Hội chứng hikikomori - Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (Phần 1)

Hội chứng hikikomori - Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (Phần 1)

Hội chứng hikikomori - Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật

vv2b.jpg
Nam sinh Nhật trên đường phố Tokyo. (MyLoupe.com)​

Một sáng khi mới 15 tuổi, Takeshi tự đóng cửa phòng ngủ của mình và trong 4 năm tiếp theo cậu không bước chân ra ngoài. Cậu không di học, không có việc làm, không bạn bè.

Hết tháng này qua tháng khác, Takeshi dành 23 giờ đồng hồ/ngày trong một căn phòng nhỏ xíu, ăn bánh bao, cơm và những đồ ăn mà mẹ cậu đã chuẩn bị, xem các chương trình trò chơi trên truyền hình, nghe nhạc của Radiohead và Nirvana. “Bất kỳ cái gì u ám và tuyệt vọng”, cậu tâm sự.

Cuối cùng, Takeshi cũng rời ngôi nhà của cha mẹ mình để tham gia vào một chương trình đào tạo việc làm có tên là New Start (“Khởi đầu Mới”). Cậu có vóc dáng rắn rỏi, khuôn mặt thanh tú với mái tóc nhuộm hung và sự hăm hở của một anh chàng sinh viên năm nhất. “Đừng cười tôi, nhưng chính các nghệ sĩ đã giúp tôi, nhất là Radiohead". Cậu hý hoáy viết ra mấy lời hát tiếng Anh. “Đó chính là thứ khuyến khích tôi rời khỏi căn phòng của mình”.

New Start tổ chức những bữa ăn tối 3 tuần một lần tại tại một trung tâm cộng đồng, nơi bầu không khí giống như một ký túc xá trường học, với một bảng phi tiêu treo trên tường và chiếc bàn ăn lớn, một cái ghế bành cũ và những chiếc ghế trước một chiếc tivi đang phát một trận bóng đá. Khoảng hai chục chàng trai ngồi trên ghế hay chiếu, húp mỳ xì xụp và tán chuyện về phim ảnh và âm nhạc. Đa số đều ở tuổi đôi mươi. Và nhiều người có những câu chuyện tương tự như Takeshi.

Cạnh chúng tôi là Shuichi, cũng như Takeshi, đề nghị không dùng tên đầy đủ để bảo đảm sự riêng tư của mình. Shuichi 20 tuổi, mặc quần bò cạp trễ trên thân hình gày gò và mơ trở thành một nghệ sĩ guitar. 3 năm trước, anh bỏ trường trung học và sống một năm ẩn dật khốn khổ trước khi một nhà tư vấn thuyết phục anh tham gia chương trình New Start. Ngồi trên ghế bành đằng sau Shuichi là một chàng trai đeo kính và mỉm cười bẽn lẽn. Sau nhiều năm bị bắt nạt ở trường học và không có bạn bè, Y.S. rút về phòng mình ở tuổi 14, chỉ xem tivi, lướt mạng và lắp các ô hình ôtô suốt… 13 năm sau. Rút cục anh rời phòng mình hồi năm ngoái. Cũng như Takeshi và Shuichi, Y.S. chịu hội chứng được gọi ở Nhật là hikikomori (nghĩa là rút lui), chỉ một người ở lỳ trong phòng từ 6 tháng trở lên và không có cuộc sống xã hội nào ngoài ngôi nhà của mình. Một số hikikomori thỉnh thoảng ra khỏi phòng để ăn cơm cùng cha mẹ, hoặc ra ngoài lúc đêm đến ghé qua các cửa hàng bán đồ ăn nhanh hay như trong trường hợp của Takeshi, mỗi tháng một lần đi mua đĩa CD. Mặc dù hikikomori nữ cũng tồn tại, các chuyên gia ước tính khoảng 80% trong số họ là nam, một số chỉ có 13, 14 tuổi, và có những người sống trong phòng suốt 15 năm hoặc hơn thế.

Hàn Quốc và Đài Loan có hiện tượng hikikomori rải rác, và Nhật trước đây chỉ có một vài trường hợp cá biệt. Nhưng trong thập kỷ qua, hikikomori bỗng trở thành một hiện tượng xã hội ở Nhật. Cũng giống như chứng sợ béo chủ yếu bó hẹp trong các nền văn hóa phương Tây, hikikomori là một hội chứng gắn chặt với văn hóa, phát triển mạnh ở một đất nước có những đặc tính riêng, trong một thời điểm nhất định trong lịch sử.

