật, người vợ chợt nhận ra họ đang bị đẩy vào tình cảnh phải luôn ở bên một người đàn ông đã trở nên quá xa lạ với mình rồi. Và người vợ cứ ngày một ốm yếu, có những biểu hiện vừa tuyệt vọng về tinh thần vừa suy sụp về thể chất. “Khi tôi nghĩ chồng tôi sẽ ở nhà, tôi nổi da gà khắp người và thấy quặn đau trong dạ dày,” bà Terakawa thú nhận. “Có lần tôi đã bị nôn sau khi ăn… Đôi khi chỉ cần nghĩ sẽ ở cùng phòng với ông ấy cũng làm tôi phát ốm.”



Hội chứng trên được bác sỹ Nobuo Kurokawa là người đầu tiên phát phiện. Trong suốt 10 năm qua, ông đã phải chữa trị cho rất nhiều phụ nữ như vậy. Họ có những biểu hiệu như tuyệt vọng, nổi da gà, ung nhọt, hen suyễn, và huyết áp cao.



Bác sỹ Kurokawa tin rằng 60% phụ nữ trung tuổi bị mắc chứng bệnh RHS, và nếu chứng bệnh này không được điều trị, thì người bệnh sẽ ngày một suy sụp. “Nếu người chồng không cố gắng hiểu, thì bệnh tình sẽ không thể chữa được nữa.” – Bác sỹ cho biết.



Ở phương Tây, nếu mối quan hệ vợ chồng rơi vào tình trạng như những cặp vợ chồng Nhật trên, thì ly dị là giải pháp tất yếu. Nhưng ở Nhật, và đặc biệt là ở thế hệ những người sinh vào những thập niên 50, 60 thì điều này khó có thể chấp nhận được.



Không chỉ có vậy, khi ly dị, người vợ sẽ không được thừa hưởng gì từ khoản lương hưu của người chồng, và sẽ không thể sống được nếu họ quyết định bỏ chồng.



Dự tính đầu năm 2007 tới, sẽ có thay đổi trong luật ly hôn ở Nhật, theo đó, người vợ sẽ được hưởng một phần trong khoản lương hưu của chồng. Nhưng đối với những người như bà Terakawa họ sẽ không quan tâm đến chuyện đó. Bởi họ lại muốn giữ chồng bên cạnh mình. Và lạ lùng hơn nữa, là những người chồng đó lại không hề nhận ra rằng họ là một phần của vấn đề.



Yukie Aoyama cũng mắc chứng bệnh RHS. Bà chạy trốn khỏi người chồng của mình bằng cách khá đặc biệt, đầu óc bà luôn luôn bị hình ảnh một ngôi sao nhạc pop ám ảnh. Khắp phòng bà treo đầy hình ảnh của ngôi sao này và hàng ngày bà viết nhật ký chỉ xoay quanh chuyện hình thể của anh ta.



Chồng Yukie Aoyama là người phải đi làm xa, mỗi tháng bà chỉ gặp ông có một lần, và chỉ chớp nhoáng trong vài giờ. Nếu ai chưa gặp ông, sẽ tưởng tượng ông là một con quỷ. Nhưng thực tế, ông là một người nhỏ nhắn và có vẻ hơi nhút nhát. Ông đã hoàn toàn bị sốc khi biết vợ mình mắc chứng RHS.



Khi được hỏi sẽ làm gì nếu Yukie Aoyama quyết định chia tay anh, ông trả lời: “Điều đó không bao giờ xảy ra với tôi. Nhưng tôi nghĩ, tôi sẽ rất suy sụp. Tôi đã già rồi. Nếu vợ tôi muốn tôi sống một mình, tôi sẽ chết mất… tôi không còn mạnh mẽ gì nữa… Thế hệ chúng tôi không giỏi chuyện bày tỏ tình cảm.”



Điều đáng ngạc nhiên là hội chứng RHS dường như là một đề tài cấm kỵ đối với những người trung tuổi. Nhưng nó lại là chủ để thảo luận của giới trẻ ở mọi ngóc ngách của Tokyo. Bởi họ muốn rút kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước.



Trong vòng 10 năm nữa, ¼ dân số Nhật sẽ ở độ tuổi ngoài 65, cộng với tuổi thọ trung bình ở Nhật được xếp vào hàng cao nhất thế giới: 81 tuổi, nên RHS là một vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết và được đưa ra bàn thảo rộng rãi trên truyền hình, báo chí.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top