Khi hikikomori trở nền phổ biến, cả một nền công nghiệp phát triển xung quanh nó. Những nhóm hỗ trợ các bậc cha mẹ, các nhà tâm lý học chuyên về mảng này (trong đó có người chuyên tư vấn cho các hikikomori trên mạng) và các chương trình như New Start, cung cấp ký túc xá và đào tạo việc làm. Tuy nhiên, nó vẫn là một hiện tượng khiến người ta phải bối rối. Người Nhật quy kết mọi thứ từ những người mẹ quá nuông chiều con, những người cha luôn vắng mặt và chỉ biết đi làm, nạn hành hung ở trường học cho đến nền kinh tế suy thoái, từ áp lực học đường cho đến các video game.

“Đôi lúc tôi cũng tự hỏi mình có hiểu vấn đề này hay không”, Shinako Tsuchiya, một nhà lập pháp, thừa nhận. Bà dẫn đầu một nhóm nghiên cứu về hikikomori, nhưng đa số các đồng nghiệp của bà không quan tâm, và chính phủ chưa chịu cấp ngân sách. “Họ không hiểu nó nghiêm trọng đến thé nào”.

(Theo VnExpress.net)​
 
Bình luận (2)

minhson

New Member
Hội chứng hikikomori - Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (Phần 2)

vv2a.jpg
Hiroshi Sasaki, một hikikomori. (BBC)​

Rất khó có con số thống kê chính xác về chứng không ra khỏi phòng ở Nhật. Một nhà tâm lý học hàng đầu khẳng định có 1 triệu người Nhật là hikikomori, tương đương với 1% dân số.

Ngay cả những số liệu ước đoán dè dặt hơn cũng ở tầm 100.000 - 320.000 người, cho thấy vấn đề này đáng lo ngại đến mức nào.

Các hikikomori (những người mà kỹ năng chuyên môn và giao tiếp xã hội, nếu có, cũng đã thui chột) càng nhiều tuổi thì khả năng hòa nhập với thế giới càng giảm. Thậm chí, các chuyên gia dự đoán đa số hikikomori ẩn mình từ hơn 1 năm trở lên có thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Điều này có nghĩa là cho dù họ ra khỏi phòng, họ sẽ không có một việc làm ổn định hay một mối quan hệ lâu dài. Và một số có thể không bao giờ rời khỏi nhà. Nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ đang gần đến tuổi về hưu, và một khi họ qua đời, số phận của những hikikomori sẽ là câu hỏi mở.

Đây không phải là vấn đề chỉ riêng với các hikikomori và gia đình của họ mà cả một đất nước đang phải trầy trật với nền kinh tế xuống dốc, tỷ lệ sinh giảm và sự khủng hoảng trong giới trẻ. Tỷ lệ “chối bỏ trường học” (những đứa trẻ không đi học một tháng hay hơn một năm, đôi khi là bước khởi đầu cho hikikomori) đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Cùng với những người bị chứng hikikomori, hàng trăm nghìn chàng trai và cô gái khác đang không đi học cũng không đi làm. Sau 15 năm kinh tế ì ạch, những công việc ổn định đã giảm mạnh, và thay vào đó là những việc làm bán thời gian, nạn thất nghiệp và sự vô vọng về tương lai đối với nhiều người Nhật.

Thêm vào vấn đề kinh tế, văn hóa và giới tính đóng vai trò lớn trong hiện tượng hikikomori. “Các em nam chịu nhiều áp lực trong trường trung học, và mức độ thành công của các em được định hình chủ yếu trong 2 năm”, James Robertson, một nhà nghiên cứu văn hóa tại Đại học Tokyo Jogakkan và là chủ biên cuốn sách Đàn ông và nam tính ở Nhật thời nay, cho biết.

“Hikikomori là sự phản kháng đối với áp lực. Một cách tuyên bố: 'Tôi mặc kệ. Tôi không thích áp lực và tôi không thể thích ứng'”, ông bình luận. Hơn nữa, đây là một xã hội mà trẻ em có thể bỏ học. Ở Nhật, việc con cái sống chung với cha mẹ cho đến khi họ hơn 20 tuổi là phổ biến, và mặc dù nền kinh tế đi xuống, nhiều bậc cha mẹ đủ sức để nuôi con cái vô thời hạn, và họ đã làm việc này. Như một chuyên gia hikikomori bình luận: “Các ông bố bà mẹ Nhật bảo con cái mình bay lên trong khi lại nắm chặt cổ chân chúng”.

Một hậu quả là xuất hiện một tầng lớp dưới những thanh niên không thể và không chịu tham gia vào lực lượng lao động, tạo ra sự trái ngược với hình ảnh từ lâu của nước Nhật là những con người làm công ăn lương chăm chỉ.

“Chúng tôi từng tin rằng mọi người đều bình đẳng”, Noki Futagami, người sáng lập New Start, bình luận. “Nhưng hố ngăn cách đang lớn dần. Tôi đồ rằng xã hội này sẽ xuất hiện một sự phân cực. Sẽ có một nhóm người có thể ở trong thế giới toàn cầu. Và những người khác, như hikikomori, không thể ở trong thế giới đó”.

Vào giữa thập kỷ 1980, những chàng trai ít nói và uể oải, suốt ngày ở lỳ trong phòng bắt đầu xuất hiện trong văn phòng của bác sĩ Tamaki Saito.

“Khi đó tôi không biết phải gọi tên hội chứng này là gì”, Saito tâm sự tại bệnh viện Sofukai Sasaki (ngoại ô Tokyo), nơi ông là giám đốc chuyên môn. Saito có giọng nói nhỏ nhẹ, đôi mắt mơ màng và mái tóc dày đen. Trong thập kỷ qua, ông đã trở thành chuyên gia số một của Nhật về hikikomori. Các giá sách của bác sĩ chất đầy những quyển sách của ông về chủ đề này, trong đó có cuốn Làm thế nào để cứu con bạn khỏi hikikomori.

“Ban đầu, tôi chẩn đoán đây một dạng trầm uất, rối loạn nhân cách, hay thần kinh phân lập”, Saito cho biết. Nhưng khi bác sĩ phải điều trị con số ngày càng lớn các bệnh nhân với những triệu chứng giống nhau, ông dùng thuật ngữ hikikomori để miêu tả nó.

Không lâu sau đó, báo chí bắt đầu khai thác hiện tượng này, gọi những người không ra khỏi phòng là “thế hệ đã mất”, “triệu con người mất tích” và “sự ăn bám xã hội tột cùng”, biến hikikomori thành chủ đề của nhiều quyển sách, bài báo và bộ phim, như phim tài liệu “Ở nhà”. Trong đó, nhà làm phim tìm hiểu về cuộc sống của người em hikikomori của mình. Ngoài ra, hikikomori cũng bị đưa lên các hàng tít lớn, sau những vụ án giật gân, như trường hợp một kẻ tự nhốt mình trong phòng bắt cóc một bé gái 9 tuổi rồi giấu cô bé trong phòng mình suốt gần một thập kỷ.

(Theo VnExpress.net)​
 

minhson

New Member
Hội chứng hikikomori - Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (Phần 3)

vv2a.jpg
Bác sĩ Tamaki Saito, chuyên gia số 1 ở Nhật về hikikomori. (sut-tv.com)​

Tuy nhiên, trong thực tế, đa số hikikomori có sức ì quá lớn và không dám rời nhà mình, chứ chưa nói gì đến chuyện tính làm những việc bạo lực. Thay vào đó, họ có xu hướng chịu trầm uất hay ám ảnh thái quá.

Trong một số trường hợp, những vấn đề tâm lý trên dẫn đến chứng hikikomori. Tuy nhiên, thông thường, chúng là các triệu chứng – hậu quả của hàng tháng trời quẩn quanh trong phòng và trong chính cái đầu của họ.

Một hikikomori tắm mất vài giờ đồng hồ mỗi ngày và đeo đôi găng tay dày cỡ dành các nhà du hành vũ trụ để tránh vi trùng (cuối cùng cậu cũng tham gia vào một chương trình đào tạo, vứt cái đôi găng tay khốn khổ kia đi và có được một việc làm). Một người khác thì lau sàn buồng tắm hàng giờ đồng hồ. “Hóa đơn tiền nước cao gấp 10 lần thông thường”, em trai cậu kể với tôi. “Cứ như thể anh ấy muốn lau sạch những bụi bẩn trong đầu óc và trái tim mình vậy”.

Tamaki Sato, người đã chữa trị cho 1.000 bệnh nhân hikikomori, coi đây là một căn bệnh của gia đình và xã hội. Một phần nguyên nhân là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bậc cha mẹ và con cái. Các phụ huynh gây áp lực lên các cậu con trai, nhất là con cả, muốn họ đạt thành tích xuất sắc trong học tập và sự nghiệp. Những hikikomori thường kể về hàng năm trời phải học vẹt, tiếp theo là những buổi chiều và tối học thêm nhồi nhét để chuẩn bị cho các kỳ thi vào trung học và đại học. Cha mẹ ngày nay lại càng có nhiều đòi hỏi hơn, vì tỷ lệ sinh giảm ở Nhật có nghĩa là họ có ít con hơn để gửi gắm hy vọng, Mariko Fujiwara, giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Học viện Cuộc sống và Sống Hakuhodo ở Tokyo, cho biết. Nếu đứa trẻ không vào được một đại học danh tiếng và một công ty hàng dầu, nhiều bậc cha mẹ và chính các con cái họ, coi đó là một thất bại.

“Sau Thế chiến II, nhiều người Nhật chỉ biết đến kiểu tương lai của người làm công ăn lương. Họ thiếu trí tưởng tượng và sáng tạo để nghĩ về thế giới theo một cách mới”, Fujiwara cho biết.

Những người làm công ăn lương thời hậu Thế chiến II làm việc không mệt mỏi. Ít ra, họ cũng được đền đáp bằng sự ổn định cả đời. “Thời tôi còn trẻ thì mọi thứ rất đơn giản, đi học trung học, vào Đại học Tokyo (trường đại học danh tiếng nhất nước Nhật)”, Noki Futagami thuộc chương trình New Start kể. “Sau đó, bạn làm việc tại một công ty lớn. Ở đó, bạn trưởng thành. Công ty chăm lo cho bạn suốt phần còn lại của cuộc đời”.

Giờ đây, một nền kinh tế toàn cầu gọn nhẹ hơn đòi hỏi những năng lực riêng, những suy nghĩ độc lập, khả năng giao tiếp và sự năng động, mà nhiêu bậc cha mẹ và thày cô giáo không dạy cho các em. Thời niên thiếu, các em chỉ được đào tạo để chuẩn bị cho một hệ thống mà giờ đây đã teo tóp, khiến nhiều người cảm thấy bế tắc và không thể thích ứng..

Nhiều hikikomori miêu tả những năm học khốn khổ, bị bắt nạt vì quá béo hay quá bẽn lẽn hay thậm chí vì chơi thể thao hay âm nhạc giỏi hơn tất cả những người khác. Cũng giống như câu thành ngữ của Nhật: “Cái đinh nào nhô ra sẽ bị đập bẹp”.

Một hikikomori từng bị bắt nạt hồi lớp 5, chỉ vì chơi bóng chày xuất sắc mà không cần phải tập luyện lâu như các bạn khác trong đội. Cha cậu thừa nhận đã không làm gì để giúp con mình: “Chúng tôi bảo nó hãy tự giải quyết vấn đề của mình. Chúng tôi tưởng nó phải mạnh mẽ hơn thế”.

Fujiwara cho biết các cha mẹ thị thành có cuộc sống ngày càng biệt lập, tách khỏi gia đình, họ hàng bên nội, ngoại, và đơn giản là không biết cách dạy con cái mình giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ.

Trong các xã hội khác, phản ứng của thanh niên sẽ khác. Nếu chúng không thể thích ứng, chúng có thể gia nhập một băng nhóm hay trở thành người theo các trường phái lập dị. Nhưng ở Nhật, nơi mà sự đồng nhất được coi trọng, tên tuổi và vẻ bề ngoài được tôn vinh hơn hết thảy, sự nổi loạn phải diễn ra theo những cách thầm lặng, mà hikikomori là một dạng như vậy. Bất kỳ nỗi khát khao nào của hikikomori muốn tìm tới một mối quan hệ lãng mạn hay sex, chẳng hạn, đều bị sự căm ghét bản thân và nhu cầu muốn khép kín mình bóp nghẹt. Họ không muốn những thất bại của bản thân, cho dù chúng có thật hay chỉ là tưởng tượng, bị lộ ra thế giới bên ngoài.

“Giới trẻ Nhật được coi là an toàn nhất thế giới, vì tỷ lệ phạm tội rất thấp”, Saito bình luận. “Nhưng tôi nghĩ rằng điều này có liên quan đến trạng thái tâm lý của con người. Ở nước nào, giới trẻ cũng đều có những rối loạn về thích ứng. Ở phương Tây, các em bỏ nhà hay nghiện ma túy. Ở Nhật, đó là sự thờ ơ và những vấn đề như hikikomori”.

(Còn tiếp...)​
(Theo VnExpress.Net)​
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top